Zalo

Sống thọ: Các tác hại của việc ăn uống không lành mạnh

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Dinh dưỡng là một phần thiết yếu của cuộc sống. Chúng ta sống khỏe mạnh và sống thọ hơn một phần là nhờ những chất dinh dưỡng từ đồ ăn thức uống mang lại. Vì vậy, một chế độ ăn uống không lành mạnh và khoa học sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của chúng ta. Cùng tìm hiểu về tác hại của việc ăn uống không lành mạnh qua bài viết sau đây.

1. Thế nào là ăn uống không lành mạnh? 

Ăn uống là một trong những nhu cầu cơ bản và thiết yếu của con người. Nó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp chúng ta khoẻ mạnh và phòng chống nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay con người đã và đang có nhiều thói quen ăn uống không lành mạnh gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và tuổi thọ của chính chúng ta.

Chế độ ăn uống không lành mạnh là chế độ ăn uống quá nhiều những thực phẩm không tốt cho sức khỏe và ăn quá ít những thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Chế độ ăn uống không lành mạnh còn bao gồm cả việc ăn uống không đúng giờ, ăn bỏ bữa hoặc ăn kiêng không đúng cách.

Chế độ ăn uống không lành mạnh được đặc trưng bởi sự hạn chế ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây, cá và thịt trắng trong khẩu phần ăn nhưng lại ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, trứng, ngũ cốc tinh chế và đồ uống có đường.

tác hại của việc ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh được đặc trưng bởi sự hạn chế ngũ cốc nguyên hạt 

Mặc dù thịt đỏ có chứa nhiều vitamin, khoáng chất và nhiều chất dinh dưỡng khác có lợi cho sức khoẻ nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên dùng thịt đỏ như thực phẩm chính trong khẩu phần ăn mỗi ngày mà hãy sử dụng thịt đỏ 2 - 3 khẩu phần ăn trong 1 tuần. Sử dụng thịt đỏ mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, thừa cân béo phì và nhiều bệnh lý khác. Thịt đỏ bao gồm những loại thịt như thịt heo, thịt bò, thịt dê, thịt bê và thịt nai..

Ngũ cốc tinh chế bao gồm gạo trắng, bột mì trắng, bánh mì trắng… là những loại ngũ cốc hoặc sản phẩm từ ngũ cốc đã bị loại bỏ hầu hết các chất xơ, vitamin và khoáng chất nên chúng được xem là nguồn calo rỗng. Khi ăn vào cơ thể, chúng được tiêu hoá nhanh và tạo lượng đường cao. Chính vì vậy, những thực phẩm này làm tăng nhanh lượng đường và insulin trong máu sau mỗi bữa ăn. Nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và nhiều bệnh lý khác.

Khi bạn ăn quá nhiều thịt đỏ, sữa, bơ phô mai hay các loại thức ăn nhanh sẽ làm tăng lượng chất béo bão hoà trong cơ thể. Từ đó làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, thừa cân và béo phì.

Uống bia rượu, đồ có cồn hay nước ngọt có ga cũng là ăn uống không lành mạnh. Những đồ uống này sẽ làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý mỡ máu, huyết áp, tiểu đường, thừa cân béo phì và nhiều bệnh lý khác của cơ thể.

Chế độ ăn thiếu rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin khoáng chất và nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Ăn mặn, ăn nhiều muối, nước mắm trong bữa ăn cũng gây ảnh hưởng đến tim mạch, thận và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Ngoài ra, chế độ ăn kiêng không khoa học có thể dẫn đến cơ thể bị thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết. Hoặc chế độ ăn không điều độ, ăn không đúng giờ, bỏ bữa ăn đặc biệt là bữa ăn sáng sẽ khiến sức khỏe giảm sút dễ mắc bệnh đặc biệt là các bệnh lý về dạ dày, tiêu hoá.

2. Tác hại của việc ăn uống không lành mạnh là gì?

Cơ thể chúng ta cần nguồn dinh dưỡng dồi dào từ những thực phẩm có lợi cho sức khỏe qua đường ăn uống. Chính vì vậy, hậu quả của việc ăn uống không hợp lý là gây ra nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khoẻ từ hệ tim mạch, hệ nội tiết, hệ tiêu hoá và nhiều hệ thống cơ quan khác trong cơ thể. Các tác hại của ăn uống không lành mạnh bao gồm:

  • Thừa cân béo phì là một trong những hậu quả của việc ăn uống không hợp lý. Đây là một thực trạng đang phổ biến hiện nay, đặc biệt ở giới trẻ do chế độ ăn quá nhiều chất béo ngọt và thức ăn nhanh. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì ở Việt Nam đang tăng nhanh báo động trong 10 năm qua và tốc độ tăng nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, người trưởng thành béo phì cũng chiếm tỷ lệ cao. Thừa cân béo phì sẽ gây ra nhiều bệnh lý khác như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, tim mạch. Đối với trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình dậy thì, chiều cao cũng như làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khi đến tuổi trưởng thành.
tác hại của việc ăn uống không lành mạnh
Thừa cân béo phì là một trong những hậu quả của việc ăn uống không hợp lý 
  • Bệnh lý tim mạch, tiểu đường cũng là tác hại của việc ăn uống không lành mạnh. Chế độ ăn nhiều thịt đỏ, nhiều chất béo ngọt và chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như huyết áp, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, mỡ máu và làm tăng nguy cơ tử vong. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch đứng hàng đầu ở nước ta và bệnh tim mạch ngày càng đang trẻ hoá. Nếu trước đây, bệnh tim mạch chủ yếu xảy ra ở người có độ tuổi trung niên trở đi, thì hiện nay do chế độ ăn uống không lành mạnh và chế độ sinh hoạt tập luyện không hợp lý dẫn đến tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng.
  • Các bệnh lý về đường tiêu hoá cũng là tác hại của ăn uống không lành mạnh trong đó có cả ung thư đường tiêu hoá. Chế độ ăn cay nóng, nhiều thức ăn nhanh, uống nhiều bia rượu làm tăng nguy cơ các bệnh lý về dạ dày, bệnh đường tiêu hoá và ung thư.
  • Một chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu chất có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống không lành mạnh, chẳng hạn như đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn nhưng thiếu các chất vitamin, khoáng chất từ rau xanh, trái cây có thể dẫn đến tăng cân, béo phì và các tình trạng mãn tính khác khiến con người có nguy cơ cao mắc ít nhất 13 loại ung thư, bao gồm ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng. Nguy cơ ung thư đại trực tràng cũng liên quan đến việc ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
  • Một trong những tác hại của ăn uống không lành mạnh có thể kể đến bệnh gút. Với bệnh gút, sự tích tụ axit uric dẫn đến sự hình thành các tinh thể trong khớp của bạn. Tình trạng sưng đau liên quan đến bệnh gút có thể dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn. Chế độ ăn nhiều chất béo hoặc cholesterol có thể gây ra bệnh gút. Một số hải sản - cá mòi, trai, hàu và sò điệp - cũng như thịt đỏ, thịt gia cầm, thịt lợn, bơ, sữa nguyên kem, kem và pho mát có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể bạn, gây ra bệnh gút.
  • Tác hại của ăn uống không lành mạnh bao gồm cả suy giảm sức đề kháng. Rau xanh, trái cây sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin khoáng chất và nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, làm tăng cường sức đề kháng, chống oxy hoá. Một chế độ ăn ít rau xanh và trái cây sẽ làm sức đề kháng của cơ thể yếu kém, dễ mắc bệnh.

3. Cách thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh

Hậu quả của việc ăn uống không hợp lý có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn cần thiết lập cho bản thân một thói quen ăn uống lành mạnh bao gồm những lưu ý sau

3.1. Chế độ ăn lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh là chế độ ăn cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng đa lượng để đáp ứng nhu cầu sinh lý và năng lượng, không dư thừa, đồng thời cung cấp đủ nước và vi chất dinh dưỡng để hỗ trợ các chức năng sinh lý của cơ thể. Carbohydrate, chất béo và protein là các chất dinh dưỡng đa lượng, cung cấp năng lượng cho các quá trình tế bào liên quan đến hoạt động hàng ngày của tất cả các cơ quan trong cơ thể. Khoáng chất và vitamin là những vi chất dinh dưỡng thiết yếu mặc dù cần một lượng nhỏ để tăng trưởng, phát triển, trao đổi chất và các chức năng sinh lý nói chung của cơ thể.

  • Carbohydrate là nguồn năng lượng chính và được cung cấp chủ yếu từ việc tiêu thụ ngũ cốc, trái cây, rau và các loại đậu. Khuyến cáo nên chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế, loại ngũ cốc này sẽ mất mầm và cám trong quá trình xay xát, dẫn đến hàm lượng vi chất dinh dưỡng và chất xơ thấp hơn đáng kể.
  • Protein trong chế độ ăn uống cung cấp năng lượng và axit amin, bao gồm các axit amin thiết yếu mà cơ thể con người cần để hoạt động bình thường nhưng không thể tự sản xuất được. Protein có thể đến từ nguồn động vật (thịt, trứng, cá, sữa) và thực vật (các loại đậu, quả hạch, ngũ cốc, hạt). Tăng cường cung cấp protein từ thịt trắng thay cho thịt đỏ để giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, tiểu đường và ung thư.
  • Thay thế chất béo bão hoà bằng chất béo không bão hoà để giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch. Chất béo không bão hoà đa làm giảm cholesterol xấu, tăng cường cholesterol tốt cho cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư. Chất béo không bão hoà đơn cũng ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, tăng cường sức khỏe cho hệ xương khớp. Chất béo không bão hoà có trong các loại hạt như hạnh nhân, điều; các loại dầu thực vật như dầu đậu phộng, dầu oliu; các loại bơ thực vật, quả bơ..
  • Trái cây và rau quả tươi cung cấp năng lượng và chất xơ, giúp thúc đẩy cảm giác no và có tác dụng có lợi đối với hoạt động của đường tiêu hóa, kiểm soát đường huyết và nồng độ lipid trong máu.
  • Hạn chế thức ăn béo ngọt, thức ăn nhanh chế biến sẵn.

3.2. Không bỏ bữa ăn sáng

Bữa ăn sáng là một bữa ăn cần thiết và quan trọng với cơ thể. Nó cung cấp cho chúng ta năng lượng để hoạt động, nâng cao hiệu quả học tập và làm việc. Bỏ bữa ăn sáng sẽ khiến bạn thấy mệt mỏi, uể oải, không đủ sức và không thể tập trung tỉnh táo để làm việc.

3.3. Uống đủ nước và hạn chế bia rượu, nước ngọt

Việc uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày sẽ giúp cơ thể khỏe khoắn, cơ thể loại bỏ tốt các chất thải, chất độc hại, làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời uống đủ nước sẽ giúp đầu óc tỉnh táo, tập trung hơn trong công việc và học tập. 

Kiểm soát lượng cồn đưa vào cơ thể ở mức cho phép. Hạn chế nước ngọt, đồ uống có cồn sẽ giúp bạn phòng tránh được nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường. Để giữ sức khỏe tốt và tránh bệnh tật, khuyến nghị không nên uống quá 14 đơn vị rượu mỗi tuần , đối với cả nam và nữ. Vậy 14 đơn vị rượu là khoảng 6 lít bia hoặc rượu bia có nồng độ trung bình (ABV 4%), 6 ly rượu vang 175ml (ABV 13%) 14 ly rượu mạnh 25ml.

Tăng cường các loại nước ép từ rau củ hoa quả để tăng cường bổ sung vitamin, chất xơ và khoáng chất cho cơ thể, giúp nâng cao sức đề kháng phòng chống bệnh tật.

3.4. Ăn kiêng hoặc ăn chay khoa học

Nếu bạn đang giảm cân hoặc ăn chay trường, bạn cần chọn cho mình một chế độ ăn khoa học để đảm bảo đạt được mục đích và nhu cầu mong muốn của bạn nhưng vẫn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tránh ăn quá nhiều một loại chất dinh dưỡng nhưng lại thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác.

3.5. Tuân thủ giờ giấc ăn uống

Với tính chất và những áp lực công việc học tập hiện nay, nhiều người thường hay bỏ bữa hoặc ăn trễ bữa gây ra các bệnh lý về tiêu hoá nhưng viêm loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hoá. Bạn hãy thiết lập cho bản thân giờ giấc ăn cố định. Việc ăn uống đúng giờ giấc, không bỏ bữa cũng giúp bạn phòng tránh được các bệnh lý về dạ dày, tiêu hoá. 

Không ăn quá nhanh, nhai chậm nuốt kỹ cũng giúp cơ thể bạn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Nước ta có nhiều bệnh lý đang là gánh nặng cho nền y tế cũng như kinh tế như bệnh tim mạch, tiểu đường, thừa cân béo phì. Và độ tuổi mắc các bệnh lý này ngày càng trẻ hoá. Đây là tác hại của việc ăn uống không lành mạnh. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân của bạn, hãy thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với chế độ sinh hoạt và tập luyện để có một cuộc sống chất lượng, khỏe mạnh.

Hiện nay, liệu pháp tái tạo năng lượng được nhiều người tin tưởng, giúp bổ sung vitamin cho toàn bộ cơ thể, chống lại sự mệt mỏi, cải thiện tinh thần, trẻ hóa não bộ và tăng cường năng lượng nhanh chóng từ cấp độ tế bào. Phương pháp này được thực hiện bằng cách truyền tĩnh mạch vi hoạt chất (bao gồm: Chất lỏng, chất điện giải, vitamin, chất chống oxy hóa và axit amin cùng dung dịch truyền độc quyền) giúp bổ sung toàn diện vitamin, axit amin và thúc đẩy glutathione để có sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Nhờ đó bạn sẽ nhanh chóng lấy lại năng lượng tích cực và thoát khỏi tình trạng căng thẳng, stress kéo dài. 

Tài liệu tham khảo: Ncbi.nlm.nih.gov

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Trần Thị Thuý Hiếu xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Có phải tế bào gốc chống lão hóa và trẻ hóa cơ thể?

Có phải tế bào gốc chống lão hóa và trẻ hóa cơ thể?

Tuổi thọ có phải do di truyền quyết định?

Tuổi thọ có phải do di truyền quyết định?

Liệu pháp chống lão hóa thế hệ tiếp theo

Liệu pháp chống lão hóa thế hệ tiếp theo

Vì sao phụ nữ bị suy giảm trí nhớ tiền mãn kinh?

Vì sao phụ nữ bị suy giảm trí nhớ tiền mãn kinh?

Tế bào gốc là gì và chúng có tác dụng gì?

Tế bào gốc là gì và chúng có tác dụng gì?

358

Bài viết hữu ích?