Zalo

Tác hại lâu dài của béo phì đến thể trạng của bạn

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Bệnh béo phì hiện nay đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới, khiến nhiều tổ chức trong đó có cả WHO ví nó như 1 “đại dịch” toàn cầu mới. Thừa cân, đặc biệt là béo phì, làm suy giảm hầu hết mọi khía cạnh của sức khỏe, từ chức năng sinh sản, tim mạch và hô hấp đến trí nhớ và tâm trạng. Vậy cụ thể thì tác hại lâu dài của béo phì như thế nào?

Thừa cân béo phì làm suy giảm hầu hết mọi khía cạnh của sức khỏe, đồng thời tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý gây suy nhược và chết người, bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư. Béo phì ảnh hưởng tiêu cực lên cơ thể chúng ta thông qua nhiều con đường khác nhau, một số cơ chế đơn giản như áp lực cơ học khi tăng cân, hay một số vấn đề liên quan đến những thay đổi phức tạp trong hormone và quá trình trao đổi chất. Béo phì làm giảm chất lượng và thời gian sống, đồng thời làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cá nhân, quốc gia và toàn cầu. 

Toàn bộ nội dung dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn thông tin chi tiết về các tác hại lâu dài của béo phì, hay cụ thể hơn là việc sức khỏe bị suy giảm do béo phì như thế nào. 

1. Béo phì và bệnh tim mạch

Nếu nói đến việc béo phì ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe mà không nhắc đến những nguy cơ trên tim mạch có thể là một sự thiếu sót. Trọng lượng cơ thể có liên quan trực tiếp đến các yếu tố nguy cơ tim mạch khác nhau. Khi chỉ số BMI tăng lên, huyết áp, cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL, hoặc “mỡ xấu”), triglyceride, lượng đường trong máu và tình trạng viêm cũng tăng theo. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh lý mạch vành, đột quỵ và tử vong do tim mạch:

  • Béo phì và bệnh động mạch vành: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa trọng lượng cơ thể dư thừa và bệnh mạch vành (CAD). Các nhà điều tra đã tiến hành phân tích tổng hợp 21 nghiên cứu dài hạn theo dõi hơn 300.000 người tham gia trong trung bình 16 năm. Những người thừa cân tham gia nghiên cứu có nguy cơ phát triển CAD cao hơn 32% so với những người có cân nặng bình thường, đặc biệt, những người béo phì có nguy cơ cao hơn 81%. Các nhà điều tra cũng ước tính rằng ảnh hưởng của tình trạng trọng lượng dư thừa đối với huyết áp và cholesterol trong máu chỉ chiếm khoảng một nửa nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành liên quan đến béo phì.
  • Béo phì và đột quỵ: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (do cục máu đông) và bệnh động mạch vành có nhiều quá trình bệnh và yếu tố nguy cơ giống nhau. Một phân tích tổng hợp của 25 nghiên cứu với 2,3 triệu người tham gia đã chứng minh mối liên hệ trực tiếp, có phân loại giữa trọng lượng dư thừa và nguy cơ đột quỵ. Thừa cân làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ lên 22% và béo phì làm tăng nguy cơ này lên 64%. Một phân tích liên quan đến huyết áp, cholesterol và bệnh tiểu đường, cho thấy rằng những yếu tố này làm trung gian ảnh hưởng của bệnh béo phì đối với đột quỵ.
  • Béo phì và tử vong do bệnh tim  mạch: Trong một phân tích tổng hợp của 26 nghiên cứu quan sát bao gồm 390.000 đàn ông và phụ nữ đã cho thấy béo phì có liên quan đáng kể đến tử vong do bệnh mạch vành (CAD) và bệnh tim mạch. Phụ nữ có chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ tử vong sớm do CAD cao hơn 62% và cũng có nguy cơ tử vong sớm do bất kỳ loại bệnh tim mạch nào cao hơn 53% so với những phụ nữ có chỉ số BMI ở mức bình thường (18,5 - 24,9). Đàn ông có chỉ số BMI từ 30 trở lên cũng có nguy cơ cao tương tự.
Bệnh lý tim mạch là một tác hại lâu dài của béo phì

Tin tốt là giảm cân từ 5 - 10 % trọng lượng cơ thể có thể làm giảm huyết áp, cholesterol LDL và Triglyceride, đồng thời cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. 

2. Béo phì và đái tháo đường

Một ví dụ nặng nề nhất chỉ ra việc béo phì ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người đó là thông qua bệnh lý đái tháo đường, cụ thể là đái tháo đường type 2. 

Các tế bào mỡ, đặc biệt là những tế bào được tích trữ quanh eo, tiết ra hormone và các chất khác gây viêm. Mặc dù tình trạng viêm là một thành phần thiết yếu của hệ thống miễn dịch và là một phần của quá trình chữa lành, tuy nhiên tình trạng viêm không phù hợp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Vấn đề này thường gặp ở những bệnh nhân béo phì mãn tính. Về lâu dài, chứng viêm có thể khiến cơ thể phản ứng kém hơn với insulin và thay đổi cách cơ thể chuyển hóa chất béo và carbohydrate, dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn và cuối cùng là sự xuất hiện của bệnh tiểu đường cùng nhiều biến chứng của nó. 

Trong một nghiên cứu theo dõi 114.000 phụ nữ trung niên trong 14 năm, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 35 trở lên (tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu), cao hơn 93 lần khi so với phụ nữ có chỉ số BMI thấp hơn 22. Tăng cân khi trưởng thành cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả ở những phụ nữ có chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh. 

Gần đây hơn, các nhà điều tra đã tiến hành đánh giá có hệ thống 89 nghiên cứu về các bệnh liên quan đến béo phì và sau đó thực hiện một bản tóm tắt thống kê. Cụ thể, trong số 18 bệnh liên quan đến béo phì mà họ nghiên cứu, bệnh tiểu đường đứng đầu danh sách rủi ro. So với nam giới và phụ nữ có cân nặng bình thường (BMI thấp hơn 25), nam giới có chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp 7 lần, phụ nữ có chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ cao gấp 12 lần.

Một số thử nghiệm lớn đã chỉ ra rằng giảm cân vừa phải có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự hình thành của bệnh tiểu đường ở những người có nguy cơ cao. 

3. Béo phì và ung thư

Nếu bạn cảm thấy sức khỏe bị suy giảm do béo phì, hãy nghĩ đến nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên hiện nay, mối liên quan giữa béo phì và ung thư không hoàn toàn rõ ràng như đối với bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Điều này một phần là do ung thư không phải là một bệnh đơn lẻ mà là 1 tập hợp các bệnh riêng lẻ.

Trong một đánh giá được công bố vào năm 2007, một hội đồng chuyên gia do Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ tập hợp đã kết luận rằng có bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư thực quản, tuyến tụy, đại tràng và trực tràng, vú, nội mạc tử cung và thận, và mối liên hệ có thể xảy ra giữa béo phì và ung thư túi mật. 

Béo bụng và tăng cân khi trưởng thành cũng có liên quan đến một số bệnh ung thư. Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp sau đó đã xác nhận mối liên hệ trực tiếp giữa béo phì và ung thư vú, ruột kết và trực tràng, nội mạc tử cung, thực quản, thận, buồng trứng và tuyến tụy. Dù chưa xác định được rõ tỉ lệ nguy cơ, tuy nhiên các chuyên gia cũng xem các bệnh lý ung thư là một trong những tác hại lâu dài của béo phì.

4. Béo phì, trầm cảm và chất lượng cuộc sống

Tỷ lệ béo phì kết hợp với trầm cảm tăng cao đã thúc đẩy nhiều nhà điều tra khám phá mối quan hệ giữa cân nặng và trạng thái tâm lý của con người.

Một phân tích trên 17 nghiên cứu cắt ngang cho thấy những người béo phì có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn những người có cân nặng khỏe mạnh. Vì các nghiên cứu trên  chỉ đánh giá cân nặng và tâm trạng tại một thời điểm nên các nhà điều tra không thể nói liệu béo phì làm tăng nguy cơ trầm cảm hay trầm cảm làm tăng nguy cơ béo phì. 

Bằng chứng mới xác nhận rằng mối quan hệ giữa béo phì và trầm cảm có thể là con đường hai chiều. Một phân tích tổng hợp của 15 nghiên cứu dài hạn theo dõi 58.000 người tham gia trong 28 năm cho thấy những người béo phì (tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu) có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 55% vào cuối giai đoạn theo dõi và những người bị trầm cảm (tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu) có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn 58%. (18)

Mặc dù mối liên hệ sinh học giữa béo phì và trầm cảm vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng các cơ chế có thể bao gồm kích hoạt phản ứng viêm, thay đổi trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, tình trạng kháng insulin và các yếu tố xã hội hoặc văn hóa.

5. Béo phì và chức năng sinh sản

Tác hại lâu dài của béo phì còn được thể hiện qua những ảnh hưởng tiêu cực đến các khía cạnh khác nhau của sinh sản, từ hoạt động tình dục đến thụ thai.

Trong các nghiên cứu thống kê, tỷ lệ vô sinh thấp nhất ở phụ nữ có chỉ số BMI từ 20 - 24 và tăng lên theo hình chữ “U” khi chỉ số BMI thấp đi hoặc tăng cao. Nghiên cứu này cho thấy rằng 25% trường hợp vô sinh liên quan đến rụng trứng có thể là do béo phì.

Khi mang thai, béo phì làm tăng nguy cơ sảy thai, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và các biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Nó cũng làm tăng nhẹ khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh. Một thử nghiệm ngẫu nhiên nhỏ cho thấy giảm cân vừa phải giúp cải thiện khả năng sinh sản ở phụ nữ béo phì. 

Tác hại lâu dài của béo phì còn được thể hiện qua những ảnh hưởng tiêu cực đến các khía cạnh khác nhau của sinh sản 

Tác động của béo phì đối với khả năng sinh sản của nam giới chưa rõ ràng. Trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ số lượng tinh trùng thấp và khả năng di chuyển của tinh trùng kém tăng theo chỉ số BMI, từ 5,3% và 4,5% tương ứng ở nam giới có cân nặng bình thường lên 15,6 và 13,3% ở nam giới béo phì. Ngược lại, một nghiên cứu khác lại cho thấy trọng lượng cơ thể ít ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch ngoại trừ ở những người có chỉ số BMI rất cao (trên 35), mặc dù có sự khác biệt lớn về mức độ hormone sinh sản khi cân nặng tăng lên. 

Chức năng tình dục cũng có thể bị ảnh hưởng do béo phì. Các dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc chứng rối loạn cương dương tăng lên khi chỉ số BMI tăng. Đáng chú ý, giảm cân có vẻ hữu ích trong việc duy trì chức năng cương dương. Ảnh hưởng của béo phì đối với chức năng tình dục của phụ nữ chưa rõ ràng. Trong một cuộc khảo sát nhỏ với 118 phụ nữ đã phát hiện ra rằng phụ nữ béo phì có điểm số chức năng tình dục nữ thấp, với mối tương quan chặt chẽ giữa việc tăng chỉ số BMI và các vấn đề về kích thích, bôi trơn, cực khoái và sự hài lòng khi quan hệ tình dục.

6. Béo phì và bệnh đường hô hấp

Trọng lượng dư thừa làm suy yếu chức năng hô hấp, do vậy sức khỏe bị suy giảm do béo phì cũng một phần liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp. Cụ thể, sự tích tụ mỡ bụng có thể hạn chế sự hạ xuống của cơ hoành, và do đó, hạn chế sự giãn nở của phổi. Trong khi đó, sự tích tụ mỡ nội tạng có thể làm giảm tính linh hoạt của thành ngực, làm suy yếu sức mạnh cơ hô hấp và làm hẹp đường dẫn khí trong phổi. Cytokine được tạo ra bởi tình trạng viêm thường đi kèm với béo phì cũng có thể liên quan đến các chức năng hô hấp.

Hen suyễn và ngưng thở khi ngủ là 2 bệnh đường hô hấp phổ biến có liên quan đến tình trạng béo phì mãn tính. Trong một phân tích tổng hợp của 7 nghiên cứu trên 333.000 đối tượng, béo phì làm tăng 50% nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn ở cả nam và nữ. Béo phì cũng là nguyên nhân chính gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ước tính tình trạng ảnh hưởng đến khoảng ⅕ người lớn mắc béo phì;. Tình trạng này có liên quan đến buồn ngủ ban ngày, tai nạn, tăng huyết áp, bệnh tim mạch và tử vong sớm. Từ 50 - 75 % những người mắc chứng OSA bị béo phì. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy giảm cân có thể hữu ích khi điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.

7. Béo phì và bệnh lý thần kinh

Bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ là 1 vấn đề nhức nhối của những người lớn tuổi. Tại Hoa Kỳ, những bệnh này ảnh hưởng đến hơn 7,5 triệu người, hầu hết trong số họ trên 65 tuổi. Ở tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ước tính trong đời là 17,2% ở phụ nữ và 9,1% ở nam giới. 

Trọng lượng cơ thể là một yếu tố rủi ro có thể cải thiện được đối với bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ. Một phân tích tổng hợp của 10 nghiên cứu bao gồm gần 42.000 đối tượng được theo dõi trong 3 đến 36 năm đã chứng minh mối liên hệ hình chữ U giữa BMI và bệnh Alzheimer. So với người có cân nặng bình thường, thiếu cân có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 36% trong khi béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 42%. Một phân tích tổng hợp gần đây hơn đã chứng minh mối liên hệ chặt chẽ tương tự giữa bệnh béo phì và bệnh Alzheimer. 

8. Béo phì và bệnh lý xương khớp

Các bệnh lý cơ xương khớp cũng được xem là một trong những tác hại lâu dài của béo phì. Trọng lượng dư thừa đặt các áp lực cơ học và trao đổi chất lên xương, cơ và khớp. Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 46 triệu người trưởng thành báo cáo bị viêm khớp do bác sĩ chẩn đoán. Thoái hóa khớp gối và khớp háng đều có liên quan mật thiết với bệnh béo phì, bệnh nhân béo phì chiếm 1/3 tổng số ca phẫu thuật thay khớp. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ đau lưng, đau chi dưới và tàn tật do các bệnh cơ xương.

Các bệnh lý cơ xương khớp cũng được xem là một trong những tác hại lâu dài của béo phì

9. Béo phì và các tình trạng khác

Một số báo cáo khác cũng đưa ra những liên quan giữ béo phì và sự phát triển của sỏi mật ở nam giới và phụ nữ, cũng như bệnh gút, bệnh thận mãn tính và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. 

Béo phì về ngắn hạn hay lâu dài đều có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho hầu hết mọi khía cạnh của sức khỏe, từ việc rút ngắn tuổi thọ và góp phần gây ra các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch đến cản trở chức năng tình dục, hô hấp, tâm trạng và các tương tác xã hội. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng béo phì không phải là không điều trị được. Chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, thuốc men và thậm chí phẫu thuật có thể giúp cải thiện bệnh lý này. 

Để giảm thiểu những tác hại lâu dài của béo phì với sức khỏe, bạn cần phải quản trị lại cân nặng của mình. Ngày nay, nếu muốn giảm cân hiệu quả, bạn có thể tham khảo liệu pháp tiêu hao năng lượng. Phương pháp này sử dụng vitamin & khoáng chất để thúc đẩy sự chuyển hóa mỡ theo cơ chế tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước khi thực hiện, bạn sẽ được đánh giá sức khỏe tổng thể và bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ giảm cân phù hợp với từng người dựa trên kết quả xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chỉ số khối cơ thể (BMI). Trong suốt quá trình thực hiện liệu trình sẽ luôn có bác sĩ theo sát, lên kế hoạch dinh dưỡng và tập luyện phù hợp với thể trạng của từng người.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách đốt mỡ mà không cần tập thể dục

Cách đốt mỡ mà không cần tập thể dục

Các bài tập giảm mỡ bụng trong 7 ngày

Các bài tập giảm mỡ bụng trong 7 ngày

Ăn nhiều mỡ lợn có tốt không?

Ăn nhiều mỡ lợn có tốt không?

18

Bài viết hữu ích?