Zalo

Triglyceride trong xét nghiệm máu là gì?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Chỉ số triglyceride trong xét nghiệm máu giúp chẩn đoán hội chứng chuyển hóa và rối loạn mỡ máu. Khi kết quả xét nghiệm cho biết chỉ số này cao thì khả năng người bệnh có nguy cơ đối với tình trạng xơ vữa động mạch cảnh, vôi hóa động mạch vành và nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Vậy chỉ số Triglyceride trong xét nghiệm máu là gì? Hãy cùng bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn những thông tin liên quan đến xét nghiệm này.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1.  Xét nghiệm triglyceride là gì?

Triglyceride trong xét nghiệm máu là gì? Đây là thắc mắc của rất nhiều người khi thực hiện xét nghiệm này. Triglyceride (hay gọi với tên khác là triacylglycerol) là một loại chất béo trung tính, được tổng hợp ở gan axit béo, protein và glucose. Triglycerid thông thường được dự trữ trong các mô mỡ và cơ, được sử dụng như dạng năng lượng cho các hoạt động cơ thể khi cần. Đây là dạng chất béo chính có trong các loại mỡ từ động vật (như mỡ lợn, da gà, da vịt, da lợn, mỡ bò…) và một số dầu thực vật (từ bơ, đậu phộng…).

Các chất béo này sau khi được đưa vào cơ thể sẽ qua quá trình phân tách nhiều lần và được hấp thụ thành dạng năng lượng sử dụng cho các hoạt động. Trong trường hợp, chúng ta nạp quá nhiều chất béo so với nhu cầu cơ thể thì nồng độ triglyceride sẽ được tích tụ trong máu, dẫn đến một số nguy cơ mắc phải các bệnh lý như rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh tim mạch, viêm tụy cấp tính và mãn tính, tiểu đường

Xét nghiệm triglyceride thường được kết hợp thực hiện với các xét nghiệm như cholesterol toàn phần, triglyceride (chất béo trung tính), LDL-cholesterol (mỡ máu xấu), HDL-cholesterol (mỡ máu tốt) nhằm đánh giá toàn diện về tình trạng mỡ máu của người bệnh.

Dưới đây là bảng chỉ số Triglyceride theo phân loại mức độ như sau:

Chỉ số triglycerideMức độ
Dưới 150 mg/dL (1,7 mmol/L)Bình thường
150 – 199 mg/dL (1.7 – 2 mmol/L)Trên mức bình thường
200 – 499 mg/dL (2 – 6 mmol/L)Tăng cao
Trên 500 mg/dL (trên 6 mmol/L)Tăng rất cao

Tuy nhiên, kết quả của chỉ số này còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động khác bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: nhịn ăn ít nhất từ 8 – 12 tiếng trước xét nghiệm và không uống bia rượu 24 giờ, uống bia rượu dẫn sẽ đến kết quả không chính xác.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: một số loại thuốc điều trị có thể khiến sai lệch kết quả xét nghiệm triglyceride như thuốc tránh thai loại uống, lợi tiểu, corticosteroid, dextrothyroxine, metformin…
  •  Lứa tuổi: mỗi đối tượng (trẻ nhỏ, người trưởng thành, người lớn) sẽ có chỉ số tham chiếu triglyceride khác nhau. Vì vậy, cần kê khai rõ thông tin về độ tuổi cho bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm này.
  • Trang thiết bị xét nghiệm: để có kết quả xét nghiệm chỉ số này chính xác, người bệnh cần thực hiện ở cơ sở y tế trang thiết bị hiện đại, cũng như các sinh phẩm, hóa chất và thường được kiểm định chất lượng thường xuyên để có kết quả chính xác.

Ngoài ra kết quả xét nghiệm triglyceride đa số không chính xác trong thời kỳ mang thai, bệnh cường giáp, hội chứng thận hư, thừa cân béo phì

triglyceride trong xét nghiệm máu là gì
Kết quả xét nghiệm triglycerides bị ảnh hưởng do các yếu tố khác

2. Vì sao cần phải xét nghiệm Triglycerid trong máu?

Hầu hết các trường hợp người bệnh được chỉ định thực hiện xét nghiệm triglyceride trong kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để xác định tình trạng chuyển hóa của lipid máu. Thông thường để đảm bảo kết quả chính xác, người bệnh được dặn dò lấy máu cho xét nghiệm này lúc đói, kể cả người bệnh có yếu tố nguy cơ hay không?

Việc thực hiện xét nghiệm triglyceride này nhằm các mục đích như sau:

  • Nồng độ triglycerid máu là một chỉ số quan trọng giúp các bác sĩ có thể tiên lượng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch của người bệnh. Nồng độ triglyceride cao kết hợp với một số yếu tố nguy cơ khác có thể khiến nguy cơ bị bệnh lý tim mạch và đột quỵ tăng cao
  • Chỉ số triglycerid máu tăng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường và thừa cân, béo phì, đây là hai trong các yếu tố có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch. Trong trường hợp bệnh nhân tiểu đường nhưng không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết ổn định, thường sẽ có mức triglyceride trong máu rất cao. Do đó, những bệnh nhân này cần theo dõi và kiểm tra nồng độ triglyceride máu thường xuyên theo định kỳ ít nhất 3 tháng mỗi lần
  • Tình trạng nồng độ triglyceride trong máu tăng cao có thể gây ra bệnh lý viêm tụy. Do đó, khi được bác sĩ chẩn đoán viêm tụy, người bệnh cần được kiểm tra nồng độ triglyceride nhằm chẩn đoán phân biệt với nguyên nhân khác gây viêm tụy.

Vì vậy, xét nghiệm triglyceride có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra sức khỏe:

  • Theo dõi tình trạng của các chỉ số mỡ máu giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu, một số bệnh tim mạch, tiểu đường…
  • Giúp người bệnh cải thiện lối sống lành mạnh, tích cực với chế độ ăn uống khoa học, tập luyện phù hợp, thăm khám sức khỏe định kỳ...
  • Dự phòng các biến chứng nghiêm trọng do tình trạng rối loạn mỡ máu gây ra.

Do đó, người bệnh thường được chỉ định thực hiện xét nghiệm này khi có các triệu chứng liên quan đến sự rối loạn chuyển hóa, gồm một số bệnh lý phổ biến như sau:

  • Rối loạn mỡ máu

Đây là tình trạng bệnh lý có nguy cơ gây các biến chứng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan khác như tim, gan,… thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên,  nếu người bệnh được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị theo phác đồ thích hợp của bác sĩ thì khả năng người bệnh vẫn có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Thông thường các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán bệnh rối loạn mỡ máu dựa vào những chỉ số  như triglyceride (>4.5 mmol/L), Cholesterol toàn phần (> 6,2 mmol/L), LDL - Cholesterol (> 3.4 mmol/L), HDL - Cholesterol (< 0.9 mmol/L).

  • Tăng huyết áp

Khi nồng độ của chỉ số Triglyceride tăng cao trong máu có thể dẫn đến việc hình thành các mảng xơ vữa gây tắc bít mạch máu, từ đó làm tăng áp lực của dòng máu lên thành mạch và dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp, các bác sĩ sẽ chỉ định cho thực hiện xét nghiệm triglyceride nhằm loại trừ cũng như kiểm tra và đánh giá, giúp bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

  • Bệnh mạch vành

Đây là dạng bệnh lý chung cho các bệnh lý tim mạch cụ thể như bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy mạch vành, hẹp mạch vành,… Bệnh lý này gây nguy hiểm do động mạch vành là con đường cung cấp máu quan trọng đến tim. Nếu xảy ra tình trạng bất thường có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim,… thậm chí là đột tử.

  • Gan nhiễm mỡ

Xét nghiệm Triglyceride  được chỉ định thực hiện kết hợp với một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, đo fibroscan và các xét nghiệm về chức năng gan, công thức máu để đưa ra chẩn đoán tình trạng gan nhiễm mỡ.

  • Viêm tụy

Nguyên nhân hay gặp nhất của các bệnh lý viêm tụy là tình trạng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, một trong số đó là tình trạng tăng nồng độ chỉ số Triglyceride trong máu. Do đó, việc xét nghiệm chỉ số này sẽ là căn cứ quan trọng để xác định và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh mắc viêm tụy.

3. Giá trị của xét nghiệm Triglycerid trong máu đối với bệnh nhân bị thừa cân, béo phì hay các bệnh chuyển hóa

Đối với một số người bệnh bị rối loạn chuyển hóa lipid hay tình trạng thừa cân, béo phì thường có nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường... Do đó, nhằm theo dõi và đánh giá được các nguy cơ trên người bệnh nên cần sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định thực hiện xét nghiệm tầm soát chỉ số Triglyceride trong máu định kỳ tùy vào mức độ của các yếu tố nguy cơ nhằm phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời.

triglyceride trong xét nghiệm máu là gì
Thực hiện xét nghiệm triglyceride định kỳ để phát hiện các bệnh lý nguy hiểm

Trong trường hợp người bệnh có kết quả xét nghiệm chỉ số triglyceride tăng cao, đặc biệt ở những người có rối loạn chuyển hóa lipid máu hay thừa cân béo phì, người bệnh cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống hàng ngày nhằm giúp ổn định, duy trì nồng độ triglycerid bình thường theo một số gợi ý sau:

  • Ăn uống lành mạnh

Tăng cường sử dụng tinh bột nguyên cám, nhiều chất xơ (như gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen…), các loại hạt (óc chó, đậu phộng, hạnh nhân, hạt bí…), thay thế các bữa ăn cá bằng thịt vì cá chứa axit béo không no, không tượng tích tụ mỡ máu xấu, sử dụng thịt nạc, rau xanh và trái cây chứa nhiều chất xơ.

Tránh ăn các thực phẩm có nhiều chất béo không tốt (da heo, da bò, da gà, da vịt, thịt mỡ…), thức ăn chế biến sẵn (xúc xích, cá viên chiên, nem nướng, thịt đóng hộp…), hạn chế  các thức uống có cồn như rượu bia, bỏ thuốc lá.

  • Tập luyện thích hợp

Có chế độ tập luyện thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, sẽ giúp đào thải các chất béo xấu ra khỏi cơ thể, giúp cơ thể dẻo dai, săn chắc cho cơ bắp.

triglyceride trong xét nghiệm máu là gì
Tập thể dục đều đặn giúp giảm các chỉ số xét nghiệm triglyceride
  • Khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần.

Nên theo dõi thường xuyên chỉ số Triglyceride ở mỗi lần khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm những thay đổi của chỉ số này để có những biện pháp can thiệp điều trị cũng như dự phòng những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Tóm lại, chỉ số Triglycerid được chỉ định khá phổ biến nhằm tầm soát phát hiện sớm những nguy cơ liên quan đến các bệnh lý gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh đã được giới thiệu ở phần trên cho thấy tầm quan trọng của xét nghiệm này giúp người bệnh chủ động chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Để thực hiện xét nghiệm chỉ số Triglyceride thì bạn có thể đến cơ sở y tế uy tín. Tại đây bạn sẽ được thực hiện xét nghiệm tổng quát, đánh giá các chỉ số. Dựa vào kết quả đó bác sĩ sẽ tư vấn về phương pháp điều trị, đồng thời đưa ra những lời khuyên tư vấn về chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể chất lành mạnh, tránh các nguy cơ gây bệnh hoặc tăng thêm biến chứng giúp bạn nâng cao sức khỏe, bảo vệ cơ thể một cách toàn diện nhất.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Điều dưỡng Trần Thị Thanh Thảo Xem thêm bài viết của Điều dưỡng Trần Thị Thanh Thảo
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
xem thêm
Định lượng Haptoglobin trong máu giá trị bao nhiêu là an toàn?

Định lượng Haptoglobin trong máu giá trị bao nhiêu là an toàn?

Chỉ số GGT trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số GGT trong xét nghiệm máu là gì?

Mục đích của xét nghiệm anti HCV

Mục đích của xét nghiệm anti HCV

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Quy định về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu của phòng khám Drip Hydration

Đi khám tổng quát có cần nhịn ăn không và cần nhịn trước bao lâu?

Đi khám tổng quát có cần nhịn ăn không và cần nhịn trước bao lâu?

161

Bài viết hữu ích?