Zalo

Quản lý sức khỏe của người mắc bệnh béo phì trong thời kỳ COVID

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Covid-19 là một bệnh lý đường hô hấp có mức độ lây lan nhanh, đồng thời những ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng hết sức nặng nề. Điều này còn xảy ra nghiêm trọng hơn ở những người có bệnh lý nền, đặc biệt là béo phì. Vậy nhiễm Covid ở người béo phì phải làm gì và việc chăm sóc sức khỏe người béo phì trong thời kỳ Covid được thực hiện như thế nào?

1. Béo phì trong thời kỳ Covid

Kể từ tháng 12 năm 2019, các quốc gia trên thế giới đã phải vật lộn với một loại vi-rút corona mới, hội chứng hô hấp cấp tính nặng vi-rút corona (SARS-CoV-2). Trước đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 13% người trưởng thành trên toàn thế giới bị béo phì và con số này được dự đoán sẽ tăng lên theo thời gian. Các học giả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động tiêu cực của đại dịch đối với mức độ béo phì ở người lớn và trẻ em. Do đó, phòng chống béo phì vẫn là ưu tiên hàng đầu của sức khỏe cộng đồng trong thời gian này. Một số nghiên cứu ban đầu đã báo cáo rằng những bệnh nhân có bệnh lý nền, đặc biệt là những người béo phì bị Covid có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của hội chứng hô hấp này. 

Những người béo phì bị covid có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của hội chứng hô hấp này 

Như ta đã được biết, béo phì là một bệnh mãn tính dẫn đến thay đổi giải phẫu, sinh lý và chuyển hóa, tất cả đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Hậu quả của bệnh béo phì, bao gồm suy hô hấp, rối loạn chức năng miễn dịch, bao gồm viêm mãn tính, phản ứng viêm quá mức và rối loạn chức năng trao đổi chất, đây cũng chính là một trong những cơ chế làm tăng mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Các bệnh đi kèm liên quan đến béo phì, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và đái tháo đường týp 2, làm tăng nguy cơ mắc các kết quả bất lợi do Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật lên các tác động của các yếu tố xã hội lên sức khỏe con người. Các yếu tố xã hội và môi trường này có khả năng làm tăng nguy cơ mắc cũng như làm trầm trọng thêm bệnh béo phì và các bệnh liên quan. Nhiều yếu tố rủi ro dẫn đến tăng cân xuất hiện nhiều hơn trong đại dịch, chúng bao gồm các thói quen gia đình bị cách ly, rối loạn giấc ngủ, giảm hoạt động thể chất, tăng thời gian sử dụng thiết bị điện tử, tăng nguy cơ và tần suất tiếp cận với đồ ăn nhẹ không lành mạnh, việc ăn uống bị rối loạn… Ngoài ra, những tác động tiêu cực về cảm xúc và tâm lý của việc gia tăng sự cô lập với xã hội, hình thành các mối quan hệ ảo qua mạng… càng làm tăng thêm khó khăn trong việc duy trì lối sống lành mạnh. Tất cả những yếu tố trên đã trở thành nguyên nhân khiến mọi người dễ bị béo phì trong thời gian đại dịch Covid-19.

2. Chăm sóc sức khỏe người béo phì trong thời kỳ Covid

Đến đây nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng béo phì phải làm gì hay những người béo phì bị Covid cần được chăm sóc sức khỏe như thế nào. Như đã nói ở trên, việc nhiễm Covid ở người béo phì có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của cả hai bệnh lý, do đó việc quản lý và chăm sóc sức khỏe người béo phì bị Covid là hết sức quan trọng.

2.1. Phương pháp tiếp cận hành vi

Một trong những nền tảng của phương pháp tiếp cận hành vi để chăm sóc sức khỏe người béo phì trong thời kỳ Covid là giúp bệnh nhân thiết lập và giám sát mục tiêu SMART (Specific - Cụ thể, Measurable - Đo lường được, Attainable - Có thể đạt được, Relevant - Có liên quan and Time-based - Thời gian) bằng nhiều công cụ khác nhau. Điều này có thể bao gồm vào việc tập trung vào các mục tiêu nhỏ ngắn hạn và bền vững lâu dài hơn về cân nặng, ăn uống, hoạt động thể chất, giấc ngủ và căng thẳng. Đối với những người có thể không đi làm hoặc làm việc tại nhà trong đợt bùng phát Covid-19, mục tiêu ngắn hạn có thể là thiết lập một thói quen lành mạnh cụ thể cho công việc, bữa ăn, hoạt động thể chất, tiếp xúc xã hội hoặc ngủ. Mục tiêu giảm cân từ 5% - 10% trong vòng 6 tháng với tốc độ từ 1 - 2 pound mỗi tuần sẽ là hợp lý và có thể giúp giảm đáng kể các tình trạng liên quan đến béo phì.

2.2. Dinh dưỡng cho người béo phì bị Covid

Nếu bạn đang thắc mắc rằng khi bị béo phì phải làm gì, thì điều chỉnh việc ăn uống luôn là câu trả lời phù hợp cho bạn. Ăn uống lành mạnh với khẩu phần ăn dinh dưỡng và đảm bảo lượng năng lượng nạp vào hàng ngày khoảng 1200 đến 1500 kcal đối với phụ nữ và 1500 đến 1800 kcal đối với nam giới có thể giúp giảm cân bền vững. Chế độ ăn Địa Trung Hải, ít carbohydrate hoặc ít chất béo, thành phần dinh dưỡng đa lượng… đều không quan trọng và không có giá trị hơn việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh.

Trong đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã đưa ra những lời khuyên chung về việc ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như ăn nhiều trái cây tươi, rau, Protein nạc, các loại đậu, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chưa qua chế biến, sử dụng vừa phải các loại dầu tốt cho sức khỏe (chẳng hạn như ô liu và cải dầu), uống đủ nước, giảm thiểu muối và đường, và tránh ăn ngoài… Trong một số trường hợp, tùy thuộc vào tình trạng cơ bản và sở thích của bệnh nhân, các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp thực hiện các chế độ ăn kiêng hoặc thói quen ăn uống cụ thể, chẳng hạn như nhịn ăn gián đoạn, điều này cần được nghiên cứu thêm nhưng có thể là một lựa chọn cho những bệnh nhân thích hợp. 

Dinh dưỡng là mạnh giúp hỗ trợ những bệnh nhân béo phì bị covid

2.3. Hoạt động thể chất

Những người ít hoặc không hoạt động thể chất có nhiều khả năng bị bệnh nặng do Covid-19 hơn những người hoạt động thể chất. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, ngủ ngon hơn và giảm lo lắng. Điều này cũng có thể giúp ngăn ngừa tăng cân và khi kết hợp với việc giảm lượng calo, sẽ giúp giảm cân. Các hướng dẫn hiện tại của các tổ chức y tế lớn khuyến nghị người bị béo phì nên tham gia hoạt động thể chất ít nhất 150 - 300 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải hoặc 75 - 150 phút mỗi tuần cho hoạt động thể chất cường độ mạnh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo bạn nên bắt đầu các hoạt động thể chất từ từ và tăng dần theo thời gian, bạn cũng có thể phối hợp nhiều bài tập hoặc động tác khác nhau trong quá trình luyện tập. 

Ngoài giúp giảm cân, các hoạt động thể chất cũng có thể giúp ngăn ngừa các tình trạng làm tăng khả năng mắc bệnh nghiêm trọng của một người do Covid-19, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường type 2. Nghiên cứu mới cũng cho thấy nó cũng có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch.

2.4. Giảm căng thẳng và đảm bảo cho giấc ngủ 

Căng thẳng và ngủ không ngon giấc có liên quan đến việc ăn uống không lành mạnh, tăng cân và béo phì thông qua rối loạn điều hòa thần kinh nội tiết. Căng thẳng trong thời gian bùng phát dịch đôi khi có thể gây ra những thay đổi trong giấc ngủ hoặc thói quen ăn uống, tăng sử dụng rượu và thuốc lá hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe mãn tính. Các nguyên nhân gây căng thẳng trong thời kỳ Covid-19 có thể bao gồm nỗi sợ hãi về đại dịch, sợ bị ốm, bị cô lập do cách ly xã hội, hạn chế ăn uống, ảnh hưởng đến các mối quan tâm về tài chính và kinh tế do mất việc làm hoặc thu nhập, làm việc tại nhà và chăm sóc gia đình và con cái…

Một số chiến lược được đề xuất để đối phó với căng thẳng có thể bao gồm hạn chế tiếp xúc với tin tức, thiết lập các thói quen lành mạnh, duy trì kết nối xã hội qua điện thoại và video trong khi thực hiện giãn cách xã hội, tập thể dục và ngủ đều đặn. Ngoài ra, việc hít thở sâu, thiền, yoga, thái cực quyền, làm việc với bác sĩ trị liệu… có thể là những lựa chọn lành mạnh và hiệu quả để đối phó với căng thẳng.

Ngủ không đủ giấc có liên quan đến trầm cảm, cũng như các bệnh mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19 như bệnh tim, tiểu đường type 2 và béo phì. Để có sức khỏe tốt, người béo phì bị Covid nên ngủ đủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Bệnh nhân có thể được tư vấn về các thói quen giúp chất lượng giấc ngủ ở trạng thái tốt, bao gồm đi ngủ đúng giờ, có phòng ngủ yên tĩnh, tối và thoải mái, không sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ, tránh các bữa ăn lớn, caffeine và rượu trước khi đi ngủ, bạn có thể hoạt động thể chất trong ngày nhưng không nên hoạt động mạnh trước khi ngủ.

Giảm căng thẳng là một cách chăm sóc sức khỏe người béo phì bị covid

Tóm lại, Covid-19 là một trong những yếu tố nguy cơ cũng như nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tình trạng thừa cân béo phì. Vì thế, trong thời điểm dịch Covid -19 đang có xu hướng bùng phát trở lại như hiện nay người thừa cân, béo phì cần chủ động nâng cao sức khỏe để củng cố hệ miễn dịch bằng cách duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục thường xuyên và có thể kết hợp thêm biện pháp giảm cân khoa học để quản trị cân nặng được tốt hơn. Điều này có vai trò rất lớn trong việc đẩy lùi nguy cơ mắc Covid -19 đồng thời còn giảm thiểu những ảnh hưởng của bệnh mãn tính đến sức khỏe người béo phì một cách tốt nhất.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Hãy hoạt động thể chất để có cân nặng khỏe mạnh

Hãy hoạt động thể chất để có cân nặng khỏe mạnh

Vì sao béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong?

Vì sao béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong?

Giảm cân là một yếu tố quan trọng để giảm viêm

Giảm cân là một yếu tố quan trọng để giảm viêm

Cholesterol và cân nặng của bạn

Cholesterol và cân nặng của bạn

Bí kíp để người béo giảm cân thành công

Bí kíp để người béo giảm cân thành công

14

Bài viết hữu ích?