Zalo

Cách đào thải mỡ nội tạng

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Khác với mỡ dưới da, lớp mỡ nội tạng nằm sau trong cơ thể có nguy cơ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe cơ thể. Bên cạnh đó mỡ nội tạng còn rất khó giảm. Vậy vì sao phải cần giảm mỡ nội tạng và giảm mỡ nội tạng bằng cách nào là an toàn?

1. Vì sao cần đào thải mỡ nội tạng?

Mỡ nội tạng là phần mỡ được tìm thấy bên trong khoang bụng và nó thường bao bọc xung quanh các cơ quan nội tạng. Có nhiều phương pháp có thể sử dụng để đánh giá chỉ số mỡ nội tạng, tuy nhiên rất khó để đánh giá chính xác cơ thể bạn có bao nhiêu mỡ nội tạng. Tuy nhiên, vòng eo to và mỡ bụng nhiều là hai dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ cao bị mỡ nội tạng. Điều đó cũng báo hiệu rằng bạn đang mang quá nhiều chất béo nội tạng, đây được xem là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cũng là câu trả lời cho thắc mắc của nhiều người rằng vì sao cần đào thải mỡ nội tạng. Cụ thể, cần đào thải mỡ nội tạng vì nó liên quan trực tiếp đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường loại 2, kháng insulin và thậm chí là một số bệnh ung thư cao hơn. Cơ chế của quá trình này là do mỡ nội tạng có khả năng kích hoạt các cytokines. Ví dụ như IL-6, IL-1β, PAI-I và TNF-α, được xem là một cơ chế gây viêm. Tình trạng viêm kéo dài do mỡ nội tạng gây ra có thể khiến các mảng bám, là sự kết hợp của cholesterol và các chất khác, hình thành bên trong mạch máu gây chặn một phần hoặc hoàn toàn lưu lượng máu, đây là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh mạch vành, huyết khối động mạch…Ngoài ra, mỡ nội tạng giải phóng các yếu tố gây viêm và axit béo tự do đi qua tĩnh mạch cửa đến gan. Quá trình có thể khiến chất béo tích tụ trong gan và dẫn đến tình trạng kháng insulin ở gan và bệnh đái tháo đường type 2.

Những bệnh lý tim mạch có liên quan đến mỡ nội tạng
Những bệnh lý tim mạch có liên quan đến mỡ nội tạng

Ngoài những bệnh lý như đái tháo đường, đột quỵ, bệnh tim mạch, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tắc mạch, hình thành cục máu đông, hội chứng chuyển hóa… lượng mỡ nội tạng trong cơ thể còn có khả năng tăng nguy cơ phát triển một số bệnh lý nghiêm trọng khác như:

  • Hen phế quản
  • Sa sút chức năng thần kinh
  • Các bệnh lý túi mật
  • Gout
  • Viêm cơ xương khớp
  • Ung thư vú
  • Ung thư đại trực tràng
  • Bệnh Alzheimer

2. Giảm mỡ nội tạng bằng cách nào?

Dưới đây là một số cách giảm mỡ nội tạng hiệu quả và bền vững mà mọi người có thể áp dụng.

2.1 Thử nghiệm với chế độ ăn low-carb

Chế độ ăn low-carb là một cách hiệu quả để thải mỡ nội tạng. Một số báo cáo đã chỉ ra rằng chế độ ăn ít carb (low-carb) có hiệu quả hơn so với chế độ ăn ít chất béo trong việc giảm mỡ nội tạng. Cụ thể, những người thực hiện chế độ ăn kiêng low-carb giảm nhiều hơn 4,4% tổng lượng mỡ và 10% mỡ nội tạng so với những người ăn kiêng ít chất béo. Đồng thời, chế độ ăn ketogenic cũng được gọi là chế độ ăn rất ít carb, cũng có thể giúp thải mỡ nội tạng.

2.2 Bổ sung chất xơ hòa tan

Chất xơ có thể được chia thành hai loại là hòa tan và không hòa tan. Loại hòa tan khi trộn với nước sẽ tạo thành một chất giống như gel nhớt. Điều này giúp làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn đã tiêu hóa từ dạ dày đến ruột, từ đó giảm cảm giác thèm ăn và góp phần tạo cảm giác no. Khi chất xơ hòa tan đến ruột, nó sẽ được vi khuẩn đường ruột lên men thành axit béo chuỗi ngắn có thể giúp giảm mức độ hormone gây đói ghrelin. Để tăng lượng chất xơ hòa tan trong thực đơn hằng ngày, hãy thử các loại thực phẩm từ rau củ, trái cây, hạt lanh, các loại đậu, khoai lang và ngũ cốc.

2.3 Bổ sung nhiều nhiều Protein

Protein là chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong việc giảm béo. Ăn nhiều thực phẩm chứa protein có thể giúp chống lại cơn đói bằng cách tăng mức độ của các hormone no như PYY, GLP-1 và cholecystokinin, đồng thời có thể giúp giảm mức độ hormone đói ghrelin. Ngoài ra, protein cũng có thể giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, từ đó thúc đẩy quá trình giảm mỡ nội tạng nói riêng và giảm cân nói chung. Để tăng lượng protein, hãy thử thêm các thực phẩm chứa protein vào mỗi bữa ăn bao gồm trứng, sữa, thịt, cá, các loại đậu và whey protein.

Protein không thể thiếu trong quá trình thải mỡ nội tạng
Protein không thể thiếu trong quá trình thải mỡ nội tạng

2.4 Tránh chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa được nhiều chuyên gia khẳng định là có hại cho sức khỏe của bạn. Chúng thường là một loại chất béo nhân tạo được tạo ra bằng cách bơm thêm hydro vào dầu thực vật, nhờ đó chúng khó bị hư hỏng và có thời hạn sử dụng lâu hơn. Vì thế, nó thường được thêm vào thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như khoai tây chiên, đồ nướng, đồ đóng hộp… Các chuyên gia nhận định rằng chất béo chuyển hóa có thể làm tăng mỡ nội tạng và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì thế, các bác sĩ thường khuyên bạn sử dụng chất béo lành mạnh như là một giải pháp thay thế. Chất béo lành mạnh thường bao gồm các loại như axit béo omega-3 và omega-6. Các loại chất béo lành mạnh thường có nhiều trong các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá thu… các loại dầu thực vật như dầu cải, dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu bắp… và các loại hạt như hạt lanh, hồ đào, hướng dương…

2.5 Sử dụng lợi khuẩn

Probiotic là một dạng vi khuẩn sống có thể có lợi cho sức khỏe đường ruột nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung. Probiotic được tìm thấy trong các dược phẩm bổ sung và thực phẩm như nấm sữa kefir, sữa chua, dưa cải bắp và natto (đậu nành lên men). Một số vi khuẩn sinh học thuộc họ Lactobacillus, chẳng hạn như Lactobacillus amylovorus, Lactobacillus fermentum và đặc biệt là Lactobacillus gasseri, có thể giúp giảm mỡ nội tạng. Probiotic được chứng minh là có thể làm giảm sự hấp thụ chất béo trong ống tiêu hóa và, làm tăng lượng chất béo mà bạn bài tiết qua phân, từ đó giúp bạn giảm cân và đào thải mỡ nội tạng. Ngoài ra, Probiotic còn có thể thúc đẩy hormone gây no GLP-1, đồng thời tăng tiết ANGPTL4, protein giúp giảm lượng chất béo tích trữ. Tuy nhiên, có một vấn đề là ngay sau khi ngừng sử dụng men vi sinh, quá trình tích tụ mỡ nội tạng có thể xảy ra nhanh chóng. Nghiên cứu trong lĩnh vực Probiotic này còn khá mới, vì vậy các thử nghiệm trong tương lai sẽ giúp làm rõ mối liên hệ giữa các vi khuẩn sinh học và mỡ  nội tạng.

2.6 Hạn chế bổ sung đường

Đường không bao giờ là thực phẩm có lợi cho việc giảm mỡ nội tạng. Cơ bản, đường không cung cấp vitamin hoặc khoáng chất, và việc tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân và có nhiều mỡ nội tạng hơn. Đường chứa khoảng 50% fructose, một loại đường đơn giản được chuyển hóa ở gan để biến thành chất béo, làm tăng khả năng tích trữ mỡ nội tạng. Bạn có thể giảm lượng đường trong thực đơn bằng cách bổ sung nhiều thực phẩm nguyên chất hơn, chẳng hạn như thịt nạc, cá, rau tươi, trái cây.

2.7 Hạn chế sử dụng rượu bia

Uống một lượng nhỏ rượu hoặc bia, đặc biệt là rượu vang đỏ, có thể có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu bia có thể gây hại cho cả sức khỏe và cân nặng của bạn. Trên thực tế, nhiều báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng uống quá nhiều rượu bia có thể kích thích chất béo lưu trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ nội tạng.

2.8 Thử nhịn ăn gián đoạn

Nhịn ăn gián đoạn là một cách phổ biến để giảm mỡ nội tạng. Phương pháp này liên quan đến chu kỳ giữa thời gian ăn và nhịn ăn. Không giống như việc ăn kiêng, nhịn ăn gián đoạn không bắt buộc bạn phải hạn chế bất kỳ loại thực phẩm nào, điều căn bản của phương pháp này là tập trung vào thời điểm bạn nên ăn chúng. Kiểu ăn uống ngắt quãng sẽ khiến bạn ăn ít hơn, do đó giảm lượng calo dung nạp vào cơ thể, cuối cùng là làm giảm sự tích tụ của mỡ nội tạng.

2.9 Tập thể dục nhịp điệu

Tập thể dục nhịp điệu, thường được gọi là cardio, thường xuyên là một cách tuyệt vời để thải mỡ nội tạng thông qua việc đốt cháy rất nhiều calo. Trên thực tế, nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng tập thể dục nhịp điệu cường độ cao có thể giúp bạn giảm mỡ nội tạng mà không ăn kiêng khắc nghiệt. Điều đó đồng nghĩa với việc kết hợp tập thể dục nhịp điệu đều đặn cùng với với chế độ ăn uống lành mạnh (ăn uống lành mạnh khác với ăn kiêng) sẽ hiệu quả hơn trong việc giảm mỡ nội tạng bằng việc chỉ có tập thể dục. Nếu bạn muốn bắt đầu với bài tập thể dục nhịp điệu, hãy bắt đầu bằng cách vận động nhẹ nhàng để tránh các sự cố trong quá trình tập. Ngoài tập thể dục, bạn cũng có thể tham gia các hoạt động khác như: bơi lội, đạp xe, cầu lông, đẩy tạ… đều rất tốt cho sức khỏe.

Hoạt động thể chất không bao giờ thiếu trong một quá trình giảm cân
Hoạt động thể chất không bao giờ thiếu trong một quá trình giảm cân

2.10 Đảm bảo thời lượng và chất lượng giấc ngủ

Một giấc ngủ ngon có thể làm nên điều kỳ diệu cho việc giảm mỡ nội tạng cũng như cho sức khỏe của bạn. Điều này cũng đồng nghĩa thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ tăng mỡ nội tạng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng thời gian ngủ từ 6 giờ lên 7 – 8 giờ một ngày giúp giảm khoảng 26% lượng mỡ nội tạng. Vì thế, cố gắng ngủ ít nhất 7 - 8 tiếng mỗi ngày.

2.11 Uống đủ nước

Nước là một phần không thể thiếu của cơ thể vì chúng tham gia vào hầu hết các hoạt động quan trọng, trong đó có việc đào thải mỡ thừa. Ngoài ra, việc uống đủ nước còn có thể làm tăng cảm giác no, từ đó lượng thực phẩm ăn vào sẽ giảm xuống. Để tăng cường hỗ trợ cho việc giảm mỡ nội tạng, hãy đảm bảo uống đủ 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày.

2.12 Giảm căng thẳng

Căng thẳng và lo lắng là những vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến tình trạng tích tụ mỡ nội tạng. Nguyên nhân là do stress kích thích tuyến thượng thận sản xuất nhiều cortisol, một loại hormone có thể làm tăng lượng mỡ nội tạng tích trữ. Hơn nữa, việc stress kéo dài có thể làm gia tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn quá nhiều, do đó có thể làm vấn đề tích tụ mỡ nội tạng trở nên trầm trọng hơn. Một vài cách đơn giản đã được chứng minh để giảm căng thẳng bao gồm tập yoga, thiền định, tập thể dục nhiều hơn hoặc dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và gia đình, tham gia các buổi tư vấn trị liệu tâm lý.

Giảm căng thẳng gián tiếp giúp thải mỡ nội tạng
Giảm căng thẳng gián tiếp giúp thải mỡ nội tạng

3. Cần lưu ý gì khi giảm mỡ nội tạng?

Mỡ nội tạng thường nằm sâu trong cơ thể, rất khó để xác định mỡ nội tạng, cũng như việc thải mỡ nội tạng cũng không hề đơn giản nếu so với mỡ dưới da. Vì thế, cần lưu ý một số vấn đề sau khi bạn bắt đầu thực hiện quá trình giảm mỡ nội tạng:

  • Quá trình giảm cân nói chung và giảm mỡ nội tạng nói riêng cần một thời gian dài để thu về kết quả có lợi, vì thế bạn cần phải cố gắng rất nhiều, đồng thời kiên trì theo đuổi các phương pháp giảm cân.
  • Không nên quá tiêu cực khi thực hiện các phương pháp thải mỡ nội tạng với mục đích rút ngắn thời gian.Ví dụ như ăn kiêng khắc nghiệt, nhịn ăn, tập thể dục cường độ cao liên tục… Điều này có thể làm giảm hiệu quả của cả liệu trình, đồng thời ảnh hưởng lên sức khỏe chung.
  • Không có phương pháp nào là hoàn hảo, vì thế cần phối hợp nhiều cách giảm mỡ nội tạng khác nhau trong cả liệu trình để nhằm làm tăng hiệu quả cũng như rút ngắn được thời gian thực hiện.
  • Một số nguyên nhân về bệnh tật như suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang…hay việc sử dụng một số loại thuốc điều trị có thể là nguyên nhân khiến cơ thể bạn tích tụ nhiều mỡ nội tạng. Vì thế, ngoài các phương pháp giảm cân như trên bạn cũng cần phối hợp điều trị các bệnh lý này.
  • Không nên tin tưởng vào bất kỳ cả phương pháp giảm mỡ nội tạng cấp tốc được quảng cáo trên Internet như việc sử dụng thuốc giảm mỡ, hút mỡ, phẫu thuật lấy mỡ…Để tránh các hậu quả hay các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Trước khi áp dụng bất cường phương pháp giảm cân nào, bạn nên nói chuyện trực tiếp với các chuyên gia dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên để nhằm thảo luận và đưa ra phương pháp phù hợp nhất cho chính bản thân mình.
  • Việc giảm mỡ nội tạng thành công sau một giai đoạn không có nghĩa là tình trạng sẽ vĩnh viễn mất đi, vì thế đừng chủ quan hay có tâm lý “xả hơi” khi đạt được kết quả thuận lợi. Thay vào đó hãy xây dựng cho mình những thói quen và lối sống lạnh mạnh hằng ngày, để kết quả giảm mỡ nội tạng luôn bền vững.

Chính vì giảm mỡ nội tạng thường rất khó và đòi hỏi nhiều công sức, thời gian nên không ít người đã từ bỏ sau một thời gian thực hiện. Để đạt được hiệu quả cao hơn trong việc giảm mỡ nội tạng, bạn có thể tham khảo cách giảm cân khoa học Truyền tiêu hao năng lượng. Phương pháp này có thể loại bỏ mỡ nội tạng, mỡ bụng, mỡ dưới da một cách hiệu quả nhờ được truyền vào cơ thể các tổ hợp vitamin và khoáng chất, từ đó thúc đẩy sự chuyển hóa mỡ theo cơ chế tự nhiên, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Nên ăn gì để giảm béo bụng nhanh nhất?

Nên ăn gì để giảm béo bụng nhanh nhất?

Tìm hiểu thứ tự giảm mỡ trên cơ thể

Tìm hiểu thứ tự giảm mỡ trên cơ thể

Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Mỡ dưới da bình thường dày bao nhiêu?

Mỡ dưới da bình thường dày bao nhiêu?

Cách giảm mỡ nội tạng hiệu quả trong hành trình giảm cân

Cách giảm mỡ nội tạng hiệu quả trong hành trình giảm cân

195

Bài viết hữu ích?