Rối loạn chuyển hoá là một nhóm các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch cũng như đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não. Vì vậy, việc điều trị bệnh rối loạn chuyển hoá là một điều quan trọng và cần thiết nếu bạn muốn sống thọ hơn. Cùng tìm hiểu thuốc chữa rối loạn chuyển hoá qua bài viết sau đây.
1. Đặc điểm của các thuốc chữa rối loạn chuyển hóa
Trước khi tìm hiểu về thuốc chữa rối loạn chuyển hoá, chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh rối loạn chuyển hóa là gì.
Bệnh rối loạn chuyển hoá là tập hợp các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, rối loạn lipid máu, béo bụng và mức đường huyết cao do tình trạng đề kháng insulin. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, các bệnh lý tim mạch hoặc đột quỵ. Đây là những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở nước ta, vì vậy việc điều trị bệnh rối loạn chuyển hoá là điều cần thiết.
Thuốc rối loạn chuyển hoá nên được kê đơn bởi bác sĩ, bạn cần đi khám tại các bệnh viện, phòng khám uy tín và chất lượng để được chẩn đoán chính xác bệnh từ khám lâm sàng và cận lâm sàng. Các bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng, các yếu tố nguy cơ mà bạn hiện có để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá sẽ bao gồm những loại sau:
Thuốc điều trị huyết áp cao như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế thụ thể, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn canxi. Tuỳ vào độ tuổi, bệnh lý kèm theo mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định thuốc phù hợp với từng người bệnh.
Thuốc điều trị mỡ máu như niacin hoặc statin (rosuvastatin, atorvastatin, simvastatin..)
Thuốc điều trị tiểu đường như insulin, metformin, thuốc ức chế DPP-4, thuốc đồng vận thụ thể GLP-1, nhóm Sulfonylureas, nhóm Thiazolidinediones..
Một chất nhạy cảm với insulin, chẳng hạn như metformin, thường được sử dụng khi bắt đầu điều trị tăng đường huyết ở bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa. Một số nghiên cứu cho rằng metformin có thể giúp đảo ngược những thay đổi sinh lý bệnh của hội chứng chuyển hóa. Điều này bao gồm khi chúng được sử dụng kết hợp với việc thay đổi lối sống hoặc với các thuốc như fibrate và thiazolidinediones (ví dụ: pioglitazone, rosiglitazone) mỗi loại đều có thể tạo ra tác dụng có lợi giúp cải thiện tình trạng ở bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa.
Khi liệu pháp statin và thay đổi lối sống không giúp người bệnh giảm mỡ máu thành công, thuốc niacin có thể giúp chúng ta hỗ trợ kiểm soát mức HDL-C giảm và điều trị tăng chất béo trung tính, giúp cải thiện tình trạng mỡ máu và làm giảm nguy cơ bệnh rối loạn chuyển hoá
Aspirin có thể góp phần ngăn ngừa tiên phát các biến chứng tim mạch trong hội chứng chuyển hóa, đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc biến cố tim mạch ở mức trung bình (tức là nguy cơ >6% trong 10 năm).
Trong quá trình điều trị bệnh, ngoài việc dùng thuốc rối loạn chuyển hóa bạn cần kết hợp thêm các phương pháp không dùng thuốc khác như chế độ ăn lành mạnh, chế độ tập luyện thích hợp và duy trì lối sống khoa học để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn.
2. Các tác dụng phụ có thể gặp của các thuốc chữa rối loạn chuyển hóa
Việc dùng thuốc chữa rối loạn chuyển hoá là điều cần thiết nếu bạn có những triệu chứng hoặc các yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa mà bạn không thể cải thiện bằng chế độ ăn, tập luyện hay lối sống. Mặc dù thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá đem lại hiệu quả trong việc điều trị và phòng ngừa các yếu tố gây bệnh, tuy nhiên chúng vẫn có những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra khi dùng thuốc như:
2.1. Tác dụng phụ nhóm thuốc điều trị huyết áp cao
Nhóm lợi tiểu có thể gây ra cảm giác khát, đi tiểu thường xuyên và phát ban. Việc sử dụng kéo dài có thể khiến kali máu hoặc natri máu hạ, gây rối loạn điện giải.
Nhóm chẹn canxi có thể gây tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, phù mắt cá chân, rối loạn nhịp tim.
Nhóm chẹn beta: Chậm nhịp tim, đau ngực, khó thở, hoa mắt chóng mặt. Khi sử dụng thuốc chẹn beta trên bệnh nhân bị hen suyễn có thể làm xuất hiện cơn hen. Vì vậy, nhóm chẹn beta chống chỉ định đối với những bệnh nhân có cơ địa bị hen phế quản.
Nhóm ức chế men chuyển có tác dụng phụ thường gặp nhất là ho khan kéo dài. Ngoài ra có thể gặp đau đầu, phát ban.
2.2. Tác dụng phụ nhóm thuốc điều trị mỡ máu
Các tác dụng phụ của nhóm statin:
Rối loạn tiêu hóa: Đầy hơi, khó tiêu, đau bụng hay tiêu chảy, buồn nôn hay nôn là những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng statin.
Tăng men gan. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra men gan trước khi sử dụng thuốc và theo dõi định kỳ để phát hiện sớm tác dụng phụ do statin.
Tăng đường huyết.
Đau nhức cơ, yếu hay mỏi cơ.
Tác dụng phụ thuốc Niacin có thể gây vàng da, ngứa da, tăng men gan, tăng đường huyết, buồn nôn, tiêu chảy. Niacin chống chỉ định sử dụng trên bệnh nhân loét dạ dày, đái tháo đường, gout, bệnh gan và rối loạn đông máu.
2.3. Tác dụng phụ nhóm thuốc hạ đường huyết
Thuốc hạ đường huyết hiện nay có nhiều nhóm với các cơ chế tác dụng khác nhau vì vậy mỗi loại sẽ có các tác dụng khác nhau.
Nhóm thuốc Biguanides: Nhóm thuốc này có thể gây các rối loạn tiêu hoá như đau bụng, tiêu lỏng, buồn nôn, đầy hơi. Một số trường hợp ít gặp xảy ra khi dùng Metformin có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng đó là nhiễm toan acid lactic. Nếu bạn có các triệu chứng như chuột rút, yếu cơ, đau vùng bụng hoặc ngực khi dùng Metformin, bạn cần đi khám bác sĩ ngay.
Nhóm Sulfonylureas có tác dụng phụ phổ biến nhất là hạ đường huyết, người bệnh sẽ thấy run, vã mồ hôi, chóng mặt. Ngoài ra, nhóm này còn có thể gây tăng cân, đau dạ dày.
Nhóm Thiazolidinediones có tác dụng phụ là tăng cân, gây phù, đau cơ, dễ gãy xương.
Insulin có tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc này là gây hạ đường huyết. Một số tác dụng phụ khác như chóng mặt, đau đầu, lo âu, ho và khô miệng, phát ban.
Một số nhóm thuốc điều trị tiểu đường khác ít gây tác dụng phụ hơn
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc rối loạn chuyển hoá
Rối loạn chuyển hoá là một bệnh lý phổ biến hiện nay khi tình trạng mỡ máu, cao huyết áp hay tăng đường máu ngày càng gia tăng do chế độ ăn không lành mạnh kết hợp với lối sống không khoa học. Bệnh gây nhiều hậu quả nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc điều trị bệnh sớm và tích cực là điều cần thiết. Khi sử dụng thuốc chữa rối loạn chuyển hoá cần lưu ý các vấn đề sau:
Bạn cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Chúng ta không được tự ý không các thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá vì nguy cơ tương tác thuốc cũng như tác dụng phụ có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Ngoài ra, bạn cần tuân thủ theo liều lượng theo đơn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Không được tự ý ngưng thuốc hoặc giảm liều sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Có nhiều thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá khác nhau, với những mục đích khác nhau và các tác dụng phụ khác nhau. Vì vậy, khi thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng khó chịu xảy ra trong quá trình dùng thuốc, bạn cần đến khám bác sĩ ngay để được hỗ trợ kịp thời.
Tái khám định kỳ để theo dõi đáp ứng của thuốc và có thay đổi kịp thời khi cần thiết.
Song song với việc dùng thuốc chữa rối loạn chuyển hoá, để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, bạn cần kết hợp thêm các phương pháp không dùng thuốc như thay đổi lối sống và chế độ ăn lành mạnh như:
Giảm cân và duy trì cân nặng lý sẽ giúp cơ thể bạn khoẻ mạnh, phòng ngừa được các bệnh lý của hội chứng chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu.
Thay đổi chế độ ăn: Hạn chế thịt, chất béo bão hòa trong chế độ ăn. Thay bằng đạm thực vật, chất béo không bão hoà có trong các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám. Tăng cường rau xanh trái cây bổ sung chất xơ cho cơ thể. Đồng thời hạn chế lượng muối để giảm nguy cơ cao huyết áp.
Hạn chế lượng cồn đưa vào cơ thể cũng là cách giúp bạn giảm các yếu tố nguy cơ gây hội chứng chuyển hóa.
Không hút thuốc lá: Tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá sẽ giúp bạn giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, chuyển hoá, tiểu đường và nâng cao sức khoẻ.
Tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần với đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội, cầu lông..để nâng cao sức khoẻ của bạn cũng như làm cải thiện các triệu chứng của rối loạn chuyển hoá.
Như vậy, rối loạn chuyển hoá là một bệnh lý phổ biến hiện nay xảy ra do chế độ ăn và lối sống không lành mạnh. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Việc sử dụng thuốc chữa rối loạn chuyển hoá là điều cần thiết nếu bạn muốn sống thọ. Bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị cũng như theo dõi tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị để can thiệp kịp thời.
Tài liệu tham khảo: Emedicine.medscape.com
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số
094 164 8888