Zalo

Insulin có tác dụng gì?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Insulin là một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu và quá trình trao đổi chất của cơ thể - quá trình biến thức ăn bạn ăn thành năng lượng. Tuyến tụy của bạn tạo ra insulin và giải phóng nó vào máu. Insulin giúp cơ thể bạn sử dụng đường để tạo ra năng lượng cần thiết và sau đó dự trữ phần đường còn lại.

1. Insulin có tác dụng gì? Được tạo ra như nào?

Tuyến tụy là 1 cơ quan hình lá nằm trong ổ bụng sau dạ dày, chuyên sản xuất các “chất tiết” cần thiết để bạn tiêu hóa thức ăn. Các enzyme trong các chất tiết này cho phép cơ thể bạn tiêu hóa protein, chất béo và tinh bột từ thức ăn. Các enzyme được sản xuất trong các tế bào acinar - các tế bào tạo nên phần lớn tuyến tụy. Một tỷ lệ nhỏ (1-2%) tuyến tụy được tạo thành từ các loại tế bào khác gọi là đảo nhỏ Langerhans. Những tế bào này nằm thành từng nhóm nhỏ, giống như những hòn đảo nhỏ, nằm rải rác khắp mô của tuyến tụy. Tiểu đảo Langerhans chứa tế bào alpha tiết glucagon và tế bào beta tiết Insulin.

Insulin và glucagon là những hormone có tác dụng điều chỉnh lượng đường (glucose) trong cơ thể để giữ nó ở mức lành mạnh. Tiểu đảo Langerhans của tụy tiết insulin và glucagon trực tiếp vào máu. Tùy thuộc vào những gì bạn đã ăn, mức độ tập luyện của cơ và mức độ hoạt động của các tế bào trong cơ thể, lượng glucose trong máu và tế bào của bạn sẽ khác nhau. Hai hormone này có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ lượng glucose trong máu để nó không tăng hoặc giảm vượt quá giới hạn lành mạnh. 

Vậy insulin có tác dụng gì?

Sau khi bạn ăn một bữa ăn, carbohydrate bạn ăn vào sẽ được phân hủy thành glucose và đi vào máu. Tuyến tụy phát hiện sự gia tăng lượng đường trong máu và bắt đầu tiết ra insulin. Insulin hoạt động bằng cách cải thiện sự hấp thu glucose từ máu qua màng tế bào và vào các tế bào của cơ thể, từ đó lấy glucose ra khỏi máu. Khi ở trong tế bào, glucose được sử dụng làm năng lượng để cung cấp cho các tế bào hoạt động hoặc glucose cũng có thể được lưu trữ trong gan hoặc tế bào cơ dưới dạng glycogen. Khi lượng đường trong máu giảm xuống sẽ kích hoạt tuyến tụy ngừng giải phóng insulin.

Insulin hoạt động bằng cách cải thiện sự hấp thu glucose từ máu qua màng tế bào
Insulin hoạt động bằng cách cải thiện sự hấp thu glucose từ máu qua màng tế bào

2. Nguyên nhân gây tăng hoặc thiếu hụt hormone insulin ở người tuổi 35-55 là do đâu?

Bạn có biết nguyên nhân gây thiếu hụt hoặc tăng hormon insulin ở cả nam và nữ tuổi 35-55 là do đâu? Các vấn đề nghiêm trọng này có thể phát triển từ nguyên nhân tuyến tụy của bạn không tạo ra đủ lượng insulin vào đúng thời điểm. 

2.1. Tăng hormone Insulin là do đâu?

Tuyến tụy của bạn tạo ra quá nhiều insulin sẽ dẫn đến tăng hormone Insulin, khi đó bạn có thể gặp phải tình trạng hạ glucose trong máu. Điều này được gọi là hạ đường huyết. Nếu lượng đường trong máu giảm xuống mức rất thấp (hạ đường huyết nghiêm trọng), các tế bào não của bạn có thể không nhận đủ glucose để hoạt động bình thường. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức. 

Nguyên nhân tăng insulin máu dù ở bất kỳ lứa tuổi này có thể là do sự hiện diện của khối u tế bào beta của tuyến tụy hoặc do sự phát triển quá mức tế bào beta, hoặc hiếm gặp hơn là do tác dụng phụ của phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.

2.2. Thiếu hụt hormone Insulin

Tuyến tụy của bạn tạo ra quá ít insulin dẫn đến thiếu hụt hormone Insulin, khiến glucose không thể đi vào tế bào. Glucose tích tụ trong máu cho đến khi mức đường huyết của bạn quá cao. Điều này được gọi là tăng đường huyết. Nếu mức đường huyết của bạn duy trì ở mức cao theo thời gian, bạn có thể mắc bệnh tiểu đường loại 2, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở mắt, tim và các bộ phận khác của cơ thể.

Có thể thấy vấn đề ở những người mắc bệnh đái tháo đường là họ không sản xuất đủ insulin (thiếu hụt hormone Insulin), insulin họ sản xuất không hoạt động bình thường hoặc tế bào của họ không phản ứng đúng cách với insulin (kháng Insulin). Kết quả cuối cùng là glucose không được loại bỏ khỏi máu, dẫn đến mức đường huyết cao. Riêng với tình trạng kháng insulin, các tế bào của bạn không phản ứng tốt với insulin và không thể hấp thụ glucose từ máu. Lúc này tuyến tụy của bạn sẽ cố gắng bù trừ và sinh ra nhiều insulin hơn nhằm giúp glucose đi vào tế bào của bạn. Điều này có thể giữ lượng đường trong máu của bạn ở mức khỏe mạnh trong thời gian đầu. Nhưng theo thời gian, tuyến tụy của bạn có thể bị hao mòn và ngừng việc sản xuất quá nhiều insulin. Từ đó dẫn đến tiền tiểu đường, nghĩa là lượng đường trong máu của bạn cao hơn bình thường, nhưng không đến mức mắc bệnh tiểu đường. Nếu lượng đường trong máu tiếp tục tăng, bạn có thể mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Có nhiều nguyên nhân có thể góp phần gây nên tình trạng thiếu hụt Insulin như: Yếu tố di truyền, chủng tộc và lối sống. Những người mang gen di truyền có liên quan đến bệnh đái tháo đường, các hội chứng chuyển hóa, người thường xuyên căng thẳng (đặc biệt phổ biến ở những người lao động trí thức), béo phì hoặc người có lối sống ít vận động (nhân viên văn phòng…) sẽ làm tăng khả năng đề kháng insulin.

Vậy nguy cơ mắc bệnh ở người trong độ tuổi 35-55 được nghiên cứu như thế nào? Trên khắp thế giới, số ca mắc bệnh đái tháo đường ở người trẻ tuổi đang gia tăng nhanh chóng, xu hướng đáng lo ngại này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng do nguy cơ mắc các biến chứng bệnh sớm trong đời. Theo Hiệp hội bệnh tiểu đường Vương quốc Anh, số người dưới 40 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường ở Vương quốc Anh đã tăng 23% từ khoảng năm 2016-2017 đến năm 2020-2021. Điều này cho thấy bệnh đái tháo đường ở người trẻ đang gia tăng nhanh hơn ở những người dưới 40 tuổi. Thói quen ăn uống không lành mạnh, béo phì và lối sống ít vận động dường như là những yếu tố góp phần vào sự gia tăng này.

Bệnh đái tháo đường trước 40 tuổi được gọi là bệnh tiểu đường tuýp 2 khởi phát sớm. Trong khi đó bệnh đái tháo đường vẫn phổ biến ở độ tuổi trung niên (45-65 tuổi) hoặc tuổi già (trên 65 tuổi). Các triệu chứng bệnh đái tháo đường khi còn trẻ thường bị bỏ qua vì không ai mong đợi mình được chẩn đoán bệnh tiểu đường sớm trong đời và việc trì hoãn điều trị có thể gây ra thiệt hại đáng kể. Do đó, việc sàng lọc bệnh tiểu đường loại 2 và tiền tiểu đường nên bắt đầu ở tuổi 35 đối với những người được coi là thừa cân, thay vì độ tuổi được khuyến nghị trước đây là 40, đây một dự thảo hướng dẫn từ U.S. Preventive Services Task Force khuyến nghị. Các hướng dẫn này đặc biệt nên thực hiện với những người thừa cân - người có chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 - 30, hoặc béo phì với chỉ số BMI từ 30 trở lên. Cân nặng quá mức là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường.

3. Xét nghiệm định lượng insulin trong máu

Xét nghiệm định lượng insulin trong máu có thể được sử dụng cùng với các xét nghiệm khác để giúp:

  • Tìm hiểu nguyên nhân gây hạ đường huyết (đường huyết thấp). Đây là lý do chính để làm xét nghiệm insulin.
  • Chẩn đoán tình trạng kháng insulin
  • Hướng dẫn quyết định điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Xét nghiệm insulin có thể được sử dụng để quyết định xem một người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có cần dùng insulin như một phần trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường hay không.
  • Để theo dõi hiệu quả của phẫu thuật ghép tế bào đảo tụy. Phẫu thuật này được sử dụng ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 1. Bệnh tiểu đường loại 1 là một bệnh tự miễn phá hủy các tế bào đảo đặc biệt trong tuyến tụy tạo ra insulin.

Để hiểu kết quả xét nghiệm định lượng insulin của bạn có ý nghĩa gì, bác sĩ của bạn sẽ xem xét bệnh sử và kết quả của các xét nghiệm khác, bao gồm cả xét nghiệm đường huyết. Ví dụ:

  • Nếu mức insulin của bạn cao và lượng đường trong máu của bạn bình thường hoặc cao hơn bình thường một chút, bạn có thể bị kháng insulin.
  • Nếu mức insulin của bạn cao hoặc bình thường và lượng đường trong máu của bạn thấp, bạn có thể bị hạ đường huyết do sử dụng quá nhiều insulin. Nguyên nhân có thể bao gồm:
    • Một khối u tuyến tụy (insulinoma)
    • Hội chứng cushing
    • Dùng quá nhiều Insulin cho bệnh tiểu đường
  • Nếu mức insulin của bạn thấp và lượng đường trong máu của bạn cao, điều đó có nghĩa là tuyến tụy của bạn không thể tạo ra đủ insulin. Các nguyên nhân có thể bao gồm bệnh tiểu đường loại 1 và viêm tụy.

Xét nghiệm định lượng insulin trong máu thường được thực hiện bằng xét nghiệm C-peptide. Tuyến tụy của bạn giải phóng một lượng insulin và C-peptide bằng nhau vào máu cùng một lúc. C-peptide không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn, nhưng nó tồn tại trong máu lâu hơn insulin. Vì vậy, việc đo C-peptide cung cấp một cách chính xác hơn để tìm hiểu xem tuyến tụy của bạn đang tạo ra bao nhiêu insulin.

Xét nghiệm định lượng insulin trong máu thường được thực hiện bằng xét nghiệm C-peptide
Xét nghiệm định lượng insulin trong máu thường được thực hiện bằng xét nghiệm C-peptide

4. Làm cách nào để cải thiện tình trạng kháng insulin, tăng độ nhạy Insulin

Nếu bạn có mức glucose hoặc A1C bất thường được chẩn đoán qua xét nghiệm máu hoặc nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bên ngoài nào về tình trạng kháng insulin, thì có rất nhiều thay đổi trong lối sống có thể giúp đảo ngược tình trạng đó. Dưới đây là một số cách hàng đầu để cải thiện độ nhạy insulin:

  • Giảm cân thừa là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để đảo ngược tình trạng kháng insulin. Một nghiên cứu cho thấy “độ nhạy insulin được tăng cường bền vững ở những người duy trì giảm cân thành công. Tuy nhiên, tình trạng kháng insulin cũng có thể ảnh hưởng đến những người được coi là có cân nặng khỏe mạnh. 50% số người bị kháng insulin không bị thừa cân điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra hàng năm và xem xét nghiêm túc các dấu hiệu kháng insulin, ngay cả khi bạn không nghĩ mình có nguy cơ cao.
  • Aerobic (cardio) và rèn luyện sức đề kháng (sức mạnh) đều quan trọng như nhau. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thực hiện cả hai loại bài tập đều mang lại lợi ích lớn hơn so với chỉ tập một loại. Nếu quá bận, bạn chỉ cần đi bộ cũng có thể có tác động đáng kể đến tình trạng kháng insulin.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng không trực tiếp gây ra tình trạng kháng insulin, nhưng các hormone (cortisol và adrenaline) lưu thông trong thời gian căng thẳng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn. Những hormone căng thẳng này kích hoạt giải phóng glycogen (một dạng glucose được lưu trữ trong gan) để tạo ra nguồn năng lượng tác dụng nhanh cần thiết để đối phó với khủng hoảng hoặc trường hợp khẩn cấp.
  • Tăng chất xơ hòa tan: Chất xơ hòa tan hút nước và biến thành chất giống như gel, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa. Vì chất xơ hòa tan làm chậm quá trình tiêu hóa nên nó giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, ngăn ngừa việc ăn quá nhiều và hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ nội tạng. Chất béo nội tạng làm tăng nguy cơ mắc nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm cả bệnh tiểu đường và bệnh tim. Những người có vòng eo lớn thường có mỡ nội tạng. Một nghiên cứu cho thấy rằng cứ tăng thêm 10 gam chất xơ hòa tan, sự tích tụ mỡ nội tạng sẽ giảm 3,7%. 
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ hơn: Ăn gì để tăng insulin? Việc tập trung vào thực phẩm nguyên chất như trái cây và rau quả là rất quan trọng trong việc cải thiện độ nhạy insulin:. Trái cây và rau quả không chỉ chống lại tình trạng kháng insulin mà còn là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan phong phú nhất. Cắt giảm carbohydrate
  • Để cải thiện độ nhạy insulin, bạn có thể cần phải cắt giảm lượng carbs ăn vào. Carbohydrate có thể đơn giản hoặc phức tạp. Carbs đơn giản bị phân hủy rất nhanh và dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến, đòi hỏi tuyến tụy phải hoạt động nhanh chóng.
  • Giảm đường: Đường tinh luyện là kẻ thù số 1 khi nói đến bệnh tiểu đường. Nó gây ra lượng đường trong máu tăng đột biến đòi hỏi phải sản xuất nhiều insulin. 
  • Tránh chất béo chuyển hóa là chất béo nhân tạo được tạo ra khi các nguyên tử hidro được thêm vào dầu thực vật, biến chúng thành chất rắn. Các nhà sản xuất thêm chúng vào thực phẩm chế biến sẵn vì chúng kéo dài thời hạn sử dụng
  • Các loại thảo mộc và gia vị có nhiều tác dụng hơn là tạo hương vị cho món ăn của chúng ta. Các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá lợi ích của các loại thảo mộc và gia vị đối với độ nhạy insulin và phòng ngừa bệnh tiểu đường.  Ngoài các loại thảo mộc và gia vị, còn có một số chất bổ sung hỗ trợ lượng đường trong máu có thể cải thiện độ nhạy insulin.
  • Thuốc: Berberin  nó có tác dụng tương tự đối với lượng đường trong máu như thuốc trị tiểu đường metformin (Glucophage). Những người dùng berberine đã giảm mức A1c, đường huyết lúc đói, đường huyết sau bữa ăn và mức chất béo trung tính. Nhiều nghiên cứu gần đây hơn, bao gồm một nghiên cứu từ năm 2019, dường như đã xác nhận những phát hiện này.
  • Sự thiếu hụt crom có ​​liên quan đến nguy cơ kháng insulin cao hơn. Crom hoạt động bằng cách liên kết với các thụ thể insulin trên bề mặt tế bào. Điều này giúp tăng cường hoạt động của insulin, do đó cần ít hormone hơn để di chuyển glucose ra khỏi máu.
  • Tương tự như vậy, lượng magiê thấp có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, do đó việc bổ sung có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về insulin và từ đó có kế hoạch chăm sóc sức khỏe hiệu quả.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Chế độ ăn Keto và kháng insulin có liên quan không?

Chế độ ăn Keto và kháng insulin có liên quan không?

Những điều cần biết thuốc Ozempic: Công dụng, Tác dụng phụ và Chi phí

Những điều cần biết thuốc Ozempic: Công dụng, Tác dụng phụ và Chi phí

So sánh thuốc Ozempic và Wegovy trong việc giảm cân

So sánh thuốc Ozempic và Wegovy trong việc giảm cân

Chế độ ăn kiêng giảm cân tốt nhất cho tình trạng kháng insulin

Chế độ ăn kiêng giảm cân tốt nhất cho tình trạng kháng insulin

Làm thế nào để giảm mức insulin của bạn để kiểm soát sức khỏe?

Làm thế nào để giảm mức insulin của bạn để kiểm soát sức khỏe?

104

Bài viết hữu ích?