Zalo

Bệnh rối loạn chuyển hóa đường là gì và tác động của nó tới sức khỏe?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Rối loạn chuyển hoá đường là một trong những bệnh lý phổ biến hiện nay. Bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu về bệnh rối loạn chuyển hoá đường và các tác động của bệnh đối với sức khỏe của bạn qua bài viết sau.

1. Rối loạn chuyển hoá đường là gì?

Đường huyết là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho tế bào cơ thể và thực hiện các hoạt động sống hằng ngày. Tất cả các tế bào đều cần glucose để duy trì hoạt động, đặc biệt là tế bào thần kinh. Các tế bào thần kinh sử dụng đường huyết cho các hoạt động làm việc, học tập, tư duy, suy nghĩ, ghi nhớ và quản lý. Vì vậy, đường huyết là một chất quan trọng và cần thiết đối với cơ thể chúng ta.

Rối loạn chuyển hoá glucose là tình trạng bệnh lý trong đó đường huyết không được duy trì trong phạm vi bình thường bao gồm tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết. 

Chỉ số đường huyết của con người dao động phụ thuộc vào từng thời điểm trong ngày như:

  • Nồng độ đường glucose trong máu của một người bình thường vào thời điểm trước đi ngủ có thể dao động từ 110 - 150mg/dl (tương đương 6,0 - 8,3mmol)
  • Đường huyết đói thường nằm trong khoảng từ 70mg/dL - 92 mg/dL, tương đương với 3,9 mmol/L - 5mmol/L. Chỉ số này thường được đo vào buổi sáng lúc chưa ăn sáng.
  • Đường huyết sau ăn 1 - 2 tiếng đồng hồ của một người bình thường là nhỏ hơn 140mg/dl hay 7.8 mmol/l.
  • Chỉ số đường huyết an toàn ở người bình thường là: 
    • Đường huyết bất kỳ : < 140 mg/dL (7,8 mmol/l).
    • Đường huyết lúc đói: < 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l).
    • Sau bữa ăn: < 140mg/dl (7,8 mmol/l).
    • HbA1C: < 5,7 %.

2. Nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa đường và dấu hiệu nhận biết?

2.1. Nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa đường

Rối loạn chuyển hoá glucose máu thường do suy giảm bài tiết insulin hoặc sự đề kháng insulin ở ngoại vi làm tăng đường huyết. Trong khi sự giảm bài tiết insulin liên quan đến sự suy giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy thì sự đề kháng insulin liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ bao gồm di truyền, chế độ ăn và lối sống sinh hoạt không lành mạnh như:

  • Yếu tố di truyền:
    • Gen chiếm 60-90% khả năng bị đái tháo đường .
    • Sinh đôi cùng trứng 70-90% cùng mắc đái tháo đường, trong khi sinh đôi khác trứng: 15-25%.
    • Tiền căn gia đình có đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường 40%. Cả cha + mẹ cùng bị đái tháo đường thì nguy cơ bị đái tháo đường là 70%.
  • Người thừa cân béo phì, nhất là béo bụng và tăng mỡ nội tạng có sự gia tăng tình trạng đề kháng insulin qua đó làm rối loạn chuyển hóa đường huyết. Và bệnh này đang có xu hướng trẻ hoá do tỷ lệ thừa cân béo phì ngày càng gia tăng ở tuổi vị thành niên.
  • Chế độ ăn uống nhiều chất béo ngọt, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, ít bổ sung chất xơ, vitamin khoáng chất từ rau xanh trái cây cũng như uống nhiều bia rượu sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hoá đường.
  • Ít tập luyện thể dục thể thao. Việc tập luyện thể lực ít hơn 03 lần/tuần cũng là một trong những nguy cơ khiến bạn dễ bị rối loạn chuyển hoá đường. 
  • Bên cạnh đó, tuổi cao cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh. Nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2 bắt đầu gia tăng ở độ tuổi trên 45, và tăng đáng kể ở độ tuổi trên 65.
  • Ngoài ra, các bệnh lý tăng huyết áp, mỡ máu cũng làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa glucose của bạn. Những bệnh này thường đi kèm với nhau, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của bạn.
rối loạn chuyển hóa đường
Thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân gây rối loạn chuyển hoá đường

2.2. Dấu hiệu của rối loạn chuyển hoá glucose là gì?

Khi bạn bị rối loạn chuyển hoá glucose, đường huyết cơ thể tăng cao kéo dài sẽ gây bệnh tiểu đường với những dấu hiệu sau:

  • Khát nước và uống nước nhiều là những triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên khi bạn mắc bệnh tiểu đường. Bạn thường xuyên cảm thấy khát nước nhiều và uống nước nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, bạn cần loại trừ nguyên nhân khát và uống nước nhiều do cơ thể bị mất nước, ra mồ hôi vì hoạt động nhiều, do thời tiết nắng nóng.
  • Tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu nhiều hơn. Khi bạn bị rối loạn chuyển hoá đường, lượng đường máu tăng cao sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều, lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, không gắt buốt, không tiểu lắt nhắt.
  • Cơ thể mệt mỏi thường xuyên vì thiếu hụt insulin hoặc đề kháng insulin khiến glucose sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng cho các hoạt động hằng ngày của cơ thể cũng như tế bào.
  • Sụt cân dù ăn nhiều, không kiêng khem đi kèm với các triệu chứng uống nhiều, tiểu nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Khi mắc bệnh tiểu đường thì tình trạng glucose trong máu tăng cao nhưng lại không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng cần thiết cho cơ thể, nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để tạo ra năng lượng. Điều này dẫn đến sụt cân ở người bị tiểu đường.
  • Thị lực giảm sút do biến chứng của đường huyết cao lên võng mạc mắt sẽ gây nhìn mờ, mất thị lực một phần hoặc toàn bộ.

3. Hậu quả của rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể

Rối loạn chuyển hoá glucose là một bệnh lý gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở nước ta cùng với bệnh lý tim mạch. Bệnh rối loạn chuyển hoá đường làm tăng đường huyết thời gian dài sẽ gây ra bệnh đái tháo đường với những biến chứng nguy hiểm trên nhiều cơ quan như:

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực hiện nay. Bệnh xảy ra khi các mạch máu nhỏ của võng mạc bị tổn thương gây nhìn mờ, giảm thị lực mắt, nhìn kém vào ban đêm.
  • Bệnh thận đái tháo đường: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thận mạn ở người tiểu đường. Sự dày lên của màng đáy cầu thận, xơ cứng cầu thận và tăng sinh gian mạch làm tăng áp lực lên cầu thận và giảm dần mức lọc ở cầu thận. Thường bệnh không có triệu chứng cho đến khi bị hội chứng thận hư hoặc suy thận. Bệnh thận đái tháo đường được chẩn đoán dựa trên sự xuất hiện của albumin trong nước tiểu. 
  • Bệnh thần kinh đái tháo đường: Bệnh xảy ra do sự ảnh hưởng nồng độ đường huyết cao đối với tế bào thần kinh, những thay đổi trao đổi chất nội bào của tế bào thần kinh cũng làm giảm chức năng của chúng. Bệnh thần kinh đái tháo đường có nhiều dạng và nhiều biểu hiện khác nhau như:
  • Bệnh thần kinh ngoại biên là bệnh phổ biến nhất, thường biểu hiện ở vị trí xa bàn tay và bàn chân với cảm giác dị cảm, rối loạn cảm giác, tê bì, cảm giác mang găng mang vớ, mất cảm giác đau. Ở chi dưới, những triệu chứng này có thể dẫn đến giảm cảm giác đau cũng như cảm nhận về chấn thương ở bàn chân có thể dẫn đến loét chân và nhiễm trùng.
  • Bệnh thần kinh tự chủ gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như tim mạch, tiêu hoá, tiết niệu sinh dục với các biểu hiện hạ huyết áp tư thế,, tim nhanh khi nghỉ, buồn nôn và nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, đại tiện mất tự chủ, bí tiểu và không kiểm soát, rối loạn chức năng cương dương và xuất tinh ngược và khô âm đạo.
  • Bệnh rễ thần kinh thường biểu hiện đau, yếu và teo chi dưới do ảnh hưởng đến các rễ thần kinh từ L2 đến L4,, hoặc gây đau bụng do ảnh hưởng rễ thần kinh từ T4 đến T12.
  • Bệnh đơn dây thần kinh có thể gây ra tê yếu teo cơ bàn tay do tổn thương thần kinh giữa, hội chứng ống cổ tay..

Bệnh mạch máu lớn là biến chứng xảy ra do xơ vữa động mạch ở mạch máu lớn dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng có thể tử vong như:

  • Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim là một trong những biểu hiện của bệnh mạch máu lớn do tiểu đường.
  • Tai biến mạch máu não có thể xảy ra thoáng qua hoặc gây yếu liệt nửa người, rối loạn cảm giác, rối loạn khả năng tiểu tiện.
  • Tắc mạch chi dưới và hoại tử chi dưới nếu xảy ra ở động mạch ngoại biên.

Các biến chứng khác có thể gặp của bệnh rối loạn chuyển hoá đường như:

  • Một biến chứng cấp tính của tiểu đường do tăng đường huyết trong thời gian dài không kiểm soát là nhiễm toan ceton. Biểu hiện bao gồm nôn, buồn nôn, đau bụng, hôn mê thậm chí có thể tử vong. 
  • Biến chứng bàn chân đái tháo đường: Do bệnh mạch máu ngoại vi, thần kinh ngoại biên và suy giảm miễn dịch gây nhiễm trùng, loét, hoại tử vùng bàn chân. Biến chứng này có thể gây cắt cụt chi nếu không được kiểm soát tốt
  • Các bệnh về mắt khác không liên quan đến bệnh võng mạc đái tháo đường như: đục thủy tinh thể, bệnh thần kinh thị giác, tăng nhãn áp, trầy xước giác mạc.
  • Bệnh lý về gan mật như gan nhiễm mỡ không do rượu, xơ gan, sỏi mật.
  • Da liễu: Nhiễm trùng nấm da, loét chi dưới, bệnh da, bệnh xơ cứng bì hệ thống do đái tháo đường, u hạt hoại tử, bạch biến..
  • Trầm cảm, sa sút trí tuệ cũng có thể là biến chứng của tiểu đường
rối loạn chuyển hóa đường
Biến chứng loét bàn chân do rối loạn chuyển hoá đường

Qua đây chúng ta thấy được rối loạn chuyển hoá glucose là một bệnh lý gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp bạn phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm. Bạn cần tuân thủ điều trị bằng thuốc cũng như thay đổi chế độ ăn lối sống sinh hoạt lành mạnh để đạt được hiệu quả phòng ngừa và điều trị bệnh tốt nhất.

Như vậy, rối loạn chuyển hoá đường là một bệnh lý phổ biến hiện nay gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khoẻ và là gánh nặng đối với ngành y tế. Có nhiều yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa đường. Việc chủ động thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt lành lạnh sẽ giúp bạn cải thiện bệnh và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm để sống thọ và khỏe mạnh hơn.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Trần Thị Thuý Hiếu xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Các nguyên nhân nào dẫn đến bệnh rối loạn chuyển hóa ở người

Các nguyên nhân nào dẫn đến bệnh rối loạn chuyển hóa ở người

Các lưu ý khi sử dụng thuốc chữa rối loạn chuyển hóa

Các lưu ý khi sử dụng thuốc chữa rối loạn chuyển hóa

Rối loạn chuyển hóa đồng là bệnh gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị?

Rối loạn chuyển hóa đồng là bệnh gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị?

Các bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp

Các bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp

Khi nào cần tầm soát bệnh đái tháo đường?

Khi nào cần tầm soát bệnh đái tháo đường?

51

Bài viết hữu ích?