Zalo

Bệnh rối loạn chuyển hóa có chữa được không?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Rối loạn chuyển hóa bao gồm các yếu tố nguy cơ có hại tập trung trên một bệnh nhân, nó đặc trưng bởi nhiều thay đổi theo hướng tiêu cực bên trong cơ thể trong đó có tình trạng béo phì. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, rối loạn chuyển hóa có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tới tính mạng. Vậy bệnh rối loạn chuyển hóa có chữa được không ?

1. Thông tin tổng quan về bệnh rối loạn chuyển hóa

Bệnh rối loạn chuyển hóa hay hội chứng chuyển hóa là một bệnh lý tập hợp nhiều tình trạng bệnh nhỏ khác nhau và thường liên quan đến tình trạng kháng Insulin, từ đó khiến cơ thể không thể dung nạp được đường Glucose và dẫn tới tình trạng tăng đường huyết.

Rối loạn chuyển hóa gồm một nhóm các nguy cơ tập hợp trên một bệnh nhân:

  • Tình trạng béo phì.
  • Rối loạn lipid máu bao gồm các tình trạng như Triglycerid máu cao, LDL-Cholesterol máu cao, HDL-Cholesterol máu thấp, tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
  • Tăng huyết áp
  • Kháng Insulin hoặc không dung nạp Glucose.
  • Rối loạn đông máu như tăng Fibrinogen, chất ức chế Plasminogen hoạt hóa PAI-1 tăng cao trong máu.
  • Tiền viêm biểu hiện qua CRP tăng cao.

Các yếu tố này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh tim mạch hay đột quỵ.

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn chuyển hóa là gì
Bệnh rối loạn chuyển hóa bao gồm tình trạng béo phì 

2. Rối loạn chuyển hóa ở người béo phì diễn biến như thế nào? 

Nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng, nguyên nhân gây bệnh rối loạn chuyển hóa là gì và rối loạn chuyển hóa liên như thế nào với tình trạng béo phì? Về cơ bản, rối loạn chuyển hóa có liên quan mật thiết tới tình trạng đề kháng Insulin, đây là một hormone do tụy tiết ra có tác dụng kiểm soát nồng độ Glucose trong máu. Bình thường thức ăn được tiêu hóa thành Glucose, hoạt chất này sau đó được mang tới các tổ chức của cơ thể và được các tế bào sử dụng làm năng lượng. Ở những bệnh nhân đề kháng Insulin, Glucose không thể đi đến tế bào một cách dễ dàng. Cơ thể sẽ sản xuất nhiều hơn hormone Insulin dẫn đến nồng độ Insulin tăng cao trong máu. Tình trạng này đôi khi dẫn đến đái tháo đường do tuyến tụy không có khả năng tiết đủ Insulin để điều chỉnh đường máu về bình thường. Tất cả tác hại do tình trạng kháng insulin gây ra nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và những bệnh khác.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để đi tìm nguyên nhân gây ra tình trạng kháng Insulin. Có thể là do gen hoặc một số yếu tố từ môi trường gây ra, đặc biệt là tình trạng thừa cân, béo phì. Những người có số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 23 thường có nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa cao hơn những người khác.

Béo phì và đặc biệt là ở dạng tích tụ mỡ trung tâm có liên quan đến sự đề kháng Insulin. Do đó, béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh rối loạn chuyển hóa, sự gia tăng khối mỡ quá mức là nguyên nhân quan trọng của nhiều thành tố khác trong rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, không phải tất cả những bệnh nhân thừa cân hay béo phì đều có rối loạn chuyển hóa, nhưng đa phần trong số họ có đề kháng Insulin. 

Về mặt cơ chế bệnh sinh, béo phì được cho là bước đầu tiên của tiến trình bệnh sinh của rối loạn chuyển hóa. Mỡ tại nội tạng càng nhiều sẽ càng tiết ra các chất có hoạt tính sinh học gọi là các Adipocytokine như resistin, leptin, interleukin-6 (IL-6), yếu tố hoại tử u α (TNFα) và angiotensin II dẫn tới tính trạng kháng insulin, đồng thời với chất ức chế hoạt hóa plasminogen (PAI-1) và làm giảm nồng độ Adiponectin. Trong đó, Adiponectin là một Adipocytokine có vai trò quan trọng bảo vệ chống lại sự phát triển của đái tháo đường Type 2, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và bệnh mạch máu…

Các hợp chất khác được sản xuất bởi các mô mỡ đặc biệt là các axit béo tự do không ester hóa (FFAs) có thể là nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa. Tình trạng kháng Insulin trong béo phì sẽ làm quá trình huy động các axit béo tự do không ester hóa (FFAs) từ Triglyceride tích trữ ở mô mỡ tăng. Tại gan, các axit béo tự do không ester hóa (FFAs) có tác dụng làm tăng sản xuất Glucose và Triglyceride, bài tiết ra VLDL và làm giảm sự thanh thải của các Lipoprotein giàu Triglyceride. Đồng thời, các axit béo tự do không ester hóa (FFAs) cũng làm giảm nhạy cảm Insulin ở cơ thông qua việc ức chế sự hấp thu glucose, tăng sản xuất PAI-1 và Fibrinogen.

Ngoài ra, tăng nồng độ axit béo tự do trong máu có liên quan với nguy cơ đề kháng Insulin cao hơn, từ đó làm giảm các tác động ức chế của Insulin lên việc sản xuất Glucose và tân tạo mỡ tại gan. Kết quả của quá trình này là sự lắng đọng mỡ ở các vị trí ngoại lai như cơ vân, gan và các đảo tụy dẫn đến tình trạng ngộ độc mỡ. 

3. Bệnh rối loạn chuyển hóa có chữa được không?

Hiện nay, bệnh rối loạn chuyển hóa có thể chữa được và thông thường sẽ chữa bằng cách thay đổi lối sống, giảm cân, thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục... Việc điều trị vào sâu hơn bao gồm sử dụng các thuốc phù hợp cho từng yếu tố nguy cơ và bệnh lý khác nhau. Điều trị thuốc thường được xem xét ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ không được cải thiện hoàn toàn bằng cách sử dụng các biện pháp phòng ngừa và thay đổi lối sống.

  • Thay đổi lối sống: Thay đổi lối sống không nhắm vào việc điều chỉnh cụ thể yếu tố nguy cơ nào giống như việc dùng các loại thuốc đặc biệt, lợi ích chính của nó là làm giảm đều tất cả các yếu tố nguy cơ liên quan đến rối loạn chuyển hóa.
  • Giảm cân: Thông qua việc hạn chế lượng Calo đưa vào, thay đổi hành vi, tăng hoạt động thể lực và dùng thuốc giảm cân ở những bệnh nhân thích hợp. 
  • Tiết thực: Tiết thực để giảm calo nhưng vẫn đảm bảo các chất dinh dưỡng phù hợp như canxi, sắt, và folate. Tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải với nhiều rau, cá, trái cây và ít các sản phẩm thịt làm giảm rõ rệt tỷ lệ mắc rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, chế độ ăn quá ít chất béo cũng có thể làm rối loạn chuyển hóa nặng thêm.
  • Hoạt động thể lực: Tham gia các hoạt động thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải. Có rất nhiều hoạt động khác nhau như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, chơi golf, thể thao đồng đội...
  • Sử dụng các thuốc giảm cân: Thường được chỉ định bởi bác sĩ cho những trường hợp đặc biệt. Khuyến cáo chỉ xem xét điều trị thuốc giảm cân cho những bệnh nhân có BMI ≥ 30 hoặc BMI ≥ 27 có bệnh kèm liên quan đến béo phì. Thuốc giảm cân có hai nhóm chính gồm các thuốc ức chế hấp thu chất dinh dưỡng (Orlistat - chất ức chế lipase tiêu hóa)và thuốc gây chán ăn (dẫn xuất Phentermine và Sibutramine). Thuốc gây chán ăn bao gồm các dẫn xuất phentermine và sibutramine. 
  • Phẫu thuật giảm béo: Phương pháp này được cho những bệnh nhân không đáp ứng với tiết thực giảm cân hay thuốc giảm cân và có BMI > 40 hoặc BMI từ 35 - 40 và có nhiều bệnh kèm. 
  • Điều trị rối loạn lipid máu: Sử dụng các thuốc có chữa Statin là nhóm thuốc cải thiện LDL-Cholesterol hiệu quả nhất trong khi đó Niacin là thuốc cải thiện HDL-Cholesterol có hiệu quả nhất. Fenofibrate và Gemfibrozil đều có thể làm giảm Triglycerid. Liều thấp hoặc trung bình của Statin kết hợp với Fenofibrate hoặc Bezafibrate được coi là hiệu quả và an toàn trong điều trị rối loạn lipid máu.
  • Điều trị tăng huyết áp: Các thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin là lựa chọn đầu tiên đối với rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là có kèm đái tháo đường hoặc bệnh thận mạn. Ngoài ra, hiệu quả và an toàn của thuốc lợi tiểu và β-blockers đã chứng minh trong nhiều báo cáo nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bệnh nhân sẽ cần nhiều hơn một nhóm thuốc để có thể kiểm soát huyết áp.
  • Điều trị kháng Insulin và rối loạn Glucose máu: Sử dụng Metformin, Acarbose và Thiazolidinediones cũng làm giảm nguy cơ đái tháo đường. Tỷ lệ mắc rối loạn chuyển hóa cũng giảm đáng kể trên những bệnh nhân dùng Metformin. Pioglitazone có thể làm giảm nhiều nguy cơ của rối loạn chuyển hóa như huyết áp cao, tăng Triglyceride, tăng đường huyết và giảm tỷ albumin/creatinine niệu. 
  • Điều trị tình trạng tăng đông và viêm mức độ thấp: Sử dụng liều thấp Aspirin thường được khuyến cáo cho những trường hợp mắc rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng aspirin còn tùy vào mức nguy cơ, các bệnh nhân nguy cơ từ trung bình đến cao nên được dùng Aspirin, các trường hợp còn lại cần xem xét kỹ trước khi sử dụng.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn chuyển hóa là gì
Giảm cân là cách điều trị bệnh rối loạn chuyển hóa 

Rối loạn chuyển hóa là một bệnh lý bao gồm nhiều nhóm yếu tố nguy cơ xuất hiện đồng thời trên cùng một bệnh nhân, trong đó béo phì là một trong những vấn đề quan trọng liên quan chặt chẽ với bệnh lý này. Các bác sĩ đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau nhằm điều trị bệnh rối loạn chuyển hóa và cũng đã cho thấy những kết quả tích cực.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Điều gì xảy ra nếu bạn nhịn ăn 1 ngày?

Điều gì xảy ra nếu bạn nhịn ăn 1 ngày?

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Bệnh béo phì là nguy cơ dẫn đến bệnh nào?

Bệnh béo phì là nguy cơ dẫn đến bệnh nào?

Các nguyên nhân gây béo phì phổ biến nhất

Các nguyên nhân gây béo phì phổ biến nhất

130

Bài viết hữu ích?