Zalo

Nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng như thế nào?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Nội tiết tố hay hormone là những chất hóa học có vai trò trong cơ thể con người. Hormone tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết mọi quá trình của cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất, cảm giác đói và no. Vì có liên quan đến cảm giác thèm ăn nên một số nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng theo nhiều cơ chế khác nhau. Vậy những nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng như thế nào và cần làm gì để kiểm soát cân nặng hợp lý?

1. Nội tiết tố Insulin 

1.1. Insulin ảnh hưởng đến cân nặng như thế nào?

Insulin là hormone được sản xuất bởi tuyến tụy. Ở người khỏe mạnh, insulin thúc đẩy quá trình lưu trữ đường glucose (loại đường đơn chúng ta nhận được từ thực phẩm) trong tế bào cơ, gan và tế bào mỡ nhằm mục đích sử dụng sau này. Cơ thể bài tiết insulin với số lượng nhất định mỗi ngày và sẽ tăng lên sau bữa ăn. Sau đó, insulin sẽ chuyển glucose từ thức ăn vào tế bào để lấy năng lượng hoặc dự trữ, tùy thuộc vào nhu cầu hiện tại của cơ thể.

Kháng insulin là tình trạng khá phổ biến khi các tế bào trong cơ thể ngừng đáp ứng với insulin, từ đó tăng đường huyết vì glucose không thể đi vào tế bào. Để đáp ứng với tình trạng này, tuyến tụy sẽ sản xuất nhiều insulin hơn.

Theo các chuyên gia, tình trạng cân nặng thay đổi thất thường hoặc thừa cân, béo phì có mối liên quan đến hiện tượng đề kháng insulin, qua đó kéo theo một số bệnh lý như đái tháo đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.

1.2. Kiểm soát insulin giúp duy trì cân nặng hợp lý

Để khắc phục tình trạng đề kháng insulin và cân nặng thay đổi thất thường, chúng ta có thể cải thiện độ nhạy insulin bằng những biện pháp sau:

  • Tập thể dục đều đặn: Nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục, ở cả cường độ cao lẫn trung bình là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc cải thiện độ nhạy và giảm tình trạng đề kháng insulin;
  • Cải thiện giấc ngủ: Ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ không chất lượng có liên quan đến béo phì và đề kháng insulin;
  • Bổ sung acid béo omega-3: Nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung omega-3 có thể hỗ trợ cải thiện độ nhạy insulin ở bệnh nhân mắc các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường. Nếu không muốn sử dụng các sản phẩm bổ sung, bạn có thể bổ sung omega-3 thông qua các loại cá, quả hạch, các loại hạt và dầu thực vật;
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Chế độ ăn Địa Trung Hải, bao gồm nhiều loại rau và chất béo lành mạnh từ các loại hạt và dầu ô liu nguyên chất, có thể cải thiện tình trạng kháng insulin. Ngoài ra, việc cắt giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng có thể hữu ích;
  • Kiểm soát cân nặng vừa phải: Ở người thừa cân, việc áp dụng các biện pháp giảm cân lành mạnh và kiểm soát cân nặng có thể cải thiện độ nhạy insulin;
  • Tập trung carbs có mức đường huyết thấp: Thay vì cố gắng loại bỏ carbs khỏi chế độ ăn uống, bạn hãy chọn nguồn carbs có mức đường huyết thấp và nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các loại đậu.
nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng
Tình trạng cân nặng thay đổi thất thường hoặc thừa cân, béo phì có mối liên quan đến hiện tượng đề kháng insulin

2. Leptin

2.1. Nội tiết tố Leptin ảnh hưởng cân nặng như thế nào?

Rối loạn nội tiết tố Leptin có thể ảnh hưởng đến cân nặng, vì đây là hormone này sẽ phản hồi lên vùng dưới đồi (phần não điều chỉnh sự thèm ăn) báo hiệu cơ thể đã no.

Tuy nhiên, người béo phì có thể mắc phải tình trạng kháng leptin, có nghĩa là tín hiệu ngừng ăn không đến được vùng dưới đồi và dẫn đến hiện tượng ăn quá nhiều. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng kháng leptin vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể là do viêm, đột biến gen và/hoặc tình trạng sản xuất leptin quá mức có thể xảy ra khi béo phì.

2.2. Làm thế nào để cải thiện tình trạng kháng leptin?

Mặc dù không có phương pháp điều trị tình trạng kháng leptin, nhưng một vài thay đổi trong lối sống có thể giúp kiểm soát tình hình:

  • Kiểm soát cân nặng phù hợp: Tình trạng kháng leptin có liên quan đến béo phì nên quan trọng nhất là bạn phải duy trì cân nặng khỏe mạnh. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng việc giảm mỡ trong cơ thể có thể giúp giảm nồng độ leptin;
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Nồng độ leptin có liên quan đến chất lượng giấc ngủ ở những người béo phì. Mặc dù mối liên hệ này có thể không tồn tại ở những người không bị béo phì, nhưng có rất nhiều lý do khác để chúng ta cố gắng xây dựng giấc ngủ ngon hơn;
  • Luyện tập thể dục đều đặn: Nhiều nghiên cứu chứng minh mối tương quan giữa việc tập thể dục thường xuyên với việc giảm nồng độ leptin.

3. Ghrelin

3.1. Ghrelin ảnh hưởng đến cân nặng như thế nào?

Nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng tiếp theo là Ghrelin, về cơ bản đây là hormone đối lập với Leptin. Đó là hormone gây đói khi gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi cho biết dạ dày đang trống và cần thức ăn. Vì vậy chức năng chính của nó là tăng cảm giác ngon miệng. Thông thường, nồng độ ghrelin cao nhất trước khi ăn và giảm thấp nhất sau bữa ăn.

Thật kỳ lạ, nghiên cứu chỉ ra rằng những người béo phì có nồng độ ghrelin thấp nhưng mức độ nhạy cảm với nó lại rất cao. Chính sự nhạy cảm này có thể dẫn đến hiện tượng ăn quá nhiều.

3.2. Một số mẹo giúp giảm nồng độ ghrelin

Một lý do khiến việc giảm cân gặp khó khăn là khi cắt giảm calo thường sẽ dẫn đến tăng nồng độ ghrelin và khiến bạn bị đói. Do đó, một số mẹo sau đây có thể giúp giảm nồng độ ghrelin, qua đó giảm cảm giác thèm ăn:

  • Kiểm soát cân nặng: Béo phì làm tăng độ nhạy cảm với ghrelin, từ đó khiến cảm giác thèm ăn tăng rất cao. Vì vậy, bạn nên duy trì cân nặng ở mức phù hợp;
  • Xây dựng giấc ngủ tốt. Giấc ngủ kém có thể dẫn đến tăng ghrelin, qua đó khiến bạn ăn quá nhiều và tăng cân;
  • Ăn thường xuyên. Vì nồng độ ghrelin tăng cao trước bữa ăn nên bạn cần lắng nghe cơ thể và nên ăn khi đói.

4. Nội tiết tố Cortisol 

4.1. Cortisol là nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng 

Cortisol còn được gọi là hormone căng thẳng, được sản xuất bởi tuyến thượng thận và đây là một trong những nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng phổ biến.

Trong thời gian tâm lý căng thẳng, cortisol kích hoạt sự gia tăng nhịp tim và mức năng lượng. Việc giải phóng cortisol, cùng với adrenaline, thường được gọi là phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”. Mặc dù cơ thể phải giải phóng cortisol trong những tình huống nguy hiểm, nhưng nồng độ cortisol cao mãn tính có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, mức năng lượng thấp, huyết áp cao, rối loạn giấc ngủ và tăng cân.

Một số yếu tố về lối sống, bao gồm giấc ngủ kém, căng thẳng mãn tính và ăn nhiều thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có thể góp phần làm tăng nồng độ cortisol máu. Ngoài ra, béo phì làm tăng bài tiết cortisol và khi nồng độ cortisol cao lại dẫn đến tăng cân, qua đó tạo ra một vòng phản hồi tiêu cực.

4.2. Thay đổi lối sống để kiểm soát nồng độ cortisol

Dưới đây là một số thay đổi lối sống có thể giúp quản lý rối loạn nội tiết tố cortisol:

  • Tối ưu hóa giấc ngủ: Các rối loạn giấc ngủ mãn tính, bao gồm mất ngủ, ngưng thở khi ngủ và thói quen ngủ không đều đặn (gặp ở người làm việc theo ca), có thể góp phần làm tăng cortisol máu. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo cần tập trung vào việc xây dựng lịch trình ngủ đều đặn;
  • Luyện tập thể dục: Nồng độ Cortisol máu tăng tạm thời sau khi tập thể dục ở cường độ cao, nhưng việc duy trì tập thể dục thường thường xuyên sẽ giúp giảm nồng độ cortisol thông qua việc cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm mức độ căng thẳng;
  • Thiền: Nghiên cứu gợi ý rằng thường xuyên ngồi thiền sẽ làm giảm nồng độ cortisol, mặc dù cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn;
  • Kiểm soát cân nặng vừa phải: Vì béo phì có thể làm tăng nồng độ cortisol máu và theo chiều ngược lại nồng độ cortisol cao lại gây tăng cân nên việc duy trì cân nặng vừa phải có thể giúp kiểm soát rối loạn nội tiết tố này;
  • Chế độ ăn uống cân bằng. Nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen ăn nhiều đường bổ sung, ngũ cốc tinh chế và chất béo bão hòa có thể dẫn đến tăng cortisol máu. Ngược lại, chế độ ăn Địa Trung Hải có thể giúp kiểm soát nồng độ hormone này.

5. Nội tiết tố nữ

5.1. Nội tiết tố nữ Estrogen ảnh hưởng đến cân nặng

Estrogen là hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh chức năng sinh sản, cũng như hệ thống miễn dịch, xương và mạch máu. Nồng độ hormone này thay đổi trong các giai đoạn của cuộc đời như mang thai, cho con bú và mãn kinh, cũng như trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.

Nồng độ estrogen cao thường thấy ở những người béo phì, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và các bệnh lý mãn tính khác. Ngược lại, nồng độ estrogen thấp thường thấy ở người lớn tuổi, tiền mãn kinh và mãn kinh, có thể ảnh hưởng đến cân nặng và lượng mỡ trong cơ thể, qua đó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính.

Những người có nồng độ estrogen thấp thường bị béo phì trung tâm với sự tích tụ mỡ thừa quanh bụng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như tăng đường huyết, tăng huyết áp và bệnh tim mạch.

5.2. Kiểm soát nội tiết tố nữ giúp duy trì cân nặng hợp lý

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe này thông qua thay đổi lối sống, đặc biệt là bằng cách kiểm soát cân nặng phù hợp. Để duy trì estrogen ở mức cân bằng, bạn hãy thử một số giải pháp sau:

  • Cố gắng kiểm soát cân nặng: Giảm hoặc duy trì cân nặng hợp lý có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do nồng độ estrogen thấp ở phụ nữ từ 55 đến 75 tuổi;
  • Luyện tập thể dục đều đặn: Nồng độ estrogen thấp có thể khiến bạn cảm thấy kém khả năng tập thể dục. Tuy nhiên, trong thời kỳ cơ thể sản xuất estrogen ít, chẳng hạn như mãn kinh, việc tập thể dục thường xuyên vẫn rất quan trọng để hỗ trợ kiểm soát cân nặng;
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng: Chế độ dinh dưỡng nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt và ngũ cốc tinh chế đã được chứng minh là làm tăng nồng độ estrogen, qua đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo bạn nên hạn chế những thực phẩm này để loại bỏ hiện tượng cân nặng thay đổi thất thường.
nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng
Chuyên gia khuyến cáo bạn nên hạn chế những thực phẩm này để loại bỏ hiện tượng cân nặng thay đổi thất thường. 

6. Neuropeptide Y

6.1. Neuropeptide Y ảnh hưởng cân nặng như thế nào?

Neuropeptide Y (NPY) là hormone được sản xuất bởi các tế bào não và hệ thần kinh với công dụng kích thích sự thèm ăn và giảm tiêu hao năng lượng để đáp ứng với việc nhịn ăn hoặc căng thẳng. Và vì có thể kích thích tăng giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể nên NPY là một trong những nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng và liên quan đến tăng cân hay béo phì.

NPY được kích hoạt trong mô mỡ và có thể làm tăng khả năng lưu trữ chất béo, dẫn đến béo bụng và hội chứng chuyển hóa, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Nghiên cứu chỉ ra rằng các cơ chế của NPY dẫn đến béo phì cũng có thể gây ra phản ứng viêm, hệ quả là sức khỏe ngày càng tồi tệ hơn.

6.2. Mẹo để duy trì nồng độ NPY lành mạnh

Dưới đây là một số mẹo để duy trì nồng độ NPY lành mạnh:

  • Tập thể dục: Một số nghiên cứu gợi ý rằng tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nồng độ NPY, mặc dù các nghiên cứu này chưa chuyên sâu;
  • Dinh dưỡng hợp lý: Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nhưng chế độ ăn nhiều chất béo và nhiều đường có thể làm tăng nồng độ NPY.

7. GLP-1

7.1. Glucagon-like-peptide 1 ảnh hưởng cân nặng như thế nào?

Glucagon-like-peptide 1 (gọi tắt là GLP-1) là hormone được sản xuất trong đường ruột khi chất dinh dưỡng đi qua. GLP-1 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đường huyết ổn định và khiến bạn cảm thấy no. Nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh béo phì có thể gặp vấn đề với rối loạn nội tiết tố GLP-1. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định thuốc bổ sung GLP-1, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường, nhằm mục đích giảm cân và giảm mỡ bụng.

7.2. Giải pháp duy trì nồng độ GLP-1 bình thường

Sau đây là một số giải pháp duy trì nồng độ GLP-1 bình thường:

  • Ăn nhiều protein: Thực phẩm giàu protein như đạm whey và sữa chua đã được chứng minh là làm tăng nồng độ GLP-1;
  • Cân nhắc bổ sung men vi sinh: Nghiên cứu sơ bộ cho thấy men vi sinh có thể làm tăng nồng độ GLP-1, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn trên người. Ngoài ra, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào.

8. Cholecystokinin

8.1. Cholecystokinin (CCK) là nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng

Giống như GLP-1, cholecystokinin (CCK) là một loại nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng khi tạo ra cảm giác no. Hormone này được sản xuất bởi các tế bào ruột sau bữa ăn với vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh năng lượng, tổng hợp protein, tiêu hóa và nhiều chức năng cơ thể khác.

nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng
Cholecystokinin là một loại nội tiết tố ảnh hưởng cân nặng khi tạo ra cảm giác no 

Những người mắc bệnh béo phì có thể giảm nhạy cảm với tác dụng của CCK, điều này dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều kéo dài. Đồng thời, càng làm giảm độ nhạy của CCK và tạo ra một vòng xoắn bệnh lý tiêu cực.

8.2. Một số giải pháp sau sẽ giúp duy trì nồng độ CCK bình thường

  • Ăn nhiều protein: Một số nghiên cứu chứng minh chế độ ăn giàu protein có thể làm tăng nồng độ CCK và qua đó giúp bạn cảm thấy no;
  • Tập luyện: Các nghiên cứu còn hạn chế đưa ra một số bằng chứng ủng hộ việc tập thể dục thường xuyên để tăng nồng độ CCK.

9. Peptide YY

9.1. Hormon đường ruột ảnh hưởng cân nặng như thế nào?

Peptide YY (PYY) là hormone đường ruột khác có thể làm giảm cảm giác thèm ăn. Nồng độ PYY có thể thấp hơn ở những người béo phì, điều này có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn nhiều hơn và từ đó khó có thể kiểm soát chế độ ăn.

9.2. Cải thiện nồng độ PYY

Một số biện pháp sau giúp duy trì nồng độ PYY ở mức bình thường:

  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ: Ăn nhiều protein có thể thúc đẩy duy trì nồng độ PYY khỏe mạnh và sung mãn. Ngoài ra, chế độ ăn kiêng, bao gồm nhiều protein, trái cây và rau, có thể làm tăng nồng độ PYY, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu;
  • Tập thể dục: Mặc dù nghiên cứu về cường độ tập thể dục và PYY không đầy đủ nhưng việc duy trì hoạt động thể lực thường sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Có thể thấy, nội tiết tố có ảnh hưởng và liên quan rất lớn đến cân nặng. Để kiểm soát các chỉ số nội tiết nhằm duy trì cân nặng hợp lý, ngoài chế độ dinh dưỡng, luyện tập bạn có thể lựa chọn liệu pháp tái tạo năng lượng giúp tiêu hao, chuyển hóa lượng mỡ thừa thành dạng năng lượng. Chính nguồn năng lượng này sẽ giúp bạn đáp ứng được các hoạt động thể chất, hoạt động thường ngày mà không gây mệt mỏi hay tích trữ nước trong cơ thể.

Bên cạnh đó, các chỉ số nội tiết, mỡ máu cũng được cân bằng, hạn chế tối đa được biến chứng bệnh béo phì gây ra. Dịch truyền được sử dụng bao gồm các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.

Với phương pháp này, sau thời gian áp dụng từ 6 tới 8 tuần, bạn sẽ giảm được khoảng 10% tổng trọng lượng mỡ trên cơ thể. Bên cạnh đó, liệu pháp tái tạo năng lượng hiện cũng được đánh giá là phương pháp quản trị cân nặng tốt nhất hiện nay với tỉ lệ tái béo rất thấp. Vì thế, người sử dụng hoàn toàn có thể yên tâm và tin tưởng tuyệt đối.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Uyên xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Chỉ số BMI bao nhiêu là béo phì?

Chỉ số BMI bao nhiêu là béo phì?

Các bài tập thể dục giảm mỡ bụng dưới

Các bài tập thể dục giảm mỡ bụng dưới

Các bài tập thể dục giảm mỡ máu cho người thừa cân

Các bài tập thể dục giảm mỡ máu cho người thừa cân

Giảm cân có làm giảm nguy cơ ung thư không?

Giảm cân có làm giảm nguy cơ ung thư không?

Có phải béo phì gây yếu sinh lý?

Có phải béo phì gây yếu sinh lý?

46

Bài viết hữu ích?