Zalo

Các biểu hiện thiếu sắt ở phụ nữ trưởng thành

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Cơ thể mệt mỏi bất thường, da xanh xao, khó thở, tim đập nhanh và rụng tóc là những biểu hiện thiếu sắt ở phụ nữ trưởng thành. Tình trạng thiếu sắt nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí là tử vong. Vậy các triệu chứng thiếu sắt ở phụ nữ là gì và cách cải thiện tình trạng thiếu sắt ở phụ nữ như thế nào?

1. Các biểu hiện thiếu sắt ở phụ nữ trưởng thành

Mức độ thiếu hụt sắt trong cơ thể có thể từ nhẹ đến nặng. Phụ nữ trưởng thành bị thiếu sắt mức độ nhẹ đến trung bình có thể không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Các triệu chứng thường xuất hiện và xấu đi khi tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Nếu không được điều trị, thiếu sắt có thể gây ra nhiều biến chứng và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Các dấu hiệu thiếu sắt ở phụ nữ trưởng thành, bao gồm:

  • Mệt mỏi bất thường là triệu chứng thiếu sắt ở phụ nữ trưởng thành thường gặp nhất. Nguyên nhân của tình trạng mệt mỏi này là do cơ thể bạn thiếu sắt để tạo ra một loại protein có tên là hemoglobin giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nếu cơ thể không tổng hợp đủ hemoglobin thì lượng oxy cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể sẽ ít đi và các cơ quan sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động. Ngoài ra, hệ tim mạch của bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để vận chuyển nhiều máu giàu oxy hơn đi khắp cơ thể, điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
  • Da xanh xao và màu nhợt nhạt ở bên trong mí mắt dưới là những dấu hiệu thiếu sắt ở phụ nữ. Huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu làm cho máu có màu đỏ, do đó khi thiếu sắt khiến lượng huyết sắc tố giảm sẽ làm cho máu ít đỏ hơn. Điều này dẫn đến da chúng ta có thể mất đi màu sắc hồng hào khỏe mạnh.
  • Khó thở cũng là biểu hiện thiếu sắt ở phụ nữ. Hemoglobin có vai trò cho phép các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi nồng độ hemoglobin trong hồng cầu giảm do thiếu sắt sẽ kéo theo nồng độ oxy trong máu thấp. Điều này dẫn đến cơ bắp của bạn sẽ không có đủ oxy để thực hiện các hoạt động thường ngày như đi bộ hay leo cầu thang. Hậu quả là nhịp thở của bạn sẽ tăng lên để cơ thể cố gắng lấy thêm oxy dẫn đến tình trạng khó thở.
  • Đau đầu và chóng mặt cũng là biểu hiện của thiếu sắt ở phụ nữ. Cơ thể thiếu hemoglobin sẽ làm giảm nồng độ oxy đến não làm cho các mạch máu não sưng lên và tạo ra áp lực, dẫn đến tình trạng đau đầu và chóng mặt.
  • Sưng đau lưỡi và miệng cũng là dấu hiệu thiếu sắt ở phụ nữ mà bạn cần lưu ý. Khi thiếu sắt bạn có thể gặp tình trạng lưỡi bị sưng, viêm, nhợt nhạt hoặc nhẵn một cách bất thường. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng như khô miệng, cảm giác nóng bỏng trong miệng, vết nứt đỏ đau ở khóe miệng và loét miệng.
  • Da và tóc khô do nhận được ít oxy hơn từ máu do cơ thể thiếu sắt. Trường hợp thiếu sắt nặng nặng có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc.
  • Tim đập nhanh do tim phải làm việc nhiều hơn để vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Điều này dẫn đến tim đập nhanh, nhịp tim không đều và thậm chí có tiếng thổi ở tim, tim to hoặc suy tim.
  • Hội chứng chân không yên do thiếu sắt là một sự thôi thúc mạnh mẽ để di chuyển chân của bạn khi nghỉ ngơi. Hội chứng chân không yên có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu và kỳ lạ ở bàn chân và cẳng chân của bạn.
Mệt mỏi bất thường là triệu chứng thiếu sắt ở phụ nữ trưởng thành thường gặp nhất
Mệt mỏi bất thường là triệu chứng thiếu sắt ở phụ nữ trưởng thành thường gặp nhất

2. Các biểu hiện thiếu sắt ở phụ nữ trưởng thành có dễ phát hiện không? 

Tùy vào mức độ thiếu hụt sắt trong cơ thể mà biểu hiện của tình trạng thiếu sắt có thể khác nhau. Ban đầu, khi tình trạng thiếu sắt nhẹ các dấu hiệu thiếu sắt ở phụ nữ có thể khó nhận biết. Khi tình trạng thiếu sắt trầm trọng hơn thì các triệu chứng thiếu sắt ở phụ nữ sẽ biểu hiện rầm rộ và ngày càng gia tăng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi do thiếu sắt thì bạn cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Đặc biệt, những phụ nữ có nguy cơ thiếu sắt cao cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tình trạng thiếu sắt trước khi xuất hiện triệu chứng.

Những phụ nữ có nguy cơ cao bị thiếu sắt, bao gồm:

  • Phụ nữ có chế độ ăn thuần chay có nguy cơ thiếu sắt cao hơn. Nguyên nhân là do những phụ nữ này không tiêu thụ protein động vật, do đó họ chỉ nhận được lượng sắt non-heme có trong thực vật. Sắt non-heme được chứng minh khó hấp thu hơn so với sắt heme trong động vật, do đó nguy cơ thiếu sắt ở phụ nữ ăn chay tăng cao.
  • Phụ nữ đã phẫu thuật giảm béo có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt cao, đặc biệt khi bệnh nhân ở giai đoạn tiền mãn kinh. Nguyên nhân được cho là do phản ứng tạo hồng cầu giảm do viêm, mất máu do phẫu thuật, giảm ăn thịt, kém hấp thu sắt và vitamin B12.
  • Phụ nữ sử dụng thuốc ức chế bơm proton điều trị bệnh viêm loét dạ dày kéo dài cũng làm tăng nguy cơ thiếu sắt. Acid clohydric trong dạ dày có nhiệm vụ phân tách muối sắt non-heme khỏi thức ăn, muối sắt hòa tan sau đó được khử thành dạng sắt cơ thể dễ hấp thu hơn. Sử dụng thuốc ức chế bơm proton kéo dài có thể làm giảm lượng sắt có sẵn trong chế độ ăn do thay đổi nồng độ axit trong dạ dày.
  • Phụ nữ trong độ tuổi có kinh nguyệt cần bổ sung sắt để tăng mô nạc, tăng lượng máu và thay thế lượng máu mất trong thời kỳ kinh nguyệt. Nhu cầu sắt của họ có thể cao gấp đôi so với những phụ nữ sau mãn kinh.
  • Khi phụ nữ mang thai, lượng hồng cầu tăng 30% và đạt đỉnh điểm vào giữa tam cá nguyệt thứ ba. Thai nhi đang phát triển cần sắt để tăng trưởng và sản xuất máu. Vì vậy, phụ nữ mang thai có nhu cầu sắt cần bổ sung có thể lên tới 1000 mg sắt nguyên tố mỗi ngày trong thai kỳ. Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể dẫn đến giảm khả năng phát triển trí não ở thai nhi và tăng khả năng bị nhiễm trùng.
  • Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú được khuyến nghị nên tiếp tục được bổ sung sắt.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu sắt cao
Phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu sắt cao

3. Làm gì với tình trạng thiếu sắt ở phụ nữ?

Khi bạn xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý thiếu sắt thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định mức độ thiếu hụt sắt của bạn và chỉ định phương pháp bổ sung phù hợp. 

Một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng thiếu sắt ở phụ nữ, bao gồm:

  • Bổ sung sắt thông qua chế độ ăn uống hàng ngày với các thực phẩm giàu chất sắt như trứng, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu gan động vật, các loại rau có màu xanh đậm và các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ.
  • Bổ sung lượng sắt thiếu hụt cho cơ thể bằng các sản phẩm viên sắt uống. Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho những bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt. Bổ sung sắt bằng đường uống thường sẽ phải mất từ ​​3 đến 6 tháng để khôi phục lại lượng sắt trong cơ thể. 
  • Bổ sung sắt qua đường tĩnh mạch để giúp tăng nồng độ sắt trong cơ thể. Phương pháp này thường chỉ mất một hoặc vài buổi để khôi phục lại mức độ sắt thiếu hụt của cơ thể. Những phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng hoặc những phụ nữ mắc bệnh mãn tính có thể nhận được nhiều sắt hơn bằng phương pháp này. Bổ sung sắt qua đường tĩnh mạch được chỉ định để điều trị thiếu hụt sắt trong các tình huống như bệnh nhân không dung nạp được với sắt đường uống, nhu cầu lâm sàng cần cung cấp sắt nhanh chóng nhằm bổ sung các kho sắt, mắc bệnh lý viêm đại tràng nặng không dung nạp được các chế phẩm của sắt và bệnh nhân không tuân thủ liệu pháp uống sắt.

Tóm lại, sắt là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp hemoglobin của cơ thể. Các biểu hiện thiếu sắt ở phụ nữ có thể là mệt mỏi, da xanh xao, khó thở, tăng nhịp tim, sưng đau lưỡi và miệng. Những phụ nữ có nguy cơ thiếu sắt cao như đang mang thai, đang cho con bú và mắc các bệnh lý mãn tính nên kiểm tra tình trạng thiếu sắt định kỳ để được điều trị kịp thời. Tùy vào mức độ thiếu hụt của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp bổ sung sắt phù hợp.

Tài liệu tham khảo: Uspharmacist.com

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Chu Yến Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Vì sao bạn bị đau đầu do thiếu sắt?

Vì sao bạn bị đau đầu do thiếu sắt?

Bổ sung sắt để làm gì? Ai cần bổ sung sắt?

Bổ sung sắt để làm gì? Ai cần bổ sung sắt?

Chỉ định truyền sắt tĩnh mạch

Chỉ định truyền sắt tĩnh mạch

Chỉ số MCHC trong máu thấp: Nguyên nhân và cách điều trị

Chỉ số MCHC trong máu thấp: Nguyên nhân và cách điều trị

Các tác dụng phụ khi truyền sắt có thể gặp

Các tác dụng phụ khi truyền sắt có thể gặp

37

Bài viết hữu ích?