Zalo

Bộ não lão hóa ảnh hưởng đến suy nghĩ như thế nào?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Não bộ là một bộ phận quan trọng trong cơ thể giúp kiểm soát việc ghi nhớ, xử lý, quản lý cũng như việc đưa ra các quyết định trong công việc và cuộc sống thường ngày. Khi chúng ta già đi, tất cả các cơ quan trong cơ thể đều suy giảm chức năng trong đó có cả não bộ. Cùng tìm hiểu bệnh thoái hoá não là gì và những ảnh hưởng của lão hoá não đến suy nghĩ của chúng ta qua bài viết sau đây.

1. Lão hóa não là gì?

Chúng ta ai rồi cũng sẽ già đi, đó là một quá trình tự nhiên và bạn không thể nào tránh khỏi. Nhiều cơ quan trong cơ thể bắt đầu thoái hoá theo tuổi tác trong đó có cả thoái hoá não. 

Lão hoá não là tình trạng suy giảm về khối lượng cũng như chức năng của não. Lão hóa não được đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng nhận thức chủ yếu là trí nhớ, khả năng học tập, tốc độ chú ý, khả năng xử lý công việc và chức năng điều hành quản lý. Ở một số người, sự suy giảm này có thể phát triển thành suy giảm nhận thức nhẹ, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các bệnh thoái hóa não.

Bệnh thoái hoá não là một quá trình lão hoá não không bình thường. Bệnh thoái hoá não hay còn gọi là bệnh Alzheimer là một bệnh xảy ra ở người cao tuổi xảy ra do sự lắng đọng của các mảng beta - amyloid trong não. Ngoài yếu tố nguy cơ là tuổi cao, thì bệnh thoái hoá não còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác như di truyền, chấn thương, trầm cảm hay trình độ văn hoá. 

thoái hóa não
Bệnh thoái hoá não là một quá trình lão hoá não không bình thường 

2. Những thay đổi nào xảy ra khi não bị lão hoá

Trong những năm đầu đời, não hình thành hơn một triệu kết nối thần kinh mới mỗi giây. Đến 6 tuổi, kích thước của não tăng lên khoảng 90% so với thể tích ở tuổi trưởng thành.

Sau đó, ở độ tuổi 30 và 40, não bắt đầu co lại với tốc độ co rút thậm chí còn nhanh hơn so với tuổi 60. Giống như các nếp nhăn và tóc bạc bắt đầu xuất hiện thì diện mạo của não cũng bắt đầu thay đổi. Và với sự biến đổi về thể tích, khối lượng của bộ não đồng nghĩa với việc khả năng nhận thức của chúng ta sẽ bị thay đổi. Những thay đổi sau đây thường xảy ra khi chúng ta già đi:

  • Khối lượng não: Trong khi khối lượng não giảm tổng thể theo tuổi tác, thùy trán và hồi hải mã. Các vùng não cụ thể chịu trách nhiệm về chức năng nhận thức - co lại nhiều hơn các vùng khác. Thuỳ trán là những thùy lớn nhất trong não con người và được coi là trung tâm kiểm soát hành vi và cảm xúc của con người đối với tính cách của chúng ta. Hồi hải mã đóng một vai trò quan trọng trong học tập và trí nhớ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vùng hải mã dễ bị mắc nhiều chứng rối loạn thần kinh và tâm thần.
  • Mật độ vỏ não: Vỏ não của chúng ta là lớp ngoài nhăn nheo của não chứa các tế bào thần kinh cũng sẽ mỏng đi theo tuổi tác. Vỏ não mỏng đi đặc biệt rõ rệt ở thùy trán và các phần của thùy thái dương. Thể tích của vỏ não giảm đi dẫn đến giảm các kết nối thần kinh, điều này có thể góp phần khiến quá trình xử lý nhận thức chậm hơn.
  • Chất trắng: Chất trắng bao gồm các sợi thần kinh có myelin được bó lại thành các bó và truyền tín hiệu thần kinh giữa các tế bào não. Các nhà nghiên cứu tin rằng myelin co lại theo tuổi tác, làm chậm quá trình xử lý và giảm chức năng nhận thức. Chất trắng là một hệ thống rộng lớn, đan xen gồm các kết nối thần kinh nối liền cả bốn thùy của não (thùy trán, thùy thái dương, thùy đỉnh và thùy chẩm) và trung tâm cảm xúc của não trong hệ thống limbic. 
  • Hệ thống dẫn truyền thần kinh: Não bắt đầu sản xuất ra các hóa chất khác nhau ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh và sản xuất protein, cuối cùng dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức.

2. Bộ não lão hóa ảnh hưởng đến suy nghĩ như thế nào?

Bộ não kiểm soát nhiều khía cạnh như suy nghĩ, ghi nhớ, lập kế hoạch và tổ chức, đưa ra quyết định..Những khả năng nhận thức này ảnh hưởng đến việc chúng ta thực hiện các công việc hàng ngày tốt như thế nào và liệu chúng ta có thể sống độc lập hay không.

Khi bộ não bị lão hóa sẽ ảnh hưởng đến việc suy nghĩ và ghi nhớ cũng như khả năng tập trung chú ý như sau:

2.1. Trí nhớ

  • Người lớn tuổi bình thường thường giỏi lưu giữ thông tin và ký ức mà họ đã có được trước đó, nhưng họ có thể mất nhiều thời gian hơn để lấy lại chúng.
  • Khả năng thực hiện các thao tác đã học tốt (ví dụ như đánh máy) vẫn ổn định. Tuy nhiên, người lớn tuổi thường cần nhiều thời gian và thực hành hơn để tìm hiểu một quy trình mới và tạo ra trí nhớ về quy trình.
  • Trí nhớ làm việc suy giảm có nghĩa là người lớn tuổi có thể mất nhiều thời gian hơn hoặc gặp khó khăn hơn khi giải quyết các vấn đề phức tạp hoặc cân nhắc các quyết định phức tạp.
  • Sự suy giảm trí nhớ theo từng giai đoạn có thể khiến người lớn tuổi hay quên hơn một chút, đặc biệt là đối với những sự kiện gần đây.
  • Sự suy giảm trí nhớ tương lai có thể khiến người lớn tuổi dễ quên những việc mà lẽ ra họ phải làm.

2.2. Tốc độ xử lý

  • Tốc độ xử lý giảm dần theo tuổi tác. Sự suy giảm này bắt đầu ở giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, vì vậy khi mọi người ở độ tuổi 70 hoặc 80, tốc độ xử lý sẽ giảm đáng kể so với tốc độ ở độ tuổi 20.
  • Người lớn tuổi cần nhiều thời gian hơn để tiếp thu thông tin và hình thành phản ứng thích hợp so với người trẻ tuổi. Một số người lớn tuổi có thể gặp khó khăn với những nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi phải xử lý thông tin nhanh chóng.
  • Đặc biệt, việc lái xe có thể bị ảnh hưởng bởi quá trình xử lý chậm hơn, vì việc lái xe đòi hỏi não phải liên tục chú ý và xử lý nhiều thông tin đồng thời nhanh chóng hình thành các phản ứng thích hợp.

2.3. Tập trung chú ý

Khi già đi, người lớn tuổi dễ bị phân tâm bởi tiếng ồn, sự lộn xộn về hình ảnh hoặc tình huống bận rộn. Họ cần nhiều nỗ lực hơn để chú ý, đặc biệt là khi những việc khác đang diễn ra. Họ cũng sẽ trở nên kém hơn trong việc thực hiện nhiều nhiệm vụ hoặc chuyển đổi giữa các nhiệm vụ khi họ già đi.

2.4. Ngôn ngữ

  • Người lớn tuổi bình thường vẫn giữ được vốn từ vựng và khả năng hiểu ngôn ngữ viết.
  • Họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói nhanh hoặc lời nói bị bóp méo (chẳng hạn như lời nói được phát bằng loa hoặc giọng nói tổng hợp).
  • Việc lấy từ thường mất nhiều thời gian hơn.

2.5. Khả năng điều hành

  • Những người lớn tuổi bình thường thường có thể thực hiện các nhiệm vụ chức năng điều hành, nhưng họ sẽ không thực hiện tốt như khi còn trẻ.
  • Người lớn tuổi có thể gặp khó khăn hoặc mất nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ chức năng điều hành đòi hỏi khắt khe hơn, đặc biệt nếu họ mệt mỏi hoặc cảm thấy khó khăn về mặt nhận thức.

Tuy nhiên, lão hóa cũng có thể mang lại những thay đổi nhận thức tích cực. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn tuổi có vốn từ vựng lớn hơn và hiểu biết sâu hơn về ý nghĩa của từ so với người trẻ tuổi. Những người lớn tuổi cũng có thể đã học được từ những kiến ​​thức và kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm của họ. Bất chấp những thay đổi về nhận thức có thể xảy ra theo tuổi tác, người lớn tuổi vẫn có thể làm được nhiều việc mà họ yêu thích cả đời. Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi vẫn có thể học các kỹ năng mới, hình thành những kỷ niệm mới và cải thiện vốn từ vựng và kỹ năng ngôn ngữ.

3. Cách nào làm chậm lão hóa não?

Khi chúng ta già đi, lão hoá não và các cơ quan trong cơ thể là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên việc nắm được các yếu tố thúc đẩy quá trình lão hoá não sẽ giúp bạn làm chậm quá trình này, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp bạn sống khỏe và sống thọ hơn.

3.1. Kiểm soát huyết áp

Huyết áp cao sẽ làm giảm lưu lượng máu lưu thông đến não từ đó làm gia tăng nguy cơ suy giảm nhận thức cũng như lão hoá não. Việc ổn định huyết áp sẽ giúp máu lưu thông đến não tốt hơn, giảm tổn thương các tế bào não. Bạn có kiểm soát huyết áp bằng thuốc, duy trì lối sống lành mạnh, tích cực tập luyện thể lực và chế độ ăn lành mạnh.

thoái hóa não
Huyết áp cao sẽ làm giảm lưu lượng máu lưu thông đến não từ đó làm gia tăng nguy cơ suy giảm nhận thức cũng như lão hoá não 

3.2. Cải thiện nồng độ cholesterol trong máu

Mỡ máu cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ lão hoá não. Cholesterol LDL đóng vai trò trong việc hình thành các mảng xơ vữa, là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer và nhiều bệnh lý khác của não. Việc duy trì nồng độ cholesterol ổn định sẽ làm giảm tổn thương tế bào não, làm chậm tiến trình lão hoá của não. Bạn cần hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế thịt, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây và các loại hạt. Tích cực tập luyện thể lực, duy trì lối sống lành mạnh để cải thiện tình trạng mỡ máu của bạn.

3.3. Ổn định đường huyết

Đường huyết cao cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây lão hoá não. Tình trạng kháng insulin ngoại biên và lượng đường huyết tăng cao có liên quan đến tình trạng lão hóa não nhanh hơn, chức năng nhận thức kém hơn và chứng mất trí nhớ. Việc ổn định lượng đường trong máu sẽ giúp chống lão hoá não bộ. Bạn có thể cải thiện đường huyết bằng dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống và chế độ ăn lành mạnh. Bạn cần hạn chế ăn nhiều đường, thịt, các loại thức ăn nhanh chế biến sẵn. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám thay thế cho cơm trắng. Tăng cường thời gian tập luyện thể lực và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp bạn ổn định lượng đường trong máu.

3.4. Chế độ ăn lành mạnh

  • Hạn chế ăn thịt đỏ, các loại chất béo bão hoà là cách chống lão hoá não bộ. Bạn cần thay thế đạm động vật bằng các loại đạm thực vật có trong các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt. Thay thế các loại chất béo có trong động vật bằng các chất béo không bão hoà có trong các loại hạt. Nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ hạt có thể có lợi cho chức năng não, đặc biệt là quả óc chó. Quả óc chó rất giàu axit béo omega-3 thiết yếu ALA ( tiền thân của DHA và EPA ), và các nghiên cứu đã chứng minh rằng tiêu thụ quả óc chó cao nhiều sẽ tăng cường trí nhớ và làm việc tốt hơn.
thoái hóa não
Hạn chế ăn thịt đỏ, các loại chất béo bão hoà là cách chống lão hoá não bộ 
  • Nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây, các loại đậu, quả hạch và hạt. Chế độ ăn nhiều những thực phẩm này và ít thịt, sữa có liên quan đến việc giảm 36% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Hãy đảm bảo chế độ ăn uống của bạn giàu thực phẩm thực vật tự nhiên, tốt cho sức khỏe và bổ sung nhiều rau sống vào chế độ ăn uống của bạn bằng cách ăn món salad thường xuyên. Thêm đậu, cà chua, hành sống và nước sốt salad làm từ hạt hoặc các loại hạt.
  • Chất phytochemical có trong rau và trái cây có thể giúp giảm bớt căng thẳng oxy hóa và viêm trong não, dẫn đến giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Đặc biệt, các loại quả mọng đã được chú ý vì tác dụng bảo vệ não. Một số loại quả mọng khác nhau đã được chứng minh là có tác dụng làm chậm hoặc đảo ngược sự suy giảm chức năng não liên quan đến tuổi tác ở động vật. 
  • Hạn chế muối trong chế độ ăn.
  • Hãy hạn chế ăn uống đồ ngọt chứa nhiều đường bổ sung. Thay vào đó, hãy thỏa mãn cơn thèm ngọt bằng trái cây tươi vì nó sẽ mang lại cho bạn những lợi ích bổ sung từ chất xơ và chất chống oxy hóa của trái cây. Hãy thay thế nước ngọt có gas bằng các loại nước ép, sinh tố hoa quả sẽ giúp bổ sung thêm nhiều vitamin khoáng chất có lợi cho cơ thể và trí não.

3.5. Tăng cường thực phẩm bổ sung hỗ trợ trí não omega-3 DHA và vitamin B12

Duy trì đủ lượng axit béo omega-3 DHA trong não là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh sau này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng hấp thu cao hơn và lượng omega-3 lưu thông cao hơn có liên quan đến thể tích não lớn hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. 

Thiếu B12 gây ra các vấn đề về não, bao gồm lú lẫn, trầm cảm và trí nhớ kém. Sự thiếu hụt vitamin B12 được cho có liên quan đến khả năng mắc bệnh Alzheimer.

3.6. Tránh xa thuốc lá và hạn chế bia rượu

Trong khói thuốc lá có chứa hàng trăm chất độc hại cho cơ thể. Khói thuốc lá làm giảm thể tích chất trắng, thoái hoá tế bào thần kinh gây lão hoá não. Việc tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá sẽ giúp bạn chống lão hoá não bộ. 

Tương tự, uống quá nhiều bia rượu và uống thường xuyên cũng sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ. Các tế bào thần kinh sẽ bị tổn thương từ đó làm suy giảm trí nhớ, nhận thức. Việc kiểm soát tốt lượng cồn đưa vào cơ thể có thể giúp bạn nâng cao sức khỏe, phòng chống lão hoá não bộ và nhiều bệnh lý khác.

3.7. Tăng cường tập luyện thể dục thể thao

Tập thể dục thường xuyên sẽ làm tăng lượng máu giàu oxy đến vùng não, thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thần kinh và tăng sự kết nối giữa các tế bào não. Điều này dẫn đến bộ não hoạt động hiệu quả hơn, linh hoạt hơn và thích ứng hơn, sẽ giúp não hoạt động tốt hơn ở tuổi già. Tập thể dục cũng làm giảm huyết áp, cải thiện mức cholesterol, giúp cân bằng lượng đường trong máu và giảm căng thẳng tinh thần, tất cả đều có thể giúp ích cho não cũng như tim và nhiều cơ quan khác của cơ thể bạn. 

3.8. Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng lo lắng

Việc đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc sẽ giúp não bộ được thư giãn, thoải mái sau những giờ làm việc học tập căng thẳng. Hãy giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan thoải mái tránh lo lắng quá mức và căng thẳng kéo dài cũng sẽ giúp bạn chống lão hoá não bộ. 

Hiện nay, liệu pháp tái tạo năng lượng được nhiều người tin tưởng, giúp bổ sung vitamin cho toàn bộ cơ thể, chống lại sự mệt mỏi, cải thiện tinh thần, trẻ hóa não bộ và tăng cường năng lượng nhanh chóng từ cấp độ tế bào. Phương pháp này được thực hiện bằng cách truyền tĩnh mạch vi hoạt chất (bao gồm: Chất lỏng, chất điện giải, vitamin, chất chống oxy hóa và axit amin cùng dung dịch truyền độc quyền) giúp bổ sung toàn diện vitamin, axit amin và thúc đẩy glutathione để có sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Nhờ đó bạn sẽ nhanh chóng lấy lại năng lượng tích cực và thoát khỏi tình trạng căng thẳng, stress kéo dài. 

Như vậy, lão hoá là một tiến trình tự nhiên của cơ thể con người. Chúng ta không thể thay đổi được quá trình lão hoá não hay thoái hoá não. Tuy nhiên, bạn có thể làm chậm tiến trình này bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt kết hợp với chế độ ăn lành mạnh, bổ sung những chất tốt cho trí não. Đồng thời, việc kiểm soát tốt các bệnh lý đang mắc phải cũng góp phần làm ngăn chặn lão hoá não.

Tài liệu tham khảo: Betterhealthwhileaging.net, Nia.nih.gov, Publichealth.columbia.edu, Health.harvard.edu, Verywellmind.com

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Trần Thị Thuý Hiếu xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Vì sao khả năng tập trung kém và suy giảm theo tuổi?

Vì sao khả năng tập trung kém và suy giảm theo tuổi?

Hay quên là dấu hiệu của bệnh gì?

Hay quên là dấu hiệu của bệnh gì?

Vì sao stress gây suy giảm trí nhớ nghiêm trọng?

Vì sao stress gây suy giảm trí nhớ nghiêm trọng?

Suy giảm trí nhớ là biểu hiện của bệnh gì?

Suy giảm trí nhớ là biểu hiện của bệnh gì?

Cách nào làm chậm lão hóa não ở người?

Cách nào làm chậm lão hóa não ở người?

25

Bài viết hữu ích?