Zalo

Điều gì gây ra mệt mỏi và làm thế nào để điều trị?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Mệt mỏi và suy nhược là một vấn đề mà bất cứ ai cũng đã từng trải qua, tình trạng này làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng cũng như sinh hoạt hằng ngày của mọi người. Có rất nhiều nguyên nhân mệt mỏi được các bác sĩ tìm ra để từ đó đề xuất phương án điều trị phụ hợp và hiệu quả nhất. Vậy điều gì gây ra mệt mỏi kéo dài và làm thế nào để điều trị?

1. Nguyên nhân mệt mỏi mãn tính

Mệt mỏi kéo dài có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe và các yếu tố lối sống. Một vài nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này gồm có:

1.1 Vấn đề sức khỏe tâm thần

Mệt mỏi mãn tính là một triệu chứng phổ biến của chứng trầm cảm lâm sàng, do bản thân chứng trầm cảm hoặc các vấn đề liên quan, chẳng hạn như chứng mất ngủ. Mệt mỏi cũng có thể là kết quả của các vấn đề sức khỏe tâm thần sau đây:

  • Stress
  • Đau buồn do mất người thân hoặc sự kiện xã hội và trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyển nhà hoặc ly hôn.
  • Rối loạn ăn uống
  • Sự lo lắng trong học tập, công việc, sức khỏe…
  • Buồn chán
  • Cạn kiệt cảm xúc hoặc kiệt sức

1.2 Nguyên nhân nội tiết và chuyển hóa

Tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác ảnh hưởng đến nội tiết tố và chuyển hóa trong cơ thể có thể là nguyên nhân gây ra mệt mỏi mãn tính, bao gồm:

  • Hội chứng Cushing
  • Bệnh thận như suy thận
  • Rối loạn điện giải
  • Đái tháo đường
  • Tình trạng tuyến giáp như suy giáp
  • Phụ nữ trong thai kỳ
  • Tác dụng phụ khi sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố, bao gồm thuốc tránh thai hằng ngày, tiêm thuốc tránh thai, đặt que tránh thai hoặc vòng tránh thai…

1.3 Thuốc và dược phẩm

Một số loại thuốc và dược phẩm có thể gây mệt mỏi, đây có thể được xem là những tác dụng ngoài ý muốn của các loại thuốc điều trị này, chúng bao gồm:

  • Một số loại thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc giảm lo âu
  • Thuốc hạ huyết áp
  • Statin điều trị rối loạn Lipid máu
  • Các loại thuốc nhóm steroid
  • Thuốc kháng histamin
  • Các loại thuốc an thần

Việc sử dụng thuốc quá liều và trong thời gian dài có thể là yếu tố nguy cơ gây ra những tác dụng phụ này. Ngoài ra, việc ngừng thuốc đột ngột hoặc sử dụng không đủ liều cũng có thể gây mệt mỏi kéo dài cho đến khi cơ thể điều chỉnh. Tự ý thay đổi liều lượng cũng có thể là một nguyên nhân.

1.4 Các vấn đề tim mạch và hô hấp

Các bệnh lý về tim mạch và hô hấp cũng có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu trong cơ thể hoặc gây viêm, thiếu oxy nuôi dưỡng và có thể dẫn đến mệt mỏi mãn tính. Những nguyên nhân mệt mỏi này bao gồm:

  • Viêm phổi
  • Hen suyễn
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Rối loạn nhịp tim
  • Bệnh hở van tim
  • Bệnh mạch vành
  • Suy tim sung huyết

1.5 Các vấn đề về giấc ngủ

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ sau đây cũng có thể là nguyên nhân mệt mỏi kéo dài:

  • Làm việc muộn
  • Ca làm việc quá dày
  • Say máy bay hay ô tô
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Chứng ngủ rũ
  • Mất ngủ mãn tính
  • Viêm thực quản trào ngược
Rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân mệt mỏi mãn tính
Rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân mệt mỏi mãn tính

1.6 Thiếu chất dinh dưỡng

Thiếu vitamin, thiếu khoáng chất và ngộ độc đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây mệt mỏi mãn tính. Ngoài ra, việc tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine hoặc cồn thường xuyên cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, đặc biệt là gần giờ đi ngủ. Sử dụng các sản phẩm có chứa nicotin cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và cũng được xem là nguyên nhân mệt mỏi hàng đầu.

1.7 Bệnh tật khác 

Ngoài các vấn đề tại tim mạch hay hô hấp, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra mệt mỏi kéo dài, bao gồm:

  • Thiếu máu
  • Huyết áp cao
  • Béo phì
  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính
  • Suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch
  • Đau cơ xơ hóa
  • Bệnh lupus toàn thân
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Bệnh viêm ruột
  • Quá trình điều trị ung thư, bao gồm hóa trị và xạ trị
  • Mất máu ồ ạt

Mệt mỏi kéo dài cũng có thể là một triệu chứng của nhiễm trùng. Một số bệnh nhiễm trùng là nguyên nhân mệt mỏi bao gồm:

  • Bệnh sốt rét
  • Bệnh lao
  • Bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng
  • Vi-rút cự bào
  • Nhiễm HIV
  • Cúm
  • Nhiễm virus viêm gan

1.8 Đau mãn tính

Những người bị đau mãn tính có thể thức dậy thường xuyên suốt đêm. Họ cũng có thể thức dậy với cảm giác mệt mỏi và thời gian nghỉ ngơi kém, không thể có được giấc ngủ ngon. Sự kết hợp giữa đau mãn tính và thiếu ngủ có thể gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài. Trong một nghiên cứu về chứng đau cơ xơ hóa và giấc ngủ, một nửa số người bị chứng đau cơ xơ hóa cũng bị ngưng thở khi ngủ, điều này góp phần gây ra mệt mỏi kéo dài.

1.9 Thừa cân hoặc thiếu cân

Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mệt mỏi do cơ thể bị nặng nề. Tương tự như vậy, những người thiếu cân có thể dễ dàng mệt mỏi, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng của họ. Rối loạn ăn uống, ung thư, bệnh mãn tính và tuyến giáp hoạt động quá mức đều có thể gây giảm cân, cũng như uể oải và mệt mỏi kéo dài.

1.10 Hoạt động quá sức hoặc quá ít

Một người bị mệt mỏi có thể cảm thấy không thể tập thể dục và việc thiếu tập thể dục có thể gây ra tình trạng mệt mỏi hơn nữa. Việc thiếu tập thể dục cuối cùng có thể gây ra tình trạng mất điều hòa, khiến việc thực hiện một nhiệm vụ thể chất trở nên khó khăn và mệt mỏi hơn. Mệt mỏi cũng có thể ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh sau khi hoạt động thể chất quá mức hoặc tinh thần căng thẳng kéo dài.

2. Các triệu chứng của tình trạng mệt mỏi

Triệu chứng chính của sự mệt mỏi là kiệt sức với hoạt động thể chất hoặc tinh thần. Một người không cảm thấy sảng khoái sau khi nghỉ ngơi hoặc ngủ. Họ cũng có thể khó thực hiện các hoạt động hàng ngày, bao gồm công việc tại cơ quan, công việc gia đình và chăm sóc người khác. Các triệu chứng phổ biến liên quan đến mệt mỏi có thể bao gồm:

  • Đau nhức toàn thân hoặc đau cơ
  • Thờ ơ và thiếu động lực
  • Buồn ngủ ban ngày
  • Khó tập trung vào công việc hoặc học tập
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Cáu kỉnh hoặc ủ rũ
  • Thời gian phản hồi chậm
  • Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mờ

Các triệu chứng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn sau khi gắng sức. Chúng có thể xuất hiện vài giờ sau khi hoạt động hoặc tập thể dục, hoặc có thể vào ngày hôm sau.

3. Điều trị mệt mỏi kéo dài như thế nào?

Các bác sĩ thường dựa vào những nguyên nhân mệt mỏi kể trên để đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp cho từng đối tượng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị cơ bản cho tình trạng mệt mỏi mãn tính.

3.1 Cải thiện giấc ngủ

Có được giấc ngủ chất lượng và đảm bảo thời lượng giấc ngủ ở mức tốt là một phần quan trọng trong việc quản lý sự mệt mỏi. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn nâng cao chất lượng giấc ngủ của bản thân và gia đình:

  • Đặt mục tiêu đi ngủ và thức dậy vào đúng một thời điểm mỗi ngày, ngay cả trong những ngày nghỉ cuối tuần.
  • Đặt nhiệt độ phòng ngủ ở mức dễ chịu nhất, thường là từ 15 - 19 độ C. Tuy nhiên, với khí hậu ở Việt Nam, việc đặt mức 22 - 26 là phù hợp nhất.
  • Hãy tạo môi trường căn phòng ngủ với ánh sáng tối thiểu và yên tĩnh nhất.
  • Tránh nhìn vào màn hình tivi, máy tính hoặc điện thoại…một giờ trước khi ngủ, vì ánh sáng và âm thanh từ các thiết bị này có thể kích thích hoạt động của não và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Tránh ăn uống, hoạt động mạnh, tập thể dục mạnh… ngay trước khi đi ngủ.
  • Khi giờ đi ngủ đến gần, hãy cố gắng sống chậm lại cả về tinh thần lẫn thể chất, hạn chế suy nghĩ quá nhiều về công việc, học tập hay những vấn đề gia đình và xã hội khác. 
  • Nghe một vài bản nhạc êm dịu hoặc tắm nước ấm có thể giúp giải tỏa tâm trí khỏi những suy nghĩ căng thẳng và lo lắng trước khi đi ngủ.
  • Thường xuyên ghi lại nhật ký giấc ngủ cũng có thể hữu ích.

3.2 Cải thiện thói quen ăn uống

Chế độ ăn uống, hay cụ thể hơn là loại và lượng thực phẩm bạn ăn hằng ngày có thể ảnh hưởng đến mức độ mệt mỏi. Việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, vừa phải và cân bằng có thể nâng cao sức khỏe tốt hơn và giấc ngủ ngon hơn, từ đó giảm thiểu trạng thái buồn ngủ và mệt mỏi mãn tính Dưới đây là một số mẹo giúp bạn cải thiện thói quen ăn uống của mình:

  • Chia các bữa ăn trong ngày, ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên trong ngày.
  • Ưu tiên sử dụng đồ ăn nhẹ ít đường.
  • Tránh thực phẩm chế biến nhiều, thực phẩm chế biến sẵn và tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tiêu thụ nhiều trái cây tươi và rau quả.
  • Ưu tiên các loại thực phẩm chứa Protein nạc, chất béo không bão hòa, chất xơ… và hạn chế tiêu thụ thức ăn có nhiều chất béo bão hòa, đường đơn, tinh bột…
  • Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin, chất khoáng và các vi chất dinh dưỡng khác.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tránh tiêu thụ caffeine vào buổi chiều và buổi tối.
Cải thiện chế độ ăn uống là cách hiệu quả để giảm mệt mỏi
Cải thiện chế độ ăn uống là cách hiệu quả để giảm mệt mỏi

3.3 Hoạt động thể chất phù hợp

Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ rất tốt. Tuy nhiên, việc tập luyện hoặc hoạt động quá sức lại tạo ra tác dụng ngược là gây mệt mỏi. Vì thế, hoạt động thể chất ở mức phù hợp luôn được nhiều chuyên gia khuyến cáo. Những người không hoạt động thể chất trong một thời gian nên bắt đầu tập thể dục ở mức độ nhẹ trong thời gian ngắn và dần dần tăng dần thời gian và cường đồ. Tốt nhất hãy nhờ đến sự hướng dẫn của các chuyên gia hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp. Mọi người nên tập thể dục vào thời gian trong ngày hiệu quả nhất đối với họ. Một số bộ môn bạn có thể tham khảo như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập gym, tập aerobic… hoặc tham gia các môn thể thao như bóng đá, cầu lông, quần vợt, bóng bàn, bóng chuyền…

3.4 Yoga và chánh niệm

Trong một nghiên cứu cũ vào năm 2010, những người mệt mỏi mãn tính do mắc bệnh đa xơ cứng đã hoàn thành 2 tháng thiền chánh niệm báo cáo rằng mức độ lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi đã giảm đáng kể, đồng thời chất lượng cuộc sống của họ cũng được cải thiện. Các chuyên gia cũng chỉ ra được những lợi ích của yoga trong việc cải thiện các triệu chứng mệt mỏi và nâng cao chất lượng giấc ngủ ở những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như bệnh thận, gan, bệnh nội tiết, ung thư… Tuy nhiên, hãy tập luyện dưới sự hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia hoặc bác sĩ chuyên khoa.

3.5 Các biện pháp khác

Dưới đây là một số biện pháp khác giúp bạn giảm bớt tình trạng mệt mỏi kéo dài:

  • Giảm căng thẳng, stress là một trong yếu tố góp phần giảm trạng thái mệt mỏi kéo dài.
  • Hãy tìm gặp bác sĩ nếu bạn đang mắc các bệnh lý là nguyên nhân gây mệt mỏi như đã nêu ở trên. Việc điều trị dứt điểm những căn bệnh này đồng nghĩa với việc làm giảm đi vấn đề mệt mỏi này.
  • Hãy nói chuyện với bác sĩ về việc thay đổi các loại thuốc hay giảm nồng độ các loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Điều này giúp giảm thiểu tác dụng phụ gây mệt mỏi 
  • Ngoài các thực phẩm tiêu thụ hằng ngày, bạn cũng có thể bổ sung thêm các chất dinh dưỡng thông qua một số loại dược phẩm chức năng.

Mệt mỏi là một trạng thái của cơ thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau từ yếu tố tâm lý, dinh dưỡng, bệnh tất hay rối loạn giấc ngủ…Các bác sĩ cũng sẽ dựa vào những nguyên nhân này mà đưa ra cho bệnh nhân những phương pháp điều trị kịp thời và phù hợp.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Nên uống gì để hết mệt mỏi, căng thẳng kéo dài?

Nên uống gì để hết mệt mỏi, căng thẳng kéo dài?

Làm việc quá sức có nguy hiểm không? Có thể gây ra bệnh gì?

Làm việc quá sức có nguy hiểm không? Có thể gây ra bệnh gì?

Ăn sầu riêng có bị mất ngủ không?

Ăn sầu riêng có bị mất ngủ không?

Các cách giảm mệt mỏi khi làm việc quá sức

Các cách giảm mệt mỏi khi làm việc quá sức

Vì sao cần chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi?

Vì sao cần chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi?

10

Bài viết hữu ích?