Zalo

Cholesterol và Lipid là gì?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Cholesterol và lipid luôn bị nhiều người lầm tưởng là một chất, vì một số bài viết trên Internet thường xuyên nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này. Trên thực tế, Cholesterol là một phần của Lipid, nên mọi vấn đề xung quanh Cholesterol có thể liên quan đến Lipid trong cơ thể chúng ta. Vậy Cholesterol là gì và Lipid là gì?

1. Lipid là gì?

1.1. Định nghĩa

Lipid là một hợp chất hữu cơ có các phân tử không phân cực, chỉ hòa tan trong dung môi không phân cực và không hòa tan trong nước vì nước là một phân tử phân cực. Trong cơ thể con người, các phân tử Lipid có thể được tổng hợp trong gan và được tìm thấy trong dầu, bơ, sữa nguyên chất, phô mai, thực phẩm chiên và cả trong một số loại thịt đỏ.

Lipid là một họ các hợp chất hữu cơ, bao gồm chất béo và dầu. Những phân tử này mang nguồn năng lượng cao và chịu trách nhiệm cho các chức năng khác nhau trong cơ thể con người. Dưới đây là một số đặc điểm quan trọng của Lipid.

  • Lipid là các phân tử không phân cực được lưu trữ trong mô mỡ của cơ thể.
  • Lipid là một nhóm hợp chất dị thể, chủ yếu gồm các chuỗi hidrocacbon.
  • Lipid là những phân tử hữu cơ giàu năng lượng, cung cấp năng lượng cho các quá trình sống khác nhau.
  • Lipid là một nhóm các hợp chất được đặc trưng bởi khả năng hòa tan của chúng trong dung môi không phân cực và không hòa tan trong nước.
  • Lipid có ý nghĩa quan trọng trong các hệ thống sinh học vì chúng tạo thành một rào cản cơ học phân chia tế bào với môi trường bên ngoài được gọi là màng tế bào.

Lipid là polyme của axit béo có chứa chuỗi hydrocarbon dài, không phân cực với một vùng phân cực nhỏ chứa oxy. Lipid có thể được phân thành hai nhóm chính:

  • Nonsaponifiable Lipids: Nonsaponifiable Lipids là loại lipid không thể bị phân hủy thành các phân tử nhỏ hơn thông qua quá trình thủy phân. Lipid không xà phòng hóa hay Nonsaponifiable Lipids bao gồm cholesterol, prostaglandin…
  • Saponifiable Lipids: Lipid xà phòng hóa hay Saponifiable Lipids bao gồm một hoặc nhiều nhóm este, cho phép nó trải qua quá trình thủy phân với sự có mặt của bazơ, axit hoặc enzym, bao gồm sáp, triglyceride, sphingolipid và phospholipid. Hơn nữa, các loại này có thể được chia thành lipid không phân cực và phân cực. Lipid không phân cực, cụ thể là triglyceride, được sử dụng làm nhiên liệu và dự trữ năng lượng. Lipid phân cực, có thể tạo thành rào cản với môi trường nước bên ngoài, được sử dụng để tạo thành màng tế bào. Lipid phân cực bao gồm sphingolipids và glycerophospholipids.
Lipid là gì là thắc mắc của nhiều người
Lipid là gì là thắc mắc của nhiều người

1.2. Phân loại Lipid

Ba loại lipid chính là phospholipid, sterol và triacylglycerol (còn được gọi là Triglyceride).

Phospholipid

Phospholipid tạo nên lớp màng bao bọc tế bào bên trong cơ thể động vật và con người. Chúng là một lớp bảo vệ xung quanh các tế bào. Hầu hết mọi người không phải lo lắng về lượng phospholipid trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra vấn đề cho những người mắc chứng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp gọi là hội chứng kháng phospholipid (APS). APS thường xảy ra ở những người bị bệnh lupus ban đỏ, đặc biệt là phụ nữ. Ở những người bị hội chứng kháng phospholipid (APS), các protein trên phospholipid bị tấn công và các lớp bảo vệ tế bào bị hư hại. Khi APS tấn công các tế bào máu và mạch máu, nó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở người, dẫn đến đau tim và đột quỵ. Hội chứng kháng phospholipid (APS) cũng có thể dẫn đến các biến chứng khi mang thai.

Sterol

Sterol là một loại steroid, là một nhóm hormone cơ thể tạo ra bằng cách sử dụng lipid. Bạn có thể đã nghe nói về sterol thực vật hoặc phytosterol. Những chất này được tìm thấy trong thực phẩm và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Phytosterol tương tự như sterol chính ở người, được gọi là cholesterol. Hầu hết cholesterol trong cơ thể bạn được sản xuất trong gan và ruột, và khoảng 20% đến từ chế độ ăn uống của chúng ta. Cholesterol được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể và tham gia vào nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, như tạo ra hormone và vitamin D. Cholesterol cũng là chìa khóa để tạo ra muối mật, những chất giúp cơ thể phân hủy chất béo và hấp thụ vitamin. Nếu ai đó hỏi bạn cholesterol và lipid có khác gì nhau không thì thông tin vừa rồi sẽ là câu trả lời thích hợp nhất. Cholesterol chính là một loại Lipid, hay nói cách khác, Lipid bao gồm Cholesterol và các chất khác. Những thông tin chi tiết hơn về Cholesterol sẽ được đề cập ở phần bên dưới.

Triglyceride

Triglyceride là loại lipid phổ biến nhất trong cơ thể chúng ta và đến từ chất béo và dầu trong chế độ ăn uống của chúng ta. Triglyceride rất quan trọng, vì chúng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chất béo chúng ta tiêu thụ trong chế độ ăn uống có thể là chất béo bão hòa hoặc không bão hòa. Chất béo bão hòa ở dạng rắn ở nhiệt độ phòng và thường có nguồn gốc từ các sản phẩm động vật như thịt, bơ và pho mát. Chất béo không bão hòa thường ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng và thường, nhưng không phải luôn luôn, có nguồn gốc từ thực vật. Chất béo không bão hòa có các chất dinh dưỡng thiết yếu thường được gọi là axit béo omega-3 và được tìm thấy trong thực phẩm như cá ngừ, cá hồi, quả hạch, hạt, quả bơ và rau lá. Những axit béo không bão hòa này có thể giúp giảm viêm, huyết áp và Triglyceride trong cơ thể. Chúng cũng làm giảm nguy cơ đột tử do đau tim và ngăn hình thành cục máu đông. Chất béo chuyển hóa, hay "dầu hydro hóa một phần", được tạo ra một cách nhân tạo để có kết cấu nhất định mong muốn cho thực phẩm chế biến. Chúng cũng làm tăng thời hạn sử dụng của các món nướng. Ăn thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa có thể dẫn đến mức cholesterol LDL (có hại) cao và có thể làm giảm cholesterol HDL (có lợi) của bạn. Vậy loại thực phẩm nào làm tăng nồng độ Triglyceride trong máu? Trên thực tế, đó là tất cả lượng calo bổ sung mà chúng ta tiêu thụ từ thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là từ rượu và carbohydrate, cuối cùng được lưu trữ dưới dạng Triglyceride trong mô mỡ của chúng ta. Theo thời gian, nếu bạn không đốt cháy chúng để tạo thêm calo, nồng độ Triglyceride sẽ càng tăng trong cơ thể bạn và dự trữ chất béo bị dư thừa dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, kháng insulin, tiểu đường và thậm chí là viêm tụy cấp.

1.3. Vai trò của Lipid là gì?

Dưới đây là một số vai trò chính của lipid trong cơ thể chúng ta:

Lưu trữ năng lượng

Năng lượng dư thừa từ thực phẩm chúng ta ăn được tiêu hóa và sau đó dự trữ tại mô mỡ. Hầu hết năng lượng cần thiết cho cơ thể con người được cung cấp bởi carbohydrate và lipid, trên thực tế, 30 - 70% năng lượng được sử dụng trong thời gian nghỉ ngơi đến từ chất béo. Như đã được biết, glucose được lưu trữ trong cơ thể dưới dạng glycogen. Trong khi glycogen cung cấp một nguồn năng lượng sẵn có, lipid chủ yếu hoạt động như một nguồn dự trữ năng lượng. Glycogen khá cồng kềnh với hàm lượng nước cao nên cơ thể không thể dự trữ quá nhiều trong thời gian dài. Do vậy cơ thể sẽ dự trữ năng lượng dưới dạng chất béo - Lipid trong thời gian dài. Lipid được sử dụng làm năng lượng trong quá trình tập luyện, đặc biệt là sau khi cạn kiệt glycogen. Một gam Lipid tập trung nhiều năng lượng, nó chứa nhiều hơn gấp đôi lượng năng lượng so với một gam carbohydrate.

Điều tiết

Lipid là một phần của cấu trúc màng tế bào giúp duy trì tính lưu động và tính linh hoạt của màng tế bào. Triacylglycerol kiểm soát môi trường bên trong cơ thể với mục tiêu duy trì nhiệt độ ổn định. Những người không có đủ Lipid trong cơ thể có xu hướng cảm thấy dễ lạnh hơn. Triacylglycerol cũng giúp cơ thể sản xuất và điều chỉnh nội tiết tố. Ví dụ, mô mỡ tiết ra hormone leptin, hormone điều chỉnh sự thèm ăn. Trong hệ thống sinh sản, Lipid cần thiết cho sức khỏe sinh sản ổn định, phụ nữ thiếu lượng Lipid thích hợp có thể bị rối loạn kinh nguyệt và trở nên vô sinh. Các axit béo thiết yếu omega-3 và omega-6 giúp điều chỉnh cholesterol và đông máu, đồng thời kiểm soát tình trạng viêm ở khớp, mô và máu.

Dẫn truyền thần kinh

Lipid cũng đóng vai trò chức năng quan trọng trong việc duy trì truyền xung thần kinh, lưu trữ bộ nhớ và cấu trúc mô. Cụ thể hơn trong não, lipid là đầu mối cho hoạt động của não về cấu trúc và chức năng. Chúng giúp hình thành màng tế bào thần kinh, cách ly tế bào thần kinh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền tín hiệu xung điện khắp não. Myelin là một hỗn hợp protein và phospholipid giúp cách ly các dây thần kinh. Lớp phủ myelin là chứa khoảng 70% lipid.

Cách nhiệt và bảo vệ

Trong cơ thể có hai loại chất béo nội tạng và dưới da chúng đều là những loại Lipid. Chất béo nội tạng bao quanh các cơ quan quan trọng như tim, thận và gan. Mỡ dưới da, hoặc mỡ bên dưới da, cách nhiệt cơ thể khỏi nhiệt độ khắc nghiệt và giúp kiểm soát môi trường bên trong cơ thể. Nó tạo một lớp “đệm” cho chân, tay và mông của chúng ta, đồng thời ngăn ma sát, vì những khu vực này thường xuyên tiếp xúc với bề mặt cứng. Nó cũng cung cấp cho cơ thể thêm lớp đệm cần thiết khi tham gia các hoạt động đòi hỏi thể chất.

Vận chuyển

Các chất dinh dưỡng hòa tan trong Lipid rất quan trọng để có sức khỏe tốt và tham gia vào nhiều chức năng khác nhau. Vitamin A, D, E và K các vitamin tan trong Lipid, chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm có chứa chất béo. Các chất dinh dưỡng hòa tan trong Lipid cần Lipid để hấp thụ hiệu quả. Những vitamin này được hấp thụ tốt nhất khi kết hợp với thực phẩm có chứa Lipid.

2. Cholesterol là gì?

2.1. Định nghĩa

Vậy cholesterol và lipid có khác gì nhau không? Cholesterol là một loại lipid thực hiện nhiều công việc thiết yếu trong cơ thể bạn. Cũng giống như Lipid, Cholesterol là những chất không hòa tan trong nước, vì vậy chúng không bị phân hủy trong máu của bạn. Thay vào đó, chúng di chuyển qua máu của bạn để đến các bộ phận khác nhau trên cơ thể bạn cần chúng.

Cholesterol là gì?
Cholesterol là gì?

Gan của bạn tạo ra đủ cholesterol để hỗ trợ nhu cầu của cơ thể hằng ngày. Nhưng bạn cũng có thể dung nạp thêm cholesterol từ thực phẩm bạn ăn. Cơ thể bạn có một hệ thống để loại bỏ cholesterol dư thừa. Nhưng đôi khi, hệ thống đó không hoạt động tốt như bình thường hoặc trở nên quá tải. Kết quả là cơ thể ban tăng lượng cholesterol lưu thông trong máu, điều này gây ra những vấn đề tiêu cực cho sức khỏe tim mạch. Bản thân cholesterol không xấu vì nó tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể. Nhưng quá nhiều cholesterol, đặc biệt là LDL - Cholesterol có thể gây hại.

2.2. Phân loại

Vì cholesterol là một loại Lipid nên nó không thể di chuyển trong máu một mình. Để giải quyết vấn đề này, cơ thể liên kết Cholesterol và các loại Lipid khác thành các phần tử nhỏ được bao phủ bởi protein để dễ dàng di chuyển với máu. Những cấu trúc này được gọi là lipoprotein (những loại lipid cộng với protein), giúp vận chuyển cholesterol và các Lipid khác đi khắp cơ thể. Cholesterol lưu thông trong máu ở nhiều dạng khác nhau và mỗi dạng có nhiệm vụ riêng. Dưới đây là những loại Cholesterol chính trong cơ thể chúng ta:

  • Chylomicrons: Chylomicrons là những hạt lớn mang chủ yếu Triglycerides.
  • VLDL - Cholesterol: Các Lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL - Cholesterol) cũng mang một lượng Triglyceride đến các mô, nhưng chúng được tạo ra bởi gan.
  • IDL - Cholesterol: Các Lipoprotein mật độ trung bình (IDL - Cholesterol) hình thành khi các VLDL - Cholesterol thải ra bớt lượng Triglyceride. Một số sau đó được gan loại bỏ nhanh chóng và một số khác được biến đổi thành lipoprotein mật độ thấp (LDL - Cholesterol).
  • LDL - Cholesterol: Các Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL - Cholesterol) rất giàu cholesterol nguyên chất và ít Triglyceride, vì hầu hết lượng Triglyceride mà chúng mang theo đã được thải đi nơi khác. LDL - Cholesterol được gọi là mỡ "xấu" vì nó vận chuyển cholesterol đến các mô được biệt là mô thành mạch và có liên quan chặt chẽ với sự tích tụ mảng xơ vữa làm tắc nghẽn mạch máu.
  • HDL - Cholesterol: Các Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL - Cholesterol) được gọi là mỡ "tốt" vì chúng có chức năng loại bỏ bớt cholesterol ra khỏi tuần hoàn và khỏi thành động mạch rồi đưa trở lại gan để bài tiết ra bên ngoài.

2.2. Vai trò của Cholesterol là gì?

Cholesterol rất cần thiết để tạo màng tế bào và cấu trúc tế bào và rất quan trọng để tổng hợp hormone, vitamin D và các chất khác. Cụ thể hơn, chức năng của Cholesterol trong cơ thể bao gồm:

  • Tổng hợp màng tế bào: Cholesterol giúp điều chỉnh tính lỏng của màng trong phạm vi nhiệt độ sinh lý. Nó có một nhóm hydroxyl tương tác với các nhóm đầu phân cực của phospholipid và sphingolipid màng. Chúng tồn tại cùng với chuỗi axit béo không phân cực của các lipid khác. Cholesterol cũng ngăn cản sự di chuyển của proton (ion hydro dương) và ion natri qua màng sinh chất.
  • Các chất vận chuyển tế bào và các phân tử tín hiệu: Các phân tử cholesterol tồn tại dưới dạng các chất vận chuyển và các phân tử tín hiệu dọc theo màng tế bào. Cholesterol cũng giúp dẫn truyền thần kinh hoạt động bình thường. Cholesterol giúp truyền tín hiệu tế bào bằng cách hỗ trợ hình thành các bè lipid trong màng sinh chất.
  • Cholesterol trong vỏ myelin: Các tế bào thần kinh được bao phủ bởi một lớp bảo vệ hoặc vỏ myelin. Vỏ myelin rất giàu cholesterol. Điều này là do nó có nguồn gốc từ các lớp màng tế bào Schwann được nén chặt. Nó giúp bảo vệ, cách nhiệt và cho phép dẫn truyền xung thần kinh hiệu quả hơn.
  • Vai trò bên trong tế bào: Trong tế bào, cholesterol là phân tử tiền chất trong một số con đường sinh hóa. Ví dụ, trong gan, cholesterol được chuyển thành mật, sau đó được lưu trữ trong túi mật. Mật được tạo thành từ muối mật. Điều này giúp làm cho chất béo hòa tan hơn và giúp hấp thụ chúng. Muối mật cũng hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu như Vitamin A, D, E và K.
  • Nội tiết tố và Vitamin D: Cholesterol là một phân tử tiền chất quan trọng để tổng hợp Vitamin D và các nội tiết tố steroid như Corticosteroid, Sex - steroid (Các hormone giới tính như Estrogen, Progesterone và Testosterone…)
Biết được cholesterol và lipid có khác gì nhau không giúp bạn xây dựng chế độ ăn thích hợp
Biết được cholesterol và lipid có khác gì nhau không giúp bạn xây dựng chế độ ăn thích hợp

Về mặt bản chất, Cholesterol là một phần của Lipid, vì vậy Cholesterol và Lipid có vai trò gần như tương tự nhau. Các thông tin trên đã khái quát qua về định nghĩa, phân loại cũng như vai trò của Cholesterol và Lipid, điều này giúp chúng ta phân định rõ ràng hai thuật ngữ này và tránh bị nhầm lẫn khi tìm hiểu các thông tin y tế liên quan đến hai thuật ngữ này.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Biết nguy cơ sức khỏe của bạn khi bị cholesterol cao

Biết nguy cơ sức khỏe của bạn khi bị cholesterol cao

Nếu bị cholesterol cao phải làm sao?

Nếu bị cholesterol cao phải làm sao?

Cách quản lý mức Cholesterol hiệu quả

Cách quản lý mức Cholesterol hiệu quả

Các thực đơn eat clean giảm cân cấp tốc tốt nhất

Các thực đơn eat clean giảm cân cấp tốc tốt nhất

Béo phì tuổi trung niên vì sao nguy hiểm và khó giảm?

Béo phì tuổi trung niên vì sao nguy hiểm và khó giảm?

44

Bài viết hữu ích?