Zalo

Hiểu về số lượng cholesterol trong cơ thể

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Cholesterol là một chất tham gia vào nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, tuy nhiên khi tăng quá cao trong máu, chúng lại gây các tác hại cho sức khỏe, đặc biệt là hệ thống tim mạch. Tìm hiểu về số lượng cholesterol cũng như các chỉ số cholesterol trong cơ thể sẽ giúp cho mọi người cảnh giác hơn trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt, nhằm duy trì cholesterol ở mức ổn định.

1. Tại sao số lượng cholesterol lại quan trọng?

Số lượng cholesterol trong cơ thể rất quan trọng vì chúng giúp bạn biết nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác. Cholesterol là một loại lipid (chất béo) giúp cơ thể thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Nhưng quá nhiều cholesterol trong máu lại mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Cholesterol có thể xâm nhập vào thành động mạch, làm hỏng tính toàn vẹn của nó và dẫn đến sự hình thành mảng bám trong thành động mạch, gây chít hẹp lòng mạch. Quá trình tích tụ mảng bám này được gọi là xơ vữa động mạch. Nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như:

  • Bệnh động mạch vành: Dòng máu đến tim bị tắc nghẽn.
  • Bệnh động mạch ngoại vi: Dòng máu chảy đến chân và tay bị tắc nghẽn.
  • Bệnh động mạch cảnh: Lưu lượng máu đến não bị chặn lại có thể gây ra tình trạng đột quỵ hoặc các cơn thiếu máu não thoáng qua
Số lượng cholesterol giúp bạn biết nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác
Số lượng cholesterol giúp bạn biết nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác

Cholesterol di chuyển trong máu một cách âm thầm, nên nó cũng âm thầm biến thành mảng bám. Do vậy, nhiều bệnh nhân có thể không nhìn thấy hoặc nhận thấy sự hiện diện của nó trong một thời gian dài. Bạn có thể không có triệu chứng gì cho đến khi bạn bị đau tim hoặc đột quỵ đột ngột xảy ra. Tại thời điểm đó, mảng bám giống như một vật cản giữ lòng mạch khiến lượng máu đến các cơ quan như não và tim bị giảm đáng kể, cuối cùng là gây ra những biến chứng trong cho cơ thể. Bạn có thể sống nhiều năm với lượng cholesterol cao mà không hề hay biết. Đó là lý do tại sao việc kiểm tra số lượng cholesterol hay các chỉ số cholesterol trong máu thường xuyên là điều cần thiết. Chỉ số cholesterol trong máu cao là một yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch. Nhưng phát hiện sớm sẽ giúp bạn có cơ hội thay đổi và đưa số lượng cholesterol về mức ổn định và an toàn.

2. Xét nghiệm đo chỉ số cholesterol trong máu

Các bác sĩ kiểm tra mức cholesterol thông qua xét nghiệm máu được gọi là xét nghiệm sinh hóa lipid máu. Bạn sẽ được lấy máu từ tĩnh mạch trên cánh tay và gửi máu đến phòng thí nghiệm để phân tích. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ về cách chuẩn bị cho xét nghiệm. Bạn có thể sẽ phải nhịn ăn trước đó 12 giờ trước khi được lấy máu kiểm tra cholesterol trong cơ thể. Điều này có nghĩa là tránh tất cả các loại thực phẩm và đồ uống trừ nước. Nhóm xét nghiệm sinh hóa lipid cung cấp cho bạn những con số sau:

  • Cholesterol toàn phần: Đây là tổng lượng cholesterol lưu thông trong máu hay tổng lượng cholesterol trong cơ thể của bạn. Đây là công thức để tính Cholesterol toàn phần: HDL - Cholesterol + LDL - Cholesterol + 20% Triglyceride = cholesterol toàn phần.
  • Mức HDL - Cholesterol: HDL - Cholesterol là lipoprotein mật độ cao. Đây là loại cholesterol “tốt” giúp di chuyển lượng cholesterol dư thừa từ máu đến gan. HDL - Cholesterol giúp các động mạch loại bỏ cholesterol mà cơ thể bạn không cần. Đó là chỉ số duy nhất trong các xét nghiệm lipid máu mà bạn muốn tăng cao.
  • Mức LDL - Cholesterol: LDL - Cholesterol là lipoprotein mật độ thấp. Đây là loại cholesterol “xấu” góp phần tích tụ mảng bám trong động mạch của bạn. Cơ thể sẽ cần một số lượng LDL - Cholesterol nhất định vì chúng mang cholesterol đến các tế bào của cơ thể. Nhưng có quá nhiều LDL - Cholesterol sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng.
  • Mức độ VLDL - Cholesterol: VLDL - Cholesterol là lipoprotein mật độ rất thấp. Đó là một dạng mỡ “xấu” khác cũng góp phần tích tụ mảng bám. VLDL - Cholesterol mang một loại chất béo (triglyceride) trong máu của bạn. Nếu bạn có quá nhiều VLDL - Cholesterol, chất béo dư thừa có thể tích tụ trong động mạch.
  • Triglycerides: Đây là một loại chất béo trung tính. Bạn cần một số chất béo trung tính - Triglycerides để sử dụng như một nguồn năng lượng cho cơ thể. Nhưng mức độ cao (tăng triglyceride máu) có thể khiến bạn có nguy cơ bị xơ vữa động mạch và các bệnh lý khác.
  • Lượng Cholesterol không phải HDL - Cholesterol: Đây là tất cả cholesterol trong máu, ngoại trừ lượng HDL - Cholesterol. Công thức tính con số này rất đơn giản: Cholesterol toàn phần – HDL - Cholesterol = Cholesterol không phải HDL - Cholesterol
  • Tỷ lệ giữa cholesterol toàn phần và HDL - Cholesterol: Đây là tổng lượng cholesterol trong cơ thể chia cho HDL - Cholesterol. Bình thường, chỉ số này sẽ dưới mức 5.

Các bác sĩ trong phòng xét nghiệm đo mức cholesterol bằng miligam cholesterol trên mỗi decilit, viết tắt là mg/dL. Các bác sĩ cũng sử dụng cùng các đơn vị này để đo lượng Triglyceride của bạn.

3. Chỉ số cholesterol trong máu bình thường

Mức cholesterol bình thường thay đổi tùy theo độ tuổi và giới tính của bạn. Bảng dưới đây cho thấy mức cholesterol bình thường theo tuổi. Các bác sĩ thường coi những con số này là mức lành mạnh đối với hầu hết mọi người.

Độ tuổiCholesterol toàn phầnCholesterol không phải HDL - CholesterolLDL - CholesterolHDL - Cholesterol
≤ 19 tuổi< 170 mg/dL< 120 mg/dL< 110 mg/dL> 45 mg/dL
≥ 20 tuổi125 - 200 mg/dL< 130 mg/dL< 100 mg/dLNam giới: ≥ 40 mg/dL
Nữ giới: ≥ 50 mg/dL

Khi đánh giá chỉ số cholesterol trong máu, các bác sĩ luôn mong muốn mức LDL - Cholesterol ở mức thấp và ngược lại HDL - Cholesterol ở mức cao. Lý tưởng nhất là nồng độ HDL - Cholesterol trên 60 mg/dL, điều này giúp giảm thiểu các nguy cơ trên tim mạch. Hầu hết các mức cholesterol bình thường đều giống nhau bất kể giới tính của bạn. Nhưng có một sự khác biệt giữa những người trưởng thành, đó là chỉ số HDL - Cholesterol. Như bảng trên cho thấy, những người phụ nữ có mức HDL - Cholesterol cao hơn (≥ 50 mg/dL) so với những người đàn ông (≥ 40 mg/dL).

4. Chỉ số cholesterol trong máu bất thường

Cholesterol cao thường có nghĩa là tổng lượng cholesterol trong cơ thể là 200 mg/dL hoặc cao hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng sử dụng các danh mục bổ sung như “giới hạn cao” và “gần tối ưu” để chia nhỏ kết quả. Nếu con số của bạn gần với mức bình thường, chúng có thể dễ dàng quản lý hơn thông qua thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Bảng dưới đây cho thấy mức cholesterol cao hơn bình thường.

Độ tuổiCholesterol toàn phầnCholesterol không phải HDL - CholesterolLDL - Cholesterol
≤ 19 tuổiNgưỡng cao: 170 - 199 mg/dL
Cao: ≥ 200 mg/dL
Ngưỡng cao: 120 - 144 mg/dL
Cao: ≥ 145 mg/dL
Ngưỡng cao: 110 - 129 mg/dL
Cao: ≥ 130 mg/dL
≥ 20 tuổiNgưỡng cao: 200 - 239 mg/dL
Cao: ≥ 240 mg/dL
Cao: ≥ 130 mg/dLGần tối ưu: 100 - 129 mg/dL
Ngưỡng cao: 130 - 159 mg/dL
Cao: 160 - 189 mg/dL
Rất cao: ≥ 190 mg/dL
Xét nghiệm sinh hóa máu cung cấp thông tin về chỉ số Cholesterol trong cơ thể
Xét nghiệm sinh hóa máu cung cấp thông tin về chỉ số Cholesterol trong cơ thể

5. Khi nào cần kiểm tra chỉ số cholesterol trong máu?

Bác sĩ sẽ cho bạn biết tần suất bạn cần kiểm tra cholesterol. Nó phụ thuộc vào:

  • Tuổi: Bạn càng lớn tuổi, càng cần phải kiểm tra các chỉ số cholesterol trong máu của mình thường xuyên hơn.
  • Tiền sử gia đình: Nếu bạn có một thành viên thân thiết trong gia đình có tiền sử bệnh tim, thì bạn cũng có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch cao hơn. Bạn có thể cần xét nghiệm số lượng cholesterol thường xuyên hơn nếu thành viên gia đình bạn có lượng cholesterol cao hoặc có tiền sử đau tim hoặc đột quỵ.
  • Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim: Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tim hoặc có các yếu tố nguy cơ, bạn sẽ cần xét nghiệm cholesterol trong cơ thể thường xuyên hơn.
  • Giới tính: Nam giới cần xét nghiệm cholesterol trong cơ thể thường xuyên hơn bắt đầu từ khi còn nhỏ so với nữ giới.

Trẻ em và thanh thiếu niên từ 19 tuổi trở xuống nên được xét nghiệm cholesterol trong cơ thể lần đầu tiên trong độ tuổi từ 9 đến 11. Sau đó, các em nên kiểm tra thường xuyên mỗi 5 năm một lần. Dưới đây là những hướng dẫn chung cho người lớn dựa trên giới tính và độ tuổi. Nam giới

  • Từ 22 - 44 tuổi: 5 năm một lần
  • Từ 45 - 65 tuổi: 2 năm một lần
  • Trên 65 tuổi: Mỗi năm một lần

Nữ giới

  • Từ 22 - 54 tuổi: 5 năm một lần
  • Từ 55 - 65 tuổi: 2 năm một lần
  • Trên 65 tuổi: Mỗi năm một lần

Số lượng Cholesterol hay nói đúng hơn là chỉ số cholesterol trong máu của bạn liên quan đến các yếu tố nguy cơ tim mạch cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, mọi người cần phải thường xuyên đi kiểm tra lượng cholesterol trong cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường. Lúc này, bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt, hoặc phối hợp thêm với các phương pháp điều trị khác nhằm duy trì mức cholesterol được ổn định. Có thể thấy thừa cân, béo phì luôn là nguyên nhân hàng đầu gây nên nhiều bệnh lý phức tạp, trong đó có cholesterol tăng cao. Để có thể cải thiện được tình trạng sức khỏe và giảm thiểu những vấn đề này thì giảm cân là lựa chọn đầu tiên mà bạn cần nghĩ tới. Liệu pháp tiêu hao năng lượng hiện đang là cách giảm cân hiện đại được nhiều người lựa chọn. Khi liệu pháp này sử dụng các loại vitamin và các loại khoáng chất cần thiết với vai trò thúc đẩy sự chuyển hóa mỡ theo cơ chế tự nhiên, không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng thể trước khi thực hiện liệu pháp, sau đó sẽ đưa ra phác đồ giảm cân phù hợp với từng đối tượng. Phác đồ này được các bác sĩ xây dựng dựa trên kết quả xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu và chỉ số khối cơ thể (BMI). Khi bạn đăng ký thực hiện liệu pháp tiêu hao năng lượng bạn sẽ luôn được các bác sĩ điều trị theo sát, lên kế hoạch dinh dưỡng chi tiết kết hợp với luyện tập sao cho phù hợp với thể trạng của mỗi người.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả

24

Bài viết hữu ích?

Bài viết hữu ích?

xem thêm
Những quan niệm sai lầm phổ biến về cholesterol

Những quan niệm sai lầm phổ biến về cholesterol

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vì sao người béo phì, thừa cân cần cảnh giác nguy cơ đột quỵ?

Vì sao người béo phì, thừa cân cần cảnh giác nguy cơ đột quỵ?

Nguy cơ xơ vữa động mạch ở bệnh nhân béo phì

Nguy cơ xơ vữa động mạch ở bệnh nhân béo phì

Các xét nghiệm sàng lọc béo phì phổ biến nhất

Các xét nghiệm sàng lọc béo phì phổ biến nhất

24

Bài viết hữu ích?