Zalo

Cholesterol trong cơ thể bạn đến từ đâu?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Cholesterol là 1 trong những chất quan trọng đối với hoạt động của cơ thể, trong đó có việc tham gia tổng hợp các loại hormone. Tuy nhiên, nồng độ Cholesterol, đặc biệt là Cholesterol “xấu” tăng cao có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe chúng ta. Vậy Cholesterol là gì và Cholesterol trong cơ thể bạn đến từ đâu?

1. Cholesterol là gì?

Cholesterol bị mang tiếng xấu do ảnh hưởng của nó trong việc thúc đẩy bệnh tim mạch. Cholesterol dư thừa trong máu là nguyên nhân chính gây ra hình thành mảng bám làm tắc nghẽn động mạch, có thể tích tụ và tạo tiền đề cho cơn đau tim và đột quỵ sau này. Tuy nhiên, vai trò của cholesterol trong cơ thể bạn không phải chỉ những vấn đề tiêu cực.

Vai trò của cholesterol trong cơ thể bạn không phải chỉ những vấn đề tiêu cực
Vai trò của cholesterol trong cơ thể bạn không phải chỉ những vấn đề tiêu cực

Để giải thích đầy đủ về cholesterol, bạn cần nhận ra rằng nó cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Cholesterol được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể. Cholesterol là chất béo màu vàng trắng như sáp và là một khối cấu tạo quan trọng trong màng tế bào. Cholesterol cũng cần thiết để tạo ra vitamin D, các nội tiết tố bao gồm testosterone và estrogen và axit mật hòa tan chất béo. Trên thực tế, việc sản xuất cholesterol được đảm nhiệm bởi gan và ruột, chiếm khoảng 80% lượng cholesterol bạn cần để duy trì sức khỏe. Chỉ có khoảng 20% Cholesterol đến từ các loại thực phẩm bạn ăn. Vì cholesterol là chất béo nên nó không thể di chuyển một mình trong máu. Để giải quyết vấn đề này, cơ thể “đóng gói” Cholesterol và các chất béo khác thành các phần tử cực nhỏ được bao phủ bởi protein để dễ dàng trộn lẫn với máu. Những hạt nhỏ này, được gọi là lipoprotein (lipid cộng với protein), giúp vận chuyển cholesterol và các chất béo khác khắp cơ thể. Cholesterol và các lipid khác lưu thông trong máu ở nhiều dạng khác nhau. Trong số này, loại được chú ý nhiều nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp, còn được gọi là LDL - Cholesterol, hay cholesterol "xấu". Nhưng lipoprotein có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, và mỗi loại có nhiệm vụ riêng. Chúng cũng có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Đây là năm loại Cholesterol chính trong cơ thể, bao gồm:

  • Chylomicrons: Chylomicrons là những hạt rất lớn chủ yếu mang Triglycerides (axit béo từ thức ăn của bạn). Chúng được tạo ra trong hệ thống tiêu hóa và do đó bị ảnh hưởng bởi những gì bạn ăn.
  • VLDL - Cholesterol: Các hạt lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL - Cholesterol) cũng mang Triglyceride đến các mô, nhưng chúng được tạo ra bởi gan. Khi các tế bào của cơ thể chiết xuất axit béo từ VLDL - Cholesterol, các hạt này biến thành lipoprotein mật độ trung bình (IDL - Cholesterol), và với quá trình chiết xuất tiếp theo, chúng biến đổi thành các hạt LDL - Cholesterol.
  • IDL - Cholesterol: Các hạt lipoprotein mật độ trung bình (IDL - Cholesterol) hình thành khi các VLDL - Cholesterol thải ra các axit béo của chúng. Một số được gan loại bỏ nhanh chóng và một số được biến đổi thành lipoprotein mật độ thấp (LDL - Cholesterol).
  • LDL - Cholesterol: Các hạt lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL - Cholesterol) rất giàu cholesterol nguyên chất, vì hầu hết lượng Triglyceride mà chúng mang theo đã biến mất. LDL - Cholesterol được gọi là cholesterol "xấu" vì nó vận chuyển cholesterol đến các mô và có liên quan chặt chẽ với sự tích tụ mảng bám làm tắc nghẽn động mạch.
  • HDL - Cholesterol: Các hạt lipoprotein tỷ trọng cao (HDL - Cholesterol) được gọi là cholesterol "tốt" vì HDL - Cholesterol có chức năng loại bỏ cholesterol khỏi tuần hoàn và khỏi thành động mạch rồi đưa trở lại gan để bài tiết.

2. Cholesterol đến từ đâu?

Chúng ta đã cùng tìm hiểu sơ lược về Cholesterol cũng như những ảnh hưởng của chúng, vậy câu hỏi đặt ra là Cholesterol đến từ đâu? Cholesterol trong cơ thể bạn đến từ 2 nguồn chính đó là do gan sản xuất và dung nạp thông qua chế độ ăn uống hằng ngày của bạn. Cholesterol hình thành trong cơ thể thông qua sự tổng hợp chính tại gan và các cơ quan khác hay các tế bào khác chiếm khoảng 80% lượng cholesterol trong máu của bạn. 20% cholesterol còn lại trong cơ thể bạn được hấp thu thông qua những loại thực phẩm hằng ngày mà bạn ăn. Thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa có thể góp phần làm tăng mức cholesterol không lành mạnh hay LDL - Cholesterol. Khi bạn hấp thụ nhiều Cholesterol thông qua ăn uống, gan của bạn sẽ bù đắp bằng cách giảm lượng cholesterol hình thành trong cơ thể và đồng thời loại bỏ cholesterol dư thừa. Tuy nhiên, không phải hoạt động của gan trong việc tạo ra và loại bỏ cholesterol hiệu quả như nhau. Một số người mang gen làm giảm khả năng nhận biết các thay đổi trong nồng độ Cholesterol máu của gan. Điều này khiến cơ thể họ tạo thêm cholesterol và làm chậm quá trình loại bỏ cholesterol của cơ thể. Nếu bạn được thừa hưởng những gen này, bạn có thể bị cholesterol cao ngay cả khi bạn không ăn thực phẩm giàu chất béo hoặc cholesterol.

2.1. Thực phẩm nào làm tăng cholesterol trong cơ thể?

Thực phẩm và sản phẩm từ động vật có chứa nhiều cholesterol, nhưng thực tế các loại chất béo trong thực phẩm có thể có tác động mạnh hơn đến mức cholesterol trong máu. Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol “xấu” LDL và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy việc giảm chất béo bão hòa có thể dẫn đến giảm các nguy cơ tim mạch. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng rằng khi chất béo bão hòa được thay thế bằng chất béo không bão hòa đa chứ không phải carbohydrate, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm.

Thực phẩm và sản phẩm từ động vật có thể làm tăng cholesterol trong cơ thể
Thực phẩm và sản phẩm từ động vật có thể làm tăng cholesterol trong cơ thể

Thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa khuyến khích gan của bạn tạo ra nhiều cholesterol “xấu” LDL hơn. Bạn nên hạn chế những thực phẩm này:

  • Sản phẩm từ các loại sữa béo;
  • Thịt đỏ, bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt cừu và thịt lợn;
  • Thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói và xúc xích;
  • Đồ nướng;
  • Thực phẩm chế biến sẵn.

Thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa cũng làm tăng cholesterol “xấu” LDL - Cholesterol. Những thực phẩm này bao gồm:

  • Bánh ngọt, kẹo ngọt;
  • Bánh quy;
  • Đồ chiên rán;
  • Bơ thực vật;
  • Bỏng ngô.

Các loại thực phẩm khác có tác động tích cực hơn đến mức cholesterol của bạn. Những thực phẩm này có thể giúp cải thiện nồng độ HDL - Cholesterol, bao gồm:

  • Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu và cá vược;
  • Đậu phụ và các thực phẩm làm từ đậu nành khác;
  • Hạt lanh và hạt chia;
  • Quả óc chó và các loại hạt khác;
  • Các loại rau lá xanh;
  • Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, như yến mạch, trái cây, rau và các loại đậu;
  • Dầu ô liu.

Khi bạn ăn, cholesterol và chất béo từ thức ăn sẽ bị phân hủy trong ruột non của bạn. Chúng kết hợp với muối mật, sau đó là lipase và cuối cùng được liên kết lại với các thành phần khác trước khi đi vào máu dưới dạng lipoprotein. Mặc dù một số thành phần cholesterol được lưu trữ trong gan và túi mật, nhưng các lipoprotein dư thừa thường sẽ được dự trữ trong các tế bào mỡ. Khi bạn có quá nhiều cholesterol, những tế bào này sẽ tăng dần kích thước và điều này gây bạn tăng cân. Quá nhiều cholesterol có thể do ăn quá nhiều chất béo hoặc carbohydrate không lành mạnh. Cơ thể của bạn cũng sử dụng một số cholesterol để tạo ra dịch mật, chất lỏng màu nâu xanh mà gan của bạn tạo ra để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Mật được lưu trữ trong túi mật của bạn.

2.2. Cholesterol hình thành trong cơ thể bạn như thế nào?

Gan là cơ quan chính tổng hợp cholesterol. Khoảng 20 – 25% tổng lượng cholesterol sản xuất hàng ngày xảy ra ở đây. Cholesterol cũng được tổng hợp ở mức độ nhỏ hơn ở tuyến thượng thận, ruột, cơ quan sinh sản… Quá trình tổng hợp cholesterol bắt đầu với một phân tử acetyl CoA và một phân tử acetoacetyl-CoA, được khử nước để tạo thành 3-hydroxy-3-methylglutaryl CoA (HMG-CoA). Phân tử này sau đó được khử thành mevalonate bởi enzyme HMG-CoA reductase. Bước này là bước không thể đảo ngược trong quá trình tổng hợp cholesterol. Bước này bị chặn bởi các loại thuốc giảm cholesterol như Statin. Mevalonate sau đó chuyển đổi thành 3-isopentenyl pyrophosphate. Phân tử này được decacboxyl hóa thành isopentenyl pyrophosphate. Ba phân tử isopentenyl pyrophosphate ngưng tụ để tạo thành farnesyl pyrophosphate thông qua hoạt động của geranyl transferase. Hai phân tử farnesyl pyrophosphate sau đó ngưng tụ để tạo thành squalene. Điều này đòi hỏi squalene synthase trong mạng lưới nội chất. Oxidosqualene cyclase sau đó quay vòng squalene để tạo thành lanosterol. Lanosterol sau đó tạo thành Cholesterol.

Cholesterol hình thành trong cơ thể chủ yếu tại gan
Cholesterol hình thành trong cơ thể chủ yếu tại gan

Sinh tổng hợp cholesterol được điều chỉnh trực tiếp bởi mức cholesterol hiện tại trong máu. Khi phát hiện có quá nhiều cholesterol từ thực phẩm, quá trình tổng hợp cholesterol nội sinh tại gan hoặc các cơ quan khác sẽ giảm xuống. Cơ chế điều hòa chính là cảm nhận cholesterol nội bào trong mạng lưới nội chất bởi protein SREBP (protein liên kết với yếu tố điều hòa sterol 1 và 2). Tóm lại, Cholesterol là một trong những chất quan trọng tham gia vào nhiều hoạt động của cơ thể. Nó có thể được cơ thể tạo ra tại gan và các cơ quan khác, đồng thời được hấp thu thông qua thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày. Tình trạng tăng nồng độ Cholesterol, đặc biệt là LDL - Cholesterol có ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đặc biệt là vấn đề tim mạch. Hãy thường xuyên đi khám sức khỏe để được bác sĩ kiểm tra định kỳ nồng độ Cholesterol, từ đó phát hiện sớm những bất thường về nồng độ và đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, béo phì thì cũng cần có kế hoạch giảm cân an toàn, bền vững để giúp kiểm soát nồng độ cholesterol tốt hơn. Ngày nay, nếu muốn giảm cân hiệu quả, bạn có thể tham khảo liệu pháp tiêu hao năng lượng. Phương pháp này sử dụng vitamin & khoáng chất để thúc đẩy sự chuyển hóa mỡ theo cơ chế tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước khi thực hiện, bạn sẽ được đánh giá sức khỏe tổng thể và bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ giảm cân phù hợp với từng người dựa trên kết quả xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chỉ số khối cơ thể (BMI). Trong suốt quá trình thực hiện liệu trình sẽ luôn có bác sĩ theo sát, lên kế hoạch dinh dưỡng và tập luyện phù hợp với thể trạng của từng người.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Nguy cơ xơ vữa động mạch ở bệnh nhân béo phì

Nguy cơ xơ vữa động mạch ở bệnh nhân béo phì

Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Những rủi ro khi bị thừa cân và béo phì

Những rủi ro khi bị thừa cân và béo phì

Vì sao tăng cân nhiều lại thêm rủi ro sức khỏe?

Vì sao tăng cân nhiều lại thêm rủi ro sức khỏe?

54

Bài viết hữu ích?