Zalo

Cholesterol cao - Triệu chứng và nguyên nhân

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Cholesterol là 1 chất quan trọng tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể. Cholesterol có thể mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe, tuy nhiên điều đó không dành cho tất cả những loại Cholesterol. Tình trạng Cholesterol cao, đặc biệt là việc tăng quá mức các Cholesterol “xấu” có thể là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy triệu chứng Cholesterol cao là gì và nguyên nhân Cholesterol cao xuất phát từ đâu?

1. Cholesterol cao là gì?

Cholesterol cao là 1 tình trạng cơ thể bạn có quá nhiều lipid (chất béo) trong máu, nó còn được gọi là tình trạng tăng lipid máu hoặc tăng Cholesterol máu. Thông thường, cơ thể bạn chỉ cần một lượng lipid phù hợp để hoạt động. Nếu bạn có quá nhiều chất béo, cơ thể bạn không thể sử dụng hết chúng, điều này sẽ gây dư thừa dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là sự tích tụ Cholesterol “xấu” trong động mạch của bạn. Chúng kết hợp với các chất khác trong máu của bạn để tạo thành mảng bám (mảng xơ vữa). Các mảng bám này âm thầm lớn dần lên trong động mạch của bạn và cuối cùng là gây chít hẹp lòng mạch. Đây là lý do tại sao tình trạng Cholesterol cao nếu không được điều trị là điều rất nguy hiểm. 

Cholesterol có nhiều loại, nhưng có hai loại chính mà mọi người thường nghe nhiều nhất đó là dạng “Cholesterol tốt” và “Cholesterol xấu”.

  • Cholesterol tốt được gọi là lipoprotein mật độ cao (High density lipoprotein - HDL): Hãy nghĩ về chữ “H” có nghĩa là “hữu ích” để dễ dàng nhận biết đây là loại Cholesterol có lợi cho sức khỏe. HDL - Cholesterol của bạn mang Cholesterol đến gan, từ đó gan sẽ giữ cho mức Cholesterol trong cơ thể được cân bằng. Nó tạo ra đủ Cholesterol để hỗ trợ nhu cầu của cơ thể bạn và loại bỏ phần còn lại. Bạn phải có đủ HDL - Cholesterol để vận chuyển Cholesterol đến gan, nếu HDL - Cholesterol của bạn quá thấp, tình trạng tăng Cholesterol trong máu sẽ xuất hiện.
  • Cholesterol xấu được gọi là lipoprotein mật độ thấp (Low density lipoprotein - LDL): Đây chính là thủ phạm khiến mảng bám hình thành trong động mạch của bạn. Hay nói cách khác, sự nguy hiểm của tình trạng Cholesterol cao trong máu chủ yếu đến từ việc tăng LDL - Cholesterol. Cholesterol cao, cụ thể là nồng độ LDL - Cholesterol tăng cao trong máu về lâu dài chính là thủ phạm chính gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, hậu quả là gây ra những vấn đề trên tim mạch.

Triglyceride cũng là một dạng mỡ máu, tuy nhiên khi nhắc đến tình trạng Cholesterol cao trong máu, chủ yếu các bác sĩ muốn nói với bạn về tình trạng rối loạn về nồng độ của hai loại Cholesterol ở trên. Tình trạng Cholesterol cao cùng với tăng nồng độ Triglyceride được gộp chung vào nhóm bệnh rối loạn Lipid máu.

Cholesterol cao tạo điều kiện hình thành các mảng xơ vữa

2. Triệu chứng Cholesterol cao là gì?

Không giống như những loại bệnh mà mọi người thường gặp, tình trạng Cholesterol cao thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào, hay nói cách khác triệu chứng Cholesterol cao gần như không thể phát hiện trên lâm sàng. Tình trạng Cholesterol cao gần như chỉ được phát hiện tình cơ trong những lần bạn đi khám sức khỏe, hoặc khi bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ Cholesterol cho những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao. 

Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ chỉ có thể phát hiện Cholesterol cao khi bệnh nhân xảy ra các triệu chứng khẩn cấp (là hậu quả của tình trạng tăng Cholesterol mãn tính), ví dụ như một cơn đau tim hoặc đột quỵ do chít hẹp lòng mạch, khiến máu nuôi cơ tim cũng như não bị giảm đi. Thông thường, những tình trạng cấp cứu này thường không xảy ra cho đến khi Cholesterol cao dẫn đến hình thành mảng bám trong động mạch của bạn. Mảng bám có thể thu hẹp các động mạch để máu có thể đi qua ít hơn. Sự hình thành các mảng xơ vữa làm thay đổi lớp lót động mạch của bạn. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Hiện nay, xét nghiệm máu là cách duy nhất để biết liệu Cholesterol của bạn có quá cao hay không. Cholesterol cao rất dễ chẩn đoán bằng xét nghiệm sinh hoá máu. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong ít nhất 12 giờ trước khi thử nghiệm. Về cơ bản, một người được chẩn đoán mắc tình trạng Cholesterol cao khi có tổng mức Cholesterol trong máu của họ trên 200 mg/dL. 

Ngoài ra, các xét nghiệm định lượng mỡ máu của bạn cũng cho ra các kết quả khác nhau như Cholesterol toàn phần, nồng độ HDL - Cholesterol, LDL - Cholesterol và nồng độ Triglyceride. Nồng độ bình thường của các chỉ số này lần lượt như sau:

  • Cholesterol toàn phần: Dưới 200 mg/dL;
  • LDL - Cholesterol: Dưới 100 mg/dL;
  • HDL - Cholesterol: 40 mg/dL hoặc cao hơn;
  • Triglyceride: Dưới 150 mg/dL.

Các giá trị bất bình thường:

  • Cholesterol toàn phần: Cholesterol toàn phần của bạn thường được coi là "ngưỡng cao" nếu nó nằm trong khoảng từ 200 đến 239 mg/dL. Cholesterol toàn phần được coi là "cao" nếu trên 240 mg/dL.
  • LDL - Cholesterol: Nồng độ LDL - Cholesterol của bạn thường được coi là "ngưỡng cao" nếu nó nằm trong khoảng từ 130 - 159 mg/dL, được coi là "cao" nếu trên 160 mg/dL.
  • HDL - Cholesterol: Cholesterol HDL của bạn thường được coi là thấp nếu nó dưới 40 mg/dL.
Cholesterol cao chỉ được phát hiện thông qua các xét nghiệm

3. Các yếu tố rủi ro và nguyên nhân Cholesterol cao

Bất cứ ai cũng có thể phát triển tình trạng Cholesterol cao. Nó có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau một số bạn có thể kiểm soát và một số khác bạn không thể kiểm soát được.

Những nguyên nhân Cholesterol cao mà bạn có thể kiểm soát được, bao gồm những vấn đề liên quan đến lối sống của bạn:

  • Ăn quá nhiều chất béo bão hòa, điều này làm giảm khả năng loại bỏ Cholesterol của gan, do đó Cholesterol ngày càng tích tụ trong máu.
  • Hạn chế hoạt động hoặc không hoạt động thể chất có thể làm tăng mức Cholesterol “xấu” và giảm mức Cholesterol “tốt”.
  • Hút thuốc lá, thói quen này có thể dẫn đến mức Cholesterol cao và nó khiến hắc ín tích tụ trong động mạch của bạn, khiến Cholesterol dễ dàng bám vào thành động mạch hơn.
  • Căng thẳng gây ra những thay đổi nội tiết tố khiến cơ thể bạn sản xuất Cholesterol, góp phần gây ra tình trạng Cholesterol cao.
  • Uống quá nhiều rượu trong cơ thể có thể làm tăng tổng lượng Cholesterol, về lâu dài có thể khiến Cholesterol tăng mãn tính.

Những nguyên nhân Cholesterol cao mà bạn không thể kiểm soát, bao gồm những vấn đề liên quan đến tuổi, giới tính sinh học và nguồn gốc dân tộc của bạn:

  • Những người lớn tuổi có nhiều khả năng gặp phải tình trạng Cholesterol cao hơn so với những người trẻ tuổi. Tuy nhiên hiện nay, ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể có Cholesterol cao nếu thường xuyên có lối sống không lành mạnh, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất không hợp lý.
  • Nam giới có nhiều khả năng bị Cholesterol cao so với nữ giới.
  • Các chủng tộc như khu vực Nam Á có nhiều khả năng bị Cholesterol cao so với các khu vực khác.
  • Yếu tố gia đình là một nguyên nhân không thể kiểm soát của tình trạng Cholesterol cao. Tăng Cholesterol máu gia đình (FH), là một tình trạng di truyền, nghĩa là bạn sinh ra đã di truyền căn bệnh này từ bố mẹ. Các gen này có thể khiến người bệnh có mức Cholesterol cao mà không nhất thiết phải kèm theo các yếu tố khác.

Những nguyên nhân khác:

  • Bệnh thận: Khi thận của bạn không hoạt động tốt hoặc mắc phải các bệnh lý, nó cũng thay đổi cách cơ thể bạn xử lý Cholesterol, điều này có thể dẫn đến Cholesterol cao
  • Bệnh gan: Một chức năng quan trọng của gan là vừa tạo ra Cholesterol vừa loại bỏ nó khỏi cơ thể, nhưng nếu gan không hoạt động tốt thì quá trình này sẽ bị rối loạn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu cao.
  • Trọng lượng dư thừa, đặc biệt là tình trạng tích trữ mỡ ở vùng bụng làm tăng khả năng hình thành bệnh lý Cholesterol cao. Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên khiến bạn có nguy cơ bị Cholesterol cao.
  • Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường type 2, bạn có nguy cơ cao bị Cholesterol cao.
  • Những bệnh nhân có tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp - khi cơ thể bạn không sản xuất đủ hormone tuyến giáp).
  • Thiếu hụt hormone tăng trưởng.

Cholesterol cao là 1 dạng rối loạn mỡ máu thường gặp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là các nguy cơ trên tim mạch và đột quỵ. Không giống như những loại bệnh mà mọi người thường gặp, tình trạng Cholesterol cao thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào. Do vậy, bạn cần đi theo dõi sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện các bất thường trong nồng độ Cholesterol, từ đó điều trị sớm.

Ngày nay, tình trạng cholesterol cao thường gặp ở những người thừa cân, béo phì. Do đó, việc quản trị cân nặng là rất quan trọng và cần thiết. Nếu muốn giảm cân hiệu quả, bạn có thể tham khảo liệu pháp tiêu hao năng lượng từ Hoa Kỳ. Phương pháp này sử dụng vitamin & khoáng chất để thúc đẩy sự chuyển hóa mỡ theo cơ chế tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước khi thực hiện, bạn sẽ được đánh giá sức khỏe tổng thể và bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ giảm cân phù hợp với từng người dựa trên kết quả xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chỉ số khối cơ thể (BMI). Trong suốt quá trình thực hiện liệu trình sẽ luôn có bác sĩ theo sát, lên kế hoạch dinh dưỡng và tập luyện phù hợp với thể trạng của từng người.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Các dấu hiệu của bệnh béo phì

Các dấu hiệu của bệnh béo phì

Vì sao người béo phì bị bệnh tim mạch nhiều?

Vì sao người béo phì bị bệnh tim mạch nhiều?

Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Thừa cân tuổi trung niên tiềm ẩn rủi ro nào về sức khỏe?

Thừa cân tuổi trung niên tiềm ẩn rủi ro nào về sức khỏe?

46

Bài viết hữu ích?