Zalo

Cách điều trị tăng LDL-Cholesterol cao

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Bên cạnh cách tăng HDL Cholesterol và giảm Triglyceride máu thì “LDL Cholesterol cao làm sao giảm?” là vấn đề được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Bạn có thể theo dõi bài viết dưới đây để biết cách điều trị tăng LDL-Cholesterol cao như thế nào?

1. LDL cholesterol tăng do đâu?

Trước khi đi tìm hiểu “LDL Cholesterol cao làm sao giảm?”, chúng ta cần biết sơ lược về những nguyên nhân gây tăng loại lipid này. LDL cao chủ yếu liên quan đến chế độ dinh dưỡng chứa quá nhiều chất béo bão hòa hoặc chuyển hóa, kết hợp với các yếu tố như thừa cânbéo phì, lối sống lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu bia… Tình trạng tăng LDL cholesterol có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là bệnh nhân trên 40 tuổi. LDL máu bình thường sẽ dưới 3.4 mmol/L (tương đương 130 mg/dL) và được xác định tăng khi:

  • 3.4-4.1 mmol/L (130-159 mg/dL): Tăng nhẹ hay tăng giới hạn;
  • Trên 4.1 mmol/L (160 mg/dL): Tăng cao.
Có nhiều cách điều trị tăng LDL-Cholesterol cao
Có nhiều cách điều trị tăng LDL-Cholesterol cao

2. Nguyên tắc điều trị tăng LDL-Cholesterol cao như thế nào?

Khi LDL cholesterol cao cách điều trị cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản như sau:

  • Phân tầng nguy cơ tim mạch của người bệnh, bao gồm rất cao, cao, trung bình và thấp để có quyết định điều trị phù hợp;
  • Xác định nồng độ LDL Cholesterol mục tiêu theo phân tầng nguy cơ tim mạch;
  • Lựa chọn thuốc (chủ yếu là nhóm Statin) với liều phù hợp để đạt mức LDL mục tiêu;
  • Theo dõi bệnh nhân để chỉnh liều nhằm sớm đạt mục tiêu điều trị, bên cạnh đó là theo dõi các tác dụng phụ của thuốc;
  • Bên cạnh dùng thuốc cần điều chỉnh lối sống và đưa ra lời khuyên về chế độ ăn nhằm giảm LDL cholesterol.

Các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm:

  • Yếu tố nguy cơ dương tính:
    • Nam > 45 tuổi;
    • Nữ > 55 tuổi;
    • Tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành;
    • Hút thuốc lá;
    • Tăng huyết áp;
    • Nồng độ HDL máu dưới 0.9 mmol/L
    • Đái tháo đường;
  • Yếu tố nguy cơ âm tính: Trừ đi 1 yếu tố nếu bệnh nhân có nồng độ HDL-C máu trên 60 mg/dL.

Sau khi đánh giá nguy cơ tim mạch, các bác sĩ sẽ đưa ra mục tiêu điều trị tăng LDL-Cholesterol cao cụ thể như sau:

  • Điều trị cấp I cho bệnh nhân tăng LDL và chưa có tiền sử bệnh mạch vành: Mục tiêu điều trị là LDL-C < 4,1 mmol/L nếu bệnh nhân có ít hơn 2 yếu tố nguy cơ hoặc LDL-C < 3.4 mmol/l nếu bệnh nhân có ≥ 2 yếu tố nguy cơ. Khi đó, quá trình điều trị tăng LDL-Cholesterol cao bắt đầu bằng cách thay đổi chế độ ăn và điều chỉnh lối sống luyện tập. Khi 2 biện pháp này thất bại thì chuyển sang dùng thuốc hoặc dùng thuốc ngay từ đầu khi bệnh nhân có quá nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch và LDL-C > 4.1 mmol/L hoặc không cần nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch nhưng LDL-C quá cao (> 5 mmol/L).
  • Điều trị cấp II cho bệnh nhân tăng LDL và đã có tiền sử bệnh mạch vành: Mục đích điều trị là giảm LDL-C < 2.6 mmol/L (100 mg/dL) bằng cách điều chỉnh chế độ ăn nghiêm ngặt, đồng thời chỉ định thuốc phối hợp ngay khi LDL-C > 3.4 mmol/L.

3. Điều trị tăng LDL-Cholesterol cao từ việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc

3.1. Điều chỉnh chế độ ăn và lối sống

LDL “cholesterol cao chữa thế nào?” là vấn đề được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Một trong những giải phải để đưa nồng độ LDL về đúng mục tiêu là áp dụng chế độ ăn hạn chế cholesterol và calo (với bệnh nhân béo phì), bao gồm 2 bước như sau:

  • Bước 1: Thành phần dinh dưỡng tiêu thụ hàng ngày cần giảm lượng acid béo bão hòa xuống dưới 10%, tổng lượng chất béo tối đa 30% và lượng cholesterol phải dưới 300mg. Để thực hiện điều này bệnh nhân cần hạn chế sử dụng mỡ hay tạng động vật, trứng, sữa nguyên kem và các loại phô mai… Đồng thời tăng cường tiêu thụ trái cây tươi, rau xanh và các loại ngũ cốc với tỷ lệ tinh bột chiếm 55-60% khẩu phần trong ngày;
  • Bước 2: Áp dụng khi thực hiện bước 1 6-12 tuần nhưng không đạt mục tiêu điều trị. Khi đó, chế độ ăn cho bệnh nhân tăng LDL-C cần giảm lượng acid béo bão hoà xuống dưới 7% khẩu phần và lượng cholesterol dưới 200mg/ngày.

Thời gian điều chỉnh chế độ ăn cho bệnh nhân tăng LDL cholesterol và một số lưu ý:

  • Với bệnh nhân có chỉ định điều chỉnh chế độ dinh dưỡng như trên thì thời gian duy trì tối thiểu là 6 tháng và mỗi 6-8 tuần phải xét nghiệm kiểm tra lại LDL và các chỉ số cholesterol máu khác. Bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn nghiêm ngặt kéo dài dù cho có dùng thuốc hay không;
  • Đặc biệt lưu ý khi chỉ định chế độ ăn này cho người già và phụ nữ mang thai;
  • Ở bệnh nhân tăng LDL-C và Triglyceride đồng thời, ngoài hạn chế mỡ động vật cần hạn chế thêm đường và rượu;
  • Thực hiện các biện pháp giảm cân nặng cho bệnh nhân béo phì, bắt đầu bằng cách giảm dần lượng calo và thường hạn chế ở mức 500 calo/ngày;
  • Thay đổi chế độ tập luyện rất quan trọng vì vừa làm giảm LDL-C vừa làm tăng HDL-C, đồng thời còn giúp giảm cân, giảm huyết áp và giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
Cholesterol cao chữa thế nào là vấn đề nhiều người quan tâm
Cholesterol cao chữa thế nào là vấn đề nhiều người quan tâm

3.2. Điều trị tăng LDL-Cholesterol cao bằng thuốc

Các thuốc điều trị tăng LDL-Cholesterol cao bao gồm:

  • Resin gắn acid mật, bao gồm Cholestyramine và Colestipol:
    • Các Resin không hấp thu qua ruột mà liên kết với acid mật. Nhóm thuốc này kích thích chuyển hóa Cholesterol sang acid mật tại gan, qua đó giảm lượng cholesterol dự trữ, đồng thời làm tăng hoạt tính thụ thể của LDL-C tại gan;
    • Nhóm resin làm giảm LDL-C đến 30%, tăng HDL-C khoảng 5% nhưng lại làm tăng nhẹ Triglyceride. Do đó thường được chỉ định kết hợp với nhóm thuốc khác và không dùng cho bệnh nhân có xét nghiệm triglyceride tăng cao;
    • Liều thường dùng: Cholestyramine là 8-16g/ ngày chia 2 lần, còn Colestipol là 10-30g/ ngày chia 2 lần;
    • Tác dụng phụ: táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, cảm giác nóng đường ruột…;
  • Nicotinic acid (Niacin): Bản chất là 1 Vitamin tan trong nước với khả năng ức chế sản xuất các lipoprotein tại gan:
    • Nhóm thuốc này có thể làm giảm VDLD-C đến 50%, giảm LDL-C đến 25% và tăng HDL-C khoảng 15-35%;
    • Liều khởi đầu 100mg x 3 lần/ ngày, sau đó tăng dần đến 2-4g/ngày;
    • Tác dụng phụ: Hay gặp nhất là cảm giác đỏ bừng da (hầu như ở tất cả bệnh nhân) và một số biểu hiện khác như mẩn ngứa, buồn nôn, nôn ói, đầy bụng, chóng mặt, mất ngủ, tăng nhãn áp, hạ huyết áp;
    • Chống chỉ định của Niacin: Gout, loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn;
  • Nhóm ức chế men HMG-CoA Reductase (hay còn gọi là Statin): Đây là nhóm thuốc chủ lực trong điều trị tăng LDL-Cholesterol cao, bao gồm các hoạt chất như Simvastatin, Lovastatin, Pravastatin, Fluvastatin, Atorvastatin và Rosuvastatin:
    • Các Statin ức chế hoạt hoá men HMG-CoA-reductase, qua đó làm giảm tổng hợp cholesterol tại các tế bào gan, đồng thời kích thích hoạt hoá thụ thể LDL-C và  kết quả cuối cùng là giảm nồng độ LDL-C trong máu;
    • Simvastatin và Atorvastatin có thể làm giảm LDL-C đến 60% và giảm Triglyceride đến 37%. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh các statin ngoài tác dụng giảm LDL còn có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, giảm tỷ lệ tiến triển đến bệnh mạch vành ở người tăng lipid máu, đồng thời giảm tỷ lệ phải can thiệp lại ở bệnh nhân sau can thiệp động mạch vành hoặc mổ bắc cầu chủ-vành;
    • Liều dùng: Simvastatin là 5-40mg/ngày, Atorvastatin là 10-80mg/ ngày, Lovastatin là 10-20mg/ngày, Pravastatin là 10-40mg/ngày;
    • Tác dụng phụ: khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, đau bụng, đau đầu, mất ngủ;
    • Tình trạng tăng men gan có thể gặp ở 1-2% bệnh nhân sử dụng Statin và nhóm thuốc này chống chỉ định ở bệnh nhân mắc bệnh gan tiến triển, đau cơ, viêm đa cơ và tiêu cơ vân…;
  • Các dẫn xuất fibrat (acid fibric), bao gồm Gemfibrozil, Fenofibrate và Bezafibrate:
    • Nhóm fibrat làm giảm VLDL, qua đó làm giảm Triglyceride khoảng 20-50%, tăng HDL-C khoảng 10-15%, riêng Gemfibrozil làm giảm LDL-C khoảng 10-15%. Do đó nhóm Fibrat chỉ định tốt nhất cho các trường hợp tăng Triglyceride máu, có thể kết hợp với các resin gắn muối mật;
    • Liều thường dùng: Gemfibrozil 600mg x 2 lần/ngày trước ăn, Fenofibrat 300mg/ngày;
    • Tác dụng phụ: phù mặt, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, mẩn ngứa…;
  • Điều trị thay thế bằng Estrogen: Biện pháp này có thể có ích ở đối tượng phụ nữ sau tuổi mãn kinh có tăng LDL và rối loạn lipid máu. Estrogen giúp giảm LDL-C khoảng 15% và tăng HDL-C cũng khoảng 15%. Nhóm thuốc này là lựa chọn đầu tiên cho bệnh nhân nữ sau tuổi mãn kinh có rối loạn lipid máu, tuy nhiên nó có thể làm tăng Triglyceride đôi chút.

Mặc dù có nhiều cách điều trị tăng LDL-Cholesterol cao nhưng để an toàn thì bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám sức khỏe, tiến hành xét nghiệm máu tổng quát. Căn cứ vào chỉ số xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị tăng LDL-Cholesterol cao phù hợp. Đồng thời có những lời khuyên cụ thể về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nguy cơ thừa cân, béo phì để giúp bạn chăm sóc sức khỏe và quản lý cân nặng 1 cách hiệu quả.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Uyên Xem thêm bài viết của Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Uyên
Đăng ký tư vấn
xem thêm
Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Xét nghiệm mỡ máu gồm những chỉ số nào?

Xét nghiệm mỡ máu gồm những chỉ số nào?

Xét nghiệm máu cholesterol cao có nguy hiểm không?

Xét nghiệm máu cholesterol cao có nguy hiểm không?

Bạn có thể làm gì với mức lipid bất thường trong cơ thể?

Bạn có thể làm gì với mức lipid bất thường trong cơ thể?

Tình trạng mỡ máu cao gây ra bệnh gì?

Tình trạng mỡ máu cao gây ra bệnh gì?

98

Bài viết hữu ích?