Zalo

Các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Trầm cảm là tình trạng rối loạn tâm thần phức tạp có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh trầm cảm như di truyền, căng thẳng kéo dài, biến cố trong cuộc sống hay tác dụng phụ của một số loại thuốc. Cùng tìm hiểu rõ hơn về những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm thông qua bài viết dưới đây.

1. Các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Trầm cảm là một căn bệnh phức tạp, không ai biết chính xác nguyên nhân gây bệnh trầm cảm là gì. Một số bệnh nhân bị trầm cảm khi đang mắc một căn bệnh nghiêm trọng. Trong khi những người khác có thể bị trầm cảm khi phải đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống như chuyển nhà hoặc cái chết của người thân. Tiền sử gia đình và các chất hóa học trong não cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. 

Các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, bao gồm:

1.1. Hoạt động của não bộ và sự mất cân bằng các chất hóa học trong não bộ

Các nghiên cứu chứng minh rằng, ngoài sự mất cân bằng giữa các chất hóa học trong não thì sự phát triển của tế bào não, những kết nối tế bào thần kinh và hoạt động của các mạch máu não cũng có tác động lớn đến nguyên nhân gây bệnh trầm cảm.

Qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như MRI, PET, SPECT đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra rằng kích thước hồi hải mã nhỏ hơn ở một số bệnh nhân trầm cảm. Bên cạnh đó, kích thước hồi hải mã sẽ tỷ lệ nghịch với tần suất xuất hiện các cơn trầm cảm ở bệnh nhân. Ngoài ra nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác cũng được chứng minh có ảnh hưởng đến nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, bao gồm:

  • Acetylcholine: Acetylcholin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động cao cấp của não bộ như khả năng ghi nhớ, nhận thức và sự tập trung. Sự mất cân bằng nồng độ acetylcholin trong não được cho là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.
  • Serotonin: Sự suy giảm hoạt động của hormone serotonin trong não bộ đóng một vai trò quan trọng trong các nguyên nhân gây bệnh trầm cảm. Các thuốc điều trị chống trầm cảm cũng tập trung làm tăng hàm lượng serotonin trong não.
  • Norepinephrine: Norepinephrine đóng vai trò quan trọng trong sinh lý bệnh và điều trị rối loạn trầm cảm. Tăng nồng độ norepinephrine trong não sẽ bảo vệ cơ thể khỏi trạng thái trầm cảm do căng thẳng. Khi nồng độ norepinephrine suy giảm sẽ làm tăng tính nhạy cảm của bệnh nhân trầm cảm đã hồi phục làm bệnh trầm cảm tái phát. 
  • Dopamin: Dopamin cần thiết cho sự hoạt động bình thường của não bộ. Trường hợp có bất thường trong quá trình dẫn truyền dopamin sẽ dẫn đến chứng rối loạn tâm thần như suy nghĩ méo mó nghiêm trọng đặc trưng bởi ảo giác hoặc ảo tưởng.
  • Glutamate: Khi não bộ giải phóng quá nhiều glutamate sẽ dẫn đến căng thẳng và nhiều bệnh thoái hóa thần kinh. Ngoài ra, rối loạn chức năng glutamatergic đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhiều rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng và rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
  • Axit gamma-aminobutyric (GABA): Thụ thể GABA có mặt khắp nơi trong não bộ và đóng vai trò cơ bản trong việc kiểm soát sự ức chế thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bệnh trầm cảm đi kèm với nồng độ GABA trong dịch não tủy thấp hơn và dựa trên các chẩn đoán hình ảnh cho thấy kết quả nồng độ GABA giảm tại vỏ não bên trước trán và chẩm ở người bệnh trầm cảm.
nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
Sự mất cân bằng các chất hóa học trong não là một nguyên nhân trầm cảm

1.2. Yếu tố di truyền

Những nghiên cứu về tiền sử gia đình và trẻ sinh đôi đã chứng minh rằng có sự đóng góp của những yếu tố di truyền vào nguyên nhân gây bệnh trầm cảm. Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm gia tăng gấp 2-3 lần ở con cái có cha hoặc mẹ mắc bệnh trầm cảm. Việc con cái được di truyền bệnh từ bố hay mẹ sẽ liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò của gen trong việc hình thành khả năng đối phó và thích nghi với các tác động tiêu cực từ bên ngoài với từng cá nhân.

1.3. Trầm cảm sau khi trải qua những biến cố trong cuộc sống

Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều sự kiện xảy ra tác động đến tình cảm và tâm lý của chúng ta. Có những biến cố sẽ mau chóng vượt qua nhưng cũng có những biến cố để lại ám ảnh sâu sắc trong tâm trí mỗi cá nhân khiến họ không thể vượt qua.

Những chấn thương tinh thần và sự mất mát có thể khiến con người dễ bị trầm cảm hơn. Khi phải trải qua những biến cố lớn trong cuộc sống như bị bỏ rơi, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, mất người thân, những sang chấn và chấn thương sau chiến tranh có thể trở thành những kí ức không thể quên. Những yếu tố này sẽ trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng và hậu quả là dẫn đến trầm cảm. Có những người bệnh sau điều trị trầm cảm vẫn rất dễ tái phát vì đó là phần quá khứ không thể thay đổi hoặc khi người bệnh gặp phải một biến cố tương tự.

Bên cạnh đó, sang chấn tâm lý xảy ra khi còn nhỏ sẽ gây ra những thay đổi trong chức năng não làm xuất hiện các triệu chứng lo âu trầm cảm sau này. Vùng não bộ chi phối phản ứng căng thẳng có thể bị thay đổi về hình thái, cấu trúc và chức năng, Điều này biểu hiện bằng những sự thay đổi trong não bộ như mất cân bằng về nồng độ chất dẫn truyền thần kinh hoặc tổn thương thực thể các tế bào thần kinh.

1.4. Nguyên nhân trầm cảm do căng thẳng kéo dài

Khi đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống như thất nghiệp, thất tình, bệnh tật, sự chia ly và bạo lực thì mỗi cá nhân sẽ có những phản ứng và khả năng thích nghi khác nhau. Không phải tất cả mọi người khi đối mặt với những căng thẳng này đều dẫn đến trầm cảm, nhưng trên thực tế có nhiều người không thể vượt qua và đây có thể là khởi nguồn để bệnh trầm cảm tiến triển.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng cấu tạo gen sẽ góp phần ảnh hưởng đến phản ứng thích nghi và đáp ứng của chúng ta với các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Khi các tình huống căng thẳng và các yếu tố di truyền kết hợp với nhau thì hoàn toàn có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
Nguyên nhân trầm cảm do căng thẳng kéo dài

Tâm lý căng thẳng kéo dài cũng gây ra nhiều thay đổi về sinh lý trong cơ thể dẫn đến những rối loạn chức năng của cơ quan. Cơ thể ít bị ảnh hưởng và dễ dàng trở lại trạng thái bình thường nếu tình trạng căng thẳng diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi tình trạng căng thẳng kéo dài và căng thẳng mức độ cao sẽ dẫn đến những thay đổi trong cơ thể và não bộ có thể bị rối loạn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

1.5. Trầm cảm do tác dụng phụ của một số thuốc

Một số loại thuốc có tác động đến nồng độ các chất dẫn truyền hóa học trong hệ thần kinh trung ương dẫn đến chứng trầm cảm, bao gồm:

  • Thuốc isotretinoin: Thuốc isotretinoin được sử dụng để điều trị mụn trứng cá đôi khi cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.
  • Thuốc chống co giật: Thuốc chống co giật được sử dụng để kiểm soát các cơn động kinh.
  • Thuốc an thần: Nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh ung ương làm chậm chức năng não được sử dụng để điều trị lo lắng và ngăn ngừa cơn động kinh.
  • Benzodiazepines: Đây là nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương thường được dùng điều trị mất ngủ, rối loạn lo âu và thư giãn cơ bắp.
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị các vấn đề về tim mạch như huyết áp cao, đau ngực, suy tim và một số rối loạn nhịp tim.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm thuốc này làm chậm nhịp tim và giãn mạch để điều trị bệnh huyết áp cao, đau ngực, suy tim sung huyết và rối loạn nhịp.
  • Interferon alfa: Nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư cũng như viêm gan B, C.
  • Thuốc gây nghiện: Nhóm ma túy được sử dụng để giảm đau ở mức độ trung bình đến nặng, có khả năng bị lạm dụng và gây nghiện cao.
  • Statin: Nhóm thuốc được sử dụng để giảm cholesterol, bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương do bệnh mạch vành và ngăn ngừa các cơn đau tim.

1.6. Nguyên nhân trầm cảm do các vấn đề sức khỏe

Nhiều bệnh lý tổn thương thực thể là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm, bao gồm:

  • Suy giáp là bệnh lý khiến cơ thể chúng ta sản xuất quá ít hormon tuyến giáp dẫn đến trầm cảm và kiệt sức.
  • Bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ nào là những bệnh lý có nguy cơ cao gây ra trầm cảm.
  • Các tình trạng thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh Huntington và bệnh đa xơ cứng. 
  • Một số tình trạng khác như các rối loạn nội tiết, thiếu hụt chất dinh dưỡng, một số bệnh hệ thống miễn dịch, bệnh nhiễm trùng, ung thư, mất ngủ, suy giảm khả năng tình dục, rối loạn cương dương, lãnh cảm và mãn kinh ở nữ giới.

Tất cả những bệnh lý trên có thể là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm, đồng thời trầm cảm cũng có thể xuất hiện trước khi cơ thể bị bệnh thật sự.

1.7. Trầm cảm do lạm dụng các thiết bị điện tử

Tình trạng nghiện mạng xã hội và nghiện chơi điện tử có thể khiến con người chìm đắm trong thế giới ảo và làm giảm thời gian tương tác giữa người với người trong thế giới thực. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề về rối loạn tâm lý trong đó có bệnh trầm cảm.

2. Nguyên nhân trầm cảm nào có thể dự phòng và nguyên nhân nào không thể dự phòng?

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm có thể dự phòng được, bao gồm:

  • Tránh những căng thẳng kéo dài trong cuộc sống
  • Cố gắng vượt qua những biến cố với tinh thần lạc quan 
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài
  • Tìm hiểu kỹ tác dụng phụ của một số loại thuốc trước khi sử dụng

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm không dự phòng được, bao gồm:

  • Các thay đổi chất dẫn truyền thần kinh trong não
  • Yếu tố di truyền
  • Một số vấn đề sức khỏe như suy giáp và thoái hóa thần kinh

3. Làm sao để tránh nguy cơ trầm cảm từ sớm?

Trầm cảm do rất nhiều nguyên nhân gây ra và không phải lúc nào chúng ta cũng ngăn ngừa được trầm cảm. Tuy nhiên, một số biện pháp giúp giảm nguy cơ trầm cảm từ sớm, bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì thói quen ngủ lành mạnh để có được giấc ngủ chất lượng
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể
  • Tránh uống rượu bia và sử dụng ma túy
  • Dành thời gian với những người bạn quan tâm như gia đình, bạn bè và đồng nghiệp
  • Quản lý căng thẳng trong công việc và cuộc sống
  • Thực hành các hoạt động chăm sóc bản thân thường xuyên như tập thể dục, thiền và yoga.

Tóm lại, nguyên nhân gây bệnh trầm cảm rất đa dạng, một số nguyên nhân bạn có thể chủ động dự phòng được nhưng một số nguyên nhân thì không. Bạn có thể chủ động tránh nguy cơ trầm cảm từ sớm bằng các biện pháp như ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục và quản lý căng thẳng. Đặc biệt, khi có triệu chứng của trầm cảm bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám bệnh và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo: My.clevelandclinic.org, Nhs.uk, Webmd.com

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Chu Yến Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng

Các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng

Các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở nam giới

Các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở nam giới

Vì sao dấu hiệu trầm cảm thường dễ bị bỏ qua?

Vì sao dấu hiệu trầm cảm thường dễ bị bỏ qua?

Các hậu quả của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Các hậu quả của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Có nên dùng thuốc giảm căng thẳng mệt mỏi?

Có nên dùng thuốc giảm căng thẳng mệt mỏi?

22

Bài viết hữu ích?