Zalo

Vì sao dấu hiệu trầm cảm thường dễ bị bỏ qua?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Trầm cảm là 1 tình trạng rối loạn tâm thần phổ biến trên toàn thế giới. Trong xã hội bận rộn hiện tại, mọi người dường như chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất và không chú ý nhiều đến các yếu tố tâm lý xã hội. Điều này có thể khiến các dấu hiệu trầm cảm bị bỏ sót và bệnh tiến triển lâu dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh. Vậy những dấu hiệu của bệnh trầm cảm là gì và làm gì khi có dấu hiệu của trầm cảm?

1. Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một tình trạng suy giảm sức khỏe tâm thần biểu qua một số dấu hiệu và triệu chứng mà không phải lúc nào cũng rõ ràng để nhận biết. Một số cá nhân vẫn có thể duy trì những hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày trong khi sống chung với chứng trầm cảm. Một số người khác lại trải qua những khoảnh khắc suy nhược hơn. Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm là rất quan trọng để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp có thể giúp người bệnh sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm thường gặp, bao gồm:

1.1. Sự thèm ăn và thay đổi cân nặng

Ăn quá ít hoặc quá nhiều có thể là dấu hiệu của trầm cảm. Một số người tìm đến đồ ăn để cảm thấy thoải mái, trong khi những người khác chán ăn hoặc ăn ít hơn do tâm trạng chán nản. Những thay đổi về lượng thức ăn này có thể khiến người bệnh tăng cân hoặc giảm cân, đồng thời ảnh hưởng đến tâm trạng và mức năng lượng của bệnh nhân.

1.2. Thay đổi thói quen ngủ

Các nhà khoa học đã chứng minh có một mối liên hệ chặt chẽ giữa giấc ngủ và tâm trạng. Mất ngủ có thể góp phần gây ra trầm cảm và trầm cảm có thể khiến bạn khó ngủ hơn. Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ mãn tính có thể góp phần gây ra trầm cảm. Nguyên nhân được cho là do những thay đổi hóa học thần kinh trong não. 

Tuy nhiên, ngủ nhiều hơn bình thường cũng có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

dấu hiệu trầm cảm
Mất ngủ là một triệu chứng trầm cảm thường gặp

1.3. Sử dụng rượu hoặc ma túy

Một số người bị rối loạn tâm trạng có thể sử dụng rượu hoặc ma túy để giúp họ đối phó với những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như buồn bã, cô đơn hoặc vô vọng. 

Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA) báo cáo rằng tại Hoa Kỳ, khoảng 1 trong 5 người mắc chứng rối loạn lo âu hoặc rối loạn tâm trạng như trầm cảm cũng mắc chứng rối loạn sử dụng rượu hoặc chất gây nghiện. Ngược lại, tỷ lệ tương tự những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu hoặc chất gây nghiện cũng bị rối loạn tâm trạng.

1.4. Tự nói chuyện tiêu cực

Tự nói chuyện tiêu cực là một cuộc đối thoại nội tâm có hại và tự phê bình. Nhiều người bị trầm cảm trải qua việc tự nói chuyện tiêu cực và mặc định có những suy nghĩ có hại, chỉ trích bản thân. Mặc dù có rất ít nghiên cứu về tác động lâu dài của việc tự nói chuyện tiêu cực, nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó có tác động có hại đến sức khỏe và chức năng nhận thức của người bệnh.

1.5. Mệt mỏi

Cảm thấy mệt mỏi quá mức là một triệu chứng rất phổ biến của bệnh trầm cảm. Một số nghiên cứu cho thấy hơn 90% người bị trầm cảm cảm thấy mệt mỏi. Mặc dù đôi khi mọi người đều cảm thấy mệt mỏi, nhưng những người bị mệt mỏi nghiêm trọng hoặc kéo dài - đặc biệt nếu cảm giác mệt mỏi đi kèm với các triệu chứng khác thì có thể bạn đang bị trầm cảm tiềm ẩn.

1.6. Hạnh phúc gượng ép

Đôi khi, người ta gọi trầm cảm tiềm ẩn là “trầm cảm mỉm cười”. Lý do cho điều này là những người che giấu các triệu chứng của mình có thể đảm bảo rằng khuôn mặt của họ trông vui vẻ khi ở cùng người khác. 

Tuy nhiên, có thể khó để theo kịp niềm vui và sự tích cực gượng ép này. Theo thời gian, chiếc mặt nạ có thể bị tuột ra và người mắc bệnh trầm cảm có thể có dấu hiệu buồn bã, vô vọng hoặc cô đơn.

1.7. Mất tập trung

Khi một người lơ là trong cuộc trò chuyện hoặc mất khả năng suy nghĩ, điều này có thể cho thấy có vấn đề về trí nhớ và sự tập trung.

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy rằng những khó khăn trong việc tập trung có thể làm trầm trọng thêm tác động xã hội của bệnh trầm cảm bằng cách khiến cuộc sống công việc và các mối quan hệ cá nhân trở nên khó khăn hơn. 

Ngoài ra, một đánh giá năm 2018 lưu ý rằng rối loạn chức năng nhận thức là một khía cạnh quan trọng của chứng rối loạn trầm cảm nặng (MDD). Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội của một người, khả năng làm việc và năng suất làm việc.

1.8. Không quan tâm đến sở thích

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia liệt kê chỉ ra rằng mất hứng thú hoặc niềm vui đối với sở thích và hoạt động, là một trong những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Không hứng thú với những hoạt động mà người bệnh từng yêu thích có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên mà người khác nhận thấy khi người thân của họ bị trầm cảm.

1.9. Đau đớn về thể chất

Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần, nhưng nó cũng có thể gây ra những hậu quả về thể chất. Ngoài việc thay đổi cân nặng và mệt mỏi, các triệu chứng thể chất khác của bệnh trầm cảm tiềm ẩn cần chú ý bao gồm:

  • Đau đầu
  • Đau ngực
  • Đánh trống ngực
  • Nhức mỏi và đau nhức
  • Vấn đề về tiêu hóa

1.10. Thay đổi tính cách

Một số người bị trầm cảm tiềm ẩn trải qua những thay đổi về tính cách. Họ có thể trở nên im lặng và thu mình hơn, hoặc có thể tức giận và cáu kỉnh.

Nhiều người không liên tưởng sự tức giận và khó chịu với chứng trầm cảm, nhưng những thay đổi tâm trạng này không phải là hiếm ở những người mắc bệnh. Thay vì tỏ ra buồn bã, một số người bị trầm cảm tiềm ẩn có thể tỏ ra cáu kỉnh và tức giận một cách công khai hoặc bị kìm nén.

1.11. Ham muốn tình dục thấp

Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe coi những thay đổi trong ham muốn tình dục là dấu hiệu chính khi chẩn đoán các giai đoạn trầm cảm. Trong một nghiên cứu năm 2018, trầm cảm nặng hơn có liên quan đến rối loạn chức năng tình dục nghiêm trọng hơn. 

Có một số lý do khiến ham muốn tình dục của một người có thể giảm khi họ bị trầm cảm, bao gồm:

  • Mất hứng thú với các hoạt động vui thú như tình dục
  • Mệt mỏi và mức năng lượng thấp

2. Vì sao dấu hiệu trầm cảm dễ bị bỏ qua?

Trầm cảm một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên toàn thế giới hiện nay. Tuy nhiên dấu hiệu của bệnh trầm cảm thường dễ bị bỏ qua vì dường như những yếu tố tâm lý xã hội hiện chưa được mọi người quan tâm và coi trọng. Mọi người thường quan tâm nhiều đến sức khỏe thể chất với những triệu chứng rõ ràng mà đôi khi quên chú ý đến sức khỏe tinh thần của bản thân.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu của bệnh trầm cảm đôi khi tiềm ẩn không thể nhận thấy ở bề ngoài khiến người bệnh và những người xung quanh không nhận ra. Bệnh trầm cảm tiến triển trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh như tinh thần kiệt quệ, suy giảm thể chất, chức năng sống và cả niềm vui trong cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh nhân trầm cảm có thể có các triệu chứng khẩn cấp và nghiêm trọng hơn như ý tưởng hoặc nỗ lực tự tử.

Vì vậy, trong cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất thì mọi người cũng nên chú ý đến sức khỏe tinh thần của bản thân và mọi người xung quanh. Nhờ đó, giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của trầm cảm để được can thiệp kịp thời, tránh những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh trầm cảm.

dấu hiệu trầm cảm
Sức khỏe tinh thần chưa được quan tâm khiến các dấu hiệu trầm cảm dễ bị bỏ sót

3. Làm gì khi có dấu hiệu trầm cảm?

Nếu bạn tin rằng mình đang có những triệu chứng trầm cảm thì điều quan trọng là bạn phải tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia càng sớm càng tốt. Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp với bạn. 

Các biện pháp giúp điều trị và cải thiện các triệu chứng trầm cảm, bao gồm:

3.1. Điều trị thuốc

Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm là phương pháp phổ biến để điều trị bệnh trầm cảm. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng thuốc chống trầm cảm mang lại lợi ích cho những bệnh nhân bị trầm cảm trung bình hoặc nặng.

Giai đoạn trầm cảm nhẹ thường không khuyến nghị dùng thuốc vì có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý.

Các loại thuốc chống trầm cảm, liều lượng và thời gian điều trị sẽ do bác sĩ chỉ định cho từng bệnh nhân.

3.2. Điều trị tâm lý

Điều trị tâm lý được chứng minh là phương pháp chữa trị trầm cảm có hiệu quả tốt trong xã hội hiện đại. Phương pháp điều trị tâm lý không chỉ giúp bệnh nhân dần dần phục hồi trở lại mà còn là hành trình giúp bệnh nhân hiểu thêm bản thân mình, gia tăng sự tự tin và thích nghi với cuộc sống tốt hơn.

Các phương pháp điều trị tâm lý phổ biến hiện nay, bao gồm:

  • Trị liệu hành vi và nhận thức
  • Trị liệu gia đình
  • Trị liệu nghệ thuật

3.3. Chế độ sinh hoạt giúp kiểm soát bệnh trầm cảm

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và trị liệu tâm lý thì người bệnh trầm cảm có thể kiểm soát bệnh thông qua những thay đổi trong chế độ sinh hoạt hàng ngày như sau:

  • Giảm căng thẳng thông qua các phương pháp như thiền, bài tập thở sâu và yoga
  • Nâng cao sự tự tin thông qua những lời khẳng định tích cực về bản thân
  • Giao lưu với mọi người xung quanh, mặc dù đây có thể là một thử thách đối với bệnh nhân trầm cảm
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng giàu chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất
  • Nhờ sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè xung quanh khi cần thiết
  • Tham gia các nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân trầm cảm

Tóm lại, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Dấu hiệu của trầm cảm thường gặp như thay đổi thói quen ăn uống, mất ngủ, mất tập trung, thờ ơ và thay đổi về tính cách. Triệu chứng trầm cảm đôi khi dễ bỏ sót vì những dấu hiệu tiềm ẩn khó nhận ra. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đến sức khỏe thể chất thì chúng ta cũng nên quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân và mọi người xung quanh.

Tài liệu tham khảo: Medicalnewstoday.com

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Chu Yến Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ dễ gặp nhất

Các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ dễ gặp nhất

Triền miên bị mất ngủ phải làm sao?

Triền miên bị mất ngủ phải làm sao?

Bệnh trầm cảm có tái phát không? Dấu hiệu tái phát?

Bệnh trầm cảm có tái phát không? Dấu hiệu tái phát?

Các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở nam giới

Các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở nam giới

Cần uống thuốc trầm cảm trong bao lâu thì dừng? Hay cần uống mãi?

Cần uống thuốc trầm cảm trong bao lâu thì dừng? Hay cần uống mãi?

14

Bài viết hữu ích?