Zalo

Bệnh trầm cảm có tái phát không? Dấu hiệu tái phát?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Trầm cảm đã và đang là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến trong toàn xã hội, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và khả năng lao động, học tập hàng ngày của người bệnh. Nếu bạn đã từng bị trầm cảm và đang lo lắng liệu bệnh trầm cảm có tái phát không, làm thế nào để phát hiện trầm cảm tái phát? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên.

1. Bệnh trầm cảm có bị tái phát không? Vì sao? 

Trầm cảm tái phát xảy ra khi một bệnh nhân đã từng mắc trầm cảm xuất hiện các triệu chứng trầm cảm trở lại sau một thời gian thuyên giảm (thường sau 16 - 20 tuần kể từ khi bệnh nhân trở về trạng thái bình thường). Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy, có tới 60% bệnh nhân trầm cảm trải qua ít nhất 01 giai đoạn tái phát trong đời, thường trong vòng 06 tháng sau khi điều trị (theo kết quả một nghiên cứu khác vào năm 2017). 

Do đó, nếu bạn đang băn khoăn liệu bệnh trầm cảm có bị tái phát không thì câu trả lời là Có. Về bản chất, việc điều trị chỉ giúp giải quyết các triệu chứng trầm cảm tạm thời chứ không chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng ⅓ số người trầm cảm sau khi ngừng điều trị bằng thuốc hoặc phương pháp trị liệu sẽ tái phát trầm cảm trong vòng 01 năm. 

Vì vậy, người bệnh trầm cảm rất dễ tái phát bệnh nếu không giải quyết sớm các tác nhân gây ra trầm cảm ban đầu, có thể kể đến như: 

  • Sự kiện căng thẳng trong cuộc sống: Sự ra đi đột ngột của người thân, thất nghiệp, chia tay người yêu, đối mặt với kỳ thi quan trọng,...
  • Bệnh tật: Bao gồm việc đau ốm trong thời gian ngắn hoặc sống chung với các bệnh mãn tính như ung thư. 
  • Thay đổi nội tiết tố: Tuổi dậy thì, phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, đang mang thai hoặc sau sinh. Đây là những thời điểm nhạy cảm mà cơ thể có sự biến động nồng độ hormone. Điều này có thể dẫn đến tâm trạng thay đổi cùng nhiều vấn đề khác về thể chất lẫn tinh thần. 
  • Biến cố gia đình: Người bệnh có thể tái phát trầm cảm do một số biến cố từ gia đình như cha mẹ ly hôn, vợ chồng ly hôn, có con, chuyển chỗ ở, chuyển chỗ làm việc,...
  • Rượu, ma túy và các chất kích thích: Các chất này có thể giúp bạn tạm thời đối phó với các triệu chứng trầm cảm do đem lại cảm giác hưng phấn. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn hưng phấn, các chất này sẽ khiến cho triệu chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. 
bệnh trầm cảm có tái phát không
Trầm cảm là bệnh rất dễ tái phát

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm tái phát 

Bạn có thể nhận biết bệnh trầm cảm tái phát trở lại qua những dấu hiệu sau: 

  • Tâm trạng tồi tệ: Bạn thường xuyên rơi nước mắt, cảm thấy tuyệt vọng, u uất, trống rỗng hoặc đau khổ. Nếu tình trạng này xảy ra không rõ nguyên nhân, kéo dài hơn 02 tuần và diễn ra mỗi ngày thì rất có thể, bạn đang bị trầm cảm tái phát.
  • Thường xuyên cáu gắt: Bạn thường xuyên cảm thấy tức giận và thất vọng với những điều nhỏ nhặt không theo ý muốn. 
  • Mất hứng thú hoặc niềm vui với những điều trước đây bạn thích thú: Đó có thể là người yêu, ham muốn tình dục, sở thích cá nhân, gặp gỡ bạn bè hoặc bất kỳ thú vui nào của bạn trước đó. Bạn cảm thầy điều từng làm mình yêu thích giờ đây trở thành gánh nặng, tốn nhiều công sức và không đáng phải bỏ công. 
  • “Sương mù ở não”: Bạn gặp khó khăn trong quá trình nhận thức và suy nghĩ, cảm thấy tốc độ suy nghĩ chậm lại, giảm khả năng tập trung và ra quyết định, giải quyết vấn đề kém hoặc suy giảm trí nhớ
  • Ảnh hưởng giấc ngủ: Bạn trở nên khó ngủ, thức giấc cả đêm, cảm thấy mệt mỏi sau khi ngủ dậy hoặc ngủ quá nhiều. 
  • Xa lánh xã hội: Bạn cô lập bản thân, thích ở một mình chốn đông người. Việc giao tiếp với người khác khiến bạn cảm thấy tốn quá nhiều công sức. Bạn gần như chỉ quanh quẩn trong nhà và hoàn toàn không liên kết với xã hội. 
  • Cảm thấy bản thân vô dụng: Bạn cảm thấy bản thân không xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, chỉ trích bản thân quá mức, cảm thấy vô dụng, tập trung vào sai sót hoặc thất bại thay vì thành tựu đạt được. 
  • Tăng hoặc giảm cân không kiểm soát: Thay đổi thói quen ăn uống, mất hứng thú với những món ăn đã từng yêu thích, thiếu nỗ lực ăn uống lành mạnh hoặc động lực tập thể dục thường xuyên. 
  • Cơ thể mệt mỏi và đau nhức: Bạn cảm thấy mệt mỏi và đau nhức một vài bộ phận cơ thể, chẳng hạn như đau cơ bắp, nhức đầu, đau dạ dày, đau ngực, đau lưng, đau chân tay,...
  • Ý định tự tử: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn đang bị trầm cảm tái phát. Bạn cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa, mất giá trị, động lực sống và có ý định biến mất khỏi thế giới. 
bệnh trầm cảm có tái phát không
Nhận biết các dấu hiệu trầm cảm tái phát

3. Đối phó với trầm cảm tái phát 

Nếu bạn đang lo lắng không biết mình có bị trầm cảm tái phát hay không, hãy tìm gặp chuyên viên hoặc bác sĩ tâm lý để trao đổi về tình trạng mà bạn đang gặp phải. Một số lựa chọn điều trị mà bạn có thể áp dụng như: 

  • Liệu pháp trò chuyện: Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT), trị liệu cá nhân (IPT), liệu pháp phân tâm học. 
  • Thuốc: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc (SNRI). 
  • Kết hợp cả hai biện pháp trên. 

Bên cạnh việc tìm kiếm trị liệu từ các chuyên gia y tế, bạn có thể kiểm soát triệu chứng trầm cảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng này tái phát bằng các cách sau: 

  • Tâm sự các vấn đề gặp phải với gia đình hoặc bạn bè: Hãy tìm một ai đó mà bạn thật sự tin cậy và tâm sự với họ về những vấn đề mà bạn gặp phải. Nếu họ không thể giải quyết vấn đề giúp bạn, chí ít là bạn cũng có người để giãi bày tâm sự và trút bỏ nỗi ưu phiền. 
  • Thực hành chăm sóc bản thân: Tập thể dục thường xuyên (đi bộ, giãn cơ, yoga, luyện tập cường độ cao ngắt quãng), đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày, bổ sung vitamin D, duy trì thói quen,...
  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ: Tuân thủ mọi chỉ định và kế hoạch dùng thuốc (nếu có) của bác sĩ. Tuyệt đối không ngừng thuốc đột ngột để tránh hiện tượng cai thuốc. Trao đổi và tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có bất kỳ băn khoăn nào trong quá trình điều trị. 
  • Theo dõi tâm trạng mỗi ngày: Bạn có thể sử dụng giấy ghi chú hoặc lịch có kẻ ô để ghi lại tâm trạng mỗi ngày. Theo dõi tâm trạng giúp bạn nhận thức rõ hơn về cảm giác của mình, liên hệ bản thân với các sự việc đang diễn ra trong cuộc sống, đồng thời, cảnh báo cho bạn sự thay đổi tâm trạng bất thường - một trong những biểu hiện đầu tiên của trầm cảm. Chẩn đoán trầm cảm được xác định khi người bệnh có tâm trạng chán nản diễn ra xuyên suốt ít nhất 02 tuần. 
  • Viết nhật ký: Đối phó với triệu chứng trầm cảm bằng cách viết nhật ký cho phép bạn tự do thể hiện và khám phá cảm xúc bản thân. Bạn nên dành một khoảng thời gian trong ngày - thời điểm mà bạn cảm thấy thật thoải mái và dễ chịu - để tự hỏi bản thân và cố gắng “đi đến tận cùng” cảm xúc của chính mình. 
bệnh trầm cảm có tái phát không
Viết nhật ký cho phép bạn tự do khám phá cảm xúc bản thân

Hy vọng bài viết sau đây đã giúp bạn giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề bệnh trầm cảm có tái phát không. Nếu bạn đang phải vật lộn với các triệu chứng trầm cảm tái phát, hãy liên hệ ngay với bác sĩ trị liệu trước đó để tìm kiếm sự giúp đỡ. 

Tài liệu tham khảo: Verywellmind.com, Webmd.com, Healthline.com 

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Hồ Giáng My xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ dễ gặp nhất

Các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ dễ gặp nhất

Triền miên bị mất ngủ phải làm sao?

Triền miên bị mất ngủ phải làm sao?

Cần uống thuốc trầm cảm trong bao lâu thì dừng? Hay cần uống mãi?

Cần uống thuốc trầm cảm trong bao lâu thì dừng? Hay cần uống mãi?

Các loại cây trị trầm cảm có hiệu quả như thế nào?

Các loại cây trị trầm cảm có hiệu quả như thế nào?

Vì sao dấu hiệu trầm cảm thường dễ bị bỏ qua?

Vì sao dấu hiệu trầm cảm thường dễ bị bỏ qua?

36

Bài viết hữu ích?