Zalo

Vai trò của hormone Cortisol

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Hormone cortisol do tuyến thượng thận bài tiết là 1 hormone quan trọng của cơ thể. Tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cortisol đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nhận biết và chẩn đoán tăng/giảm cortisol máu như thế nào?

1. Định nghĩa và vai trò của hormone cortisol

Hormone Cortisol bản chất là một Glucocorticoid do tuyến thượng thận sản xuất và bài tiết. Tuyến thượng thận là một tuyến nhỏ, hình tam giác và nằm ở phần trên của mỗi quả thận. Tuyến thượng thận là một phần của hệ thống nội tiết trong cơ thể. Theo các chuyên gia, Cortisol là hormone thiết yếu ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan và mô trong cơ thể con người, bao gồm những chức năng quan trọng sau:

  • Điều chỉnh phản ứng căng thẳng của cơ thể;
  • Kiểm soát chuyển hóa chất béo, protein và carbohydrate hoặc quá trình trao đổi chất;
  • Kháng viêm;
  • Điều hòa huyết áp;
  • Điều hòa đường huyết;
  • Kiểm soát chu kỳ ngủ-thức.

Cơ thể sẽ liên tục theo dõi để duy trì nồng độ hormone cortisol ở mức ổn định theo các phản ứng cân bằng nội môi. Giảm hoặc tăng cortisol máu đều có thể gây hại cho sức khỏe.

Theo bác sĩ, hầu hết các mô trong cơ thể đều có thụ thể của glucocorticoid. Do đó, cortisol có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống cơ quan, bao gồm:

  • Hệ thần kinh;
  • Hệ thống miễn dịch;
  • Hệ tuần hoàn;
  • Hệ hô hấp;
  • Hệ thống sinh sản ở cả nam và nữ;
  • Hệ thống cơ xương;
  • Hệ thống tích hợp bao gồm da, tóc, móng, các tuyến và dây thần kinh.
Hormone Cortisol bản chất là một Glucocorticoid do tuyến thượng thận sản xuất và bài tiết
Hormone Cortisol bản chất là một Glucocorticoid do tuyến thượng thận sản xuất và bài tiết

Cụ thể hơn, hormone cortisol ảnh hưởng đến cơ thể theo những cơ chế sau:

  • Điều chỉnh phản ứng căng thẳng: Trong thời gian căng thẳng, cơ thể có thể giải phóng hormone cortisol sau khi giải phóng các hormone “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, chẳng hạn như Adrenaline. Ngoài ra, cortisol còn kích hoạt giải phóng glucose từ gan để cung cấp năng lượng nhanh chóng trong thời gian căng thẳng;
  • Điều chỉnh quá trình trao đổi chất: Hormone Cortisol kiểm soát cách cơ thể sử dụng chất béo, protein và carbohydrate để tạo năng lượng;
  • Ức chế phản ứng viêm: Trong thời gian ngắn, hormone cortisol có thể tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách hạn chế tình trạng viêm. Tuy nhiên, nếu nồng độ cortisol cao liên tục, cơ thể có thể thích nghi với việc có quá nhiều cortisol trong máu. Hệ quả là phản ứng viêm mạnh hơn và gây suy yếu hệ thống miễn dịch;
  • Điều hòa huyết áp: Cách thức chính xác mà hormone cortisol điều chỉnh huyết áp ở người vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nồng độ cortisol máu tăng cao có thể gây tăng huyết áp và ngược lại định lượng cortisol máu sẽ liên quan đến tình trạng huyết áp thấp;
  • Tăng đường huyết: Trong điều kiện bình thường, hormone cortisol cân bằng tác dụng với insulin (hormone do tuyến tụy sản xuất) để điều chỉnh lượng đường trong máu. Cortisol làm tăng đường huyết bằng cách giải phóng glucose dự trữ, trong khi insulin lại làm giảm đường huyết. Tăng cortisol máu mãn tính có thể khiến mức đường huyết cao kéo dài và góp phần đưa đến bệnh đái tháo đường tuýp 2;
  • Kiểm soát chu kỳ ngủ-thức: Trong điều kiện bình thường, cơ thể người có mức cortisol thấp hơn vào buổi tối khi ngủ và đạt mức cao nhất vào buổi sáng ngay trước khi thức dậy. Điều này cho thấy cortisol đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp sinh học của cơ thể.

Theo các chuyên gia, cơ thể có một hệ thống phức tạp để điều chỉnh nồng độ cortisol máu. Vùng dưới đồi, một vùng nhỏ trong não liên quan đến việc điều hòa nội tiết tố và chức năng tuyến yên, sẽ điều chỉnh việc sản xuất cortisol ở tuyến thượng thận. Khi nồng độ cortisol máu giảm, vùng dưới đồi sẽ giải phóng hormone CRH, qua đó điều khiển tuyến yên sản xuất hormone vỏ thượng thận (ACTH). ACTH sau đó kích thích tuyến thượng thận sản xuất và giải phóng cortisol vào máu. Để duy trì nồng độ cortisol máu ở mức tối ưu, vùng dưới đồi, tuyến yên và tuyến thượng thận đều phải hoạt động bình thường.

2. Nguyên nhân và triệu chứng tăng/giảm cortisol máu

2.1. Nguyên nhân, triệu chứng của tăng cortisol máu 

Nồng độ cortisol cao (hypercortisolism) trong một thời gian dài thường được tên gọi là hội chứng Cushing. Nguyên nhân gây ra tăng cortisol máu và hội chứng Cushing bao gồm:

  • Sử dụng corticosteroid liều cao kéo dài, chẳng hạn như prednisone, prednisolone hoặc dexamethasone, để điều trị các tình trạng bệnh lý khác;
  • Các khối u kích thích sản xuất ACTH: Chúng thường được tìm thấy trong tuyến yên hay hiếm gặp hơn là các khối u thần kinh nội tiết ở các bộ phận khác của cơ thể;
  • U hoặc tăng sản tuyến thượng thận.

Các triệu chứng của tình trạng Cortisol cao và hội chứng Cushing phụ thuộc vào nồng độ cortisol máu cụ thể, trong đó phổ biến là các triệu chứng sau:

  • Tăng cân, đặc biệt là ở mặt và bụng;
  • Chất béo tích tụ giữa xương bả vai;
  • Rạn da, đặc biệt là trên bụng;
  • Yếu cơ cánh tay và đùi;
  • Tăng đường huyết và thường đưa đến bệnh đái tháo đường tuýp 2;
  • Tăng huyết áp;
  • Rậm lông;
  • Loãng xương.

2.2. Nguyên nhân, triệu chứng của giảm cortisol máu

Nồng độ cortisol máu thấp hơn bình thường (gọi là hypocortisolism) được chẩn đoán là suy thượng thận, bao gồm nguyên phát và thứ phát. Nguyên nhân gây suy thượng thận bao gồm:

  • Suy thượng thận nguyên phát: Thường gặp nhất là do phản ứng tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong tuyến thượng thận mà không rõ lý do. Thể bệnh này được gọi là bệnh Addison. Ngoài ra, tuyến thượng thận cũng có thể bị tổn thương do nhiễm trùng hoặc mất máu. Tất cả những tình trạng trên đều khiến quá trình sản xuất cortisol bị hạn chế;
  • Suy tuyến thượng thận thứ phát: Suy tuyến yên hoặc khối u tuyến yên có thể gây hạn chế sản xuất ACTH, từ đó dẫn đến việc giảm sản xuất cortisol.

Bạn cũng có thể có nồng độ hormone cortisol máu thấp hơn bình thường sau khi ngừng điều trị bằng thuốc corticosteroid, đặc biệt khi ngừng thuốc nhanh sau một thời gian dài sử dụng.

Các triệu chứng của nồng độ hormone cortisol máu thấp hơn bình thường hoặc suy tuyến thượng thận bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Giảm cân không chủ ý;
  • Giảm cảm giác thèm ăn;
  • Hạ huyết áp.
Nồng độ cortisol trong máu, nước tiểu và nước bọt của một người bình thường thường đạt mức cao nhất vào sáng sớm
Nồng độ cortisol trong máu, nước tiểu và nước bọt của một người bình thường thường đạt mức cao nhất vào sáng sớm

3. Xét nghiệm định lượng cortisol máu như thế nào?

Nồng độ cortisol trong máu, nước tiểu và nước bọt của một người bình thường thường đạt mức cao nhất vào sáng sớm và giảm dần trong ngày, trong đó mức thấp nhất là vào khoảng nửa đêm. Mô hình bài tiết cortisol có thể thay đổi nếu bạn làm việc ca đêm và ngủ vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

Đối với hầu hết các trường hợp xét nghiệm định lượng cortisol máu, phạm vi bình thường là:

  • 6 giờ sáng đến 8 giờ sáng: 10-20 mcg/dL;
  • Khoảng 4 giờ chiều: 3-10 mcg/dL.

Phạm vi bình thường của cortisol có thể khác nhau tùy theo từng phòng xét nghiệm, từng thời điểm và từng người cụ thể. Nếu cần làm xét nghiệm định lượng cortisol máu, bác sĩ sẽ giải thích kết quả và tư vấn có cần thực hiện các xét nghiệm khác hay không.

4. Làm gì khi định lượng cortisol máu bất thường?

Nếu gặp phải các triệu chứng của tăng cortisol máu/hội chứng Cushing hoặc giảm cortisol máu/suy tuyến thượng thận, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn. Nếu lo lắng về mức độ căng thẳng hàng ngày của bản thân, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về các giải pháp có thể thực hiện để giảm thiểu căng thẳng và giữ gìn sức khỏe. Nếu mắc phải hội chứng Cushing (nồng độ cortisol cao bất thường), bệnh nhân cần được điều trị để giảm nồng độ cortisol, bao gồm dùng thuốc và/hoặc phẫu thuật. Ngược lại, nếu định lượng cortisol máu thấp hơn giới hạn bình thường thì bệnh nhân cần được bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, một số việc hàng ngày có thể làm để cố gắng giảm và duy trì cortisol máu ở mức tối ưu, bao gồm:

  • Giấc ngủ chất lượng: Các vấn đề mãn tính về giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, mất ngủ hoặc làm việc ca đêm, có liên quan đến mức cortisol cao hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm căng thẳng, điều này có thể giúp giảm mức cortisol máu theo thời gian;
  • Học cách kiểm soát căng thẳng: Nhận thức được kiểu suy nghĩ, nhịp thở, nhịp tim và các dấu hiệu căng thẳng khác giúp chúng ta nhận biết căng thẳng khi nó bắt đầu và có thể giúp ngăn chặn nó trở nên tồi tệ hơn;
  • Luyện tập các bài tập thở sâu: Hơi thở có kiểm soát giúp kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, qua đó giúp giảm nồng độ cortisol máu;
  • Duy trì các mối quan hệ lành mạnh: Các mối quan hệ là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Những mối quan hệ căng thẳng và không lành mạnh với người thân hoặc đồng nghiệp có thể gây stress thường xuyên và làm tăng nồng độ cortisol trong máu.

Hy vọng thông qua bài viết đã giúp bạn biết thêm về hormone Cortisol và có kiến thức bảo vệ sức khỏe 1 cách chủ động.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Sức khỏe tinh thần lành mạnh ảnh hưởng thế nào tới tuổi thọ của bạn?

Sức khỏe tinh thần lành mạnh ảnh hưởng thế nào tới tuổi thọ của bạn?

Vai trò của hormone Prolactin đối với sức khỏe

Vai trò của hormone Prolactin đối với sức khỏe

Làm sao để tăng cường năng lượng, hết mệt mỏi trong người?

Làm sao để tăng cường năng lượng, hết mệt mỏi trong người?

Lợi ích của tinh dầu hoa hồng và cách sử dụng an toàn

Lợi ích của tinh dầu hoa hồng và cách sử dụng an toàn

Vì sao người bị tăng huyết áp khó giảm cân?

Vì sao người bị tăng huyết áp khó giảm cân?

138

Bài viết hữu ích?