Theo biểu đồ tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành năm 2021 của CDC Hoa Kỳ cho thấy, số người bị béo phì vẫn ở mức cao, hiện có 19 tiểu bang và 02 vùng lãnh thổ có tỷ lệ béo phì ở mức 35% trở lên, tăng hơn gấp đôi so với năm 2018. Béo phì làm xấu đi tình trạng nhiễm COVID. Những người trưởng thành bị thừa cân thậm chí còn có nguy cơ cao hơn trong đại dịch COVID-19:
Một nghiên cứu về các trường hợp mắc COVID-19 cho thấy, nguy cơ nhập viện, nhập khoa chăm sóc đặc biệt, thở máy xâm lấn và tử vong cao sẽ hơn khi chỉ số BMI tăng. Nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đặc biệt tăng rõ rệt ở những người dưới 65 tuổi. Thống kê hơn 900.000 ca nhập viện do COVID-19 của người trưởng ở Hoa Kỳ, trong đó đã có 271.800 (30,2%) bệnh nhân béo phì. Cụ thể những người mắc bệnh béo phì nhiễm SARS-CoV-2 có khả năng phải nhập viện cao hơn 113% so với những người có cân nặng bình thường, khả năng được đưa vào ICU cao hơn 74% và khả năng tử vong cao hơn 48%.
Trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh béo phì có thể phải chịu hậu quả tồi tệ hơn do nhiễm COVID-19. Trong một nghiên cứu về các trường hợp COVID-19 ở bệnh nhân từ 18 tuổi trở xuống, béo phì có liên quan đến nguy cơ nhập viện cao hơn 3,07 lần và nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn 1,42 lần (nhập viện chăm sóc đặc biệt, thở máy xâm lấn hoặc tử vong).
Mối liên quan này có thể được giải thích dựa trên sinh học của bệnh béo phì bao gồm: Suy giảm khả năng miễn dịch, viêm mãn tính và máu dễ bị đông, tất cả đều có thể làm trầm trọng thêm bệnh COVID-19.
Các bệnh lý thể chất khiến những người béo phì dễ bị nhiễm COVID-19 nghiêm trọng bắt đầu từ những nguyên nhân cơ học: Mỡ ở bụng đẩy lên cơ hoành, khiến cơ lớn nằm bên dưới khoang ngực này gây ra những tác động lên phổi, làm hạn chế luồng không khí. Thể tích phổi giảm này dẫn đến xẹp đường dẫn khí ở thùy dưới của phổi, nơi có nhiều máu đến để oxy hóa hơn ở thùy trên. Nếu nhiễm COVID, tình trạng của người bệnh sẽ trở nên tồi tệ nhanh hơn.
Thông thường, máu của những người mắc bệnh béo phì sẽ có xu hướng đông lại hơn - 1 nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình nhiễm trùng. Khi đó, các mạch máu nhỏ của phổi sẽ bị đóng cục một cách độc lập. Ở những người khỏe mạnh, các tế bào nội mô lót mạch máu thường phát ra tín hiệu chống đông máu. Nhưng tín hiệu này sẽ bị thay đổi bởi COVID, do virus làm tổn thương các tế bào nội mô, tế bào này phản ứng với sự virus bằng cách kích hoạt hệ thống đông máu. Thật vậy, ở bệnh béo phì mắc COVID-19, máu sẽ trở nên rất “dính".
Khả năng miễn dịch cũng yếu đi ở những người mắc bệnh béo phì, một phần là do các tế bào mỡ thâm nhập vào các cơ quan - nơi các tế bào miễn dịch được sản xuất và lưu trữ, chẳng hạn như lá lách, tủy xương và tuyến ức. Có thể hiểu rằng, chúng ta đang mất mô miễn dịch để đổi lấy mô mỡ, khiến hệ thống miễn dịch kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh hoặc phản ứng với vắc-xin.
Mặt khác vấn đề không chỉ là ít tế bào miễn dịch hơn mà còn kém hiệu quả hơn. Các nghiên cứu về cách những con chuột béo phì phản ứng với virus cúm đã chứng minh rằng, các tế bào miễn dịch quan trọng được gọi là tế bào T "không hoạt động tốt ở trạng thái béo phì". Chúng tạo ra ít phân tử giúp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus hơn và nhóm tế bào T "bộ nhớ" bị bỏ lại sau khi bị nhiễm trùng, đây vốn là chìa khóa để vô hiệu hóa các cuộc tấn công trong tương lai của cùng một loại virus. Nghiên cứu cũng cho thấy, điều tương tự cũng xảy ra ở người. Thật vậy những người béo phì dù được tiêm phòng cúm vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với những người có cân nặng khỏe mạnh được tiêm phòng. Điều đó có nghĩa là các cuộc thử nghiệm vắc-xin SARS-CoV-2 cần bao gồm những người mắc bệnh béo phì, bởi vì vắc-xin coronavirus có thể kém hiệu quả hơn ở những đối tượng này.
Ngoài khả năng phản ứng kém với nhiễm trùng, những người mắc bệnh béo phì còn bị viêm mãn tính ở mức độ thấp. Các tế bào mỡ tiết ra một số chất truyền tin hóa học gây viêm gọi là cytokine và nhiều chất khác gọi là đại thực bào (có chức năng quét và dọn dẹp các tế bào mỡ đã chết và sắp chết). Những tác động đó có thể kết hợp với hoạt động của cytokine dẫn đến tình trạng nhiễm COVID-19 mức độ nghiêm trọng. Điều này dẫn đến nhiều tổn thương mô do sản xuất quá nhiều tế bào miễn dịch, làm phá hủy các tế bào khỏe mạnh. Thêm vào đó, béo phì có liên quan đến tất cả các bệnh như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, chúng sẽ khiến chúng ta dễ bị nhiễm COVID-19 mức độ nghiêm trọng.
Hiện nay, dữ liệu về cách điều trị bệnh nhân béo phì nhiễm COVID-19 còn rất ít. Vì vậy, những người bị béo phì nên cẩn thận hơn để tránh bị ốm, cách đơn giản nhất là tuân thủ theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế như: Đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập đông người.
Ngoài ra, tập thể dục và giảm cân cũng phần nào góp phần cải thiện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và trao đổi chất của người mắc bệnh béo phì. Từ đó làm giảm khả năng họ mắc COVID-19 nghiêm trọng nếu bị nhiễm bệnh.
25
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
25
Bài viết hữu ích?