Kỹ thuật siêu âm tuyến giáp là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh bằng sóng âm. Khi siêu âm các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ dùng đầu dò của máy siêu âm đặt vào vùng cổ người bệnh, sau đó máy siêu âm sẽ cho ra hình ảnh chi tiết về tính chất, hình thái học tuyến giáp cũng như các tổ chức quanh vùng cổ.
Ưu điểm của chỉ định siêu âm tuyến giáp:
Các bác sĩ thường chỉ định siêu âm tuyến giáp khi người bệnh có những bất thường về kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp hoặc có sự phát triển bất thường ở tuyến giáp khi thăm khám lâm sàng. Ngoài ra, siêu âm tuyến giáp còn giúp kiểm tra cường giáp hoặc suy giáp.
Chỉ định siêu âm tuyến giáp là một phần của quy trình khám sức khỏe định kỳ, giúp cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao về hình thái và chức năng tuyến giáp. Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm nếu nhận thấy người bệnh có tình trạng sưng phù bất thường, đau, nhiễm trùng, … để phát hiện nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này.
Bên cạnh đó, siêu âm tuyến giáp cũng được chỉ định khi tiến hành chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ hoặc các mô xung quanh.
Dưới ảnh hưởng của tuyến giáp đến hoạt động của hệ tiêu hóa, tình trạng thay đổi cân nặng diễn ra bất thường. Do đó, người bị thừa cân nên được làm siêu âm tuyến giáp.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone giáp, là dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất. Suy giáp có thể làm chậm các quá trình sinh học trong cơ thể. Tăng cân là một triệu chứng phổ biến của suy giáp và là lý do khiến bệnh nhân đi khám và phát hiện bệnh tuyến giáp.
Hormone tuyến giáp là những hormone phức tạp, có vai trò trong điều chỉnh trọng lượng cơ thể. Tình trạng suy giáp khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại, thay đổi sự cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao, từ đó việc kiểm soát trọng lượng khó khăn hơn. Người bệnh suy giáp có thể gặp tình trạng giữ muối và nước, dẫn đến tăng cân nhưng không quá 2 – 5kg. Suy giáp đơn thuần không gây béo phì nghiêm trọng.
Tăng cân do cường giáp không phổ biến như suy giáp nhưng vẫn có thể xảy ra, thường sau khi bắt đầu điều trị cường giáp. Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp, có thể do viêm tuyến giáp hoặc bệnh Graves. Quá nhiều hormone giáp khiến cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng hơn khi ở trạng thái nghỉ, khiến cân nặng sụt giảm. Đây là triệu chứng phổ biến của cường giáp khiến người bệnh đi khám và phát hiện bệnh.
Tuy nhiên, sau khi người bệnh được điều trị cường giáp bằng thuốc, khả năng tiêu thụ năng lượng trở lại trạng thái cân bằng và trọng lượng cơ thể sẽ hồi phục, thậm chí có thể tăng cân. Tình trạng này diễn ra nhanh hơn với người bệnh có thói quen nạp nhiều năng lượng hơn mức năng lượng tiêu hao. Trong phần lớn trường hợp, tăng cân do cường giáp không có gì đáng lo ngại, đặc biệt là trước đó người bệnh bị giảm cân nhiều do chưa được điều trị cường giáp.
Tăng cân đơn thuần thường không phải là dấu hiệu điển hình của bệnh lý tuyến giáp. Tuy nhiên, khi tăng cần kèm theo các triệu chứng của suy giáp (như mệt mỏi, buồn phiền, nhạy cảm, da khô, táo bón, …) hoặc triệu chứng của cường giáp (tăng tiết mồ hôi, lo lắng, khó ngủ, …) thì người bệnh nên được thăm khám kỹ càng và chỉ định siêu âm tuyến giáp để tìm ra hướng chẩn đoán và phác đồ điều trị thích hợp.
Tình trạng rối loạn kiểm soát cân nặng do bệnh tuyến giáp xảy ra do tác động của 2 hormone giáp hoạt động mạnh nhất là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Những hormone này lưu thông trong cơ thể và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất thông qua sự tương tác với các tế bào cơ, mỡ, gan, tuyến tụy, vùng hạ đồi – tuyến yên.
Ngoài ra, hormone giáp còn có chức năng phân hủy chất béo, hỗ trợ chuyển hóa calo dự trữ thành năng lượng, hỗ trợ cơ bắp sử dụng năng lượng.
Tuy nhiên, cần lưu ý những quá trình này có thể bị rối loạn nếu cơ thể rơi vào tình trạng cường giáp hoặc suy giáp, biểu hiện bằng mức năng lượng thấp, giữ calo ở dạng chất béo khó chuyển hóa. Điều này dẫn đến sự tăng cân ở người bệnh tuyến giáp.
84
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
84
Bài viết hữu ích?