Zalo

Tổng phân tích nước tiểu có mục đích gì?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Nước tiểu hình thành tại thận, bao gồm nước, muối và các chất thải của cơ thể. Tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm giúp sàng lọc, theo dõi và chẩn đoán một số bệnh lý không chỉ liên quan đến thận mà còn là của cả các cơ quan khác. Vậy cụ thể xét nghiệm tổng phân tích nước là gì và để làm gì?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Trịnh Hồng Trí - Trưởng khoa xét nghiệm

1. Tổng phân tích nước tiểu là gì?

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là cận lâm sàng được chỉ định thường quy, bao gồm một số test khác nhau để phân tích các đặc điểm của nước tiểu như màu sắc (nhạt, vàng đậm hay màu khác), sự hiện diện và nồng độ của các chất thải. Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu giúp phân tích các thành phần sinh hóa có trong nước tiểu, có thể tiến hành bằng phương pháp que nhúng hoặc bằng máy tự động. Thông thường, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu sẽ bao gồm các thông số sau đây:

  • Tỷ trọng nước tiểu;
  • Độ pH nước tiểu;
  • Sự hiện diện của bạch cầu hay không;
  • Nitrit;
  • Sự hiện diện của Protein;
  • Sự xuất hiện của Glucose;
  • Thể ketone;
  • Bilirubin;
  • Urobilinogen;
  • Sự hiện diện của Hồng cầu.
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là cận lâm sàng được chỉ định thường quy
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là cận lâm sàng được chỉ định thường quy

2. Tổng phân tích nước tiểu để làm gì?

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu nhằm mục đích sàng lọc sớm, theo dõi một số tình trạng sức khỏe hoặc chẩn đoán một số bệnh lý như bệnh thận hoặc liên quan đến thận, đái tháo đường, nhiễm trùng tiểu, bất thường chức năng gan, tăng huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch… Do đóng vai trò rất quan trọng nên tổng phân tích nước tiểu là một phần của các xét nghiệm thường quy, đặc biệt là khi kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, đánh giá bệnh nhân trước phẫu thuật và chỉ định cho bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú.

3. Phân tích kết quả xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu

3.1. Glucose (GLU)

Việc định lượng nồng độ glucose trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu giúp bác sĩ nhận định người bệnh có bị rối loạn dung nạp đường hay có mắc bệnh đái tháo đường hay không. Ở người bình thường, trong nước tiểu sẽ không có glucose hoặc nếu có cũng thấp hơn 0.8 mmol/L. Ngoài ra, Glucose còn xuất hiện trong nước tiểu nếu bệnh nhân có ngưỡng tái hấp thu đường tại thận kém (nghĩa là dù nồng độ đường trong máu chưa cao đã đào thải qua nước tiểu), mắc các bệnh lý liên quan đến ống thận hoặc liên quan đến chế độ ăn uống…

3.2. Bilirubin (BIL)

Bilirubin là sắc tố màu vàng cam, nguồn gốc từ hemoglobin (của hồng cầu) bị vỡ ra, đi qua gan rồi đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu. Chỉ số BIL trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu giúp tầm soát một số bệnh lý như xơ gan, sỏi mật, vàng da tắc mật, viêm gan virus hoặc do thuốc, ung thư đầu tụy… Thông thường, nồng độ BIL trong nước tiểu ở mức 0.4 – 0.8 mg/dL.

3.3. Thể ketone (KET)

Thể ketone là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa chất béo không hoàn toàn, bao gồm 3 chất chủ yếu là Acetone, Acetone acetic và Acid beta-hydroxybutyric. Ở người khỏe mạnh bình thường, các thể ketone hình thành ở gan và được chuyển hóa hoàn toàn nên trong nước tiểu chỉ xuất hiện một số lượng không đáng kể. Với một số bệnh nhân, do gặp vấn đề trong chuyển hóa nên thể ketone tích lũy trong huyết tương và bài tiết thông qua nước tiểu. Chỉ số KET trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu đánh giá bà bầu và thai nhi có đang bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Với người bình thường, thể ketone niệu gợi ý một số vấn đề như cường giáp hay sử dụng quá liều insulin… Chỉ số KET trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường âm tính, với bà bầu đôi khi có rất ít (chỉ từ 2.5-5mg/dl).

3.4. Tỷ trọng nước tiểu (SG)

Tỷ trọng nước tiểu chính là số lượng các chất hòa tan trong nước và bình thường sẽ nằm trong giới hạn từ 1.005 – 1.025. Trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, chỉ số SG thể hiện khả năng cô đặc hay pha loãng để đánh giá khả năng cân bằng hay thể dịch của bệnh nhân. Một số trường hợp do uống quá nhiều nước hay bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu nên tỷ trọng nước tiểu sẽ giảm. Bên cạnh đó, bệnh nhân suy giảm khả năng cô đặc do các nguyên nhân khác nhau thì tỷ trọng nước tiểu cũng sẽ giảm đi. Chỉ số SG của xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thay đổi trong một số bệnh lý như nhiễm khuẩn, bệnh gan, suy tim sung huyết, đái tháo đường, tiêu chảy cấp…

3.5. Hồng cầu niệu (BLD)

Ở người bình thường, chỉ số BLD khi xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường dao động từ 0.015-0.062mg/dL. Khi kết quả BLD tăng cao sẽ gợi ý bệnh nhân đang mắc bệnh cầu thận mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận, bướu thận hoặc xuất huyết bàng quang… Tuy nhiên, chỉ có BLD tăng đơn thuần sẽ không có ý nghĩa, do đó bác sĩ cần thêm một số cận lâm sàng khác để chẩn đoán xác định nguyên nhân do đâu.

3.6. Độ pH

Thông số độ pH trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu nhằm xác định mức độ acid hoặc kiềm, qua đó chẩn đoán các bệnh liên quan đến đường tiết niệu hoặc thận. Giá trị phổ biến của pH nước tiểu là từ 6 đến 7.5. Nếu pH giảm có thể gợi ý tình trạng nhiễm trùng hoặc chức năng thận có vấn đề, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào độ pH sẽ không chẩn đoán chính xác vì nó có thể thay đổi rất nhiều.

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu nhằm xác định mức độ acid hoặc kiềm
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu nhằm xác định mức độ acid hoặc kiềm

3.7. Protein (PRO)

Protein là những phân tử có kích thước lớn, xuất hiện ở tất cả bộ phận và đóng vai trò quan trọng để cơ thể duy trì hoạt động bình thường. Bình thường, thận sẽ ngăn các phân tử protein thoát ra ngoài qua nước tiểu, do đó thông số Protein trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường âm tính hoặc có rất ít, chỉ trong khoảng 7.5-10mg/dL hoặc 0.075-0.1g/L. Khi protein rò rỉ vào nước tiểu, chỉ số PRO sẽ tăng lên, qua đó gợi ý bệnh nhân đang gặp vấn đề về thận và cần can thiệp điều trị sớm.

3.8. Urobilinogen (UBG)

Urobilinogen là sắc tố không màu được tạo ra do bilirubin bị phân hủy bởi vi khuẩn đường ruột. Chất này được đào thải cả qua phân lẫn qua nước tiểu. Thông số Urobilinogen được tìm thấy ở dạng vết trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, kết quả thường dao động từ 0.2-1.0 mg/dL. Khi kết quả thông số UBG nằm ngoài khoảng giá trị tham chiếu bình thường thì gợi ý bệnh nhân đang mắc các bệnh về gan, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm khác để xác định chẩn đoán.

3.9. Nitrite (NIT)

Một số chủng vi khuẩn gây bệnh có khả năng chuyển hóa nitrat trong nước tiểu thành nitrite. Do đó, khi NIT trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu dương tính sẽ gợi ý bệnh nhân đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt khi kết hợp với các triệu chứng lâm sàng như tiểu ra máu, tiểu đau, tiểu nóng rát hay nước tiểu có mùi hôi…

3.10. Bạch cầu (LEU)

Bạch cầu là những tế bào máu có vai trò chống lại các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh. Do đó, khi cơ thể bị nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch sẽ tăng cường sản xuất bạch cầu để bảo vệ cơ thể. Nếu xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có thông số LEU cao hơn mức bình thường (bình thường trong khoảng 10-25 tế bào/μL) thì khả năng cao đường tiểu đang bị nhiễm trùng.

4. Khi nào cần chỉ định xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu?

Sau khi tìm hiểu thắc mắc xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để làm gì, vấn đề tiếp theo chúng ta cần biết chính là những thời điểm cần thực hiện cận lâm sàng này:

  • Khám sức khỏe tổng quát: Cùng với xét nghiệm máu thì xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu giúp phát hiện sớm những rối loạn đang xảy ra bên trong cơ thể, qua đó giúp tầm soát và điều trị sớm;
  • Tái khám định kỳ: Với những đối tượng có bệnh lý nền hoặc thai phụ… việc tuân thủ lịch tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ rất quan trọng nhằm theo dõi diễn tiến hay phát hiện sớm các bất thường để điều chỉnh các biện pháp điều trị. Một trong những xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định chính là tổng phân tích nước tiểu;
  • Bệnh nhân tiểu quá ít hoặc quá nhiều: Trường hợp này cần xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để kiểm tra phản ứng của thận đối với khả năng uống quá nhiều hay quá ít nước (thừa nước hoặc mất nước), hay liên quan đến hormon chống bài niệu (ADH);
  • Nước tiểu bất thường: xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu còn được thực hiện khi bệnh nhân ghi nhận nước tiểu bất thường về màu sắc, mùi hoặc độ đặc…;
  • Bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu như cảm giác buồn tiểu liên tục và/hoặc tiểu nóng rát;
  • Chẩn đoán một số bệnh: xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh phổ biến như suy thận, suy tim hay nhiễm trùng đường tiết niệu…

Có thể thấy xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của mỗi người. Do đó với những người đang gặp vấn đề về thừa cân, béo phì hay mắc các bệnh chuyển hóa nên được thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để từ đó bác sĩ và người bệnh có thể chủ động theo dõi và quản lý sức khỏe của bản thân được tốt nhất nhằm hạn chế tối đa biến chứng.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
Bác sĩ Trịnh Hồng Trí

BS.Trịnh Hồng Trí

Drip Hydration Hồ Chí Minh - Cơ sở 200A Cao Thắng

Chi tiết Đăng ký tư vấn
xem thêm
Nên đi khám tổng quát hay tầm soát ung thư?

Nên đi khám tổng quát hay tầm soát ung thư?

Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Định lượng Haptoglobin trong máu giá trị bao nhiêu là an toàn?

Định lượng Haptoglobin trong máu giá trị bao nhiêu là an toàn?

Triglyceride trong xét nghiệm máu là gì?

Triglyceride trong xét nghiệm máu là gì?

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

Vai trò của Carbohydrate, những lợi ích sức khỏe, dinh dưỡng và rủi ro

856

Bài viết hữu ích?