Zalo

Nấm linh chi có tác dụng giảm mỡ máu không?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Hiện nay, điều trị bệnh mỡ máu cao bằng những phương thuốc đông y đang dần phổ biến. Một trong những vị thuốc quý được sử dụng nhiều đó là nấm linh chi. Vậy tác dụng của nấm linh chi là gì, nấm linh chi có tác dụng giảm mỡ máu không?

1. Thành phần và tác dụng của nấm linh chi

Nấm linh chi là 1 trong những loại nấm phổ biến và có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt, loại nấm này đã được tin dùng từ xưa đến nay ở khu vực châu Á, nhưng gần đây đã thu hút nhiều sự chú ý của thế giới hơn. Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum, “reishi” là tên mà những loại nấm có lợi này được biết đến ở Nhật Bản, trong khi ở Trung Quốc, chúng được gọi là nấm linh chi. Loại nấm hấp dẫn này có nhiều lợi ích cho sức khỏe do tập hợp các hợp chất và thành phần hữu cơ độc đáo, bao gồm triterpen, beta-glucans, triterpenoid, alkaloid, sterol và nhiều polysacarit thiết yếu.

Lợi ích sức khỏe của nấm linh chi bao gồm:

  • Thuộc tính chống lão hóa: Nấm linh chi đã được đánh giá cao trong y học thảo dược trong hàng ngàn năm qua về tác dụng chống lão hóa và hỗ trợ kéo dài tuổi thọ. Các nghiên cứu hiện đại đã tìm thấy sự liên kết giữa nấm linh chi với việc kéo dài tuổi thọ, cụ thể là do hàm lượng polysaccarit ấn tượng của các loại nấm này. Những chất này giúp tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa sự hình thành mạch máu bất thường nhất định. Hơn nữa, một số đặc tính chống oxy hóa của các hợp chất hữu cơ khác trong nấm linh chi trung hòa các gốc tự do, những chất gây ra các bệnh mãn tính và lão hóa sớm. 
  • Tiềm năng chống ung thư: Hầu hết mọi người tiêu thụ nấm linh chi do đặc tính chống ung thư của chúng. Các triterpenoid được tìm thấy trong loại nấm này có thể làm giảm sự di căn của các tế bào ung thư và làm chậm sự tiến triển của khối u. Hơn nữa, một nghiên cứu thứ hai cho thấy các thành phần hoạt tính của chiết xuất nấm linh chi có thể tìm kiếm và vô hiệu hóa các tế bào ung thư trong cơ thể.
  • Giải độc cơ thể: Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, chiết xuất nấm linh chi có thể tái tạo nhanh hơn các tế bào gan khỏe mạnh và giải phóng các gốc tự do tích tụ trong cơ quan, do đó thúc đẩy sức khỏe tổng thể.
  • Cải thiện chức năng thần kinh: Các bệnh thần kinh cụ thể là các chứng rối loạn nhận thức như bệnh Alzheimer hay bệnh Huntington rất khó điều trị. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng chất chiết xuất từ nấm linh chi có thể kích thích hoạt động nhận thức và có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh. Đặc biệt là trong việc kích thích yếu tố tăng trưởng thần kinh, một phần quan trọng của chức năng nhận thức lành mạnh. 
Phương pháp sử dụng nấm linh chi giảm mỡ máu được nhiều người áp dụng 
  • Thuộc tính chống viêm: Một trong những tác dụng quan trọng nhất của chiết xuất nấm linh chi là khả năng chống viêm của chúng. Đối với những người bị viêm khớp hoặc bệnh gút, chất chiết xuất từ nấm linh chi có thể rất hữu ích. Nấm linh chi cũng đã được tin tưởng sử dụng để giảm đau đầu và chữa lành vết thương. 
  • Cải thiện chức năng hô hấp: Đối với những người mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản hoặc các tình trạng hô hấp mãn tính khác, chiết xuất nấm linh chi có thể có tác dụng mạnh trong việc giảm kích ứng và loại bỏ các phản ứng dị ứng khỏi cơ thể. Bằng cách ngăn chặn sự giải phóng histamin từ các tế bào mast trong cơ thể, nấm linh chi ngăn ngừa các phản ứng dị ứng, từ kích ứng da nhẹ đến sốc phản vệ có khả năng đe dọa tính mạng.
  • Hạ huyết áp: Nấm linh chi đã được chứng minh là cải thiện hiệu quả lưu lượng máu đến tim và hạ huyết áp. Chúng cũng làm giảm lượng oxy mà tim tiêu thụ, nghĩa là có nhiều oxy hơn cho phần còn lại của cơ thể và các hệ cơ quan. Hơn nữa, một số yếu tố của chiết xuất nấm này có thể làm giảm mức độ cholesterol LDL (có hại) trong hệ thống của bạn, hỗ trợ bảo vệ bạn khỏi đột quỵ và đau tim. 
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch: Nấm linh chi chứa beta-glucans, một trong những chất tăng cường hệ thống miễn dịch hiệu quả và mạnh mẽ nhất mà chúng ta biết. Bằng cách tăng số lượng beta-glucans trong cơ thể, bạn có thể bảo vệ bản thân khỏi nhiều loại bệnh tiềm ẩn và giảm các dấu hiệu lão hóa. 
  • Tăng cường năng lượng: Y học cổ truyền còn sử dụng nấm linh chi để tăng cường năng lượng. Khi chúng ta già đi, mức năng lượng của chúng ta có xu hướng giảm xuống, nhưng việc bổ sung loại nấm này sẽ giúp sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của chúng ta luôn được dồi dào.

2. Nấm linh chi có tác dụng giảm mỡ máu không?

Tình trạng tăng mỡ máu, đặc biệt là việc gia tăng nồng độ LDL - Cholesterol (mỡ xấu), các axit béo tự do và cả Triglycerid có thể làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì, nguy hiểm hơn là gây ra những biến chứng nguy hiểm trên tim mạch hay não bộ. Khi nồng độ các chất này tăng lên, quá trình hình thành các mảng xơ vữa sẽ được tăng cường mạnh mẽ hơn, các mảng bám này về lâu dày có thể làm hẹp đi thiết diện lòng mạch, hậu quả là khiến lượng máu đi qua động mạch bị giảm xuống. Hay nói cách khác, oxy cùng các chất dinh dưỡng và năng lượng đến các cơ quan trong cơ thể sẽ bị giảm đi một cách rõ rệt, điều này đặc biệt nguy hiểm với những cơ quan như não và tim. 

Biến chứng nguy hiểm là tình trạng suy tim, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thậm chí là đột quỵ và tử vong. Một biến chứng nữa của tình trạng tăng mỡ máu là làm tăng quá trình tích tụ mỡ thừa ở xung quanh các cơ quan và ở vị trí dưới da, điều này góp phần khiến cân nặng ngày càng tăng và gây ra bệnh lý béo phì.

Nấm linh chi giảm mỡ máu

Được ví như một vị “thuốc tiên”, nhiều người sẽ thắc mắc rằng uống nấm linh chi có giảm mỡ máu không hay sử dụng nấm linh chi chữa mỡ máu có thật sự hiệu quả không. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và khẳng định rằng, nấm linh chi giảm mỡ máu là một biện pháp khả thi và có tính thực nghiệm cao. 

Trong nấm linh chi chứa các hoạt chất Triterpenoid và Adenosine, những chất có tác dụng nổi bật trong việc làm giảm nồng mỡ máu và mỡ trong cơ thể. Các hoạt chất kể trên có khả năng ức chế tổng hợp Cholesterol, đồng thời có tác dụng bảo vệ gan, hạ huyết áp, chống khối u rất tốt. Cụ thể, trong một nghiên cứu về những người bị tăng huyết áp và có mức cholesterol cao, các chuyên gia đã cho thấy rằng việc bổ sung nấm linh chi đều đặn có thể làm giảm nhẹ lượng cholesterol toàn phần, LDL - Cholesterol (mỡ xấu) và Triglyceride chỉ sau 4 tuần. Ngoài ra, các thử nghiệm lâm sàng khác cũng cho thấy rằng việc bổ sung nấm linh chi còn giúp làm tăng nồng độ HDL - Cholesterol (mỡ tốt) so với việc sử dụng giả dược.

3. Sử dụng nấm linh chi giảm mỡ máu an toàn

Chúng ta đã biết được câu trả lời cho câu hỏi uống linh chi có giảm mỡ máu không, vậy việc sử dụng nấm linh chi như thế nào để vừa đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của loại “thần dược” này.

3.1. Cách sử dụng nấm linh chi chữa mỡ máu

Nấm linh chi thường được bào chế và sử dụng dưới các dạng như trà, bột hay các chiết xuất dạng lỏng. Nấm linh chi thường có vị hơi đắng và khá khó uống. Do đó, bạn có thể dùng kết hợp với mật ong, cam thảo, atisô hay các loại thảo dược khác tùy vào mục đích sử dụng. Nấm linh chi đỏ là loại nấm có đặc tính sinh học cao nhất và thường được nhiều người lựa chọn.

Cách sử dụng nấm linh chi trong Y học cổ truyền được thực hiện như sau:

  • Cách 1: Cho 15 – 30 gram nấm linh chi đã cắt lát vào đun với 2 lít nước, để lửa nhỏ trong khoảng 10 phút. Sau đó vớt nấm ra và xắt nhỏ rồi tiếp tục đun với nước cũ trong vòng 10 phút cũng dùng lửa nhỏ. Vớt bã nấm ra và đun thêm 2 lần nữa với khoảng 1 – 1.5 lít nước. Lấy nước thuốc thu được và thêm mật ong nguyên chất vào để thưởng thức.
  • Cách 2: Cho nấm cắt lát vào ấm nước nóng và hãm trong 1 giờ sau đó uống trong ngày.
  • Cách 3: Sử dụng bột nấm linh chi cho vào ấm trà hãm bằng nước thật nóng trong khoảng 5 – 10 phút rồi uống cả bã nấm. Bạn có thể sẽ thấy hơi đắng và khó chịu khi uống. Tuy nhiên cách này sẽ giúp bạn tận dụng được hết các công dụng của nấm linh chi.
  • Cách 4: Sử dụng nấm linh chi để nấu súp, canh hay các món hầm với thịt. Đây là những món ăn bổ dưỡng dành cho bệnh nhân, những người vừa ốm dậy và cả người lớn tuổi.
  • Cách 5: Nghiền nấm linh chi thành bột mịn và trộn với mật ong để đắp lên da.

Nếu muốn dự trữ loại thảo dược này để sử dụng lâu dài, bạn nên phơi chúng trong bóng râm cho tới khô hoặc sấy nấm linh chi ở nhiệt độ khoảng 60 độ để giữ được công dụng lâu dài. Bạn không nên bảo quản nấm linh chi tươi lâu ngày trong tủ mát, điều này sẽ giảm hoặc mất đi chất lượng của loại thảo dược này.

3.2. Một số tác dụng phụ khi sử dụng nấm linh chi giảm mỡ máu

Việc sử dụng nấm linh chi chữa mỡ máu tuy mang lại những kết quả tích cực, tuy nhiên mọi người không nên quá lạm dụng hay sử dụng quá liều lượng cho phép của bác sĩ. Việc sử dụng nấm linh chi không kiểm soát có thể gây ra những tác dụng phụ như:

  • Tình trạng khô da ở miệng, họng, đường mũi…
  • Chóng mặt;
  • Ngứa ngáy;
  • Phát ban;
  • Nhức đầu;
  • Rối loạn chức năng đông máu gây chảy máu cam, phân có máu, xuất huyết giảm tiểu cầu…
  • Đau dạ dày;
  • Tụt huyết áp.
Sử dụng nấm linh chi giảm mỡ máu không kiểm soát có thể gây ra một số tác dụng phụ

Khi phát hiện những tác dụng không mong muốn trên sau khi sử dụng nấm linh chi, hãy báo cho bác sĩ của bạn được biết để được hướng dẫn xử trí kịp thời.

3.3. Một số lưu ý khi sử dụng nấm linh chi giảm mỡ máu

Dưới đây là một số điều lưu ý khi sử dụng loại thảo dược này:

  • Nấm linh chi có thể làm tăng nguy cơ chảy máu do rối loạn đông máu, đặc biệt ở những người dùng thuốc làm loãng máu như warfarin. Chúng cũng có thể làm tăng chảy máu trong khi phẫu thuật, vì vậy các bác sĩ khuyên bạn nên ngừng sử dụng nấm linh chi ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
  • Nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi dùng nấm linh chi nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như Aspirin, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), warfarin, heparin.
  • Vì nấm linh chi có thể tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch nên chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người dùng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị các bệnh như viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột hoặc bệnh vẩy nến.
  • Nấm linh chi có thể làm giảm lượng đường trong máu, vì vậy dùng chúng cùng với thuốc hạ đường huyết để điều trị bệnh tiểu đường có thể khiến lượng đường trong máu của bạn xuống quá thấp.
  • Nấm linh chi có thể hạ huyết áp ở một số người. Nếu bạn bị huyết áp thấp, hoặc sử dụng thuốc hạ huyết áp như captopril, losartan, hydrochlorothiazide… hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng nấm linh chi.
  • Không nên sử dụng loại nấm này quá 4 tháng vì có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Tránh sử dụng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú. 

Tóm lại, nấm linh chi là 1 trong những loại thảo dược được sử dụng phổ biến cũng như có giá trị cho sức khỏe cao nhất hiện nay. Một trong những lợi ích đó không thể không nhắc đến việc sử dụng nấm linh chi giảm mỡ máu. Tuy nhiên, cũng như mọi loại thuốc hay thảo dược khác, bạn cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng nấm linh chi, để vừa đảm bảo tính an toàn vừa giúp tăng hiệu quả điều trị.

Song song với việc dùng nấm linh chi, người bệnh cũng cần thực hiện các biện pháp giảm cân, giảm mỡ để ngăn ngừa các biến chứng do mỡ máu cao gây ra. Hiện nay, nếu muốn giảm cân nhanh, hiệu quả và bền vững thì bạn có thể cân nhắc sử dụng liệu pháp truyền tiêu hao năng lượng. Đây là biện pháp giảm cân khoa học và đang được đánh giá rất cao. Bằng cách truyền các vi hoạt chất quan trọng vào cơ thể theo đường tĩnh mạch, truyền tiêu hao năng lượng giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa mỡ trong cơ thể. Cùng với chế độ dinh dưỡng và tập luyện khoa học để đốt cháy và đào thải mỡ, truyền tiêu hao năng lượng sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả, bền vững.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Đặng Phước Bảo xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Cách giảm mỡ vùng cổ

Cách giảm mỡ vùng cổ

Uống thuốc giảm mỡ máu có hại gì không?

Uống thuốc giảm mỡ máu có hại gì không?

Bị thừa cân uống thuốc mỡ máu bao lâu thì dừng?

Bị thừa cân uống thuốc mỡ máu bao lâu thì dừng?

Chỉ số mỡ máu bao nhiêu thì phải dùng thuốc?

Chỉ số mỡ máu bao nhiêu thì phải dùng thuốc?

Uống cà phê có giảm mỡ máu không?

Uống cà phê có giảm mỡ máu không?

63

Bài viết hữu ích?