Thừa cân- béo phì luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, là nguyên nhân hàng đầu sinh ra các bệnh lý nguy hại cho sức khoẻ như bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hoá và không thể không nhắc tới ung thư. Có rất nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư chỉ ra rằng, béo phì là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới ung thư. Vậy thực sự béo phì có liên quan đến ung thư như thế nào?
1. Béo phì có liên quan đến ung thư như thế nào?
Các khảo sát đã chỉ ra rằng, tỷ lệ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của người thừa cân béo phì so với người bình thường là gấp nhiều lần ở nhiều loại bệnh ung thư khác nhau như: Ung thư tử cung, ung thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến vú hoặc u màng não. Nguyên nhân khiến thừa cân béo phì làm gia tăng nguy cơ ung thư như sau:
Ở người béo phì dễ tồn tại tình trạng viêm mãn tính mức độ thấp. Do đó theo thời gian tình trạng viêm này dễ gây tổn thương DNA dẫn tới ung thư. Như tình trạng viêm mạn tính gây ra bởi trào ngược dạ dày thực quản có thể là nguyên nhân dẫn tới ung thư biểu mô tuyến thực quản hoặc béo phì dễ bị sỏi mật, viêm túi mật mạn làm gia tăng nguy cơ ung thư túi mật.
Người béo phì có nhiều mô mỡ nên dễ sinh tổng hợp lượng estrogen dư thừa. Nồng độ estrogen cao sẽ làm gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung.
Người béo phì thường tồn tại tình trạng cường insulin hoặc kháng insulin khiến nồng độ insulin và IGF-1 cao, thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư tiền liệt tuyến hoặc ung thư thận.
Các tế bào mỡ tạo ra adipokine- hormon kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tế bào vì vậy ở người béo phì khi có sự rối loạn các adipokine tới từ lượng lớn tế bào mỡ trong cơ thể sẽ dễ hình thành ung thư.
Các tế bào mỡ có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên các chất điều chỉnh tăng trưởng tế bào khác như mTOR hoặc AMP kinase gây ra các rối loạn sinh ung thư.
Các cơ chế khác có thể làm béo phì ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư gồm thay đổi tính chất cơ học của mô liên kết quanh tế bào vú tăng nguy cơ phát sinh ung thư vú hoặc quá trình stress oxy hóa trong cơ thể.
Tóm lại, theo các nghiên cứu chuyên sâu thì mô mỡ không chỉ là kho chứa năng lượng của cơ thể mà còn là một tuyến nội tiết thực sự vì vậy khi mô mỡ tăng quá mức không thể tránh khỏi nguy cơ rối loạn chức năng nội tiết và hậu quả là hình thành các loại ung thư.
2. Các loại ung thư liên quan đến béo phì như thế nào?
Các nghiên cứu cho thấy, mối liên hệ giữa các loại ung thư và béo phì chủ yếu là do tình trạng chất béo cao vượt mức trong cơ thể, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, cụ thể như sau:
Ung thư nội mạc tử cung: Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ thừa cân béo phì có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung gấp 2-4 lần so với bình thường. Đặc biệt là ở người trưởng thành chưa bao giờ sử dụng liệu pháp hormone mãn kinh.
Ung thư thực quản: Người béo phì có nguy cơ phát triển ung thư thực quản cao gấp 2 lần so với người bình thường.
Ung thư dạ dày: Người béo phì có nguy cơ phát triển ung thư tâm vị dạ dày cao gấp 2 lần so với người bình thường.
Ung thư gan: Nam giới béo phì có nguy cơ ung thư gan mạnh mẽ hơn phụ nữ và người béo phì cũng có khả năng mắc ung thư gan cao gấp đôi so với người bình thường.
Ung thư tuyến tụy: Người béo phì có nguy cơ mắc ung thư tụy cao gấp 1,5 lần so với người có cân nặng bình thường.
Ung thư đại tràng: Người béo phì có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn khoảng 30% so với những người có cân nặng bình thường.
Ung thư vú: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ mãn kinh có chỉ số BMI tăng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. BMI tăng 5 đơn vị thì nguy cơ ung thư vú sẽ tăng lên 12%.
Ung thư tuyến giáp: Với mỗi 5 đơn vị BMI tăng lên sẽ làm tăng nhẹ khoảng 10% nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
3. Làm thế nào phòng ngừa ung thư cho người bị béo phì?
Tất nhiên đối với người bị thừa cân - béo phì, để ngăn ngừa ung thư cần chủ động giảm cân khoa học thông qua chế độ ăn uống và tập luyện với mục tiêu đầu tiên là giảm 5-10% trọng lượng cơ thể. Người béo phì cần kết hợp các biện pháp giảm cân như:
Kiểm soát lượng calo nạp vào sao cho thấp hơn lượng calo tiêu hao.
Tăng cường ăn thêm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thịt nạc, tránh xa hoặc hạn chế tối đa việc dung nạp đồ ăn nhanh, đồ chiên xào, thực phẩm hoặc đồ uống chứa nhiều đường.
Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
Bỏ thuốc lá.
Tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với cơ thể.
Uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước/ ngày.
Ngủ đủ giấc.
Tóm lại, béo phì là vấn đề sức khỏe phổ biến đang ảnh hưởng tới tất cả mọi người trên toàn cầu, cũng là yếu tố nguy cơ gây phát sinh ung thư. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mắc ung thư, mọi người cần kiểm soát cân nặng thật tốt, tăng cường hoạt động thể chất để nâng cao thể trạng và cải thiện hệ miễn dịch cơ thể, giúp sức khoẻ ổn định bền vững.
Ngày nay, nếu muốn giảm cân hiệu quả, bạn có thể tham khảo liệu pháp tiêu hao năng lượng. Phương pháp này sử dụng vitamin & khoáng chất để thúc đẩy sự chuyển hóa mỡ theo cơ chế tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước khi thực hiện, bạn sẽ được đánh giá sức khỏe tổng thể và bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ giảm cân phù hợp với từng người dựa trên kết quả xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chỉ số khối cơ thể (BMI). Trong suốt quá trình thực hiện liệu trình sẽ luôn có bác sĩ theo sát, lên kế hoạch dinh dưỡng và tập luyện phù hợp với thể trạng của từng người
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số
094 164 8888