Zalo

Cách thu nạp và tăng năng lượng cho cơ thể

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng cạn kiệt năng lượng đến nỗi không đủ sức làm bất kỳ việc gì mà mình muốn? Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và công việc của bạn. Bạn băn khoăn không biết làm cách nào để vượt qua sự uể oải này và gia tăng năng lượng cho cơ thể? Đừng lo lắng, hãy đọc ngay bài viết bên dưới của chúng tôi và áp dụng các tips sau đây nhé.

1. Sự cạn kiệt năng lượng - kẻ thù của cuộc sống hiện đại

Cuộc sống hiện đại hối hả khiến ngày càng nhiều người cuốn vào vòng xoay của công việc, của sự bộn bề, tấp nập mà không để ý rằng, cơ thể đang dần cạn kiệt năng lượng và phát ra từng hồi chuông báo động. Đã bao giờ bạn thấy bản thân mình gần như kiệt sức và không thể tham gia bất kỳ hoạt động nào, dù là việc mà mình trước giờ rất yêu thích? 

Đôi khi, tình trạng kiệt sức không biểu hiện ra ngoài để bạn dễ nhận biết. Các nhà nghiên cứu gọi đó là tình trạng mất năng lượng cấp thấp. Lúc này, cơ thể có thể không cảm thấy các dấu hiệu kiệt sức điển hình như đau nhức cơ bắp, hay cảm giác mệt mỏi toàn thân. Những gì bạn cảm nhận chỉ là sự mất tập trung, mất hứng thú với sự chuẩn bị và thực hiện các hoạt động yêu thích hàng ngày của mình. Chuyên gia dinh dưỡng Samantha Heller của Đại học New York cho biết: “Tình trạng kiệt sức có thể khiến bạn cảm thấy khó tập trung vào công việc hơn. Cuối cùng, sự kiên nhẫn giảm sút và mức độ thất vọng ngày càng tăng lên, ngay cả khi đối mặt với những thách thức tưởng chừng đơn giản nhất”. 

Sự cạn kiệt năng lượng nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất làm việc, thái độ và tâm trạng của bạn trong ngày. Vậy làm thế nào để chiến đấu với những “kẻ thù” hút cạn năng lượng luôn rình rập ở khắp mọi nơi? Xem ngay 10 cách tăng năng lượng cho cơ thể được các chuyên gia y tế tổng hợp trong phần dưới đây. 

2. TOP 10 cách tăng năng lượng cho cơ thể mà bạn có thể áp dụng 

Nếu bạn cảm thấy uể oải, mệt mỏi và kiệt sức, hãy thử ngay các cách thu năng lượng vào cơ thể được trình bày dưới đây: 

2.1. Không bỏ bất kỳ bữa ăn chính nào, nhất là bữa sáng 

Các nghiên cứu cho thấy, những người ăn sáng có tâm trạng tốt hơn, ít mệt mỏi hơn và dường như tràn đầy năng lượng hơn trong suốt cả ngày dài. Ngoài ra, một công bố trên tạp chí Nutritional Health cho thấy, việc bỏ lỡ bất kỳ bữa ăn nào trong ngày sẽ dẫn đến cảm giác mệt mỏi hơn cho toàn bộ cơ thể vào cuối ngày. 

Do đó, bạn không nên bỏ bất kỳ bữa ăn chính nào, nhất là bữa sáng nếu muốn duy trì nguồn năng lượng dồi dào của cơ thể trong cả ngày dài. Nếu bạn cần năng lượng tức thì, một bữa ăn sáng nhanh bằng bánh mì yến mạch hoặc salad, trứng gà luộc có thể được ưu tiên. Nên thiết kế bữa sáng giàu chất xơ để giảm cơn đói - nguyên nhân phổ biến rút cạn năng lượng cơ thể bạn.  

2.2. Ngửi mùi quế

Mùi hương của quế có thể vực dậy tinh thần của bạn một cách tức thì, khiến bạn tỉnh táo và phấn chấn hơn. Nếu không có quế, bạn có thể thử một chút hương thơm bạc hà để thay thế. Mùi cay nồng của bạc hà sẽ kích thích tế bào khứu giác, tác động tích cực đến mức năng lượng của bạn. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu về sự tương quan của quế hoặc hương liệu bạc hà đối với việc gia tăng năng lượng của cơ thể. 

2.3. Đắm mình trong ánh nắng mặt trời

Đi bộ nhanh dưới ánh nắng mặt trời có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn ngay lập tức. Nếu không thể ra ngoài, bạn có thể mở rèm hoặc cửa sổ để đón ánh sáng vào nhà. 

Ánh nắng mặt trời giúp kích thích não bộ tiết ra dopamine, cortisol có tác dụng phục hồi mức năng lượng và duy trì sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy, đắm mình trong ánh nắng còn giúp cải thiện trí nhớ, nâng cao khả năng nắm bắt và xử lý thông tin mới, thúc đẩy lòng tự trọng và khẳng định bản thân,...

Đắm mình dưới ánh nắng giúp duy trì sự tỉnh táo, mang đến cảm xúc tích cực giúp tăng năng lượng cho cơ thể 

2.4. Tản bộ quanh khu nhà 

Việc này nghe có vẻ vô lý khi đã kiệt sức mà còn nạp năng lượng bằng cách đi bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đi bộ nói riêng - và hoạt động thể chất nói chung góp phần gia tăng mức năng lượng của cơ thể. 

Các thí nghiệm được thực hiện bởi Robert Thayer - Tiến sĩ tại Đại học Bang California cho thấy, đi bộ nhanh 10 phút không chỉ làm tăng năng lượng mà còn duy trì trạng thái này trong vòng 2 giờ sau đó. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, đi bộ 10 phút hàng ngày trong 3 tuần giúp cải thiện đáng kể tâm trạng và mức năng lượng toàn bộ cơ thể trong suốt ngày dài. 

Đi bộ còn là bài tập đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, không cần đào tạo hay thiết bị phức tạp và có thể thực hiện ở bất kỳ đâu. Do đó, mỗi khi thấy cơ thể có dấu hiệu đuối sức, hãy thử đi bộ vài vòng. Biết đâu bạn sẽ bất ngờ đấy!

2.5. Hát to bài hát yêu thích

Nhiều nghiên cứu cho thấy, âm nhạc có thể giúp cải thiện tâm trạng và nâng cao năng lượng cho cơ thể. Ca hát khiến tinh thần bạn phấn chấn và giảm thiểu đáng kể các hormone stress trong cơ thể. Do đó, nếu bạn đang mệt mỏi, hãy thử bật một bài hát yêu thích và để cơ thể “phiêu” theo giai điệu nhé. 

2.6. Uống nhiều nước

Bên cạnh cảm giác đói, thiếu nước cũng là nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi và suy giảm năng lượng đáng kể. Theo chuyên gia dinh dưỡng Keith Ayoob - Phó giáo sư Đại học Y Albert Einstein (New York), cơ thể chỉ cần mất nước nhẹ cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, thiếu năng lượng. 

Do đó, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày, nhất là sau khi tập thể dục hoặc hoạt động thể lực. Nếu bạn thường xuyên quên uống nước, hãy tập thói quen giữ chai nước bên mình và uống khi cần, đồng thời, uống một cốc nước đầy 30 phút trước mỗi bữa ăn. Điều này sẽ giúp bạn duy trì năng lượng trong suốt ngày dài. 

2.7. Có 1 giấc ngủ trưa 20 - 30 phút

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc quá tải thông tin và sự hoạt động quá sức của não bộ khiến cơ thể giảm năng lượng thấy rõ. Do đó, một giấc ngủ ngắn khoảng 20 - 30 phút vào buổi trưa có thể giúp bạn sạc lại năng lượng ngay lập tức. 

Tuy nhiên, ngủ trưa lâu hơn 30 phút có thể cho tác dụng ngược lại và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn thay vì tiếp thêm năng lượng. Nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho thấy, một giấc ngủ trưa kéo dài 60 phút không chỉ làm “tê liệt” đầu óc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ vào ban đêm. 

Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa sẽ giúp bạn tăng năng lượng cho cơ thể đáng kể 

2.8. Bổ sung magie vào khẩu phần ăn

Một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các chất dinh dưỡng là cách thu năng lượng vào cơ thể tốt nhất. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cảm thấy cơ thể hơi ì ạch, bạn có thể thiếu magie nhẹ. Mặc dù nhu cầu magie của cơ thể rất ít, khoáng chất vi lượng này cần thiết cho hơn 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể, bao gồm cả quá trình phân hủy glucose thành năng lượng. Do đó, dù cơ thể chỉ thiếu một chút magie, mức năng lượng của cơ thể có thể giảm. 

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Con người thuộc Bộ Nông nghiệp ở Grand Forks, phụ nữ bị thiếu hụt magie có nhịp tim nhanh hơn và cần nhiều oxy hơn để thực hiện các hoạt động thể chất so với người bình thường. Xét về bản chất, thiếu hụt magie khiến cơ thể hoạt động nhanh và mạnh hơn theo thời gian, do đó, điều này có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức. 

Lượng magie khuyến nghị mỗi ngày là 300 miligram (phụ nữ) và 350 miligram (nam giới). Bạn có thể bổ sung magie cho cơ thể qua các cách sau đây:

  • Thêm một ít hạnh nhân, quả phỉ hoặc hạt điều vào chế độ ăn hàng ngày của bạn. 
  • Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, nhất là ngũ cốc nguyên cám. Theo một công bố được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa kỳ, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt còn giúp tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, cho phép giải phóng insulin chậm và ổn định. Từ đó, mức năng lượng của bạn sẽ ổn định và cân bằng hơn, giảm bớt cảm giác mệt mỏi vào cuối ngày. 
  • Ăn nhiều cá, nhất là cá bơn. 

2.9. Đan xen nhiều bữa ăn nhẹ trong ngày 

Các bữa ăn nhẹ đan xen cung cấp nguồn năng lượng kịp thời cho não, hạn chế não bộ rơi vào trạng thái mơ hồ cũng như duy trì nồng độ đường huyết trong máu ở mức hằng định. Một bữa ăn nhẹ có sự kết hợp của protein, một ít chất béo, nhiều chất xơ sẽ giúp duy trì năng lượng kéo dài suốt cả ngày. Một số gợi ý cho bữa ăn nhẹ theo nguyên tắc trên mà bạn có thể tham khảo như:

  • Bánh quy giòn làm từ lúa mì nguyên cám phết lên một ít bơ đậu phộng;
  • Sữa chua rắc thêm một chút hạt;
  • Granola với quả mọng tươi;
  • Chuối lát bơ đậu phộng;

Giải thích cho thực đơn này, các loại ngũ cốc nguyên hạt và carbohydrate phức tạp có tốc độ tiêu hóa chậm hơn và điều này giúp hạn chế lượng đường tăng cao sau khi ăn - nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại, bạn cần tránh các thức ăn chế biến sẵn, caffeine hoặc nước tăng lực vì những thực phẩm, đồ uống này mặc dù có thể giúp tăng năng lượng tức thì nhưng lại gây ra sự biến động đường huyết về lâu dài. 

2.10. Trò chuyện hoặc đi chơi với người lạc quan

Dành thời gian với người bạn yêu thương hoặc những người có tính cách sôi nổi có thể giúp gia tăng mức năng lượng của bạn. Lý do là vì năng lượng tích cực có tính chất lan tỏa, do đó, gần gũi với những người này sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng đáng kể. Ngược lại, những người tiêu cực có thể làm hao mòn năng lượng của bạn và khiến bạn mệt mỏi cả ngày. 

Dành thời gian với những người tích cực sẽ giúp tăng năng lượng cho cơ thể 

Và đó là 10 cách tăng năng lượng cho cơ thể mà bạn có thể áp dụng để có một ngày mới thật năng động và vui khỏe. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn bỏ túi thêm nhiều bí quyết nạp năng lượng để sẵn sàng trải nghiệm nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Hãy chủ động làm chủ sức khỏe thể chất và tinh thần của mình, bạn nhé!

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Hồ Giáng My xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Cách nạp lại năng lượng cơ thể hoạt động tốt

Cách nạp lại năng lượng cơ thể hoạt động tốt

Cảnh giác hội chứng mệt mỏi mãn tính

Cảnh giác hội chứng mệt mỏi mãn tính

Những dưỡng chất cung cấp năng lượng cho cơ thể

Những dưỡng chất cung cấp năng lượng cho cơ thể

Nguyên nhân cơ thể mệt mỏi thiếu năng lượng

Nguyên nhân cơ thể mệt mỏi thiếu năng lượng

Năng lượng cơ thể cần mỗi ngày là bao nhiêu?

Năng lượng cơ thể cần mỗi ngày là bao nhiêu?

27

Bài viết hữu ích?