Zalo

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Loãng xương là một bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi và thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi loãng xương mức độ nặng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Việc nắm rõ được các yếu tố nguy cơ loãng xương sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh và nâng cao tuổi thọ.

1. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương là gì và gồm những yếu tố nào?

Loãng xương là tình trạng suy giảm về khối lượng xương và chất lượng xương. Khi mật độ xương và cấu trúc xương suy giảm dần theo thời gian sẽ làm cho xương giòn hơn và dễ gãy. Gãy xương do loãng xương có thể gặp ở bất cứ xương nào, tuy nhiên hay gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được như xương cột sống và xương đùi. Hầu hết các trường hợp này thường phải điều trị bằng phẫu thuật với chi phí tốn kém.

Nguyên nhân gây bệnh loãng xương là do mất cân bằng của quá trình tái tạo xương và huỷ xương. Quá trình tái tạo xương bị giảm và tăng quá trình huỷ xương làm giảm mật độ xương và chất lượng xương khiến xương dễ gãy.

Các yếu tố nguy cơ loãng xương bao gồm:

1.1. Tuổi tác

Nguy cơ loãng xương càng tăng khi tuổi càng cao. Khối lượng xương thường đạt đỉnh vào khoảng 30 tuổi. Sau khi đạt được khối lượng xương đỉnh, quá trình tạo xương cân bằng quá trình hủy xương. Bắt đầu với thời kỳ mãn kinh hoặc tuổi cao, tốc độ mất xương xảy ra nhanh hơn tốc độ tạo xương nên làm xương giòn xốp, dễ gãy.

1.2. Giới tính

Thông thường, tỷ lệ mắc bệnh loãng xương ở nữ giới cao hơn nam giới. Do phụ nữ thấp hơn nam giới nên khối lượng xương thấp hơn. Ngoài ra, phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới nên tuổi tác cao cũng là yếu tố nguy cơ loãng xương. Đồng thời, sau độ tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen giảm làm đẩy nhanh quá trình mất xương do estrogen giúp cơ thể duy trì xương khỏe mạnh.

1.3. Chủng tộc

Phụ nữ da trắng và châu Á có nguy cơ loãng xương cao hơn các chủng tộc khác.

1.4. Tiền sử gia đình

Nếu gia đình bạn có người bị loãng xương thì nguy cơ loãng xương của bạn cũng sẽ tăng lên.

1.5. Tai nạn

Người bị tai nạn, có gãy xương trước đây có nguy cơ loãng xương cao hơn.

1.6. Bệnh lý

Những người có bệnh lý sau thuộc những đối tượng có yếu tố nguy cơ loãng xương cao hơn:

  • Ung thư ( ví dụ bệnh đa u tuỷ..)
  • Bệnh thận mạn
  • Bệnh nội tiết (cường giáp, cường cận giáp, suy sinh dục, đái tháo đường..)
  • Tăng canxi niệu
  • Ngộ độc vitamin A
  • Giảm phospho máu
  • Hội chứng kém hấp thu
  • Viêm khớp dạng thấp
yếu tố nguy cơ loãng xương
Cường giáp là một trong những yếu tố nguy cơ loãng xương 

1.7. Thuốc

Việc sử dụng lâu dài glucocorticoid, thuốc chống co giật, medroxyprogesterone, thuốc ức chế aromatase, rosiglitazone, pioglitazone, điều trị hormon thay thế tuyến giáp, heparin, ethanol, thuốc ức chế bơm proton, thuốc chẹn H2… làm tăng nguy cơ loãng xương.

1.8. Ít hoạt động thể chất

Những người lười vận động, ít hoạt động thể dục thể thao, ngồi nhiều, nằm bất động lâu có nguy cơ loãng xương cao hơn.

1.9. Nhẹ cân

Ở người gầy, khung xương nhỏ, khối lượng xương đỉnh thấp hơn. Do đó, quá trình xảy ra huỷ xương khi lớn tuổi diễn ra nhanh hơn.

1.10. Chế độ ăn

Trước đây người ta đã nhận ra rằng, chế độ ăn uống của người mẹ có thể ảnh hưởng đến khối lượng xương ở trẻ sơ sinh, Bên cạnh đó, tình trạng dinh dưỡng tổng thể tốt với chế độ ăn đầy đủ protein, canxi, vitamin D, trái cây và rau quả có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của xương. Trong khi chế độ ăn nhiều calo và uống nhiều bia rượu có thể làm khối lượng xương thấp hơn và gia tăng tỷ lệ gãy xương. Một chế độ ăn thiếu chất, đặc biệt là canxi, vitamin D và chế độ ăn nhiều calo chất béo có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

1.11. Uống nhiều rượu bia

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.

1.12. Hút thuốc lá

Hút thuốc lá được coi là yếu tố nguy cơ gây loãng xương và có liên quan đến việc mất khối lượng xương và tăng nguy cơ gãy xương do loãng xương. Một số nghiên cứu đã báo cáo về tình trạng mật độ xương giảm ở xương quay, cổ xương đùi và toàn bộ ở người hút thuốc so với người không hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng làm cho nồng độ estrogen giảm và dẫn đến mất xương nhanh chóng.

2. Làm sao để dự phòng sớm với các yếu tố nguy cơ bệnh loãng xương?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ loãng xương, theo đó ngoài các yếu tố nguy cơ không thay đổi được như tuổi, giới tính, chủng tộc, di truyền thì vẫn còn rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bằng chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ sinh hoạt tập luyện hợp lý. 

yếu tố nguy cơ loãng xương
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ loãng xương, theo đó ngoài các yếu tố nguy cơ không thay đổi được 

Vì vậy, để có sức khoẻ tốt, phòng tránh bệnh loãng xương, bạn cần lưu ý các điều sau đây:

2.1. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh

Một trong những yếu tố nguy cơ gây loãng xương là chế độ ăn thiếu hụt canxi, vitamin D và bổ sung quá nhiều thịt, chất béo. Để phòng tránh bệnh loãng xương, bạn cần ăn chế độ ăn bổ sung đủ chất, đặc biệt là canxi, vitamin D và một chế độ ăn cung cấp protein vừa đủ cho cơ thể. Bạn hãy tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxivitamin D như:

  • Sữa và các sản phẩm từ sữa (hàm lượng canxi có trong sữa lên đến 60%)
  • Hải sản (tôm, cua, cá hồi, cá trích cá mòi: Hải sản không những là nguồn cung cấp canxi dồi dào cho cơ thể mà trong hải sản còn chứa nhiều vitamin D (đặc biệt là trong cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ, hàu, tôm..)
  • Trứng (trứng gà, trứng vịt, trứng cút..): Trứng là một trong những thực phẩm lý tưởng có thể giúp ngăn ngừa loãng xương. Trong trứng có nhiều vitamin A, vitamin B12, vitamin D, canxi, selen và folate, giúp bảo vệ xương và ngăn ngừa nguy cơ loãng xương.
  • Rau củ quả: Không chỉ có lợi cho bệnh loãng xương mà các loại rau củ quả còn cung cấp nhiều vitamin và chất xơ, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật. Bạn nên ăn luộc để có thể hấp thu nhiều canxi và vitamin D nhất có thể từ nhóm thực phẩm này. Những loại rau củ tốt cho xương bao gồm: súp lơ xanh, cải xoăn, hạt đậu nành, bắp cải… Ngoài ra, sinh tố, nước ép từ hoa quả cũng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng để phòng ngừa loãng xương. Một số loại quả chứa nhiều canxi vitamin D như cam, quýt, đu đủ, bơ..
  • Ngũ cốc và các loại hạt: Ngũ cốc và các loại hạt chứa hàm lượng vitamin D và canxi cao, đồng thời cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các loại ngũ cốc nguyên cám như: bột yến mạch, gạo lứt, lúa mạch, bắp; các loại hạt đậu nành, hạt chia, hạt dẻ, hạt vừng (mè)..

2.2. Hạn chế bia rượu

Uống nhiều rượu bia không những làm tăng nguy cơ loãng xương mà còn gây nhiều tác hại cho sức khỏe của bạn. Hãy kiểm soát lượng cồn đưa vào cơ thể. Đối với người bình thường, khoẻ mạnh thì nam giới nên uống giới hạn dưới 2 đơn vị cồn mỗi ngày và nữ giới nên uống giới hạn dưới 1 đơn vị cồn mỗi ngày. Một đơn vị cồn tương đương với khoảng 10 ethanol nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức tương đương 1 lon bia 330ml, hoặc 200ml rượu nhẹ hoặc 60ml rượu mạnh. 

2.3. Không hút thuốc lá

Việc tránh xa thuốc lá và khói thuốc sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bệnh loãng xương và gãy xương do loãng xương. Đồng thời, tránh xa thuốc lá cũng sẽ bảo vệ phổi và cơ thể của bạn tránh khỏi những tác nhân có hại trong khói thuốc.

2.4. Tăng cường hoạt động thể chất

Việc tăng cường thể dục thể thao sẽ giúp bạn nâng cao sức đề kháng, tinh thần, và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời làm giảm nguy cơ loãng xương và các bệnh lý cơ xương khớp khác. Bạn hãy chọn cho mình loại hình hoạt động phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và điều kiện sinh sống như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, dưỡng sinh, yoga. Tăng cường các hoạt động ngoài trời để hấp thu nhiều ánh nắng.

2.5. Hạn chế ngồi lâu hay nằm bất động thời gian dài

Việc ngồi lâu hay bất động sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Nếu bạn là nhân viên văn phòng, công nhân may mặc hoặc các ngành nghề thường xuyên ngồi một chỗ, hãy tranh thủ thời gian đứng lên vận động nhẹ nhàng vừa giúp đầu óc thư giãn và tránh ngồi lâu một chỗ dễ mắc nguy cơ bệnh loãng xương và các bệnh lý cơ xương khớp khác. Nếu bạn có người nhà nằm bất động không thể di chuyển, thì hãy thường xuyên xoay trở, thay đổi tư thế để phòng ngừa bệnh loãng xương, sỏi thận, loét do tì đè, cũng như các bệnh lý về hô hấp do ứ dịch.

2.6. Quản lý bệnh tốt

Nếu bạn đang mắc các bệnh là yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương như: cường giáp, cường cận giáp, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp… hãy kiểm soát tốt bệnh của bạn để làm giảm nguy cơ loãng xương.

Tóm lại, bệnh loãng xương là một bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi và gãy xương do loãng xương chiếm tỷ lệ cao ở người lớn tuổi. Có nhiều yếu tố nguy cơ loãng xương bao gồm yếu tố nguy cơ không thay đổi được và yếu tố nguy cơ thay đổi được. Bạn có thể phòng ngừa bệnh loãng xương bằng cách tăng cường bổ sung canxi, vitamin D từ chế độ ăn, tích cực tập luyện thể lực, hạn chế bia rượu thuốc lá và quản lý tốt các bệnh lý của bản thân.

Bạn hãy chủ động chăm sóc sức khỏe sớm, nâng cao sức đề kháng và chất lượng cuộc sống của bản thân để hướng đến một cuộc sống trường thọ, viên mãn.

Nguồn tham khảo: health.ucsd.edu, .ncbi.nlm.nih.gov

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Trần Thị Thuý Hiếu xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Tế bào gốc có thể biến thành xương và chất béo thế nào?

Tế bào gốc có thể biến thành xương và chất béo thế nào?

Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở mắt

Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở mắt

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng

Các yếu tố nguy cơ gây các bệnh chuyển hóa

Các yếu tố nguy cơ gây các bệnh chuyển hóa

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thận

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thận

60

Bài viết hữu ích?