Zalo

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phổ biến ở nữ giới. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể di căn và xâm lấn các cơ quan khác trong cơ thể. Cùng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng và cách dự phòng qua bài viết sau đây.

1. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng là gì và gồm những yếu tố nào?

Buồng trứng là một cơ quan quan trọng của hệ thống cơ quan sinh dục nữ. Buồng trứng nằm hai bên tử cung có nhiệm vụ sản xuất trứng đồng thời tạo ra các hormone là Estrogen và Progesterone giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và quá trình mang thai. 

Ung thư buồng trứng là tình trạng các tế bào buồng trứng phân chia và tăng sinh bất thường, phát triển thành khối u ác tính xâm lấn và phá huỷ các mô cơ quan trong cơ thể. Nếu không điều trị kịp thời, nó có thể di căn đến nhiều cơ quan khác.

yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là tình trạng các tế bào buồng trứng phân chia và tăng sinh bất thường 

Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trong buồng trứng. Các loại ung thư buồng trứng thường gặp:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng: Là thể ung thư buồng trứng thường gặp nhất, chiếm 80 - 90% các trường hợp ung thư buồng trứng. 
  • Ung thư tế bào mầm: Chiếm 5 - 10%, là dạng ung thư xuất phát từ các tế bào sản xuất ra trứng.
  • Các loại ung thư khác ít gặp hơn: Ung thư có nguồn gốc từ mô đệm sinh dục, ung thư bắt nguồn từ trung mô và các ung thư di căn đến buồng trứng 

Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư buồng trứng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã đưa ra được các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng ở phụ nữ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ ung thư buồng trứng của bạn sẽ tăng lên gấp 20 lần nếu trong gia đình bạn có mẹ, chị em gái mắc bệnh ung thư buồng trứng. 
  • Bệnh lý di truyền. Một số loại ung thư do đột biến gen cũng có thể làm tăng yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng như:
    • Bệnh ung thư vú di truyền do đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Những phụ nữ có đột biến BRCA1 có nguy cơ ung thư buồng trứng được ước tính là từ 35% đến 70%. Đối với phụ nữ có đột biến BRCA2 , nguy cơ được ước tính là từ 10% đến 30% ở tuổi 70. 
    • Ung thư đại tràng không polyp di truyền. Phụ nữ mắc hội chứng này có nguy cơ mắc ung thư đại tràng rất cao và cũng tăng nguy cơ phát triển ung thư tử cung và ung thư buồng trứng. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở phụ nữ mắc ung thư đại tràng không polyp di truyền là khoảng 10%.
    • Hội chứng Peutz-Jeghers, do đột biến gen ức chế khối u STK11/LKB1. Bệnh nhân có tăng nguy cơ đáng kể bị ung thư đường tiêu hóa và cả ung thư không phải đường tiêu hóa. Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư ruột non và ung thư đại tràng. Và các ung thư không phải đường tiêu hóa bao gồm ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, ung thư tinh hoàn và ung thư phổi.
    • Bệnh polyp liên quan đến MUTYH. Hội chứng này xảy ra do đột biến gen MUTYH . Những người mắc hội chứng này phát triển các polyp ở đại tràng và ruột non và có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Đồng thời, nó cũng có nhiều khả năng phát triển các bệnh ung thư khác, như ung thư bàng quang và ung thư buồng trứng.
    • Một số gen khác liên quan đến ung thư buồng trứng di. Bên cạnh những đột biến gen nêu trên, còn có những gen khác liên quan đến ung thư buồng trứng. Chúng bao gồm ATM, BRIP1, RAD51C, RAD51D và PALB2. 
  • Tuổi cao. Tuổi càng cao càng làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Ung thư buồng trứng hiếm gặp ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Hầu hết ung thư buồng trứng xuất hiện ở độ tuổi trên 50. 
  • Sinh sản. Phụ nữ từng mang thai, cho con bú bằng sữa mẹ ít nguy cơ ung thư buồng trứng hơn so với phụ nữ chưa từng mang thai, hoặc mang thai muộn sau 35 tuổi. Sinh con càng nhiều, nguy cơ ung thư buồng trứng càng thấp.
  • Nội tiết. Nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn ở những phụ nữ mãn kinh muộn. Mãn kinh muộn là trường hợp mãn kinh sau 55 tuổi.
yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng
Nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn ở những phụ nữ mãn kinh muộn 
  • Béo phì. Phụ nữ béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong của phụ nữ bị ung thư buồng trứng.
  • Dùng liệu pháp hormone sau mãn kinh. Phụ nữ sử dụng estrogen hoặc kết hợp với progesterone sau mãn kinh có nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng cao hơn so với những phụ nữ chưa bao giờ sử dụng hormone.

Nhưng bạn cần nắm rõ một điều, nếu bạn có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh. Và có một số người mắc bệnh ung thư buồng trứng dù người đó có thể không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào được kể ở trên.

2. Làm sao để dự phòng sớm với các yếu tố nguy cơ gây ung thư buồng trứng?

Chúng ta đã biết rằng, nguyên nhân gây ung thư buồng trứng tới nay vẫn chưa được xác định rõ. Những có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư buồng trứng. Mặc dù, bạn không thể thay đổi được các yếu tố nguy cơ như tuổi, tiền sử gia đình hay di truyền. Nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi được các yếu tố nguy cơ liên quan đến chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện và môi trường sống. Vì vậy, để dự phòng sớm các yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng, làm giảm nguy cơ bệnh ung thư buồng trứng bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Không mang thai và sinh con trễ. Việc mang thai và sinh con sớm sẽ góp phần làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Nếu mang thai muộn sau độ tuổi 35 sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, tăng tỷ lệ dị tật ở thai nhi và những biến chứng nguy hiểm cho sản phụ mang thai sau 35 tuổi. Bước sang tuổi 35, chất lượng trứng của nữ giới đã giảm sút, tỷ lệ thụ thai sẽ thấp hơn khi còn trẻ, độ giãn nở của khung chậu lúc này cũng bị hạn chế nhiều nên việc mang thai và sinh nở có thể gây nhiều rủi ro cho cả mẹ lẫn con. Phụ nữ sinh con muộn sẽ bị các nguy cơ thường gặp là: sẩy thai, đẻ non, đẻ khó, tiền sản giật, thai lưu… Mẹ càng lớn tuổi thì khả năng phôi bị rối loạn nhiễm sắc thể càng cao, gây ra con có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edward..
  • Cho con bú bằng sữa mẹ và kéo dài thời gian cho con bú bằng sữa mẹ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và nhiều kháng thể tự nhiên giúp trẻ phát triển tốt và chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Đồng thời, cho con bú bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng đối với mẹ.
  • Giảm cân. Việc giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng sẽ góp phần làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Đồng thời, giảm cân và duy trì cân nặng vóc dáng sẽ đem lại sự tự tin cho phụ nữ, tránh lo lắng mặc cảm tự ti về ngoại hình, tinh thần được nâng cao hơn. Cân nặng lý tưởng phụ thuộc vào chiều cao và độ tuổi. Bạn hãy tìm hiểu về chỉ số khối cơ thể (BMI) và cách tính cân nặng lý tưởng để có thể kiểm soát và duy trì cân nặng phù hợp với bản thân. Việc giảm cân nên được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả bằng cách kết hợp chế độ ăn lành mạnh, giảm calo với tập luyện thể dục thể thao tiêu hao năng lượng hợp lý.
  • Chế độ ăn lành mạnh. Một số nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ ung thư buồng trứng giảm ở những phụ nữ ăn chế độ ăn nhiều rau hoặc chế độ ăn ít chất béo. Vì vậy, hãy xây dựng chế độ ăn lành mạnh bao gồm hạn chế thịt đỏ, chất béo, tăng cường rau xanh trái cây. Việc bổ sung vitamin, chất xơ từ rau xanh trái cây sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng và làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
  • Tập luyện thể lực. Việc tăng cường tập luyện thể giúp thể thao có thể giúp bạn giảm cân, duy trì vóc dáng và cân nặng lý tưởng, làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và các bệnh tật khác. Tập luyện thể lực sẽ giúp cơ thể bạn chuyển hoá tốt năng lượng, nâng cao sức khỏe và tạo sự thoải mái về tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian và cường độ tập luyện phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Dựa vào độ tuổi, tình trạng sức khoẻ và sở thích, điều kiện sinh sống mà bạn chọn cho mình loại hình tập luyện thích hợp như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, cầu lông, dưỡng sinh, yoga..
  • Xét nghiệm sàng lọc các gen BRCA1, BRCA2. Đây là bệnh di truyền gây tỷ lệ ung thư vú và buồng trứng cao ở phụ nữ. Việc xét nghiệm sàng lọc gen có thể phát hiện sớm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú.
  • Khám sức khỏe định kỳ việc chủ động đi khám sức khỏe định kỳ có thể giúp bạn phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để can thiệp điều trị sớm bệnh ung thư buồng trứng

3. Các lưu ý cần biết để có sức khỏe tốt, phòng tránh bệnh ung thư buồng trứng?

Buồng trứng là một trong những cơ quan quan trọng trong hệ sinh sản phụ nữ. Tỷ lệ mới mắc và tử vong do ung thư buồng trứng vẫn còn cao, gây nhiều lo lắng cho chị em phụ nữ nhất là đang ở độ tuổi sinh sản. Vì vậy việc chuẩn bị bản thân một kiến thức tốt để có thể nhận biết và phòng tránh sớm các yếu tố nguy cơ bệnh ung thư buồng trứng là điều bạn cần phải làm. Hãy thực hiện các điều sau để có sức khoẻ tốt, phòng tránh bệnh ung thư buồng trứng.

  • Hãy cố gắng sinh con trước 35 tuổi. Việc sinh con sớm sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng của bạn và giảm nguy cơ dị tật cho đứa trẻ.
  • Cho con bú sữa mẹ và cố gắng duy trì thời gian dài
  • Thay đổi chế độ ăn, tăng cường rau xanh trái cây kết hợp tập luyện thể lực để giảm cân, nâng cao sức khoẻ và sức đề kháng.
  • Phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm để phát hiện bệnh sớm. Đặc biệt là những phụ nữ có yếu tố nguy cơ hoặc có triệu chứng bất thường nghi ngờ ung thư buồng trứng. 

Bạn cần lưu ý rằng, bệnh ung thư buồng trứng là do sự kết hợp của yếu tố nguy cơ thay đổi được và không thay đổi được. Vì vậy, việc thực hiện tốt các biện pháp này có thể giúp bạn làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng nhưng không chắc chắn rằng bạn sẽ không có khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, việc chủ động nâng cao sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng tránh các yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng là điều bạn cần làm nếu muốn làm giảm nguy cơ mắc bệnh, có cuộc sống chất lượng và kéo dài tuổi thọ của bản thân.

Tài liệu tham khảo: .cdc.gov, .cancer.org, umcclinic.com.vn

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Trần Thị Thuý Hiếu xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Các yếu tố nguy cơ gây mỡ máu cao có thể khiến bạn gặp nguy hiểm

Các yếu tố nguy cơ gây mỡ máu cao có thể khiến bạn gặp nguy hiểm

Các yếu tố nguy cơ - nguyên nhân gây bệnh Parkinson

Các yếu tố nguy cơ - nguyên nhân gây bệnh Parkinson

27 lời khuyên về sức khỏe và dinh dưỡng để khỏe tự nhiên

27 lời khuyên về sức khỏe và dinh dưỡng để khỏe tự nhiên

Cách nào tăng cường sức khỏe cho nam giới?

Cách nào tăng cường sức khỏe cho nam giới?

Các phương pháp tăng cường sức khỏe hiệu quả

Các phương pháp tăng cường sức khỏe hiệu quả

7

Bài viết hữu ích?