Zalo

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thận

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Bệnh thận là một bệnh lý phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe. Nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ bệnh thận sẽ giúp bạn có kế hoạch phòng tránh, giảm nguy cơ mắc bệnh và mang đến một cuộc sống trường thọ.

1. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thận là gì và gồm những yếu tố nào?

Thận là một cơ quan quan trọng trong cơ thể đảm nhận vai trò lọc và bài tiết nước tiểu. Thận lọc máu và các chất thải sau đó thải các chất thải độc hại qua nước tiểu. Đồng thời, thận tham gia điều hoà thể tích máu thông qua quá trình sản xuất nước tiểu. Khi chúng ta uống nhiều nước, thận sẽ tăng lượng nước tiểu thải ra và ngược lại. Ngoài ra, thận còn có chức năng nội tiết. Thận tham gia sản xuất Renin (giúp kiểm soát chỉ số huyết áp ở mức ổn định); Erythropoietin (có nhiệm vụ kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu) hay đảm nhiệm vai trò chuyển hóa vitamin D3.

Bệnh thận là thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp thận bị tổn thương và không thể thực hiện chức năng của nó một cách bình thường.

Cơ chế bệnh thận cấp tính thường do:

  • Thận không được cấp đủ lượng máu cần thiết
  • Một số bệnh lý tại thận gây ra
  • Tắc nghẽn nước tiểu ra khỏi thận

1.1. Nguyên nhân bệnh thận

Nguyên nhân bệnh thận cấp tính thường gặp do:

  • Chấn thương chảy máu
  • Mất nước
  • Nhiễm trùng huyết
  • Phì đại tiền liệt tuyến
  • Tổn thương thân do một số loại thuốc
yếu tố nguy cơ bệnh thận
Phì đại tiền liệt tuyến là một trong những nguyên nhân bệnh thận 

Nguyên nhân bệnh thận mạn tính gồm:

  • Bệnh đái tháo đường. Khoảng 40% bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh thận mạn. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn.
  • Tăng huyết áp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn. Tăng huyết áp làm hẹp mạch máu và giảm lưu lượng máu tới thận dẫn tới ảnh hưởng tới chức năng lọc của thận.
  • Viêm cầu thận: là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận bao gồm viêm tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Khi tổn thương mạn tính, nhiều năm sẽ làm suy giảm dần chức năng lọc của cầu thận.
  • Bệnh thận đa nang hoặc bệnh thận di truyền
  • Sự tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài do phì đại tiền liệt tuyến, sỏi thận, ung thư..
  • Viêm thận kẽ, viêm ống thận và các cấu trúc xung quanh.
  • Trào ngược bàng quang niệu quản: là tình trạng nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên niệu quản. Bệnh dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu và tổn thương thận nếu điều trị không kịp thời. 

1.2. Các yếu tố nguy cơ bệnh thận

  • Tiền sử gia đình: Trong nhà có người mắc bệnh thận sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
  • Tuổi tác: Tuổi càng cao càng gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Nguy cơ mắc bệnh thận ở những người từ 65 tuổi trở lên là 34% so với những người ở độ tuổi 45 – 64 là 12% hoặc 18 – 44 tuổi là 6%.
  • Chủng tộc: nguy cơ mắc bệnh thận ở người trưởng thành da đen không phải gốc Tây Ban Nha là 20% so với người trưởng thành châu Á không phải gốc Tây Ban Nha là 14% hoặc người lớn da trắng không phải gốc Tây Ban Nha là 12%.
  • Do thuốc. Thận là một trong những cơ quan thải trừ thuốc. Khi dùng thuốc thải qua thận kéo dài sẽ có thể gây ảnh hưởng đến thận. Ví dụ như thuốc kháng sinh (Aminoglycosid, Cephalosporin.); thuốc NSAID (Aspirin, Ibuprofen, Naproxen..); thuốc lợi tiểu..
  • Thừa cân béo phì. Người bị thừa cân béo phì thường có nguy cơ bị tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ gây ảnh hưởng đến thận.
  • Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá sẽ làm tăng huyết áp, nhịp tim, làm giảm lưu lượng máu đến thận gây ảnh hưởng chức năng lọc của thận.
  • Lạm dụng bia rượu, nước ngọt. Ở người dùng nhiều bia rượu nước ngọt lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp gây ảnh hưởng đến thận.
  • Uống ít nước và nhịn tiểu. Đây là thói quen làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Đồng thời, nhịn tiểu thời gian dài sẽ làm tăng áp lực lên thận, uống ít nước sẽ làm nước tiểu cô đặc gây ảnh hưởng đến quá trình lọc của cầu thận.
  • Ăn mặn và nhiều thịt: Chế độ ăn nhiều muối và thịt sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Đồng thời, ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp gây ảnh hưởng đến thận.

2. Làm sao để dự phòng sớm với các yếu tố nguy cơ bệnh thận?

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh thận đã nêu trên bao gồm yếu tố nguy cơ thay đổi được và không thay đổi được. Vì vậy, để dự phòng sớm các yếu tố nguy cơ bệnh thận và làm giảm nguy cơ bệnh thận bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Quản lý bệnh tốt: Bạn cần kiểm soát tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận. Đồng thời, các bệnh lý này cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người lớn tuổi. Vì vậy, nếu bạn kiểm soát tốt các bệnh lý này, không những giúp bạn phòng ngừa yếu tố nguy cơ của bệnh suy thận, mà còn giúp cho cơ thể bạn khoẻ mạnh, sống thọ hơn.
  • Dùng thuốc theo toa của bác sĩ: Việc dùng thuốc kháng sinh, NSAID.. kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến thận. Vì vậy, khi dùng thuốc cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
  • Giảm cân: Thừa cân béo phì hiện nay là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý về chuyển hoá, bệnh tim mạch và bệnh đường tiêu hoá. Vì thế nên việc kiểm soát và duy trì cân nặng lý tưởng góp phần làm giảm yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, từ đó làm giảm nguy cơ bệnh thận. Việc giảm cân nên được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả bằng cách kết hợp chế độ ăn lành mạnh, giảm calo với tập luyện thể dục thể thao tiêu hao năng lượng hợp lý. Bạn nên tìm hiểu về chỉ số khối cơ thể và cân nặng lý tưởng để có thể chọn cho mình mục tiêu giảm cân phù hợp.
  • Không hút thuốc lá: Khói thuốc lá có nhiều chất gây độc cho cơ thể. Việc bỏ thuốc lá và tránh xa thuốc lá là điều bạn cần làm để giảm nguy cơ các bệnh thận, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng như ung thư phổi.
  • Hạn chế rượu bia, nước ngọt: Lượng cồn đưa vào cơ thể tuỳ thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khoẻ. Đối với người bình thường, khoẻ mạnh thì nam giới nên uống giới hạn dưới 2 đơn vị cồn mỗi ngày và nữ giới nên uống giới hạn dưới 1 đơn vị cồn mỗi ngày. Một đơn vị cồn tương đương với khoảng 10 ethanol nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức tương đương 1 lon bia 330ml, hoặc 200ml rượu nhẹ hoặc 60ml rượu mạnh. 
  • Chế độ ăn lành mạnh: hạn chế muối thịt và các chất béo sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và sỏi thận. Do đó, sẽ làm giảm nguy cơ bệnh thận. Ngoài ra, chế độ ăn tăng cường rau xanh trái cây để bổ sung vitamin, khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể cũng góp phần làm giảm yếu tố nguy cơ sỏi thận và các bệnh thận.
  • Uống đủ nước và không nhịn tiểu lâu: Uống ít nhất 1,5 - 2 lít nước/ngày. Lượng nước bạn cần bổ sung mỗi ngày tuỳ thuộc vào cân nặng, tình trạng sức khỏe, môi trường, mức độ làm việc… Nước được đưa vào cơ thể từ nhiều nguồn khác nhau như nước lọc, đồ uống, rau xanh quả chín. Việc uống đủ nước sẽ giúp thận lọc và thải các chất độc cơ thể tốt hơn, làm giảm các yếu tố nguy cơ bệnh thận. Hãy tập cho bản thân thói quen đi tiểu khi mắc tiểu, tránh nhịn tiểu lâu làm tăng nguy cơ bệnh sỏi thận và bệnh thận.
  • Tăng cường tập luyện thể lực. Việc tập luyện thể dục thể thao sẽ làm giảm cân, tăng cường sức khỏe làm giảm bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ bệnh thận. Đồng thời, tập luyện thể dục thể thao sẽ làm tinh thần thoải mái, nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của bạn.
yếu tố nguy cơ bệnh thận
Tăng cường tập luyện giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ bệnh thận 

Có thể thấy, bệnh thận có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra nó. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh các yếu tố nguy cơ bệnh thận bằng cách thay đổi lối sống sinh hoạt, chế độ ăn, chế độ tập luyện. Bên cạnh đó, bạn nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh để có biện pháp phòng tránh, nâng cao sức khỏe tổng thể và kéo dài tuổi thọ.

Tài liệu tham khảo: cdc.gov, mayoclinic.org

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Trần Thị Thuý Hiếu xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở mắt

Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở mắt

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng

Các yếu tố nguy cơ gây các bệnh chuyển hóa

Các yếu tố nguy cơ gây các bệnh chuyển hóa

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương

Các yếu tố nguy cơ khiến bạn bị tăng huyết áp

Các yếu tố nguy cơ khiến bạn bị tăng huyết áp

11

Bài viết hữu ích?