Zalo

Các dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Thiếu sắt vốn là tình trạng lượng sắt dự trữ trong cơ thể quá thấp gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan khác nhau. Vậy người lớn thiếu sắt có biểu hiện gì và làm gì khi phát hiện dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn?

1. Các dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn

Như chúng ta đã biết, sắt đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Do đó, khi người lớn bị thiếu sắt, cơ thể sẽ có những biểu hiện phổ biến như sau:

  • Móng tay giòn hoặc có hình thìa: Một trong những dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn ít người biết chính là móng tay giòn, dễ gãy hơn hoặc có hình thìa. Tình trạng thiếu sắt ở móng tay thường bắt đầu với dấu hiệu móng tay giòn, dễ gãy và nứt. Nếu tình trạng thiếu sắt không được điều trị kịp thời thì móng tay hình thìa có thể xảy ra khiến phần giữa của móng và các cạnh được nâng lên để tạo vẻ ngoài tròn như cái thìa.
  • Da nhợt nhạt: Nếu bạn thắc mắc người lớn thiếu sắt có biểu hiện gì thì tình trạng da xanh xao và nhợt nhạt là một dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn. Các huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu giúp cho máu có màu đỏ, tuy nhiên khi nồng độ sắt trong cơ thể thấp làm giảm sản xuất huyết sắc tố khiến cho da mất đi vẻ hồng hào vốn có. Triệu chứng da xanh xao và nhợt nhạt có thể xuất hiện trên khắp cơ thể, đặc biệt rõ ở một số vùng như gương mặt, nướu, niêm mạc môi hoặc mí mắt dưới.
  • Da và tóc khô: Thiếu sắt biểu hiện như thế nào? Da và tóc trở nên khô và hư tổn có thể là dấu hiệu gợi ý cơ thể đang thiếu hụt chất sắt. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu sắt sẽ hạn chế oxy đến các cơ quan và các mô ở da và tóc. Da và tóc thiếu oxy sẽ trở nên khô yếu và thậm chí là rụng tóc.
Da và tóc khô là dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn
Da và tóc khô là dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn
  • Khó thở: Trong cơ thể, huyết sắc tố giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi nồng độ huyết sắc tố giảm do thiếu sắt dẫn đến nồng độ oxy cũng sẽ giảm. Vì vậy, cơ thể của bạn buộc phải tăng nhịp thở để nhận được nhiều oxy hơn, điều này giải thích nguyên nhân vì sao dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn là khó thở.
  • Đau đầu: Triệu chứng đau đầu do thiếu sắt thường đi kèm với tình trạng chóng mặt. Nguyên nhân là do khi cơ thể thiếu sắt, nồng độ huyết sắc tố thấp trong các tế bào hồng cầu khiến chúng không cung cấp đủ oxy cho não. Điều này sẽ khiến các mạch máu trong não sưng lên gây ra áp lực và dẫn đến đau đầu, hoa mắt và chóng mặt.
  • Đánh trống ngực: Thiếu sắt biểu hiện như thế nào? Tình trạng tim đập nhanh hay đánh trống ngực là dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn. Tình trạng thiếu sắt diễn biến lâu dài sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Lúc này, nồng độ huyết sắc tố trong máu thấp khiến tim phải làm việc vất vả hơn để cung cấp đủ oxy cho các cơ quan trong cơ thể. Điều này dẫn đến tim bạn đập nhanh bất thường hoặc nhịp tim không đều. Trường hợp thiếu máu thiếu sắt nặng và kéo dài có thể dẫn đến tim to, tiếng thổi ở tim hoặc suy tim.
  • Miệng sưng và đau: Một dấu hiệu thiếu sắt khác ở người lớn bao gồm lưỡi viêm, sưng, nhợt nhạt hoặc nhẵn. Nồng độ huyết sắc tố trong máu thấp do thiếu sắt có thể làm giảm nồng độ myoglobin, là một protein hỗ trợ hoạt động các cơ bắp như cơ lưỡi. Vì vậy, khi thiếu sắt nồng độ myoglobin giảm sẽ gây đau và sưng ở lưỡi hoặc quanh miệng.
  • Hội chứng chân không yên: Hội chứng chân không yên cũng là một dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn. Hội chứng chân không yên thường nặng hơn vào ban đêm, gây ngứa ngáy và khó chịu ở chân khiến người bệnh mất ngủ. Có khoảng 25% bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt mắc hội chứng chân không yên. Nồng độ sắt trong cơ thể càng thấp thì triệu chứng càng nặng hơn.
  • Cảm giác mệt mỏi: Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi là một trong những dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn phổ biến nhất. Bên cạnh việc cơ thể không có đủ nồng độ huyết sắc tố để đưa oxy đến mô và cơ bắp thì trái tim bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để bơm oxy đi khắp cơ thể. Đây là lý do tại sao bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và chóng mặt khi cơ thể thiếu sắt.
  • Tay chân lạnh: Thiếu sắt sẽ khiến máu không cung cấp đủ oxy cho các bộ phận trong cơ thể khiến tay chân lạnh.
  • Dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng: Sắt là khoáng chất cần thiết cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vì vậy, tình trạng thiếu sắt có thể khiến bạn dễ mắc nhiều bệnh hơn bình thường.
  • Cảm giác lo lắng: Tình trạng không cung cấp đủ oxy đến nuôi các mô cơ thể do thiếu sắt có thể gây ra cảm giác lo lắng hay rối loạn lo âu. Triệu chứng này có thể được cải thiện khi tình trạng thiếu sắt được cải thiện.

2. Dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn có được cảnh báo sớm không?

Hầu hết chất sắt trong cơ thể nằm trong huyết sắc tố của các tế bào hồng cầu. Chất sắt bổ sung được lưu trữ trong gan và được cơ thể sử dụng khi chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ sắt cho cơ thể. Nếu bạn không cung cấp đủ chất sắt trong chế độ ăn uống, lượng sắt dự trữ trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian và cơ thể bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu thiếu sắt. Tình trạng thiếu hụt chất sắt sẽ diễn ra theo những giai đoạn sau:

  • Suy giảm chất sắt: Trong giai đoạn này nồng độ huyết sắc tố ở mức bình thường nhưng một lượng nhỏ chất sắt dự trữ trong cơ thể bạn sẽ sớm cạn kiệt. Giai đoạn này thường không có triệu chứng rõ ràng.
  • Thiếu sắt: Khi lượng sắt dự trữ, sắt trong máu của bạn thấp và nồng độ huyết sắc tố giảm xuống dưới mức bình thường. Trong giai đoạn này bạn có thể gặp một số triệu chứng như mệt mỏi.
  • Thiếu máu do thiếu sắt: Trong giai đoạn này nồng độ huyết sắc tố của bạn thấp đến mức máu không thể cung cấp đủ oxy cho các tế bào. Các triệu chứng bao gồm da xanh xao, khó thở, mệt mỏi và chóng mặt. Những người bị thiếu máu do thiếu sắt cũng có thể bị suy giảm chức năng miễn dịch nên dễ bị nhiễm trùng hơn. Ở trẻ em, thiếu máu do thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển trí não.

Chúng ta có thể thấy ở giai đoạn sớm tình trạng thiếu sắt thường không có triệu chứng rõ ràng và triệu chứng chỉ xuất hiện khi tình trạng thiếu sắt nặng hơn dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Vì vậy, để phát hiện sớm tình trạng thiếu sắt chúng ta cần kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm và đến khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng nghi ngờ. Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn để phát hiện và điều trị kịp thời.

Phụ nữ đang mang thai có nguy cơ thiếu sắt cao do nhu cầu sắt của cơ thể tăng lên
Phụ nữ đang mang thai có nguy cơ thiếu sắt cao do nhu cầu sắt của cơ thể tăng lên

3. Làm gì khi phát hiện dấu hiệu thiếu sắt ở người lớn?

Khi phát hiện dấu hiệu thiếu sắt bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán xác định nhằm mục đích loại trừ các bệnh khác có thể có triệu chứng tương tự. Bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định tình trạng thiếu hụt sắt của cơ thể thông qua các phương pháp sau:

  • Kiểm tra thể chất
  • Khai thác tiền sử bệnh
  • Xét nghiệm máu

Sau khi được chẩn đoán xác định nguyên nhân và mức độ thiếu hụt sắt của cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân như sau:

  • Nếu bạn bị thiếu sắt mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn thông tin về việc bổ sung thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ ăn uống. Bạn sẽ làm xét nghiệm máu khác trong khoảng 6 tháng để kiểm tra xem mức độ sắt của bạn đã được cải thiện hay chưa.
  • Nếu bạn bị thiếu sắt mức độ trung bình, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên về chế độ ăn uống và theo dõi chặt chẽ chế độ ăn uống của bạn. Họ sẽ khuyến khích bạn ăn thực phẩm giàu chất sắt và không khuyến khích bạn ăn những thực phẩm và đồ uống (như cám, trà và cà phê) có thể cản trở quá trình hấp thụ sắt trong bữa ăn. Ngoài ra còn cần phải thường xuyên xem xét tình trạng sắt của bạn và có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác như viên sắt uống hoặc bổ sung sắt qua đường tĩnh mạch.
  • Nếu bạn bị thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ sẽ kê đơn bổ sung sắt. Có thể mất từ ​​6 tháng đến một năm để cơ thể bạn bổ sung lại lượng sắt dự trữ. Mức độ sắt cũng sẽ được kiểm tra thường xuyên bằng xét nghiệm máu.
  • Nếu bạn có một bệnh lý tiềm ẩn gây ra tình trạng thiếu sắt thì điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân để có phương pháp điều trị thích hợp.

Ngoài ra trong một vài trường hợp bác sĩ có thể chỉ định bổ sung sắt đường tĩnh mạch với công thức chuẩn y khoa mới. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, bạn có thể đến trung tâm y tế làm xét nghiệm vi chất, sau khi có kết quả bác sĩ sẽ tư vấn cách bổ sung hiệu quả và tăng cường khả năng hấp thu hiệu quả.

Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi, tình trạng thiếu sắt biểu hiện như thế nào. Tốt nhất khi có triệu chứng thiếu sắt bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tùy theo nguyên nhân và mức độ thiếu hụt sắt của cơ thể.

Nguồn: betterhealth.vic.gov.au

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Chu Yến Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Hướng dẫn xem chỉ số thiếu máu thiếu sắt trong kết quả xét nghiệm

Hướng dẫn xem chỉ số thiếu máu thiếu sắt trong kết quả xét nghiệm

Các dấu hiệu thiếu sắt có dễ phát hiện không?

Các dấu hiệu thiếu sắt có dễ phát hiện không?

Nên ăn các loại rau bổ sung sắt này để cung cấp sắt cho cơ thể

Nên ăn các loại rau bổ sung sắt này để cung cấp sắt cho cơ thể

Sau khi uống sắt không nên ăn gì?

Sau khi uống sắt không nên ăn gì?

Các biện pháp chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

Các biện pháp chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

14

Bài viết hữu ích?