Zalo

Các dấu hiệu thiếu sắt có dễ phát hiện không?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Khi thiếu sắt cơ thể có thể xuất hiện các dấu hiệu như: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, da xanh xao, khó thở và tim đập nhanh. Ngoài ra bạn cũng có thể phát hiện tình trạng bệnh khi khám sức khỏe tổng quát. Vậy các dấu hiệu thiếu sắt này có dễ nhận biết không?

1. Các dấu hiệu thiếu sắt có dễ phát hiện không? Vì sao?

Sắt là một khoáng chất rất quan trọng trong việc duy trì nhiều chức năng của cơ thể như sản xuất huyết sắc tố, là phân tử mang oxy trong máu đến các cơ quan trong cơ thể. Sắt cũng cần thiết để duy trì các tế bào da, tóc và móng khỏe mạnh.

Tình trạng cơ thể thiếu sắt rất phổ biến trên thế giới. Tùy vào mức độ thiếu hụt sắt mà biểu hiện của cơ thể sẽ khác nhau. Nếu cơ thể thiếu sắt mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng khiến tình trạng thiếu sắt khó phát hiện. Trường hợp nếu thiếu sắt ở mức độ nặng có thể gây ra những triệu chứng điển hình hơn.

Bạn cần nhận biết sớm các dấu hiệu của cơ thể thiếu sắt, bao gồm:

  • Da xanh xao và nhợt nhạt: Đây là một trong các triệu chứng thiếu sắt phổ biến. Các huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu làm cho máu có màu đỏ. Vì vậy, nếu nồng độ sắt trong cơ thể thấp khiến nồng độ huyết sắc tố trong máu giảm sẽ làm da không còn hồng hào mà trở nên xanh xao và nhợt nhạt. Triệu chứng da xanh xao và nhợt nhạt có thể xuất hiện trên khắp cơ thể, đặc biệt ở một số vùng như gương mặt, nướu, bên trong môi, mí mắt dưới và móng tay.
dấu hiệu thiếu sắt
Da xanh xao là triệu chứng thiếu sắt thường gặp
  • Móng tay giòn và tóc khô dễ gãy rụng: Triệu chứng thiếu sắt bạn có thể gặp là da, tóc, móng khô và dễ hư tổn. Nguyên nhân là do khi thiếu sắt cơ thể không đủ oxy cung cấp đến các cơ quan và các bộ phận như da, móng tay, móng chân và tóc sẽ bị thiếu oxy dẫn đến trở nên khô yếu. Trường hợp thiếu sắt nghiêm trọng người bệnh có thể bị rụng tóc.
  • Khó thở: Khi cơ thể thiếu sắt, lượng hồng cầu trong máu giảm khiến cơ bắp không được cung cấp đủ oxy cho các hoạt động bình thường và nhịp thở sẽ tăng lên để cơ có thể nhận được nhiều oxy hơn. Vì vậy, dấu hiệu thiếu sắt bạn có thể dễ nhận thấy là hơi thở gấp gáp, đau ngực và khó thở khi vận động như đi bộ, leo cầu thang và làm việc.
  • Đau đầu và chóng mặt: Nồng độ hemoglobin thấp trong các tế bào hồng cầu làm lượng oxy bơm lên não không đủ, khiến các mạch máu trong não sưng lên và gây ra áp lực. Điều này khiến người bệnh đau đầu, chóng mặt, hoa mắt và giảm khả năng tập trung.
  • Đánh trống ngực và tim đập nhanh: Nồng độ hemoglobin thấp do thiếu sắt khiến tim phải làm việc nhiều hơn để mang oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Do đó, dẫn đến tình trạng tim đập nhanh bất thường hoặc nhịp tim không đều. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.
  • Lưỡi và miệng sưng đau: Một triệu chứng thiếu sắt dễ nhận thấy là khi nhìn vào khoang miệng thấy lưỡi sưng, viêm, nhợt nhạt hoặc tình trạng khô miệng, nứt khóe miệng và loét miệng. 
  • Hội chứng chân không yên: Hội chứng chân không yên do thiếu sắt là tình trạng khó chịu và cảm giác ngứa ngáy ở chân khiến chân di chuyển không ngừng khi nghỉ ngơi. Tình trạng thiếu sắt càng nặng thì triệu chứng càng gia tăng khiến người bệnh mất ngủ vào ban đêm.
  • Mệt mỏi bất thường: Cơ thể không đáp ứng đủ lượng máu và oxy đến cơ mô và cơ bắp làm tim phải làm việc vất vả hơn, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, uể oải, tâm trạng cáu kỉnh, khó tập trung và giảm hiệu suất làm việc.
  • Một số triệu chứng thiếu sắt khác, bao gồm: Chân tay lạnh do giảm tưới máu chi, dễ bị nhiễm trùng do suy giảm hệ miễn dịch và thèm ăn những thực phẩm lạ như đất sét, đá và phấn.

2. Đi khám sức khỏe tổng quát có phát hiện thiếu sắt không?

Tình trạng cơ thiếu hụt sắt có thể được bác sĩ phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát dựa vào tiền sử bệnh lý, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng của bạn. Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán tình trạng thiếu sắt, bao gồm:

2.1 Công thức máu 

Xét nghiệm công thức máu toàn phần rất quan trọng đối với nhiều vấn đề liên quan đến máu, trong đó có thiếu máu do thiếu sắt. 

Xét nghiệm công thức máu toàn phần sẽ cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng thể về máu, bao gồm:

  • Số lượng tế bào hồng cầu là những tế bào mang oxy
  • Số lượng tế bào bạch cầu là những tế bào chống nhiễm trùng
  • Huyết sắc tố là protein trong tế bào máu mang oxy
  • Hematocrit là tỷ lệ phần trăm hồng cầu so với tổng lượng máu
  • Tiểu cầu là những hợp chất giúp đông máu

Số lượng hồng cầu thấp có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt

Xét nghiệm công thức máu toàn phần thường không giúp xác nhận chẩn đoán thiếu sắt nhưng có thể hướng dẫn các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm khác.

dấu hiệu thiếu sắt
Số lượng hồng cầu thấp có thể là dấu hiệu của bệnh lý thiếu máu thiếu sắt

2.2 Xét nghiệm sắt huyết thanh

Xét nghiệm sắt huyết thanh đo lượng sắt trong máu. Nồng độ sắt trong huyết thanh thấp có thể cho thấy tình trạng thiếu sắt. Đây là một xét nghiệm tổng quát và các bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm khác để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và lý do của tình trạng cơ thể thiếu sắt.

2.3 Xét nghiệm ferritin trong máu

Xét nghiệm ferritin sẽ đo lượng ferritin trong máu. Ferritin là một loại protein có chứa sắt trong máu. Mức độ ferritin có thể giúp bác sĩ biết lượng sắt dự trữ trong cơ thể là bao nhiêu. Mức ferritin thấp cho thấy lượng sắt dự trữ thấp và tình trạng thiếu sắt.

2.4 Xét nghiệm nồng độ transferrin trong máu

Sắt đi vào tế bào bằng cách liên kết với một loại protein gọi là transferrin. Có đủ transferrin trong cơ thể là điều quan trọng để đảm bảo sắt có thể đi vào tế bào.

Khi nồng độ sắt thấp, cơ thể sẽ tăng lượng transferrin nhằm nỗ lực tăng lượng sắt sẵn có trong cơ thể. 

Vì vậy, mức độ transferrin cao có thể là một dấu hiệu của bệnh thiếu máu do thiếu sắt và các bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm thụ thể transferrin hòa tan (sTfR) để kiểm tra các mức này.

2.5 Phết tế bào máu ngoại vi

Phết tế bào ngoại vi lấy một lượng máu nhỏ và kiểm tra dưới kính hiển vi. Một người bị thiếu máu do thiếu sắt sẽ có các tế bào hồng cầu trông nhỏ hơn và nhạt màu hơn bình thường dưới kính hiển vi.

3. Làm sao để phát hiện sớm tình trạng cơ thể thiếu sắt?

Thiếu sắt sẽ diễn ra theo nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng khiến chúng ta khó nhận biết. Vì vậy, để phát hiện sớm tình trạng cơ thể thiếu sắt thì những người có nguy cơ cao bị thiếu sắt cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm. 

Những người sau đây có nguy cơ thiếu sắt cao nhất, bao gồm

  • Phụ nữ có kinh nguyệt, đặc biệt nếu kinh nguyệt nhiều
  • Phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú hoặc những phụ nữ mới sinh con
  • Những người đã trải qua phẫu thuật lớn hoặc chấn thương thể chất
  • Những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như bệnh celiac, các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn
  • Người mắc bệnh loét dạ dày tá tràng
  • Những người đã trải qua các thủ thuật giảm cân, đặc biệt là phẫu thuật cắt dạ dày
  • Những người ăn thuần chay và những người có chế độ ăn không chứa các thực phẩm giàu chất sắt

Nếu cơ thể bạn đang gặp tình trạng thiếu sắt thì cách đơn giản để khắc phục là bổ sung sắt cho cơ thể tùy theo mức độ thiếu hụt của bạn. 

Một số cách bổ sung hàm lượng sắt cho cơ thể, bao gồm: 

  • Bổ sung sắt thông qua chế độ ăn uống hàng ngày: Các thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, gan động vật, các loại động vật có vỏ như cá mòi, cá cơm, các loại rau lá xanh và các loại đậu sẽ cung cấp hàm lượng sắt dồi dào cho cơ thể.
  • Viên sắt uống: Hầu hết những người bị thiếu sắt cần 150-200 mg sắt nguyên tố mỗi ngày hoặc từ 2 đến 5 mg sắt cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem bạn nên dùng bao nhiêu miligam sắt mỗi ngày. Một số bác sĩ khuyên bạn nên uống 250mg vitamin C cùng với viên sắt, vì vitamin C có thể cải thiện khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi uống viên sắt bao gồm khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón và phân sẫm màu.
  • Sắt bổ sung qua đường tĩnh mạch (truyền Venofer): Một số trường hợp bác sĩ có thể khuyên dùng phương pháp bổ sung sắt qua đường tĩnh mạch để đạt hiệu quả cao hơn. Sắt bổ sung qua đường tĩnh mạch có thể cần thiết để điều trị tình trạng thiếu sắt ở những bệnh nhân không hấp thụ tốt sắt ở đường tiêu hóa, bệnh nhân bị thiếu sắt nặng hoặc mất máu mãn tính, bệnh nhân đang được bổ sung erythropoietin là một loại hormone kích thích sản xuất máu hoặc những bệnh nhân không thể dung nạp được sắt qua đường uống.
  • Truyền máu: Truyền hồng cầu có thể được chỉ định cho những bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt trầm trọng đang chảy máu hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng như đau ngực, khó thở hoặc suy nhược. Truyền máu được thực hiện để thay thế các tế bào hồng cầu bị thiếu và sẽ không khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu sắt. Truyền hồng cầu sẽ chỉ mang lại sự cải thiện tạm thời. Điều quan trọng là tìm ra lý do tại sao bạn bị thiếu máu và điều trị nguyên nhân cũng như các triệu chứng.

Tóm lại, các dấu hiệu thiếu sắt có dễ phát hiện không sẽ tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt sắt của cơ thể. Nếu thiếu sắt mức độ nhẹ sẽ không có dấu hiệu thiếu sắt, tuy nhiên thiếu sắt mức độ nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Vì vậy, chúng ta cần nhận biết sớm những dấu hiệu thiếu sắt để có cách bổ sung kịp thời.

Nguồn: medicalnewstoday.com

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Chu Yến Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Hướng dẫn xem chỉ số thiếu máu thiếu sắt trong kết quả xét nghiệm

Hướng dẫn xem chỉ số thiếu máu thiếu sắt trong kết quả xét nghiệm

Nên bổ sung sắt trước hay sau ăn để phát huy tối đa tác dụng?

Nên bổ sung sắt trước hay sau ăn để phát huy tối đa tác dụng?

Tìm hiểu nhu cầu sắt cho người trưởng thành

Tìm hiểu nhu cầu sắt cho người trưởng thành

Sau khi uống sắt không nên ăn gì?

Sau khi uống sắt không nên ăn gì?

Các phương pháp điều trị thiếu sắt thiếu máu

Các phương pháp điều trị thiếu sắt thiếu máu

8

Bài viết hữu ích?