Trước khi tìm hiểu vấn đề vitamin C uống cách kháng sinh bao lâu, chúng ta nên tìm hiểu về những đặc điểm cơ bản của loại vitamin quan trọng này. Vitamin C, còn được gọi là Acid ascorbic, là một trong rất nhiều loại vitamin thiết yếu của cơ thể con người. Nguồn cung cấp vitamin C phổ biến nhất là các loại quả họ cam quýt, như cam, chanh, quýt, bưởi, bên cạnh đó là một số loại rau củ quả khác như bông cải xanh, khoai tây hay cà chua. Sở dĩ nhiều người uống vitamin C và kháng sinh cùng nhau là vì loại vitamin này được biết đến với vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng, trong khi đó kháng sinh sẽ trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Bên cạnh đó, vitamin C cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là khả năng hỗ trợ hấp thu sắt và canxi từ thực phẩm. Trong giai đoạn cơ thể đang phát triển với tốc độ cao, trẻ em rất dễ rơi vào tình trạng thiếu vitamin C khi chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cung cấp đủ. Thiếu vitamin C có thể đưa đến nhiều vấn đề như suy giảm sức đề kháng, mệt mỏi, biếng ăn, dễ nổi mụn nhọt hay rôm sảy, dị ứng, mẩn ngứa, phát ban, sưng lợi, chảy máu chân răng, loét hoặc nhiệt miệng và rất nhiều triệu chứng bất thường khác.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh vai trò của vitamin C trong việc tăng cường chức năng miễn dịch của trẻ nhỏ, qua đó giúp bé tự bảo vệ cơ thể và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng thường gặp do vi khuẩn và virus, có thể kể đến như cảm cúm, nhiễm siêu vi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu, nhiễm trùng, viêm hô hấp, hen phế quản và một số bệnh lý khác.
Mặc dù là một chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng thực tế cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin C, kèm theo đó là đặc tính không bền và dễ tan trong nước nên không thể tích trữ trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin C còn rất dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên thức ăn chế biến sẵn hoặc để lâu thường mất kha khá hàm lượng vitamin C. Thông qua những đặc tính trên, phụ huynh muốn ngăn ngừa con mình không bị thiếu hụt C thì cần phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng đa dạng và đầy đủ, bao gồm các loại rau củ (như súp lơ, cải bắp, khoai lang, khoai tây…) và các loại quả (như cam, quýt, đào, lê, táo…). Kèm theo đó, cha mẹ cũng cần chú ý đến quá trình bảo quản và chế biến thực phẩm vì hàm lượng vitamin C thường mất đi rất nhiều. Với những trẻ không nhận đủ nhu cầu vitamin C của cơ thể, cha mẹ có thể cần bổ sung thông qua các chế phẩm tổng hợp. Tuy nhiên, vấn đề đặc biệt quan trọng cần nhớ là nếu lạm dụng và bổ sung quá nhiều thì vitamin C lại có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa hoặc một số tác dụng phụ nghiêm trọng ở những đối tượng có tiền sử bệnh từ trước (như bệnh thận hoặc bệnh huyết sắc tố). Ngoài ra, do vitamin C có thể tương tác với một số loại thuốc khác, đặc biệt là kháng sinh, nên khi dùng kết hợp cần phải đặc biệt chú ý.
Vitamin C là 1 vi chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng cơ thể lại không thể tự tổng hợp được. Khi thiếu hụt vitamin C, chức năng đề kháng của cơ thể sẽ suy giảm và nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng lên. Khi đó, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định vì đây là những hợp chất có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn trong trường hợp cơ thể đang bị nhiễm trùng hoặc dự phòng nguy cơ nhiễm khuẩn ở những đối tượng có nguy cơ bội nhiễm cao.
Với những lý do kể trên, rất nhiều bệnh nhân nhiễm trùng đã uống vitamin C và kháng sinh cùng nhau để tăng cường hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, một nhóm kháng sinh được sử dụng rất phổ biến là nhóm Beta-Lactam lại có đặc tính không bền trong môi trường acid, trong khi đó vitamin C bản chất là một loại acid. Vì vậy khi uống vitamin C và kháng sinh nhóm Beta-lactam cùng lúc hoặc quá gần nhau, bao gồm các dược phẩm bổ sung lẫn thực phẩm giàu vitamin C, sẽ gây tương tác làm mất đi tác dụng diệt khuẩn của kháng sinh. Một số Beta-lactam quen thuộc có thể kể đến như Penicilin, Ampicilin, Amoxicilin (bao gồm dạng kết hợp với Acid clavulanic), Cloxacillin, Oxacillin… Do đó, để tránh giảm hiệu lực kháng sinh và giảm nguy cơ kháng thuốc, người bệnh không nên uống vitamin C và kháng sinh cùng lúc hoặc quá gần nhau, đặc biệt là kháng sinh nhóm Beta-lactam. Vậy vitamin C uống cách kháng sinh bao lâu?
Theo khuyến cáo của bác sĩ, trong quá trình điều trị bệnh bằng kháng sinh, đặc biệt là nhóm Beta-lactam, bệnh nhân cần hạn chế tiêu thụ các loại trái cây, nước hoa quả hoặc đồ uống có vị chua vì chúng chứa rất nhiều vitamin C. Tuy nhiên thực tế là khi mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn thì đa số trường hợp sẽ bổ sung thêm các chế phẩm vitamin C để tăng cường đề kháng và phục hồi cơ thể nhanh hơn. Khi đó, việc uống vitamin C và kháng sinh cần được giãn cách về mặt thời gian, không được sử dụng cùng lúc hoặc quá gần nhau để tránh gây mất tác dụng diệt khuẩn của kháng sinh.
Không ít người có thói quen sử dụng vitamin C sau khi dùng thuốc, tuy nhiên theo bác sĩ thì điều này có thể gây ra tương tác làm giảm tác dụng điều trị hoặc tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi. Để hạn chế vấn đề này, bệnh nhân nên uống thuốc bằng nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội, không dùng nước hoa quả để tránh tương tác không đáng có.
Tóm lại, việc uống vitamin C và kháng sinh cùng lúc có thể gây ra tương tác và làm giảm tác dụng diệt khuẩn, đồng thời tăng nguy cơ kháng thuốc. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bệnh nhân trước khi sử dụng vitamin C và bất kỳ loại kháng sinh nào đều nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để sử dụng đúng cách và mang lại hiệu quả cao nhất. Khi đó bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ là người đáng tin cậy nhất có thể trả lời chính xác câu hỏi vitamin C uống cách kháng sinh bao lâu.
370
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
370
Bài viết hữu ích?