Zalo

Bệnh tay chân miệng và những điều cần biết

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Hiện nay, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh, trong đó những ca bệnh chuyển nặng ngày càng nhiều hơn. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số đặc điểm về bệnh Tay chân miệng để phát hiện sớm cũng như nhận diện những dấu hiệu nặng và giúp trẻ được điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân và đường lây

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột (Enterovirus) gây nên, dễ tạo thành dịch. Trong đó, 2 nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsakie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, nguồn lây chính từ nước bọt, bóng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. 

Dịch tễ

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra quanh năm, tăng cao vào tháng 2 - tháng 4 và từ tháng 9 - tháng 12 hàng năm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, các nơi trẻ chơi tập trung là yếu tố nguy cơ lây lan bệnh.

2. Triệu chứng gợi ý trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Bệnh gồm 4 giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày. 

Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng tay chân miệng như sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi, biếng ăn hoặc tiêu chảy vài lần trong ngày. 

Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng tay chân miệng điển hình như: 

  • Loét miệng: Vết loét tay chân miệng thường đỏ, phỏng nước và có đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi. Loét miệng sẽ gây đau, trẻ bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt. 
  • Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm trên da.
  • Sốt nhẹ. 
  • Nôn. 
  • Nếu trẻ nôn nhiều và sốt cao thì dễ có nguy cơ biến chứng. 
  • Biến chứng tim mạch, thần kinh, hô hấp của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện sớm từ ngày 2 - ngày 5 của bệnh. 

Giai đoạn lui bệnh: Thường sẽ kéo dài từ 3-5 ngày sau khi trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. 

3. Chẩn đoán bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng được chẩn đoán chủ yếu nhờ thăm khám lâm sàng và dịch tễ học. 

  • Yếu tố dịch tễ: Căn cứ vào tuổi, mùa, vùng lưu hành bệnh, số trẻ mắc bệnh trong cùng một thời gian. 
  • Lâm sàng: Phỏng nước điển hình ở lòng bàn tay, miệng, lòng bàn chân, mông, gối, kèm sốt hoặc không. 
Bệnh tay chân miệng được chẩn đoán xác định nhờ xét nghiệm RT-PCR 

Bệnh được chẩn đoán xác định nhờ xét nghiệm RT-PCR hoặc phân lập vi rút gây bệnh từ dịch tiết của bệnh nhân (dịch hầu họng, dịch mũi, dịch từ phỏng nước, phân..) nhưng thông thường xét nghiệm này là không cần thiết thực hiện ngoại trừ trên những trường hợp bệnh nặng hoặc phục vụ cho mục đích nghiên cứu dịch tễ học.

4. Điều trị bệnh tay chân miệng

Đa số khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nhẹ (độ 1) (Chỉ có loét miệng và/hoặc tổn thương da), trẻ có thể được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở theo nguyên tắc:

  • Dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ theo độ tuổi.
  • Uống đủ nước để tránh mất nước.
  • Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 - 15 mg/kg/lần (uống) mỗi 06 giờ. 
  • Giảm đau miệng bằng Paracetamol hay Ibuprofen, dùng thức ăn mềm, lỏng hoặc làm mát, ăn ít một, nhiều bữa trong ngày.
  • Vệ sinh răng miệng. 
  • Nghỉ ngơi, tránh kích thích. 
  • Không chạm, làm vỡ các bóng nước trên da của trẻ.
  • Tái khám liên tục trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Nếu trẻ có sốt thì cần khám mỗi ngày cho tới khi cắt sốt.
Cho trẻ uống đủ nước để điều trị bệnh tay chân miệng 

Cần tái khám tay chân miệng ngay khi có dấu hiệu:

  • Sốt cao ≥ 390C hoặc sốt hơn 2 ngày.
  • Thở nhanh, khó thở.
  • Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, ăn uống kém. 
  • Đi loạng choạng hoặc yếu tay chân. 
  • Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. 
  • Co giật, hôn mê.

5. Cách phòng ngừa bệnh Tay chân miệng

  • Tay chân miệng là một bệnh lý nhiễm virus dễ lây lan thông qua tiếp xúc với dịch tiết của người bị bệnh. Vì vậy, việc cách ly với nguồn lây và vệ sinh cá nhân sạch sẽ là phương pháp chính để phòng ngừa nhiễm tay chân miệng. 
  • Cho trẻ rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, sổ mũi cũng như sau khi tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng. Việc rửa tay có thể thực hiện với xà phòng hoặc dung dịch cồn sát khuẩn tay nhanh. Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng với nước sạch.
  • Khi chăm sóc trẻ bị bệnh, bố mẹ luôn phải rửa tay sau mỗi lần thay tã lót, đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm, tránh ôm, hôn với trẻ bị bệnh để không mang virus ra ngoài. 
  • Trong thời gian mắc bệnh tay chân miệng, trẻ nên được cách ly tuyệt đối với các trẻ khác còn khỏe mạnh. Cần cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh và chỉ cho trẻ đi học lại khi trẻ không sốt, không còn chảy nước dãi không kiểm soát, trẻ cảm thấy khoẻ, có thể tham gia lớp học.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao thể trạng của trẻ là cũng là cách để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cũng như nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác.

Bài viết trên đã cập nhật các thông tin cần biết về bệnh tay chân miệng. Nếu thấy con em mình có biểu hiện của bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và có chỉ định điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo: cdc.gov

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Võ Ngọc Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Sốt xuất huyết ăn hoa quả gì để bổ sung vitamin?

Sốt xuất huyết ăn hoa quả gì để bổ sung vitamin?

Bị sốt xuất huyết uống nước dừa được không?

Bị sốt xuất huyết uống nước dừa được không?

Thành phố Hà Nội đang có dịch cúm gì hoành hành?

Thành phố Hà Nội đang có dịch cúm gì hoành hành?

Người bệnh bị sốt xuất huyết ăn chuối được không?

Người bệnh bị sốt xuất huyết ăn chuối được không?

Bị sốt xuất huyết có được tắm và gội đầu không?

Bị sốt xuất huyết có được tắm và gội đầu không?

8

Bài viết hữu ích?