Da là cơ quan có khối lượng lớn nhất và luôn phát triển trong cơ thể với khả năng tái tạo thường xuyên. Nhờ khả năng này mà các vết sẹo và khuyết điểm trên da có thể biến mất theo thời gian và làn da được duy trì sự trẻ trung, mịn màng. Tuy nhiên, khi già đi thì khoảng thời gian tái tạo da sẽ kéo dài hơn. Vì vậy, điều quan trọng là phải xây dựng các thói quen chăm sóc da phù hợp theo từng độ tuổi.
Khi chúng ta già đi, khoảng thời gian tái tạo da kéo dài hơn và các tế bào chết tích tụ trên bề mặt da gây ra tình trạng chảy xệ, nếp nhăn. Vi khuẩn có thể bị mắc kẹt trong nang lông gây ra viêm và mụn. Sắc tố cũng có thể bị mắc kẹt, không được đào thải, gây ra các đốm nâu và sạm da. Ngoài ra, biết được thời gian tái tạo da là bao lâu sẽ giúp bạn có được khoảng thời gian đủ để làn da làm quen với các sản phẩm chăm sóc da mới. Việc cắt giảm và thay đổi các sản phẩm chăm sóc da quá thường xuyên có nghĩa là làn da sẽ không có cơ hội làm quen với chúng, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thấy kết quả cho đến cuối giai đoạn đó.
Đến đây, nhiều người không khỏi thắc mắc tái tạo da là gì và thời gian tái tạo da là bao lâu. Chu kỳ tái tạo da là quá trình trong đó một tế bào da mới được hình thành ở lớp sâu nhất của biểu bì và bị đẩy lên đến bề mặt da. Tại thời điểm này, tế bào da đã trưởng thành và bong ra. Khoảng thời gian tái tạo da có thể khác nhau tùy theo từng cá nhân và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi tác, hormone, tình trạng sức khỏe của da và căng thẳng. Trung bình một chu kỳ của da là 5-6 tuần. Ở độ tuổi 19-21, quá trình này có thể mất 14-21 ngày trong khi ở người trưởng thành thời gian ước tính là 28-45 ngày. Khi chúng ta già đi, chu kỳ da này chậm lại còn khoảng 45-60 ngày ở độ tuổi 40 và 50. Nó có thể chậm hơn nữa đến khoảng 60-90 ngày ở độ tuổi 50 và 60.
Ngoài ra, có nhiều yếu tố như tuổi tác, nội tiết tố, căng thẳng,… ảnh hưởng đến thời gian tái tạo da, cụ thể như sau:
Tuổi tác: Lão hóa có tác động đến mọi khía cạnh của cơ thể, bao gồm cả cấu trúc và chức năng của da. Lão hóa khiến mọi thứ đều chậm lại, thậm chí là khoảng thời gian tái tạo da. Khi già đi, làn da của bạn trở nên mỏng hơn và cơ thể có biểu hiện dễ bị phản ứng viêm, khiến da dễ bị tổn thương hơn và có khả năng lành vết thương chậm hơn sau một tai nạn.
Dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống hợp lý là điều cần thiết để tái tạo da tối ưu. Vết thương sẽ không lành nếu bạn không nhận đủ chất dinh dưỡng để phát triển và sửa chữa tế bào. Dinh dưỡng kém cuối cùng có thể dẫn đến béo phì. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, vì vết thương sẽ lâu lành hơn. Bất cứ ai có trọng lượng cơ thể vượt quá mức tối ưu từ 20% trở lên đều dễ mắc phải tình trạng này.
Chấn thương lặp đi lặp lại: Cơ chế bảo vệ của cơ thể sẽ bị hạn chế và khiến tốc độ lành vết thương chậm hơn nếu bạn có nhiều vết thương hoặc chấn thương nặng như phẫu thuật .
Độ ẩm của làn da: Để da phát triển khỏe mạnh phải có đủ chất lỏng và độ ẩm. Bạn có thể có nguy cơ bị tổn thương da, nhiễm trùng và dày da nếu bạn có làn da khô, tình trạng này đặc biệt thường gặp ở người lớn tuổi. Tất cả điều này sẽ kéo dài thời gian tái tạo da. Do đó, duy trì một lượng độ ẩm lý tưởng cho da là điều cần thiết để tái tạo và phục hồi da. Tuy nhiên, mặt khác, nếu da quá ướt, bạn có nguy cơ bị bong tróc hoặc nhiễm trùng.
Bệnh mãn tính: Các rối loạn mãn tính ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái tạo của cơ thể. Rối loạn tim mạch, tiểu đường và rối loạn hệ thống miễn dịch có thể cản trở sự hình thành mô hạt ở da.
Thuốc: Thời gian tái tạo da có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuốc điều trị. Ví dụ, aspirin và ibuprofen, những loại không cần kê đơn, có thể cản trở giai đoạn viêm của quá trình tái tạo tế bào. Thuốc ức chế miễn dịch có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, trong khi thuốc chống đông máu có thể cản trở quá trình đông máu.
2. Trong thời gian tái tạo da cần làm gì?
Làn da sẽ thường xuyên thay đổi trong suốt cuộc đời, theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Nó sẽ tự sửa chữa sau mỗi chu kỳ tái tạo da. Sức khỏe và sức sống của cơ quan bảo vệ này phải được duy trì thông qua việc chăm sóc da đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý trong thời gian tái tạo da:
Bổ sung vitamin C: Các nghiên cứu cho thấy vitamin C bôi ngoài da giúp tăng cường tái tạo tế bào da, thúc đẩy tổng hợp collagen và bảo vệ da khỏi các gốc tự do và lão hóa do ánh sáng. Trong số tất cả các dạng vitamin C, axit L-ascorbic được biết đến là loại vitamin hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da.
Tẩy da chết thường xuyên là chìa khóa để có làn da rạng rỡ: Quá trình này giúp loại bỏ các tế bào da chết, tăng cường tái tạo tế bào mới và giảm các dấu hiệu của lão hóa. Bạn nên sử dụng các công thức tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, không gây bào mòn để tránh gây kích ứng da.
Tăng cường tái tạo da ở da nhạy cảm: Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy tránh sử dụng các acid hydroxy alpha hoặc beta như acid glycolic, acid lactic, acid malic và acid salicylic để thúc đẩy quá trình tái tạo da. Hãy tìm các hoạt chất khác như niacinamide (vitamin B3) và n-acetyl glucosamine. Niacinamide làm dịu làn da nhạy cảm và tăng cường chức năng rào cản của da. Nó làm tăng sản xuất collagen, Elastin và các protein khác trong da lên tới 100%. N-acetyl glucosamine nhẹ nhàng lột bỏ tế bào da chết và làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn. Các nghiên cứu cho thấy niacinamide hoạt động hiệp đồng với n-acetyl glucosamine để thúc đẩy quá trình tái tạo da, giảm các đốm sắc tố và ngăn chặn việc sản xuất quá mức melanin trên da.
Tái tạo da là quá trình tự nhiên cần thiết để làm lành vết thương trên da. Mặc dù vậy, có nhiều yếu tố có thể làm chậm lại thời gian tái tạo da, chẳng hạn như tuổi tác, chất độc từ môi trường, thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng,.. Tin tốt là có rất nhiều sản phẩm và liệu trình chăm sóc da có thể giúp tăng tốc độ tái tạo da. Tuy nhiên, hãy kiên nhẫn với việc chăm sóc da và cho các sản phẩm, liệu trình thời gian để phát huy tác dụng.
Nguồn tham khảo: paiskincare.ie; medifine.co.uk; drtarekaesthetics.com.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số
094 164 8888
hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu