Động vật và con người cần phải bổ sung các chất dinh dưỡng hàng ngày, để tạo ra năng lượng cho quá trình trao đổi chất và vận động của cơ thể. Năng lượng có mối quan hệ chặt chẽ đến tất cả hoạt động sống, sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng cũng có vai trò trong duy trì thân nhiệt cơ thể luôn ở trong khoảng nhiệt độ ổn định. Vậy năng lượng cơ thể là gì?
1. Năng lượng cơ thể là gì?
Năng lượng trong cơ thể giúp duy trì các hoạt động sống, vận động cơ thể. Đơn vị tính năng lượng được biểu thị bằng kcal. Trung bình 1 người phụ nữ trưởng thành cần khoảng 2.000 kcal từ thức ăn mỗi ngày.
Tất cả chúng ta đều cần đến năng lượng để có thể tồn tại, phát triển, duy trì thân nhiệt và hoạt động bình thường. Thông thường, nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể bao gồm carbohydrate, protein và chất béo.
Các loại thực phẩm khác nhau sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể không giống nhau. Bạn có thể xác định mức năng lượng mà các loại thực phẩm cung cấp thông qua nhãn dán thực phẩm. Nhìn chung, năng lượng thường được tính toán bằng đơn vị kilojoules (kJ) hay kilocalories (kcal). Trong một đơn vị kilocalorie (1 kcal) sẽ tương ứng với 4,18 kilojoules (4,18 kJ):
Chất béo: Có chứa 9 kcal (hoặc 37 kJ) trong mỗi gam;
Protein: Chứa 4 kcal (hoặc 17 kJ) trong mỗi gam;
Carbohydrate: Chứa khoảng 4kcal (hoặc 16 kJ) trong mỗi gam.
Đa số chất béo sẽ có mật độ năng lượng cao hơn so với nguồn cung cấp năng lượng khác bao gồmcarbohydrate và protein.
2. Những nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể là gì?
Nhiều người đặt ra câu hỏi, nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể là gì? Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dưỡng chất tự nhiên và phong phú. Nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể bao gồm chất đạm, chất đường bột và chất béo. Năng lượng được cung cấp cho cơ thể dưới dạng hóa năng từ thức ăn nạp vào cơ thể là 1g chất đường bột sinh ra 4 kcal, 1g chất đạm sinh 4 kcal và 1g chất béo sinh ra 9 kcal. Nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể sẽ được sử dụng cho quá trình chuyển hóa và các hoạt động thể lực để cơ thể tăng trưởng và phát triển.
Các loại vitamin và khoáng chất không sinh năng lượng nhưng có công dụng hiệu quả trong tăng cường khả năng miễn dịch và chuyển hóa tế bào.
Nhìn chung, giá trị tiêu chuẩn của cân bằng dinh dưỡng sản sinh năng lượng bao gồm khoảng 15% protein, 25% lipid và 60% carbohydrate.
3. Vai trò của những nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể
3.1. Vai trò của carbohydrate
Carbohydrate được biết đến là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nguyên nhân là do cơ thể cần ít oxy hơn để đốt cháy carbohydrate so với protein hoặc chất béo, carbohydrate được coi là nguồn nhiên liệu hiệu quả nhất của cơ thể.
Carbohydrate cũng có công dụng giúpcho não và hệ thần kinh hoạt động. Khi lượng đường trong máu xuống thấp sẽ xuất hiện những dấu hiệu như cáu kỉnh, mất phương hướng và thờ ơ, giảm hoặc mất khả năng tập trung.
Hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo: Để cơ thể có thể đốt cháy chất béo hiệu quả, cơ thể cần phải phân hủy một lượng carbohydrate nhất định. Nguyên nhân là do dự trữ carbohydrate bị hạn chế so với dự trữ chất béo của cơ thể, tiêu thụ một chế độ ăn không đủ carbohydrate về cơ bản sẽ hạn chế quá trình chuyển hóa chất béo.
Duy trì khối lượng protein nạc hay khối cơ bắp: Việc tiêu thụ đủ carbohydrate giúp cơ thể không sử dụng protein (từ cơ bắp, cơ quan nội tạng hoặc chế độ ăn uống của một người) làm nguồn năng lượng. Protein được cung cấp từ chế độ dinh dưỡng được sử dụng tốt hơn nhiều để xây dựng, duy trì và sửa chữa các mô cơ thể, cũng như tổng hợp hormon, các loại enzyme và chất dẫn truyền thần kinh.
Carbohydrate là một trong nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt là cung cấp năng lượng cho não bộ hoạt động và hệ thống thần kinh trung ương, đồng thời có tác dụng trong bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.
Nguyên nhân là do chức năng quan trọng nhất của carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể nên việc lựa chọn sử dụng nguồn thực phẩm cung cấp carbohydrate lành mạnh đóng vai trò quan trọng. Carbohydrate lành mạnh có trong thành phần của gạo, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại đậu và trái cây.
3.2. Vai trò của chất béo
Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể: Cụ thể chất béo cung cấp năng lượng gấp đôi so với protein và carbohydrate (9 calo mỗi gam chất béo so với 4 calo mỗi gam carbohydrate hay protein).
Chất béo cung cấp nguồn dự trữ năng lượng trong cơ thể trong mô mỡ
Chất béo cũng có tác dụng giúp tăng cường hấp thu các khoáng chất và các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K.
Chất béo giúp cho các tế bào não và hệ thần kinh phát triển.
Các chất béo lành mạnh có thể có công dụng trong duy trì lượng đường trong máu, làm giảm nguy cơ mắc các biến cố liên quan đến tim mạch, đái tháo đường loại 2 và cải thiện chức năng não bộ.
Với khả năng kháng viêm mạnh mẽ, chất béo cũng có tác dụng trong giảm nguy cơ viêm khớp và ung thư.
Chất béo lành mạnh có trong thành phần cá biển, các loại hạt và dầu thực vật như bơ, ô liu và hạt lanh. Các chất béo không bão hòa như axit béo omega – 3 và omega – 6 là các axit béo cần thiết mà cơ thể không có khả năng tự tổng hợp được, có lợi cho sức khỏe. Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bạn nên hạn chế sử dụng chất béo bão hòa từ động vật như mỡ heo, bơ, thịt đỏ...
3.3. Vai trò của chất đạm
Nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể khi chế độ ăn uống hàng ngày không đủ tổng lượng calo hoặc carbohydrate. Trong tình huống này, cơ thể buộc phải sử dụng đến protein để đáp ứng nhu cầu năng lượng, dẫn đến sự phân hủy khối lượng cơ nạc.
Chất đạm là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể chiếm khoảng 16% trọng lượng cơ thể. Mỗi tế bào, từ da, tóc đến xương đều có chứa protein. Tất cả các loại kháng thể, hormone trong cơ thể đều được cấu tạo từ protein.
Protein cũng tham gia vào quá trình xây dựng các cấu trúc của cơ thể cũng như có vai trò trong quá trình tăng trưởng và duy trì sức khỏe.
Chất đạm tạo nên dịch tiêu hóa, các loại enzym, các hormone nhằm điều hòa các hoạt động của cơ thể. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để tạo các kháng thể, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Chất đạm được cấu tạo từ khoảng 20 loại axit amin khác nhau và có những loại axit amin mà cơ thể tự tổng hợp được. Nhưng cũng có những loại mà cơ thể không có khả năng tổng hợp được, yêu cầu phải cung cấp từ thực phẩm, được gọi là các loại acid amin.
Chất đạm có trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật như thịt, các loại thủy hải sản, các sản phẩm làm từ sữa, các loại đậu (đậu nành, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ) và ngũ cốc.
Năng lượng đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa và duy trì các hoạt động sống của con người. Theo đó, chúng ta cần xây dựng thực đơn phù hợp để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, đồng thời cân bằng năng lượng ăn vào, năng lượng tiêu hao và năng lượng dự trữ để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số
094 164 8888
hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu