Zalo

Làm gì khi bị trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần là tình trạng rối loạn trầm cảm nặng với các đặc điểm của rối loạn tâm thần như ảo tưởng và ảo giác. Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi, cuộc sống hàng ngày và sức khỏe thể chất của người bệnh. Cùng tìm hiểu rõ hơn về giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần và cách điều trị tình trạng này qua bài viết dưới đây.

1. Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần là gì?

Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần là tình trạng rối loạn trầm cảm nặng với các đặc điểm của rối loạn tâm thần. Nếu người bệnh đang ở giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần thì người bệnh sẽ có các triệu chứng của cả trầm cảm nặng và loạn thần.

Các triệu chứng của trầm cảm nặng, bao gồm:

  • Tâm trạng chán nản, trống rỗng, buồn bã hoặc vô vọng dai dẳng. Một số người có thể tin rằng cuộc sống không còn đáng sống nữa. Trong khi một số người khác có thể cảm thấy cáu kỉnh hơn là buồn bã.
  • Mất hứng thú và niềm vui trong các hoạt động người bệnh từng yêu thích
  • Thay đổi đột ngột và không giải thích được về khẩu vị và cân nặng
  • Rối loạn giấc ngủ bao gồm mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
  • Ít năng lượng hơn bình thường hoặc mệt mỏi kéo dài
  • Những thay đổi trong chuyển động, chẳng hạn như bồn chồn hoặc cảm thấy bị chậm lại
  • Khó tập trung và đưa ra quyết định
  • Thường xuyên có cảm giác vô dụng, bất lực, hận thù bản thân và tội lỗi
  • Thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc tự tử

Các triệu chứng của loạn thần liên quan đến sự đoạn tuyệt hoặc mất kết nối với thực tế, vì vậy những người bệnh trải qua loạn thần đôi khi không nhận thức được các triệu chứng của họ. Các triệu chứng loạn thần, bao gồm:

  • Ảo tưởng: Niềm tin sai lầm về những gì đang xảy ra 
  • Ảo giác: Nhìn, nghe và cảm nhận những thứ không có thật
  • Suy giảm tâm thần vận động: Suy nghĩ, cử động và cảm giác chậm lại
  • Trạng thái sững sờ: Người bệnh không thể di chuyển, nói chuyện và phản ứng với môi trường xung quanh

Các chuyên gia đã chia trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần thành 2 loại, bao gồm:

  • Trầm cảm nặng với các đặc điểm loạn thần phù hợp với tâm trạng. Ảo giác và ảo tưởng phản ánh những cảm giác và cảm xúc thường xuất hiện cùng với bệnh trầm cảm, bao gồm cảm giác về sự kém cỏi của bản thân, sự vô dụng, cảm giác tội lỗi và nỗi sợ hãi về bệnh tật hoặc cái chết.
  • Trầm cảm nặng với các đặc điểm loạn thần không phù hợp với tâm trạng. Ảo giác và ảo tưởng xung đột với những cảm xúc liên quan đến trầm cảm. Bạn có thể gặp ảo giác về người thân, nghe thấy những giọng nói khen ngợi mình hoặc ngửi thấy mùi gì đó dễ chịu. Bạn cũng có thể tin rằng ai đó đang cố đuổi theo, bắt cóc hoặc kiểm soát suy nghĩ của bạn.

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của tình trạng trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần hay hưng cảm có triệu chứng loạn thần này. Nguyên nhân của tình trạng này có thể bao gồm:

  • Di truyền học: Bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn nếu người thân như cha mẹ hoặc anh chị em, cũng bị trầm cảm.
  • Sinh học và hóa học não: Sự mất cân bằng trong các chất hóa học trong não như dopamine và serotonin đóng vai trò trong nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và rối loạn tâm thần. 
  • Nhân tố môi trường: Những trải nghiệm đau thương hoặc căng thẳng kéo dài, đặc biệt là thời thơ ấu, cũng có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.
trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
Ảo tưởng và ảo giác là triệu chứng của trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần

2. Bị trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần có nguy hiểm không?

Trầm cảm luôn luôn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất và cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, người bệnh ở giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vì những nguyên nhân sau:

  • Tâm trạng u sầu dai dẳng và nặng nề
  • Triệu chứng nghiêm trọng hơn
  • Có nguy cơ tự làm hại bản thân hoặc có ý nghĩ tự tử cao hơn

Nguyên nhân là do tình trạng ảo tưởng và ảo giác thường khiến người bệnh có cảm giác hoàn toàn có thật, làm họ cảm thấy hoảng loạn và đau khổ cùng cực. Một số người bệnh ở giai đoạn trầm cảm có triệu chứng loạn thần đã làm tổn thương bản thân hoặc người khác trong khi nỗ lực làm cho các triệu chứng này chấm dứt.

trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh

3. Phải làm gì khi bị trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần?

Nếu như bạn có triệu chứng của giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần hay hưng cảm có triệu chứng loạn thần thì bạn cần nhận được sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay lập tức. Tình trạng này thường sẽ không cải thiện nếu không được can thiệp điều trị. Tùy vào tình trạng của người bệnh mà các bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân nên ở lại bệnh viện điều trị nội trú một thời gian ngắn để điều trị chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng và những ý nghĩ dai dẳng về việc tự làm hại bản thân hoặc tự tử. 

Các phương pháp điều trị giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần, bao gồm:

3.1 Thuốc

Thông thường, điều trị bằng thuốc bao gồm sự kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần. Những loại thuốc này giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não.

Tùy thuộc vào triệu chứng mà bác sĩ giúp bạn tìm đúng loại thuốc và liều lượng, cũng như đưa ra hướng dẫn về các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Những loại thuốc này có thể bắt đầu có tác dụng ngay lập tức nhưng người bệnh cũng có thể không nhận thấy tác dụng đầy đủ của thuốc trong vài tuần.

3.2 Liệu pháp điện giật

Liệu pháp điện giật được chỉ định cho những trường hợp hưng cảm có triệu chứng loạn thần nặng không đáp ứng với thuốc và các phương pháp điều trị khác.

Phương pháp điều trị này bao gồm một loạt các phương pháp điều trị kích thích não của bạn bằng dòng điện có điện áp được kiểm soát. Dòng điện tạo ra một cơn co giật nhẹ, ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh trong não của bạn.

Mặc dù được coi là an toàn và nói chung là hiệu quả đối với những người có ý nghĩ tự tử, rối loạn tâm thần và căng trương lực, nhưng liệu pháp điện giật có một số rủi ro có thể xảy ra, bao gồm:

  • Mất trí nhớ ngắn hạn
  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi

Liệu pháp điện giật có thể không ngăn chặn các triệu chứng của bạn quay trở lại hoàn toàn, vì vậy bác sĩ tâm thần của bạn có thể sẽ đề nghị điều trị liên tục dưới hình thức trị liệu, dùng thuốc hoặc cả hai.

3.3 Trị liệu tâm lý

Mặc dù liệu pháp trị liệu tâm lý đơn thuần có thể không có tác dụng nhiều trong việc cải thiện các triệu chứng rối loạn tâm thần nhưng nó vẫn có thể mang lại lợi ích như một phương pháp hỗ trợ.

Trị liệu tâm lý mang lại một không gian an toàn để chia sẻ những cảm xúc và trải nghiệm đau buồn cho một người. Nhà trị liệu cũng có thể dạy các chiến lược đối phó với ảo giác và ảo tưởng.

Các cách tiếp cận có thể bao gồm:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết
  • Kích hoạt hành vi

3.4 Điều trị bổ sung

Đối với những người bệnh ở giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần, bên cạnh việc sử dụng những phương pháp điều trị trên thì cần kết hợp với lối sống lành mạnh, bao gồm:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết sẽ giúp cho não bộ hoạt động tốt hơn, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể và giúp người bệnh cân bằng cảm xúc tốt hơn. Vì vậy, áp dụng chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp người bệnh nhanh chóng đẩy lùi được các triệu chứng của bệnh.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hầu hết bệnh nhân trầm cảm thường chỉ muốn ngồi yên một chỗ, không muốn vận động và ngại tiếp xúc với mọi người. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể người bệnh hoạt động tốt hơn và thúc đẩy quá trình trao đổi chất ở não bộ. Nhờ đó, tập thể dục sẽ giúp người bệnh giảm bớt được áp lực, u buồn, chán nản và căng thẳng.
  • Đảm bảo giấc ngủ ngon: Giấc ngủ đã được chứng minh có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và cảm xúc của con người. Khi cơ thể bị mất ngủ thì các chất dẫn truyền ở não bộ sẽ bị tác động, gây ra các triệu chứng căng thẳng, mệt mỏi và tiêu cực. Đặc biệt, người bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần thường có tình trạng mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Cải thiện chất lượng giấc ngủ giúp người bệnh ngủ đủ giấc mỗi đêm, đảm bảo năng lượng và giảm căng thẳng, nhờ đó triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện.
  • Quản lý căng thẳng: Người bệnh trầm cảm nên cố gắng tìm kiếm những điều thú vị và mới mẻ trong cuộc sống. Tự làm mới cuộc sống mỗi ngày và nhìn nhận các vấn đề ở góc nhìn tích cực hơn. Bên cạnh đó, người bệnh có thể chủ động tìm kiếm người thân, bạn bè để chia sẻ và tâm sự những khó khăn bản thân đang gặp phải.
  • Ngồi thiền: Các chuyên gia tâm lý đã chứng minh rằng ngồi thiền khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày sẽ giúp người bệnh thư giãn, giảm bớt cảm giác căng thẳng, cảm xúc tiêu cực và mệt mỏi rõ rệt.

Tóm lại, tình trạng trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những triệu chứng ảo tưởng và ảo giác đôi khi khiến người bệnh có ý nghĩ và hành vi làm hại bản thân và những người xung quanh. Vì vậy, người bệnh có triệu chứng của trầm cảm nặng, xuất hiện thêm loạn thần cần được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Bên cạnh các phương pháp điều trị đặc hiệu thì người bệnh cũng nên kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com, nhs.uk/mental-health, mountsinai.org

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Bác sĩ Chu Yến Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả

44

Bài viết hữu ích?

Bài viết hữu ích?

xem thêm
Các loại trầm cảm thường gặp

Các loại trầm cảm thường gặp

Cách chữa bệnh trầm cảm thế nào để hiệu quả?

Cách chữa bệnh trầm cảm thế nào để hiệu quả?

Tiền mãn kinh và trầm cảm: Vì sao cần cẩn trọng với trầm cảm tiền mãn kinh?

Tiền mãn kinh và trầm cảm: Vì sao cần cẩn trọng với trầm cảm tiền mãn kinh?

Trầm cảm theo mùa là bệnh gì và tác động của nó

Trầm cảm theo mùa là bệnh gì và tác động của nó

Rối loạn lo âu có phải là trầm cảm không? Có nguy hiểm và có chữa được không?

Rối loạn lo âu có phải là trầm cảm không? Có nguy hiểm và có chữa được không?

44

Bài viết hữu ích?