Zalo

Cách chữa bệnh trầm cảm thế nào để hiệu quả?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Trầm cảm là một rối loạn tâm lý phổ biến hiện nay có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Mỗi bệnh nhân sẽ có cách vượt qua trầm cảm khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người bệnh gặp khó khăn trong quá trình điều trị do tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, không tuân thủ điều trị và thời gian điều trị kéo dài. Vậy cách chữa bệnh trầm cảm thế nào để đạt hiệu quả?

1. Vì sao nhiều người chữa bệnh trầm cảm nhưng kéo dài, lâu khỏi hoặc không khỏi?

Trầm cảm là tình trạng rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần, thể chất và cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.

Hiện nay, việc điều trị bệnh trầm cảm còn gặp một số khó khăn khiến quá trình điều trị kéo dài, lâu khỏi, thậm chí là không khỏi. Nguyên nhân có thể là do:

  • Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm: Tương tự như các loại thuốc khác, thuốc chống trầm cảm cũng có một số tác dụng không mong muốn gây khó chịu cho người bệnh như buồn nôn, tăng cân, mệt mỏi, mất ngủ, mờ mắt, khô miệng, táo bón và giảm ham muốn. Những tác dụng phụ này đôi khi trở thành rào cản trong việc tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân khiến bệnh nhân tự ý bỏ thuốc. Điều này dẫn đến quá trình điều trị không đạt hiệu quả và đôi khi còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng như hội chứng cai thuốc.
  • Khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh còn thấp: Người bệnh trầm cảm luôn mang tâm lý buồn bã và mất hứng thú với mọi thứ trong cuộc sống. Tâm trạng này sẽ khiến bệnh nhân luôn suy nghĩ rằng việc điều trị sẽ không mang lại kết quả và họ sẽ không bao giờ khỏi bệnh. Chính suy nghĩ này sẽ làm bệnh nhân không tuân thủ điều trị khiến quá trình điều trị kéo dài và thậm chí là không khỏi nếu bệnh nhân không quay lại điều trị.
  • Điều trị cần thời gian dài mới có hiệu quả: Điều trị bệnh trầm cảm là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kết hợp của bác sĩ, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Một số trường hợp bệnh nhân trầm cảm cần điều trị suốt đời, do đó bệnh nhân và gia đình cần kiên trì điều trị để cải thiện triệu chứng của bệnh và giúp cuộc sống trở lại bình thường.
cách chữa trầm cảm
Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm có thể khiến người bệnh không tuân thủ điều trị

2. Nguyên nhân chữa trầm cảm thất bại

Trầm cảm là bệnh lý khó có thể tự biến mất. Trên thực tế, nếu bệnh trầm cảm không được chẩn đoán và điều trị thì bệnh có thể kéo dài hàng tháng, đôi khi hàng năm và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh. 

Mỗi bệnh nhân cần tìm ra cách chữa bệnh trầm cảm phù hợp với mình. Quá trình điều trị có thể mất thời gian và sự kiên nhẫn để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân chữa trầm cảm thất bại thường do sự không tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Bệnh nhân luôn cảm thấy chán nản không muốn điều trị và tự ý ngưng thuốc. Việc tự ý ngưng thuốc khi không có sự theo dõi và giám sát của bác sĩ đôi khi sẽ làm bệnh trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn và khi bắt đầu điều trị lại sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân sẽ gặp những tác dụng phụ và biến chứng trong quá trình sử dụng thuốc chống trầm cảm khiến họ cảm thấy rằng việc điều trị không phù hợp với lối sống của họ. Điều này sẽ khiến quá trình điều trị trầm cảm thất bại.

3. Cách chữa bệnh trầm cảm cần tuân theo những điều gì để đảm bảo hiệu quả?

Khi bạn bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy như bản thân sẽ không bao giờ thoát ra được khỏi bóng tối. Tuy nhiên, ngay cả chứng trầm cảm nặng nhất cũng có thể điều trị được. Vì vậy, nếu chứng trầm cảm khiến bạn không thể sống cuộc sống như mong muốn, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên khoa tâm thần và những người xung quanh. Từ trị liệu đến dùng thuốc cho đến thay đổi lối sống lành mạnh, có rất nhiều cách chữa trầm cảm khác nhau.

Có thể, không có người nào bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm theo cách giống hệt nhau và cũng không có một phương pháp điều trị “phù hợp cho tất cả” để chữa bệnh trầm cảm. Những gì hiệu quả với một người có thể không hiệu quả với người khác. Tuy nhiên, bằng cách tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt, bạn có thể tìm ra các cách vượt qua trầm cảm, cảm thấy vui vẻ và hy vọng trở lại cuộc sống bình thường của mình.

Một số lời khuyên trong quá trình điều trị trầm cảm để đạt hiệu quả tốt nhất, bao gồm:

  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về tình trạng trầm cảm của bản thân. Điều quan trọng là xác định xem các triệu chứng trầm cảm của bạn có phải do bệnh lý tiềm ẩn hay không. Nếu vậy, tình trạng đó sẽ cần được điều trị trước tiên. Mức độ trầm cảm của bạn cũng là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn cách chữa trầm cảm. Trầm cảm càng nghiêm trọng thì bạn càng cần điều trị chuyên sâu hơn.
  • Phải mất thời gian để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Có thể phải mất vài lần thử và sai sót để tìm ra phương pháp điều trị, hỗ trợ phù hợp nhất với bạn. Ví dụ, nếu bạn quyết định theo đuổi liệu pháp trị liệu, bạn có thể phải nỗ lực vài lần để tìm được một nhà trị liệu mà bạn thực sự thích. Hãy cởi mở để thay đổi và thử nghiệm một chút.
  • Không nên chỉ dựa vào thuốc chống trầm cảm. Mặc dù thuốc có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm nhưng nó thường không phù hợp để sử dụng lâu dài. Nếu bạn quyết định thử dùng thuốc, hãy nhớ rằng thuốc cũng có tác dụng tốt nhất khi bạn kết hợp với việc thay đổi lối sống lành mạnh.
  • Việc điều trị cần có thời gian và sự tuân thủ điều trị. Tất cả các phương pháp điều trị trầm cảm này đều cần có thời gian và đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy quá sức hoặc chậm chạp một cách khó chịu. Đó là bình thường, vì quá trình phục hồi thường có những thăng trầm.
  • Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách vượt qua trầm cảm và có tác dụng điều trị trầm cảm hiệu quả như dùng thuốc. Tập thể dục không chỉ giúp tăng cường serotonin, endorphin và các chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu khác trong não mà còn kích thích sự phát triển của các tế bào não và kết nối mới, giống như thuốc chống trầm cảm. 
  • Hỗ trợ xã hội: Mạng xã hội mạnh mẽ làm giảm sự cô lập, yếu tố nguy cơ chính dẫn đến trầm cảm. Giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè và gia đình hoặc cân nhắc việc tham gia một lớp học hoặc nhóm. Tình nguyện là một cách tuyệt vời để nhận được sự hỗ trợ xã hội và giúp đỡ người khác đồng thời giúp đỡ chính mình.
  • Dinh dưỡng: Ăn uống tốt rất quan trọng cho cả sức khỏe thể chất, tinh thần - đây là cách vượt qua trầm cảm hiệu quả. Hãy ăn các bữa ăn nhỏ, cân bằng trong suốt cả ngày sẽ giúp bạn duy trì năng lượng và giảm thiểu sự thay đổi tâm trạng. Mặc dù bạn có thể bị thu hút bởi các loại thực phẩm có đường để tăng cường sức khỏe nhanh chóng nhưng carbohydrate phức hợp là lựa chọn tốt hơn.
  • Ngủ: Giấc ngủ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng. Khi bạn không ngủ đủ giấc, các triệu chứng trầm cảm sẽ trở nên trầm trọng hơn. Thiếu ngủ làm trầm trọng thêm sự khó chịu, ủ rũ, buồn bã và mệt mỏi. Hãy chắc chắn rằng bạn ngủ đủ giấc mỗi đêm. Rất ít người làm việc hiệu quả khi ngủ chưa đầy 7 giờ mỗi đêm. Hãy đặt mục tiêu ngủ trong khoảng từ bảy đến chín giờ mỗi đêm.
  • Giảm căng thẳng: Thực hiện những thay đổi trong cuộc sống của bạn để giúp quản lý và giảm căng thẳng. Quá nhiều căng thẳng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm và khiến bạn có nguy cơ bị trầm cảm trong tương lai. Hãy xem xét các khía cạnh trong cuộc sống khiến bạn căng thẳng, chẳng hạn như công việc quá tải hoặc các mối quan hệ không được hỗ trợ, và tìm cách giảm thiểu tác động của chúng.
cách chữa trầm cảm
Tập thể dục thường xuyên có thể góp phần cải thiện triệu chứng trầm cảm

Tóm lại, quá trình điều trị bệnh trầm cảm tương đối phức tạp, đòi hỏi phải có sự kết hợp và hợp tác giữa bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nguyên nhân khiến người bệnh thất bại trong quá trình điều trị là do sự không tuân thủ điều trị và một số tác dụng phụ của thuốc. Mỗi bệnh nhân sẽ có cách chữa trầm cảm khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Bệnh nhân và gia đình cần kiên trì để tìm ra phương pháp phù hợp với người bệnh, từ đó giúp giảm triệu chứng trầm cảm và trở lại cuộc sống bình thường.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Bác sĩ Chu Yến Nhi xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Bệnh rối loạn tâm thần có di truyền không?

Bệnh rối loạn tâm thần có di truyền không?

Cách thực hiện bài test mức độ trầm cảm

Cách thực hiện bài test mức độ trầm cảm

Có mấy loại rối loạn tâm thần thường gặp?

Có mấy loại rối loạn tâm thần thường gặp?

Các triệu chứng rối loạn tâm thần điển hình

Các triệu chứng rối loạn tâm thần điển hình

Bệnh rối loạn tâm thần có chữa khỏi được không?

Bệnh rối loạn tâm thần có chữa khỏi được không?

19

Bài viết hữu ích?