Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, giúp não bộ được nghỉ ngơi và giải tỏa stress, tăng cường khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ. Do đó, bị mất ngủ kéo dài có thể gây ra nhiều tác hại về thể chất và tinh thần cho người bệnh. Vậy mất ngủ kéo dài nguy hiểm thế nào? Bị mất ngủ kéo dài có tác hại gì?
Mất ngủ kéo dài được chẩn đoán khi người bệnh than phiền không ngủ được hoặc khó vào giấc, khó duy trì giấc ngủ kéo dài ít nhất 3 tháng. Các loại mất ngủ được phân loại như sau:
Mất ngủ đầu giấc: Bệnh nhân thường phải tới 1-2 giờ sáng mới có thể ngủ được nhưng giấc ngủ không sâu và dễ thức giấc. Mất ngủ đầu giấc thường gặp ở người trẻ tuổi.
Mất ngủ giữa giấc: Bệnh nhân hơi khó vào giấc ngủ, ngủ được tới 2-3 giờ sáng thì thức giấc và phải mất 1-2 giờ đồng hồ mới ngủ tiếp được, thường hay gặp ở người trung niên.
Mất ngủ cuối giấc: Thường gặp ở người cao tuổi, mặc dù không quá khó vào giấc ngủ nhưng giấc ngủ không kéo dài, có khi đến khoảng 2-3 giờ sáng thì thức giấc và không thể ngủ lại.
Mất ngủ hoàn toàn: Bệnh nhân không hề ngủ được trong 24 giờ, rất hiếm gặp và thường gây ra cáu gắt, lo lắng kéo dài cho giấc ngủ.
Mất ngủ do tâm lý: Người bệnh than phiền khó đi vào giấc ngủ, có thể mất ngủ kéo dài nhiều năm trước khi đến khám. Đối tượng này thường không thực sự có các stress rõ ràng trong cuộc sống nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới giấc ngủ như phòng ngủ, giường ngủ. Vì vậy đôi khi mất ngủ do tâm lý được gọi là mất ngủ có điều kiện.
2. Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài
Để biết được mất ngủ kéo dài nguy hiểm thế nào thì đầu tiên cần xác định các nguyên nhân gây tình trạng này. Nguyên nhân bị mất ngủ kéo dài rất đa dạng và nên được xác định để có hướng điều trị phù hợp. Các lý do chính gây mất ngủ kéo dài có thể kể đến như:
Stress: Các khó khăn trong công việc và cuộc sống gây ra stress là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chứng mất ngủ kéo dài, đặc biệt ở giới trẻ.
Rượu bia, chất kích thích: Các loại đồ uống có cồn hoặc chứa chất kích thích, caffeine như cà phê thường gây hưng phấn hệ thần kinh dẫn tới rối loạn giấc ngủ, mất ngủ kéo dài.
Thuốc: Khi lạm dụng các thuốc điều trị tăng huyết áp, corticoid, thuốc chống trầm cảm,… cũng có khả năng gây mất ngủ.
Môi trường sinh hoạt: Việc bị lệch múi giờ hoặc thói quen sinh hoạt không hợp lý cũng dễ gây mất ngủ. Bên cạnh đó, nếu môi trường sống quá ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn do xe cộ hoặc công trình sẽ phá hỏng chu kỳ ngủ của người bệnh.
Bệnh lý: Các bệnh lý mạn tính có thể gây ra triệu chứng vào ban đêm như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, đái tháo đường, tăng huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt,… cũng là những nguyên nhân gây ra mất ngủ kéo dài, đặc biệt ở người cao tuổi.
3. Bị mất ngủ kéo dài có tác hại gì?
Giấc ngủ là 1 phần cực kì quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, việc mất ngủ kéo dài có thể gây ra các hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe. Các tác hại của việc mất ngủ kéo dài gồm có:
Mất tập trung: Giấc ngủ bị gián đoạn trong thời gian dài khiến não bộ không thể có các giai đoạn ngủ sâu và mơ, hệ quả là người bệnh luôn cảm thấy chậm chạp và khó khăn trong việc tập trung hay ghi nhớ thông tin.
Giảm hiệu suất công việc: Thiếu ngủ chắc chắn sẽ làm giảm hiệu suất công việc vào ban ngày vì cơ thể không sản sinh đủ hormon sinh trường mà tạo ra nhiều cortisol là hormone gây căng thẳng. Ngoài ra, cortisol còn làm tăng tình trạng viêm do mụn và hình thành nếp nhăn nhiều hơn.
Rối loạn tâm lý: Thiếu ngủ khiến não bộ của người bệnh có nhiều phản hồi tiêu cực hơn, thường dẫn tới rối loạn lo âu, cáu gắt, mệt mỏi, uể oải,…Từ đó nảy sinh các vấn đề về sức khoẻ tâm thần như trầm cảm hoặc tự kỷ
Bệnh lý tim mạch: Thiếu ngủ khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động nhiều hơn, mạch máu phải co lại gây tăng huyết áp, tạo áp lực cho tim. Bên cạnh đó, khi ngủ ít cơ thể sẽ cần nhiều insulin hơn để duy trì mức đường huyết gây tác động xấu tới hệ tim mạch.
Tăng cân: Thiếu ngủ còn có thể khiến tình trạng thừa cân trở nên trầm trọng hơn vì cơ thể mệt mỏi, căng thẳng khiến lượng calo không thể tiêu hao, tăng lượng mỡ tích tụ.
Trầm cảm: Mất ngủ kéo dài có thể làm giảm chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng điều chỉnh tâm trạng con người.
Nguy cơ ung thư: Thiếu ngủ kéo dài cũng có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư do hormone melatonin được sản xuất trong khi ngủ có khả năng chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u vì vậy khi thiếu ngủ cơ thể sẽ bị mất đi cơ chế này.
Có thể thấy mất ngủ kéo dài để lại rất nhiều hậu quả tiêu cực cho sức khỏe con người. Do đó khi người bệnh mất ngủ trong khoảng dưới 1 tháng có thể sử dụng các biện pháp cải thiện như ngâm chân nước ấm trước khi ngủ hoặc thiền, đọc sách, thư giãn nhẹ nhàng, hạn chế ăn khuya và thay đổi lối sống nói chung. Tuy nhiên, nếu các biện pháp đều không hiệu quả và thời gian mất ngủ ngày càng nhiều hơn thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị. Hiện nay, phương pháp truyền tái tạo năng lượng là giải pháp được nhiều người tin tưởng, giúp bổ sung tức thì vitamin cho toàn bộ cơ thể, chống lại sự mệt mỏi, cải thiện tinh thần, trẻ hóa não bộ và tăng cường năng lượng nhanh chóng từ cấp độ tế bào. Phương pháp này được thực hiện bằng cách truyền tĩnh mạch vi hoạt chất (bao gồm: Chất lỏng, chất điện giải, vitamin, chất chống oxy hóa và axit amin cùng dung dịch truyền độc quyền) giúp bổ sung toàn diện vitamin, axit amin và thúc đẩy glutathione để có sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Nhờ đó bạn sẽ nhanh chóng lấy lại năng lượng tích cực và thoát khỏi tình trạng căng thẳng, stress kéo dài.