Zalo

Cơ thể thay đổi sau khi mang thai: Những điều mẹ bầu cần biết

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Mang thai là một trải nghiệm tuyệt vời và khó quên đối với mỗi người phụ nữ. Bên cạnh niềm vui khi chào đón thiên thần nhỏ ra đời, mẹ còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi về những thay đổi sắp diễn ra trong cuộc sống. Có những thay đổi là nhất thời, có những thay đổi là vĩnh viễn. Minh chứng dễ thấy nhất cho điều này đó là cơ thể mẹ. Thay đổi của cơ thể khi mang thai là điều không thể tránh khỏi. Mẹ cần học cách đối diện một cách tích cực và lạc quan. Bởi lẽ, mỗi một dấu tích mang thai trên cơ thể đều thật thiêng liêng, tuyệt vời và đáng trân trọng.

1. Mang thai - Thiên chức vĩ đại nhưng cũng là sự hy sinh to lớn 

9 tháng 10 ngày mang thai là khoảng thời gian thật đáng nhớ đối với nhiều phụ nữ. Song song với sự phát triển của bào thai, người mẹ sẽ phải đối diện với vô vàn những thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần. Theo National Library of Medicine, sự xuất hiện của bào thai khiến tim người mẹ buộc phải bơm thêm 50% máu, hoạt động với 150% công suất, da căng lên, ngực nở ra khoảng từ 1 - 2 cúp, thân nhiệt tăng và tâm trạng cũng trở nên “thất thường” hơn. 

Những thay đổi trên phần lớn do đáp ứng của cơ thể với sự biến thiên nồng độ hormon trong giai đoạn mang thai. Do đó, sau khi sinh, hầu hết những thay đổi này sẽ biến mất. Tuy nhiên, có một số thay đổi của cơ thể khi mang thai vĩnh viễn không thể nào “hoàn trả” được. Việc mang thai có thể để lại những tác động lâu dài mà người mẹ cần chuẩn bị tâm lý đón nhận một cách tích cực và vui vẻ. 

cơ thể thay đổi thế nào sau khi mang thai
Cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều khi mang thai

2. Cơ thể thay đổi thế nào sau khi mang thai? 

Dưới đây là 10 thay đổi của cơ thể khi mang thai mà mẹ có thể dễ dàng tìm ra trên cơ thể của mình:

2.1. Rạn da 

Theo Tạp chí Da liễu Anh, phụ nữ có thể xuất hiện các vết rạn da màu hồng hoặc đỏ, xảy ra do da bị kéo căng vì sự tăng cân nhanh chóng khi mang thai. Các vết rạn có thể biến mất sau 1 - 2 năm. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiều lần, hoặc tăng - giảm cân thất thường, những vết rạn có thể trở nên rõ rệt hơn. 

Bên cạnh vết rạn da, mang thai cũng đi kèm với một loạt các thay đổi liên quan đến sắc tố da. Mẹ có thể dễ dàng bắt gặp các đốm nâu trên mặt (nám, tàn nhang) hoặc nốt ruồi sẫm màu hơn khi mang thai. Đường kẻ nâu ở bụng (linea nigra - đường thẳng đứng sẫm màu chạy dọc từ bụng đến vùng hông) ngày càng trở nên đậm màu hơn do sự gia tăng sắc tố melanin (theo Hội Sản phụ khoa Mỹ - ACOG). Các chuyên gia cho biết, các vùng da sẫm màu thường mờ đi sau khi sinh. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều năm. 

cơ thể thay đổi thế nào sau khi mang thai
Những vết rạn da thường rất dễ thấy ở phụ nữ sau khi mang thai

2.2. Hông nở rộng hơn 

Một số mẹ bỉm nhận thấy rằng hông của họ dường như rộng hơn sau khi sinh con. Có 2 nguyên nhân lý giải hiện tượng này, cụ thể như sau:

  • Hormone relaxin làm giãn và làm mềm các khớp, dây chằng khung chậu giúp cơ thể mẹ dễ dàng đẩy em bé ra ngoài khi chuyển dạ. 
  • Sự lắng đọng các chất béo ở vùng hông khiến mẹ lầm tưởng hông của mình trở nên rộng hơn. 

Nếu nguyên nhân hông rộng đến từ sự thay đổi cấu trúc khung chậu, hiện tượng này không thể hồi phục sau khi sinh. Còn nếu hông mẹ rộng ra vì tích tụ mỡ thừa, một chế độ tập luyện và ăn uống khoa học, hợp lý sẽ giúp mẹ lấy lại vòng ba thon gọn và săn chắc. 

2.3. Rụng tóc 

Nồng độ estrogen tăng cao trong thời kỳ mang thai khiến tóc của phụ nữ trở nên dày và mượt hơn. Do đó, sau khi sinh, mức độ estrogen trở về bình thường một cách đột ngột gây nên tình trạng rụng tóc. Hiện tượng này thường diễn ra tạm thời và sẽ hết trong vòng 12 - 18 tháng. 

2.4. Ngực to, chảy xệ hoặc teo nhỏ 

Trong và sau khi mang thai, vòng một của phụ nữ trải qua nhiều thay đổi khác nhau. Thông thường, kích cỡ ngực sẽ trở nên lớn hơn do mô mỡ không hoạt động trong bầu ngực sẽ được thay thế bằng mô chức năng để tạo sữa cho em bé bú. Khi mẹ ngừng cho con bú, các mô chức năng này sẽ teo đi vì nó không còn được sử dụng nữa. Tuy nhiên, chúng lại không được thay thế ngay lập tức bởi các mô mỡ (do mô mỡ trong ngực không còn). Điều này khiến ngực của bạn bị teo nhỏ đi trông thấy. 

Tình trạng ngực chảy xệ sau sinh cũng là một trong những thay đổi của cơ thể khi mang thai thường gặp nhất. Theo nghiên cứu của Tạp chí Phẫu thuật Thẩm mỹ, ngực chảy xệ không thể hồi phục lại như ban đầu vì các dây chằng và elastin đã bị kéo căng để giữ các mô mỡ tại chỗ. 

Nhiều mẹ nghĩ rằng ngực chảy xệ là do cho con bú. Tuy nhiên, đây chỉ là một nguyên nhân nhỏ gây ra thay đổi về kích thước hoặc hình dạng ngực. Thực chất, tình trạng tăng cân hoặc mang thai nhiều lần mới làm cho tình trạng chảy xệ ngực trở nên tồi tệ hơn. 

cơ thể thay đổi thế nào sau khi mang thai
Kích cỡ ngực sẽ thay đổi trong và sau khi mang thai

2.3. Thay đổi kích cỡ âm đạo 

Kích cỡ âm đạo thay đổi là điều không quá bất ngờ khi bộ phận này phải giãn nở lúc chuyển dạ sao cho vừa với kích thước đầu trẻ sơ sinh. Mặc dù âm đạo sẽ co lại trở về gần với kích thước ban đầu sau khi sinh, nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy âm đạo rộng hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng “cuộc yêu” sau này.

2.4. Tăng cân 

Sau khi sinh con, một người phụ nữ trung bình có thể tăng từ 1 - 2 kg cân nặng so với trước khi mang thai (theo cuộc trò chuyện của Kathleen Rasmussen - Giáo sư Dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em tại Đại học Cornell, với Live Science). 

Đồng thời, theo một nghiên cứu trước đó được Live Science đưa tin, trung bình cứ 4 người phụ nữ thì có 1 người tăng từ 5kg trở lên trong vòng 1 năm sau khi sinh. Mặc dù đây không phải là con số tương đối lớn, nhưng vấn đề này thực sự đáng quan ngại nếu phụ nữ sinh từ 4 - 5 em bé trở lên. 

2.5. Giảm ham muốn tình dục 

Nồng độ estrogen suy giảm sau khi sinh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm ham muốn tình dục. Bên cạnh đó, sự mệt mỏi trong quá trình chăm con thời gian đầu, thay đổi kích cỡ âm đạo, mặc cảm về ngoại hình,...cũng là lý do khiến phụ nữ không còn mấy “mặn mà” với “chuyện chăn gối”. Tình trạng này có thể kéo dài khoảng 1 năm cho đến khi mọi thứ dần đi vào quỹ đạo bình thường. 

2.6. Giãn tĩnh mạch 

Theo Tạp chí Y học Anh, một số phụ nữ mang thai ghi nhận tình trạng giãn tĩnh mạch (tĩnh mạch sưng, đau, có màu xanh) ở chân, âm hộ và bên trong âm đạo. Đôi khi các búi tĩnh mạch bị giãn xuất hiện trong trực tràng gây nên bệnh trĩ

Hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) cho biết, chứng giãn tĩnh mạch xảy ra ở phụ nữ mang thai do trọng lượng và áp lực nặng nề của tử cung làm giảm lưu lượng máu xuống phần dưới cơ thể. Bên cạnh đó, lưu lượng máu tăng lên kết hợp với sự suy yếu của niêm mạc mạch máu cũng là một trong những thay đổi của cơ thể khi mang thai khiến tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn. 

Thông thường, tình trạng giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ sẽ biến mất trong vòng 6 - 12 tháng sau sinh. Hội Sản phụ khoa Mỹ khuyên các phụ nữ mang thai có thể tập thể dục thường xuyên, tránh ngồi khoanh chân trong thời gian dài, ăn thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để tránh tĩnh mạch bị giãn một cách tồi tệ hơn. 

2.7. Tiểu không tự chủ 

Sau khi sinh, nhiều mẹ bỉm có thể gặp tình trạng khó khăn trong việc kiểm soát nhu cầu đi tiểu của mình. Trong khi hầu hết các phụ nữ chấm dứt tình trạng này khoảng 1 năm sau khi sinh, những mẹ bỉm sinh con quá to hoặc sinh thường có thể phải tiểu không tự chủ trong thời gian dài. Nếu rơi vào trường hợp này, mẹ cần đến gặp bác sĩ trao đổi để kịp thời tìm ra giải pháp khắc phục. 

2.8. Phân tách cơ thẳng bụng 

Theo tạp chí Current Women’s Health Reviews, một thay đổi của cơ thể khi mang thai xảy ra vĩnh viễn không thể “hoàn trả” đó chính là tình trạng phân tách cơ thẳng bụng (diastasis recti abdominis). Theo đó, vào giai đoạn cuối của thai kỳ các cơ bụng sẽ tách ra, hình thành các khoảng trống giữa các bó cơ để nhường chỗ cho thai nhi ngày một lớn. Hiện tượng này xảy ra ở tất cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng ⅔ phụ nữ cho biết cơ bụng của họ không thể trở về như ban đầu sau khi sinh. 

3. Đối diện với những thay đổi của cơ thể một cách tích cực và lạc quan 

Đối diện với những thay đổi của cơ thể khi mang thai là điều không hề dễ dàng đối với nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, xét cho cùng những hy sinh này hoàn toàn là xứng đáng để được nhìn thấy thiên thần nhỏ của bạn chào đời. Nhìn nhận vấn đề một cách tích cực và lạc quan sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn niềm vui khi có thêm thành viên mới, cũng như trân quý khoảng thời gian thiêng liêng, đáng nhớ này trong đời. 

Hãy chăm sóc và yêu thương bản thân một cách thật đặc biệt. Cơ thể là của bạn, những vết rạn da, thân hình đầy đặn, khuôn ngực không còn săn chắc,...tất cả đều là một phần tự nhiên của quá trình mang thai. Đây là minh chứng cho thấy cơ thể bạn đã thích nghi một cách phi thường để nuôi dưỡng một sinh mạng mới. 

Do đó, thay vì mặc cảm hay tự ti, hãy thật cảm kích, biết ơn và tự hào về khả năng tuyệt vời mà cơ thể bạn đang có. Một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái và luôn yêu đời là những cách hoàn hảo để bạn dần thích nghi với cuộc sống mới của mình.

cơ thể thay đổi thế nào sau khi mang thai
Trân trọng niềm hạnh phúc mà quá trình mang thai đem lại

Bài viết trên đây đã giải đáp phần nào những thắc mắc xoay quanh thay đổi của cơ thể khi mang thai và cách để bạn đối diện với chúng. Mang thai là một quá trình thiêng liêng và cao quý. Hãy tận hưởng từng giây phút có thiên thần nhỏ bên mình và xem việc cơ thể thay đổi khi mang thai là một sự hy sinh xứng đáng dành cho con. 

Nếu cần tham khảo về các biện pháp giảm cân sau sinh an toàn và hiệu quả thông qua chế độ dinh dưỡng, tập luyện, bạn có thể đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, thăm khám và gợi ý các phác đồ giảm cân phù hợp. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và luôn yêu thương chính bản thân mình, bạn nhé!

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Hồ Giáng My xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Những loại rau củ không nên ăn khi giảm cân

Những loại rau củ không nên ăn khi giảm cân

15 mẹo giảm cân sau khi mang thai hiệu quả

15 mẹo giảm cân sau khi mang thai hiệu quả

Sau sinh: Tại sao giảm cân nhưng không giảm số đo?

Sau sinh: Tại sao giảm cân nhưng không giảm số đo?

Sau sinh nặng trên 70kg thì cần xây dựng thực đơn giảm cân cho người 70kg như thế nào?

Sau sinh nặng trên 70kg thì cần xây dựng thực đơn giảm cân cho người 70kg như thế nào?

Muốn giảm cân sau sinh có nên ăn hạt sen và hạt sen bao nhiêu calo?

Muốn giảm cân sau sinh có nên ăn hạt sen và hạt sen bao nhiêu calo?

36

Bài viết hữu ích?