Bệnh béo phì là một căn bệnh xã hội có thể mắc phải đối với nhiều đối tượng, đặc biệt là trong xã hội hiện đại ngày nay. Trong đó, cholesterol được xem là có liên hệ đến căn bệnh này. Vậy, cholesterol là gì và cholesterol có liên quan gì đến béo phì?
1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là một loại chất béo có trong cơ thể người, tham gia vào quá trình cấu tạo nên tế bào. Cholesterol cần cho quá trình hoạt động sợi thần kinh, cụ thể là màng tế bào của cơ quan này. Ngoài ra, cholesterol còn tham gia vào quá trình tạo nên các loại hormone tuyến thượng thận, hormone tuyến sinh dục… Tuy nhiên, nếu lượng cholesterol tăng cao vượt mức cho phép thì sẽ gây ra một số bệnh lý, trong đó có bệnh tim mạch. Cholesterol tăng cao khiến mỡ tích tụ tại thành mạch máu. Qua thời gian, nếu lớp mỡ này tiếp tục tích tụ thì sẽ trở thành vật cản ngăn không cho dòng máu lưu thông, hình thành nên huyết khối và dẫn đến tình trạng bệnh lý nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Chất béo trong máu được chia làm 3 loại như sau:
Chất béo xấu: Cholesterol – LDL, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hẹp lòng mạch và tắc nghẽn lòng mạch, gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Vì vậy, cần theo dõi và giữ lượng cholesterol – LDL ở một mức độ cho phép.
Chất béo tốt: Cholesterol – HDL là chất giúp giải phóng những lớp mỡ trong lòng mạch và ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn mạch máu.
Chất béo khác: Triglycerides cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, đột quỵ nếu không kiểm soát hàm lượng ở mức độ tiêu chuẩn.
Cholesterol là một loại chất béo tham gia vào quá trình cấu tạo nên tế bào
Nguồn gốc của cholesterol đến từ thức ăn hoặc do chính cơ thể tạo ra. Trong cơ thể, cholesterol hầu hết được tạo ra tại gan, chiếm tỉ lệ khoảng 80%. Cholesterol trong thức ăn có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, sữa, trứng, nội tạng động vật…
2. Cholesterol có liên quan gì đến béo phì?
Theo nhiều nghiên cứu, thống kê thì những người có nguy cơ bị mỡ trong máu hay tăng cholesterol máu thường là những người có yếu tố gia đình, người ăn uống những thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, người mắc phải bệnh lý thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động, người mắc phải bệnh lý đái tháo đường, suy giáp, bệnh lý thận, bệnh lýrối loạn chuyển hóa…
Vậy cholesterol có liên quan gì đến béo phì? Mối liên hệ này có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Các thống kế ở viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra thông tin rằng, trong số những bệnh nhân bị béo phì có khoảng 60% - 70% mắc phải tình trạng rối loạn cholesterol máu và những tình trạng bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác.
Béo phì là bệnh lý gây ra do tình trạng tích tụ mỡ thừa ở một số vùng trên cơ thể hay toàn bộ cơ thể. Để khảo sát mức độ béo phì thì chỉ số khối cơ thể BMI được áp dụng nhiều nhất trên lâm sàng. Nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng béo phì đó là do sự mất cân bằng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày và lối sống thụ động, không lành mạnh. Béo phì khiến lượng chất béo xấu cholesterol – LDL tăng cao trong cơ thể. Bên cạnh đó, lối sống lười vận động còn khiến lượng calo nạp vào từ thức ăn không được tiêu thụ hết, tích tụ lâu ngày thành những mô mỡ khiến lượng chất béo triglyceride cũng tăng cao vượt mức tiêu chuẩn, gây rối loạn mỡ máu. Đối với những người béo phì tích tụ chủ yếu ở vùng mỡ bụng, đặc biệt là mỡ nội tạng, tình trạng rối loạn mỡ máu diễn ra rõ rệt nhất, đặc trưng bởi sự tăng cholesterol – LDL, triglyceride và giảm cholesterol – HDL trong máu. Vậy trọng lượng cơ thể người có liên quan đến rối loạn cholesterol máu, nếu mắc phải bệnh béo phì thì có nguy cơ rất cao sẽ bị rối loạn tỉ lệ các loại chất béo trong máu.
3. Làm gì để cải thiện cholesterol ở người béo phì?
Lượng cholesterol máu cao có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể vì yếu tố gia đình hoặc do thói quen sống không lành mạnh. Với yếu tố gia đình, chúng ta không thể can thiệp mà chỉ phát hiện kịp thời. Còn đối với yếu tố thói quen sống, chúng ta có thể thay đổi và cải thiện tình trạng sức khỏe.
Thay thế các loại tinh bột đối với cải thiện bệnh béo phì
Một số phương pháp được áp dụng để cải thiện tình trạng rối loạn cholesterol máu ở người bệnh béo phì đó là:
Giảm cân: Đây là yếu tố tiên quyết để cải thiện tình trạng mỡ máu. Quá trình giảm cân đi theo hướng đốt cháy mỡ thừa là chủ yếu. Lượng mỡ toàn phần giảm đi, lượng chất béo xấu cũng giảm đi sẽ là điều kiện tốt để kiểm soát rối loạn mỡ máu. Nguyên tắc giảm mỡ cần ghi nhớ đó là lượng calo nạp vào cơ thể phải nhỏ hơn lượng calo tiêu thụ. Điều này được áp dụng trên thực tế bằng cách cắt giảm lượng thức ăn nạp vào ở mức độ vừa đủ, đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường các hoạt động thể chất, tập luyện thể dục thể thao để đốt cháy được lượng calo cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng: Đây là yếu tố quan trọng nhất và hầu như quyết định đến sự thành công của quá trình giảm cân đối với người béo phì. Trong bữa ăn hàng ngày, nên bổ sung nhiều rau xanh, các loại trái cây… Không nên ăn những thức ăn có chứa quá nhiều dầu mỡ, cholesterol… Bạn có thể thay thế các loại chất béo từ động vật bằng những loại chất béo từ thực vật để vẫn đạt được mục đích giảm cân mà vẫn tốt cho sức khỏe. Lượng protein có thể đến từ những loại thực phẩm như thịt nạc, trứng sữa… Chúng ta nên hạn chế những loại tinh bột từ gạo trắng, thay thế bằng những loại tinh bột khác giúp tăng cảm giác no lâu hơn như gạo lứt, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt… Một trong những yếu tố cần ghi nhớ trong quá trình giảm cân đó là không được nhịn ăn. Thay vào đó, người bệnh béo phì nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày ra để kiểm soát năng lượng và không gây ra các tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe.
Tập luyện thể thao để kiểm soát bệnh béo phì
Duy trì một chế độ tập luyện thể dục thể thao khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày để tăng cường đốt cháy năng lượng, tăng cường quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể. Có thể bắt đầu với những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, yoga…
Một yếu tố cũng rất quan trọng đó là cần có thời gian ngủ đủ giấc, khoảng 8 tiếng/ngày, nghỉ ngơi phù hợp, uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ngày để tăng cường quá trình đào thải, tạo điều kiện cho quá trình giảm cân diễn ra thuận lợi hơn.
Nếu bệnh nhân là người có thói quen hút thuốc lá thì cần luyện tập và loại bỏ những thói quen này ra khỏi cuộc sống của mình vì những chất này có liên quan đến hàm lượng các loại cholesterol trong cơ thể.
Thói quen uống rượu bia cũng cần được hạn chế ở mức tối thiểu vì đây là những thức uống khiến cơ thể tăng hấp thụ chất béo ở đường tiêu hóa nên dễ dẫn đến rối loạn mỡ máu hơn.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về việc cholesterol có liên quan gì đến béo phì để từ đó có thể xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý vừa giúp nâng cao sức khỏe vừa mang đến hiệu quả giảm cân tối ưu.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số
094 164 8888
hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu