Thuốc chữa bệnh sa sút trí tuệ được chỉ định nhằm điều trị các triệu chứng nhận thức (ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ) và không nhận thức (ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi). Thuốc không thể chữa khỏi bệnh sa sút trí tuệ hoàn toàn mà chỉ giúp kiểm soát triệu chứng trong thời gian ngắn (6 - 12 tháng), và làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh.
Hiện nay, có 02 nhóm thuốc chính để điều trị triệu chứng nhận thức của bệnh sa sút trí tuệ: Nhóm thuốc ức chế Cholinesterase và Memantine. Đây là 02 nhóm thuốc chủ lực trong các phác đồ điều trị bệnh Alzheimer. chứng mất trí nhớ mạch máu và mất trí thể Lewy.
Thuốc ức chế cholinesterase gồm 03 thuốc chính là donepezil, galantamine, rivastigmine. Thuốc giúp tăng nồng độ acetylcholin - một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não, từ đó hỗ trợ cải thiện trí nhớ và suy nghĩ của bệnh nhân sa sút trí tuệ. Trên thị trường hiện nay, thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén, thuốc nước, viên sủi hoặc miếng dán nên phù hợp với đa dạng đối tượng bệnh nhân. Một số tác dụng phụ về tiêu hóa thường gặp như buồn nôn, nôn, tiêu chảy cần được bệnh nhân lưu ý và theo dõi.
Memantine là chất đối kháng không cạnh tranh thụ thể N-metyl-D-aspartate, giúp ngăn chặn tác động của glutamate - vốn hiện diện ở nồng độ cao ở người bệnh Alzheimer. Với cơ chế này, Memantine giúp khôi phục sự dẫn truyền thần kinh glutamatergic, từ đó giúp cải thiện tư duy và hoạt động hàng ngày của người bệnh. Memantine được chỉ định trong điều trị Alzheimer trung bình và nặng. Người bệnh có thể gặp một vài tác dụng phụ như ảo giác, chóng mặt, nhầm lẫn, mệt mỏi. Tuy nhiên, các tác dụng này thường nhẹ và biểu hiện không rõ ràng.
Ngoài ra, một số loại thuốc khác có thể được kê đơn cho những người sa sút trí tuệ để kiểm soát triệu chứng tâm lý và hành vi. Điển hình như:
Hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những loại thuốc mới giúp điều trị chứng sa sút trí tuệ. Đã có một số nghiên cứu đầy hứa hẹn gần đây về liệu pháp nhắm trúng đích, với mục tiêu là các amyloid trong não - một trong những nguyên nhân gây ra chứng sa sút trí tuệ. Các nhà khoa học tin rằng, việc loại bỏ các mảng amyloid trong não sẽ giúp làm giảm các triệu chứng nhanh hơn. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành và cho đến hiện tại, chưa có loại thuốc nào được phép sử dụng trong điều trị lâm sàng thường quy.
Người bệnh dùng thuốc chữa bệnh sa sút trí tuệ có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy (khi dùng thuốc ức chế cholinesterase), hoặc ảo giác, chóng mặt, nhầm lẫn, mệt mỏi (khi dùng thuốc memantine). Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, người nhà bệnh nhân cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được theo dõi và thăm khám.
Thuốc sa sút trí tuệ cần khởi đầu bằng liều thấp và tăng liều từ từ sau vài tuần cho đến khi đạt đến liều mục tiêu. Trong quá trình tăng liều, người bệnh có thể xuất hiện một vài tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, nôn và buồn nôn. Đa số các tác dụng này sẽ biến mất sau một khoảng thời gian điều trị. Tần suất và thời gian tăng liều sẽ do bác sĩ điều trị chỉ định. Hiệu quả điều trị thường sẽ nhận thấy sau 6 - 12 tháng. Bệnh nhân có vấn đề về gan, thận hoặc thần kinh cần thông báo cho bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Thuốc điều trị sa sút trí tuệ chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng chứ không chữa khỏi hoàn toàn bệnh. Người bệnh cần kết hợp dùng thuốc với các biện pháp điều trị không dùng thuốc khác để nâng cao hiệu quả chữa trị.
Nếu còn vấn đề gì thắc mắc liên quan đến quá trình điều trị, hãy liên hệ ngay với chúng tôi hoặc bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và giải đáp.
Nguồn: https://patient.info - www.dementia.org - www.ncbi.nlm.nih.gov - https://bvnguyentriphuong.com.vn
21
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
21
Bài viết hữu ích?