Zalo

Vì sao cổ bị đau và cứng? Tìm hiểu nguyên nhân và các cách điều trị đau cổ

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Đau cổ là tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng từ 10-20% người trưởng thành. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ khi sinh con). Nguy cơ đau cổ cũng sẽ tăng lên theo độ tuổi. Vậy vì sao cổ bị đau và cứng? Có cách điều trị đau cổ nào có thể ứng dụng tại nhà? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Tìm hiểu về chứng đau cổ

Đau cổ (Cervicalgia) là cơn đau tập trung ở vùng cột sống ngay phía dưới đầu của bạn. Đây là 1 triệu chứng khá phổ biến liên quan đến chấn thương hay nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. 

Bạn có thể bị đau dọc cổ (chủ yếu ở vùng cổ) hay đau dây thần kinh (đau lan tỏa sang các vùng khác, chẳng hạn như vai hoặc cánh tay). Tình trạng này có thể cấp tính (kéo dài từ vài ngày đến 6 tuần) hoặc mãn tính (kéo dài hơn 3 tháng). 

Nhiều người bệnh đã mô tả cơn đau cổ với các đặc điểm như:

  • Một cơn đau dai dẳng vùng cổ;
  • Một cơn đau như dao đâm hay bỏng rát;
  • Một cơn đau nhói chạy dọc từ cổ đến vai hoặc cánh tay. 

Tình trạng đau cổ có thể làm cản trở các hoạt động hàng ngày của bạn, làm giảm chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị. May mắn thay, hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ đều không quá nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như: Sử dụng thuốc giảm đau, tập thể dục và kiểm soát căng thẳng.

Vì sao cổ bị đau và cứng là thắc mắc của nhiều người 

2. Vì sao cổ bị đau và cứng? Có những nguyên nhân nào gây đau cổ?

Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra đau cổ, trong đó có 6 lý do phổ biến nhất:

  • Đau cổ do lão hóa: Khi bạn già đi, sự hao mòn tự nhiên có thể khiến các bộ phận của cột sống cổ bị thoái hóa gây ra đau nhức. Bên cạnh đó, các tình trạng thoái hóa như viêm xương khớp (sụn khớp bị mòn) và hẹp ống sống (tình trạng thu hẹp khoảng trống trong cột sống) có thể dẫn đến đau cổ. Theo thời gian, sự căng cứng và các chuyển động lặp đi lặp lại có thể khiến các đĩa đệm ở cột sống yếu đi, gây thoát vị đĩa đệm hoặc chèn ép dây thần kinh.
  • Căng cơ cổ quá mức: Việc lạm dụng cơ cổ trong các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc gắng sức có thể dẫn đến cứng và đau cổ. Tư thế xấu, cơ bụng yếu và trọng lượng cơ thể nặng nề là 3 yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự thẳng hàng của cột sống và góp phần gây đau cổ. Ví dụ, nhiều người có thói quen gập cổ để xem điện thoại, máy tính bảng trong thời gian dài là nguyên nhân phổ biến gây đau cổ.
  • Áp lực tinh thần: Mỗi khi đầu óc bị căng thẳng hoặc kích động bạn có thể vô tình căng cơ cổ mà không biết. Nhiều người chỉ nhận ra điều này cho đến khi cổ của họ bắt đầu đau.
  • Chấn thương: Các hình thức chấn thương khác nhau có thể làm hỏng cơ, dây chằng, đĩa đệm, khớp đốt sống và rễ thần kinh trong tủy sống, dẫn đến đau cổ. Điều này khá phổ biến trong các tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, tai nạn lao động….
  • Các khối u: Các khối u như u nang, gai xương… có thể gây áp lực lên các dây thần kinh ở cổ của bạn, gây đau nhức.
  • Các tình trạng sức khỏe khác: Đau cổ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều tình trạng sức khỏe khác, ví dụ như viêm màng não, viêm khớp dạng thấp hay ung thư.
Vậy các nguyên nhân nào gây đau cổ? 

3. Những cách điều trị đau cổ mới nhất hiện nay

Việc điều trị đau cổ hướng tới mục tiêu giảm đau và cải thiện chuyển động ở cổ. Phần lớn các trường hợp đau cổ mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà. Cùng với đó, bác sĩ sẽ đề xuất 1 số phương pháp điều trị để giúp bạn kiểm soát các cơn đau nặng hơn. Cụ thể:

  • Sử dụng thuốc giảm đau và giãn cơ: Các loại thuốc, bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể giảm đau, giảm viêm cổ. Còn các thuốc giãn cơ có thể giúp cơ cổ lành lại. Đây là những phương pháp điều trị phổ biến đối với chứng đau cổ.
  • Vật lý trị liệu: Bạn có thể làm việc với các chuyên gia vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên thể hình để học các bài tập và động tác giúp tăng cường cơ và gân ở cổ, đồng thời cải thiện tính linh hoạt ở khu vực này.
  • Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS): Phương pháp này sử dụng 1 dòng điện cường độ thấp cho chạy qua vùng da gần dây thần kinh để phá vỡ tín hiệu gây đau. Bạn sẽ cần trao đổi cụ thể với bác sĩ trước khi sử dụng phương pháp trị liệu này.
  • Tiêm steroid: Một mũi tiêm gần rễ thần kinh có thể giúp giảm viêm và giảm đau. 
  • Các liệu pháp thay thế: Trong một số trường hợp bác sĩ có thể đề nghị thực hiện châm cứu để giúp bạn giảm đau, hoặc xoa bóp để giúp nới lỏng các cơ bị siết chặt gây khó chịu. Bạn cũng có thể gặp bác sĩ nắn xương hoặc bác sĩ chỉnh hình để căn chỉnh cột sống.
  • Phẫu thuật: Rất hiếm trường hợp đau cổ cần đến phẫu thuật. Tuy nhiên bạn vẫn có thể cần phẫu thuật nếu 1 hoặc nhiều đốt sống trong cột sống của bạn bị lệch khỏi vị trí hoặc gây áp lực lên dây thần kinh của bạn.

4. Làm sao để giảm bớt cơn đau cổ tại nhà?

Ngoài việc dùng thuốc giảm đau, bạn có thể thực hiện một số bước đơn giản sau để giảm đau cổ tại nhà:

  • Liệu pháp nóng: Tắm nước nóng hoặc đặt một chiếc khăn nóng/ túi giữ nhiệt (ở chế độ thấp nhất) tại chỗ đau trong 15 phút. Hơi nóng sẽ nới lỏng các cơ và thúc đẩy lưu thông máu.
  • Liệu pháp lạnh: Đặt 1 túi đá lạnh hoặc 1 túi rau củ đông lạnh (quấn trong một chiếc khăn mỏng để bảo vệ làn da) trong 15 phút. Hơi lạnh sẽ thu hẹp các mạch máu của bạn, giúp giảm viêm và sưng. Sau khi bị thương nên dùng hơi lạnh thay vì hơi nóng.
  • Tập thể dục: Áp dụng các bài tập cổ của các chuyên gia trị liệu và nhờ đó cố gắng giảm đau cổ, cải thiện phạm vi chuyển động khu vực này. Tuy nhiên không nên gắng tập thể dục nếu bạn bị chấn thương cổ nghiêm trọng hay bị chèn ép.
  • Thực hiện các kỹ thuật giảm căng thẳng: Chánh niệm, thiền, tập thở và yoga có thể giúp bạn giảm căng thẳng, thả lỏng cơ thể và giảm bớt đau cổ.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm hỏng cấu trúc xương, đẩy nhanh bệnh thoái hóa đĩa đệm và làm chậm quá trình lành vết thương. 

Nhìn chung, thời gian hồi phục chứng đau cổ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau của bạn. Đau cổ do các vấn đề phổ biến như căng cơ, căng thẳng thường cải thiện trong 1-2 tuần. Và có thể mất đến vài tháng cho đến khi cơn đau biến mất hoàn toàn. 

5. Cách phòng ngừa tình trạng đau nhức cổ

Để ngăn ngừa đau cổ do căng thẳng hoặc căng cơ, bạn có thể thực hiện một số bước sau:

  • Luyện tư thế đứng, ngồi chuẩn: Hãy đặt các thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính bảng) ở vị trí ngang tầm mắt để bạn không phải cúi gập cổ khi sử dụng chúng. Khi ngồi nên giữ thẳng vai và thẳng lưng để không làm căng cổ. 
  • Điều chỉnh tư thế ngủ của bạn: Khi ngủ hãy duy trì 1 tư thế thoải mái, tránh gò bó, khó chịu vùng cổ. Nếu bạn nằm ngửa hay nằm nghiêng, hãy dùng 1 chiếc gối để đỡ đầu sao cho đầu và cổ của bạn thẳng hàng với phần còn lại của cơ thể. Nếu bạn nằm ngửa khi ngủ, hãy đặt 1 chiếc gối bên dưới đầu gối để giảm bớt áp lực lên lưng dưới. Tránh nằm sấp và lệch đầu khi ngủ.
  • Duy trì hoạt động thể chất: Bạn có thể sử dụng nhiều bài tập chuyên để giảm đau cổ. Nếu bạn làm công việc phải ngồi trong thời gian dài, thỉnh thoảng hãy nghỉ ngơi để di chuyển và kéo căng toàn bộ cơ thể, bao gồm cả cơ cổ.
  • Đừng mang vác nặng trên vai: Tránh mang vác các vật nặng như cặp xách hay vali trên vai. Thay vào đó hãy cân nhắc sử dụng hành lý hay túi xách có bánh xe.
  • Duỗi cơ lưng trên của bạn: Theo thời gian, tuổi tác bạn sẽ có xu hướng mất dần sức mạnh ở lưng trên. Kết quả là vai và đầu của bạn sẽ nhô về phía trước, gia tăng khoảng cách với cột sống. Vị trí này có xu hướng tăng thêm căng thẳng cho cổ và lưng trên. Do vậy hãy thường xuyên duỗi/ giãn cơ lưng trên để giảm áp lực khu vực này.
Chú ý điều chỉnh tư thế đứng, ngồi và tư thế nằm ngủ là cách điều trị đau cổ hiệu quả 

Hy vọng qua những thông tin trên bạn đã có đáp án cho câu hỏi vì sao cổ bị đau và cứng? Với những cách điều trị đau cổ như gợi ý, bạn hãy lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với tình trạng của mình để áp dụng. Trong những trường hợp đau dai dẳng và nghiêm trọng, bạn nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ, chuyên gia trị liệu. 

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Hồ Giáng My xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Đau cổ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cổ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Khi nào cần siêu âm khớp gối?

Khi nào cần siêu âm khớp gối?

Bệnh Gout (gút): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh Gout (gút): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống ở người bệnh viêm khớp dạng thấp

Biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống ở người bệnh viêm khớp dạng thấp

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương và cách phòng ngừa hiệu quả

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương và cách phòng ngừa hiệu quả

42

Bài viết hữu ích?