Zalo

Tác dụng phụ có thể gặp của các thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Rối loạn chuyển hoá mỡ là một bệnh lý phổ biến hiện nay và ngày càng có xu hướng trẻ hoá. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh như dùng thuốc và không dùng thuốc. Cùng tìm hiểu về thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ và các điểm cần lưu ý khi sử dụng qua bài viết sau.

1. Thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ là gì và cơ chế hoạt động của nó?

1.1 Thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ

Rối loạn chuyển hoá mỡ hay còn gọi là bệnh rối loạn lipid máu, bệnh mỡ máu là tình trạng gia tăng nồng độ chất béo có hại và giảm nồng độ chất béo có lợi trong máu. Cụ thể hơn, rối loạn lipid máu là tình trạng tăng cholesterol, triglycerid (chất béo trung tính) hoặc giảm nồng độ HDL-C trong huyết tương.

Rối loạn chuyển hoá mỡ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, góp phần hình thành các mảng xơ vữa mạch máu gây ra những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Vì vậy, việc điều trị bệnh là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe của bạn. Hiện nay, điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ thường kết hợp giữa dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn, lối sống sinh hoạt.

Thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ là thuốc có tác dụng điều chỉnh nồng độ triglycerid, cholesterol toàn phần, LDL-C và HDL-C trong huyết tương về giới hạn bình thường. Các thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ phổ biến hiện nay bao gồm nhóm statin, fibrat và niacin.

1.2 Cơ chế hoạt động của thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ 

Nhóm statin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất trong điều trị rối loạn lipid máu. Statin có tác dụng giảm nồng độ cholesterol thông qua các cơ chế sau:

  • Ức chế chọn lọc và cạnh tranh 3-hydroxy-3-methylglutaryl-coenzym A (HMG-CoA) reductase. Đây là một loại enzyme làm hạn chế tốc độ chuyển đổi HMG-CoA thành axit mevalonic - tiền chất của sterol, trong đó có cholesterol. Sự ức chế enzyme này sẽ dẫn đến giảm cholesterol trong gan.
  • Statin làm tăng hấp thu LDL-C qua trung gian thụ thể, do đó làm giảm LDL-C huyết tương. Nhờ số lượng thụ thể cao hơn, chúng cũng làm giảm VLDL và IDL, là tiền chất của LDL-C. Qua đó làm giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu.
  • Atorvastatin và rosuvastatin làm giảm đáng kể lượng chất béo trung tính trong huyết tương (TG), vì chúng loại bỏ lượng lớn VLDL giàu chất béo trung tính

Nhóm fibrat có tác dụng cải thiện rối loạn mỡ máu, giảm chất béo trung tính, tăng nồng độ HDL- C thông qua các cơ chế kích hoạt thụ thể-alpha kích hoạt peroxisome proliferator làm tăng oxy hóa acid béo, diễn ra chủ yếu tại peroxisome và một phần ở ty thể. Tăng tổng hợp enzym Lipoprotein lipase, làm tăng thanh thải các lipoprotein giàu triglyceride

Niacin còn được gọi là vitamin B3, PP hoặc axit nicotinic, làm tăng đáng kể mức HDL trong khi giảm mức VLDL và LDL với các cơ chế liên quan đến sinh tổng hợp hoặc dị hóa cholesterol. 

  • Niacin ngăn ngừa quá trình phân giải lipid trong mô mỡ thông qua cơ chế ức chế mạnh mẽ hệ thống lipase nội bào, tạo ra nhiều tác dụng mà cuối cùng là dẫn đến giảm cholesterol và chất béo trung tính trong huyết tương. 
  • Niacin còn làm giảm quá trình phân giải mỡ làm giảm huy động acid béo tự do, làm giảm nồng độ của chúng trong gan, dẫn đến giảm tổng hợp chất béo trung tính ở gan dẫn đến giảm sản xuất VLDL. 
  • Một cơ chế hoạt động khác của niacin là kích thích hoạt động của lipoprotein lipase, do đó làm tăng độ thanh thải VLDL. Lượng VLDL thấp hơn dẫn đến giảm mức LDL-C trong huyết tương.
thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ
Một số thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ có thể gây ra tác dụng phụ đau cơ, chuột rút

2. Tác dụng phụ có thể gặp của các thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ

Khi bạn mắc rối loạn chuyển hoá mỡ với nồng độ chất béo trong máu quá cao hoặc bạn không thể cải thiện tình trạng mỡ máu bằng chế độ ăn và tập luyện thì việc dùng thuốc là điều bắt buộc để cân bằng nồng độ các chất béo có trong máu. Hiện nay, vai trò của các nhóm thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ đã được chứng minh và sử dụng rộng rãi, đặc biệt là statin. Tuy nhiên, một số thuốc sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như:

2.1 Ảnh hưởng đến gan mật

Một số thuốc điều trị mỡ máu có thể gây rối loạn chức năng gan, làm tăng men gan AST, ALT dẫn tới hoại tử tế bào. Các bác sĩ sẽ kiểm tra men gan của người bệnh trước khi chỉ định dùng statin và sau 3 tháng hoặc tối thiểu 6 tháng sau khi dùng statin. Vì vậy, trong khi dùng statin nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như vàng da, tiểu sậm màu, chán ăn, mệt mỏi, đau bụng hạ sườn phải.. bạn cần báo ngay cho bác sĩ để can thiệp sớm và kịp thời. 

Nếu nồng độ men gan trong máu tăng khi dùng thuốc hạ mỡ máu, sẽ có các hướng xử lý sau:

  • Nếu ALT < 3 lần: Tiếp tục trị liệu và kiểm tra lại men gan sau 4-6 tuần.
  •  Nếu ALT tăng lên > 3 lần: Ngừng liệu pháp hạ mỡ máu bằng thuốc hoặc giảm liều và kiểm tra lại men gan trong vòng 4-6 tuần. Nếu ALT đã trở lại bình thường, có thể cân nhắc thận trọng việc áp dụng lại liều điều trị hạ mỡ máu ban đầu. Nếu ALT vẫn tăng sau khi ngừng thuốc 4- 6 tuần, hãy kiểm tra các lý do khác có thể làm tăng men gan.

Những trường hợp có men gan tăng kéo dài, viêm gan cấp hoặc mạn chống chỉ định dùng thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ.

2.2 Ảnh hưởng đến cơ xương khớp

Các triệu chứng của cơ do tác dụng phụ của statin là tác dụng phụ phổ biến nhất. Việc sử dụng statin có thể làm tăng CK, đau cơ, tiêu cơ vân và nghiên trọng hơn là hoại tử cơ vân tự miễn (hiếm gặp hơn). Lâm sàng người bệnh có các biểu hiện như mệt mỏi, đau nhức, chuột rút, biểu hiện sưng nóng đỏ đau. Quá trình tổn thương cơ có thể giải phóng cretine làm tăng creatine trong máu, giải phóng myoglobin có thể tắc ống thận và gây suy thận cấp.

Người bệnh sẽ được đánh giá CK máu trước khi dùng và sau khi dùng thuốc hạ mỡ máu

Xét nghiệm nồng độ CK trước khi dùng thuốc:

  • Nếu nồng độ CK máu> 4 giới hạn bình thường, thì không dùng thuốc hạ mỡ và tiến hành kiểm tra lại.
  • Nếu < 4 lần giới hạn bình thường có thể dùng thuốc và không cần thiết phải theo dõi nồng độ CK định kỳ. Chỉ kiểm tra CK nếu bệnh nhân có dấu hiệu đau cơ, chuột rút.

Xét nghiệm nồng độ CK sau khi dùng thuốc:

  • Trường hợp nồng độ CK máu> 4 lần giới hạn bình thường
    • Nếu CK > 10 lần: ngừng điều trị thuốc hạ mỡ máu, kiểm tra chức năng thận, theo dõi nồng độ CK 2 tuần một lần.
    • Nếu CK <10 lần: nếu không có triệu chứng, tiếp tục điều trị hạ lipid máu trong khi theo dõi nồng độ CK từ 2 đến 6 tuần.
    • Nếu CK <10 lần: nếu có triệu chứng, ngừng statin và theo dõi nồng độ CK về bình thường trước khi điều trị lại bằng liều statin thấp hơn.
  • Trường hợp nồng độ CK máu < 4 lần giới hạn bình thường
    • Nếu người bệnh không có các triệu chứng về cơ, tiếp tục statin (người bệnh nên nắm rõ các triệu chứng để phát hiện kịp thời và kiểm tra CK).
    • Nếu có các triệu chứng về cơ, cần phải theo dõi các triệu chứng và nồng độ CK thường xuyên.

2.3 Ảnh hưởng đến tiêu hoá 

Các thuốc điều trị mỡ máu có thể gây ra những triệu chứng khó chịu về tiêu hoá cho người bệnh. Khi dùng nhóm statin có thể xảy ra một số tác dụng phụ như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn. Và khi dùng thuốc nhóm fibrat có thể gây khó tiêu, táo bón. Điều này sẽ khiến người bệnh ăn không ngon miệng, giảm khả năng tiêu hoá thức ăn.

2.4 Ảnh hưởng đến hệ thần kinh

Khi dùng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu nhóm statin, một số người bệnh có thể bị chuột rút, bệnh lý thần kinh ngoại biên, giảm trí nhớ, nhầm lẫn, phù mạch thần kinh.

thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ
Thay đổi chế độ ăn kết hợp với dùng thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

3. Các điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ

Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu đã được chứng minh hiệu quả của nó trong việc hạ mỡ máu và giảm thiểu các biến cố tim mạch trên người bệnh. Song song với hiệu quả điều trị, thì thuốc hạ mỡ máu cũng có những tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt các nguy cơ xảy ra tác dụng phụ thường gặp ở người lớn tuổi (>65 tuổi), dùng liều điều trị cao hoặc phối hợp nhiều thuốc hạ mỡ máu. Vậy để hạn chế tác dụng phụ của thuốc và nhằm đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, bạn cần lưu ý những vấn đề sau khi sử dụng thuốc:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ về thuốc và liều lượng cũng như thời gian sử dụng trong ngày. 
  • Statin có thể tương tác với một số thuốc, vì vậy bạn cần thông báo cho bác sĩ về các thuốc đang dùng để đưa ra chỉ định điều trị thích hợp.
  • Tránh ăn hoặc uống nước ép bưởi khi đang sử dụng statin, vì nước bưởi có thể cản trở hoạt động của enzym CYP3A4, làm tăng lượng thuốc trong cơ thể và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.
  • Để đạt được hiệu quả mong muốn và kiểm soát tốt mỡ máu, bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ, bạn cần kết hợp thêm các phương pháp không dùng thuốc khác như thay đổi chế độ ăn, tập luyện và sinh hoạt lành mạnh. Cần hạn chế mỡ động vật, thức ăn béo ngọt, thức ăn nhanh, chế biến sẵn. Tăng cường bổ sung ngũ cốc nguyên cám, rau xanh, trái cây và chất béo không bão hoà. Tích cực tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần để nâng cao sức khoẻ và cải thiện tình trạng mỡ máu của bạn.
  • Hạn chế đồ uống có cồn và tránh xa thuốc lá, khói thuốc lá.

Tóm lại, rối loạn chuyển hoá mỡ là một bệnh lý phổ biến hiện nay, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, thuốc điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ đã được chứng minh vai trò của nó trong việc cải thiện tình trạng mỡ máu cũng như các biến cố tim mạch do rối loạn mỡ máu gây nên. Tuy nhiên, chúng vẫn gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, bạn cần theo dõi và báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện một số triệu chứng gây khó chịu trong quá trình dùng thuốc.

Tài liệu tham khảo:ncbi.nlm.nih.gov

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Trần Thị Thuý Hiếu xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Cách giảm mỡ máu không dùng thuốc?

Cách giảm mỡ máu không dùng thuốc?

Các loại thực phẩm làm tăng mỡ máu cần tránh trên bàn nhậu

Các loại thực phẩm làm tăng mỡ máu cần tránh trên bàn nhậu

Bị béo phì có phải là bệnh không?

Bị béo phì có phải là bệnh không?

Các nguyên nhân Cholesterol tăng cao

Các nguyên nhân Cholesterol tăng cao

24

Bài viết hữu ích?