Siêu âm tim là một công cụ tiêu chuẩn trong quản lý bệnh nhồi máu cơ tim cấp (MI). Vai trò của siêu âm tim trong nhồi máu cơ tim là rất quan trọng, bao gồm chẩn đoán xác định, đánh giá vị trí và mức độ nghiêm trọng của ổ nhồi máu, đồng thời giúp chẩn đoán các biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim và cung cấp thông tin tiên lượng quan trọng cho phân tầng nguy cơ để can thiệp điều trị.
Việc sử dụng siêu âm tim qua thành ngực và các hình ảnh không xâm lấn khác để đánh giá trình trạng đau ngực ở khoa cấp cứu là vô cùng cần thiết, đặc biệt có giá trị ở bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh mạch vành từ thấp đến trung bình.
Siêu âm tim được chỉ định để đánh giá chức năng tâm thất tùy theo vùng và phân đoạn, hỗ trợ điều trị, đánh giá các biến chứng cơ học và sự hiện diện của huyết khối, đồng thời cung cấp thông tin quan trọng để tiên lượng bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài ra, siêu âm tim gắng sức là một trong những phương pháp được khuyến nghị để xác định tình trạng thiếu máu cục bộ sót lại sau nhồi máu cơ tim.
Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng siêu âm tim lại không được thực hiện thường quy để chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim cấp, nhưng nó lại rất hữu ích khi bệnh nhân có một hoặc nhiều triệu chứng hoặc dấu hiệu gợi ý và các biện pháp chẩn đoán khác không chắc chắn. Theo các chuyên gia, chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính thường dựa trên bệnh sử, điện tâm đồ (ECG) và kết quả men tim troponin trong huyết thanh.
Siêu âm tim là một kỹ thuật không xâm lấn với mức độ chính xác cao cho phép phát hiện những bằng chứng cho thấy có hiện tượng rối loạn chức năng cơ tim do thiếu máu cục bộ hoặc hoại tử. Việc đánh giá chuyển động của các thành tim trong quá trình siêu âm khi bệnh nhân đau ngực có thể hữu ích khi hình ảnh ECG không chẩn đoán được. Kèm theo đó, việc đánh giá chuyển động của các thành tim cũng có thể hữu ích nếu có ECG hoặc bằng chứng xét nghiệm huyết thanh cho thấy nhồi máu cơ tim, ngay cả khi không có đau ngực.
Theo bác sĩ, tình trạng thiếu máu cục bộ nghiêm trọng sẽ đưa đến các bất thường chuyển động thành/vùng cơ tim (RWMA), và đặc biệt có thể được ghi nhận bằng siêu âm tim trong vòng vài giây sau khi động mạch vành bị tắc nghẽn. Những thay đổi trên siêu âm có thể xảy ra trước khi bắt đầu ECG thay đổi hoặc bệnh nhân phát triển các triệu chứng. Các RWMA phản ánh sự giảm cục bộ về biên độ và tốc độ co bóp của cơ tim, cũng như mức độ dày lên của cơ tim và hiện tượng tái cấu trúc cục bộ.
Bài viết trên đây đã giải đáp cho người bệnh hiểu hơn về vai trò của siêu âm tim trong bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Trên lâm sàng, siêu âm là kỹ thuật thường quy không chỉ riêng chẩn đoán bệnh tim mạch mà còn nhiều căn bệnh khác. Đây được xem là mảnh ghép không thể thiếu trong bất kỳ cơ sở y tế nào. Nhờ có siêu âm, bác sĩ có căn cứ sàng lọc bệnh lý tốt hơn, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác và cân nhắc phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov; uptodate.com.
330
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
330
Bài viết hữu ích?