Zalo

Làm sao để hạn chế rối loạn chuyển hóa axit uric?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Rối loạn chuyển hóa acid uric là một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến và có thể gây nên nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh gout. Tuy nhiên, thông qua một số biện pháp đơn giản và thay đổi lối sống lành mạnh hơn, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ và hạn chế rối loạn chuyển hóa axit uric.

1.Rối loạn chuyển hóa axit uric là gì?

Acid uric là sản phẩm của quá trình chuyển hóa purine. Quá trình chuyển hóa purine thành acid uric diễn ra chủ yếu trong gan, và sau đó axit uric được loại bỏ khỏi cơ thể chủ yếu thông qua thận. Các purin đến từ 2 nguồn chính đó là: 

  • Nguồn ngoại sinh: Chiếm khoảng 30% lượng acid uric có trong cơ thể. Purin này được đưa từ bên ngoài vào trong cơ thể thông qua việc việc phân hủy các acid nucleic từ thực phẩm chúng ta ăn uống hằng ngày. 
  • Nguồn nội sinh: chiếm khoảng 70% lượng acid uric có trong cơ thể. Nguồn purin này đến từ việc phân hủy các các tế bào và từ quá trình tổng hợp nội sinh nhờ các men đặc hiệu.

Ở người khỏe mạnh, nồng độ acid uric ở nam giới nằm trong giới hạn từ 210 - 420 mmol/L. Đối với nữ giới là 150 - 360 mmol/L. Khi nồng độ acid uric trong máu cao hơn hoặc thấp hơn những giới hạn bình thường này, sẽ gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa acid uric. 

2.Rối loạn chuyển hóa axit uric gây ra những vấn đề gì?

Rối loạn chuyển hóa uric có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe sau đây: 

2.1 Bệnh gout

Rối loạn chuyển hóa acid uric là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh gout. Đây là một loại bệnh viêm khớp mạn tính do sự tăng mức độ axit uric trong cơ thể, dẫn đến việc tạo thành tinh thể urate trong các khớp và mô xung quanh. Tinh thể urate khi tích tụ trong khớp gây kích thích phản ứng viêm nhiễm, dẫn đến các triệu chứng như đau, sưng và đỏ tại các khớp như ngón tay, ngón chân, và khớp gối. Cơn đau do gout thường xuất hiện bất ngờ và có thể kéo dài từ vài ngày đến một vài tuần. Người bệnh bị gout kéo dài có thể làm biến dạng các khớp và gây ra những dị tật vĩnh viễn.

Rối loạn chuyển hóa acid uric có thể gây ra bệnh gout
Rối loạn chuyển hóa acid uric có thể gây ra bệnh gout

2.2 Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường loại 2

Rối loạn chuyển hóa axit uric thường không gây trực tiếp bệnh đái tháo đường nhưng có một số nghiên cứu chỉ ra mối liên kết giữa mức độ axit uric cao và tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ axit uric cao có thể liên quan đến sự giảm khả năng sử dụng insulin hoặc tăng sự kháng insulin trong cơ thể. Insulin là một hormone ức chế sự chuyển hóa glycogen thành glucose đi vào trong máu. Nếu cơ thể bị thiếu hụt quá nhiều insulin thì glycogen sẽ không ngừng chuyển hóa thành glucose và đưa lượng đường thừa thãi này vào trong máu gây nên bệnh tiểu đường.

2.3 Rối loạn lipid máu

Tăng acid uric máu thường gây ra tình trạng rối loạn lipid máu, đặc biệt là tăng triglyceride (chất béo trung tính) và giảm hàm lượng cholesterol HDL (cholesterol tốt) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao và các vấn đề tim mạch như: xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim…

2.4 Béo phì

Theo những thống kê gần đây, người thừa cân, béo phì có chức năng đào thải acid uric qua thận kém và có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn gấp 4 lần so với những người bình thường.

2.5 Bệnh thận mạn

Ở những người mắc bệnh thận, acid uric bị giảm thải trừ nên tích tụ ở nồng độ cao trong máu. Ngược lại, khi acid uric trong máu cao, thận cũng dễ hình thành sỏi, gây ra tổn thương và suy giảm chức năng.

3. Làm sao để hạn chế rối loạn chuyển hóa axit uric?

Để hạn chế rối loạn chuyển hóa axit uric và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn và lối sống như sau: 

3.1 Hạn chế thực phẩm giàu purine

Hạn chế tiêu thụ các loại thức phẩm giàu purine chẳng hạn như:

  • Thịt đỏ
  • Nội tạng động vật
  • Các loại cá biển như cá ngừ, cá mòi, cá cơm, cá trích, cá thu…
  • Các loài động vật giáp xác như: cua, ghẹ, hà biển…

3.2 Hạn chế đường và đồ ngọt

Cần hạn chế các loại đường được thêm vào thực phẩm bao gồm đường tinh luyện, các loại xi-rô. Theo nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy việc hấp thụ đường tinh luyện nhanh hơn sẽ làm tăng lượng đường trong máu của bạn và dẫn đến lượng axit uric cao hơn. Dưới đây là một số cách đơn giản nhưng hiệu quả để giảm lượng đường nạp vào hàng ngày:

  • Lựa chọn thực phẩm tự nhiên;
  • Hạn chế thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn;
  • Kiểm tra nhãn thực phẩm để biết hàm lượng đường bổ sung có trong các loại đồ ăn để có những sự lựa chọn phù hợp;
  • Làm dịu cơn thèm ngọt bằng các loại trái cây tươi;
  • Thay thế đồ uống chứa nhiều đường đường bằng nước lọc, các loại đồ uống không đường như trà, cà phê…

Uống nhiều nước hơn

Thận lọc khoảng 70% axit uric trong cơ thể bạn, uống nhiều nước giúp thận thải axit uric nhanh hơn. Việc uống đủ nước giúp hỗ trợ thận và có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận do axit uric. Duy trì thói quen uống đủ từ 1.5 -2L nước mỗi ngày, luôn mang theo một chai nước bên mình và đặt báo thức mỗi giờ để nhắc bạn uống nước. 

Hạn chế đường và đồ ngọt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày
Hạn chế đường và đồ ngọt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày

3.3 Tránh uống rượu, bia và đồ uống có cồn

Nghiên cứu từ năm 2021 cho thấy rượu, bia và đồ uống có cồn có thể gây ra nồng độ axit uric cao. Trong bia chứa hàm lượng purine cao hơn hẳn so với những loại đồ uống khác. Tuy nhiên, ngay cả rượu có hàm lượng purin thấp hơn cũng có thể làm tăng sản xuất purine. Rượu làm tăng quá trình chuyển hóa nucleotide, một nguồn purin khác có thể biến thành axit uric. Nó cũng ảnh hưởng đến tốc độ bài tiết axit uric, dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong máu.

3.4 Uống cà phê

Nghiên cứu từ năm 2016 cho thấy cà phê có thể giúp giảm nồng độ axit uric huyết thanh theo hai cách chính: nó cạnh tranh với enzyme phân hủy purin trong cơ thể, làm giảm tốc độ sản xuất axit uric và làm tăng tốc độ cơ thể bạn bài tiết axit uric. Tuy nhiên, bạn chỉ nên uống từ 1-2 ly cà phê mỗi ngày, tiêu thụ quá liều caffein có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe như: mất ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ. gây lo lắng, bồn chồn…

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn để chứng minh liệu cà phê có thể ảnh hưởng đến nồng độ axit uric như thế nào.

3.5 Quản lý cân nặng

Lượng chất béo dư thừa tích tụ trong cơ thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric. Cân nặng tăng lên có thể khiến thận của bạn hoạt động kém hiệu quả hơn. Từ đó, làm gia tăng quá trình sản xuất axit uric trong cơ thể, đồng thời giảm sự bài tiết axit uric qua nước tiểu.

3.6 Quản lý lượng đường trong máu

Cá nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy, sự tăng axit uric máu và sự phát triển của bệnh tiểu đường cùng các biến chứng liên quan có mối quan hệ lẫn nhau. Những người có lượng đường trong máu cao, chẳng hạn như những người mắc bệnh tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, cũng có nguy cơ gia tăng các tác dụng phụ của việc tăng axit uric máu. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định mối liên kết này.

3.7 Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày

Ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm nồng độ axit uric, đồng thời cũng có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu và lượng insulin. Nó có tác dụng làm tăng cảm giác no, tránh tình trạng ăn uống không kiểm soát. Hầu hết người trưởng thành cần khoảng 22–34 gam chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày, chất xơ cần được tăng từ từ để tránh gây ra những tình trạng khó chịu cho hệ tiêu hóa.

3.8 Tăng cường bổ sung vitamin C

Năm 2021, một nghiên cứu đã chỉ ra ra rằng lượng vitamin C cao có thể hỗ trợ giảm mức axit uric trong máu. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu chính xác vitamin C ảnh hưởng đến nồng độ axit uric như thế nào.

Lượng vitamin C được các chuyên gia khuyến nghị hàng ngày cho người trưởng thành  là 75 - 120 miligam (mg). Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây và rau củ, ví dụ như trong: cam, ổi, bưởi, quýt...

3.9 Ăn quả anh đào hàng ngày

Nghiên cứu năm 2019 đã đã chỉ ra việc ăn quả anh đào và uống nước ép anh đào có thể giúp giảm mức axit uric ở những người mắc bệnh gút. Quả anh đào có chứa thành phần anthocyanin - một hợp chất chống oxy hóa và chống viêm khiến chúng có màu đỏ. Quả anh đào cũng là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin C rất dồi dào. Hàng ngày, việc duy trì thói quen ăn một vài quả anh đào hoặc nhấm nháp một ít nước ép anh đào không đường, sẽ giúp cải thiện tình trạng rối loạn chuyển hóa uric. 

3.10 Kiểm tra thuốc và thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng

Một số loại thuốc và chất bổ sung có thể khiến axit uric tích tụ. Bao gồm các:

  • Aspirin
  • Thuốc lợi tiểu
  • Vitamin B-3 (niacin)
  • Thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine và tacrolimus
  • Pyrazinamide - một loại thuốc điều trị bệnh lao
  • Levodopa, một loại thuốc điều trị bệnh Parkinson
  • Thuốc chẹn beta, thuốc ức chế ACE và các loại thuốc huyết áp khác

Nếu bạn dùng những thứ này và bị tăng axit uric máu, hãy trao đổi với bác sĩ để xác định loại thuốc thay thế.

3.11 Tăng cường hoạt động thể lực

Thực hiện hoạt động thể chất đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần để duy trì cân nặng khỏe mạnh và cải thiện chuyển hóa axit uric. Đi bộ, đạp xe, bơi lội và tập thể dục nhẹ là những lựa chọn tốt dành cho bạn. 

3.12 Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bạn có vấn đề rối loạn chuyển hóa axit uric hoặc có bất kỳ triệu chứng nào liên quan. Dựa trên thông tin về tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị kịp thời và đưa ra những đề xuất về thay đổi lối sống như tăng cường hoạt động vận động và điều chỉnh chế độ ăn dành riêng cho bạn. 

Tóm lại, bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong những thói quen sinh hoạt thường ngày, bạn có thể kiểm soát hiệu quả nồng độ axit uric trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa axit uric. Hãy chú ý chăm sóc cơ thể của bạn từ ngay hôm nay để có thể tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh và tươi sáng hơn.

Tài liệu tham khảo: healthline.com/, 

Bài viết của Cử nhân Y khoa Cấn Thị Mai Huê xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
Chất béo chuyển hóa: Rắc rối kép!

Chất béo chuyển hóa: Rắc rối kép!

Cơ thể cần bao nhiêu chất béo 1 ngày?

Cơ thể cần bao nhiêu chất béo 1 ngày?

Các triệu chứng rối loạn chuyển hóa lipoprotein

Các triệu chứng rối loạn chuyển hóa lipoprotein

Vì sao các bệnh rối loạn chuyển hóa không chữa khỏi được hoàn toàn?

Vì sao các bệnh rối loạn chuyển hóa không chữa khỏi được hoàn toàn?

Cảnh báo nguy cơ rối loạn chuyển hóa acid uric ở người thừa cân

Cảnh báo nguy cơ rối loạn chuyển hóa acid uric ở người thừa cân

37

Bài viết hữu ích?