Zalo

Khi nào cần xét nghiệm Magie trong máu?

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Magie (hay magnesium) là khoáng chất quan trọng để cơ thể sản xuất năng lượng, duy trì chức năng thần kinh và xương chắc khỏe. Magie được bổ sung thông qua chế độ ăn uống, được hấp thu tại ruột non và ruột kết. Xét nghiệm magnesium có thể được sử dụng để đánh giá nồng độ khoáng chất này trong máu, qua đó xác định nguyên nhân gây thay đổi nồng độ magie, canxi hoặc kali. Vậy xét nghiệm magie trong máu thực hiện thế nào?

1. Xét nghiệm magie máu là gì?

Xét nghiệm magie (gọi tắt là xét nghiệm Mg) trong máu, hoặc đôi khi là trong nước tiểu đây là một trong những xét nghiệm chất khoáng thường gặp. Nồng độ magie bất thường gặp trong một số tình trạng hoặc bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng bài tiết (tăng hoặc giảm) qua thận hoặc suy giảm khả năng hấp thụ ở ruột. Khi đó, xét nghiệm magie trong máu có thể được bác sĩ chỉ định nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vấn đề về thận hoặc đái tháo đường không kiểm soát được, và đôi khi còn hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Nồng độ magie trong máu thấp kéo dài có thể kéo theo hạ canxi và kali máu, do đó xét nghiệm Mg có thể hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề liên quan đến chuyển hóa canxi, kali, phốt pho hoặc hormon cận giáp (yếu tố điều hòa quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể).

xét nghiệm magie trong máu
Nồng độ magie bất thường gặp trong một số tình trạng hoặc bệnh lý

Xét nghiệm Magnesium có thể thực hiện thường xuyên nhằm mục đích theo dõi phản ứng của cơ thể khi sử dụng các chế phẩm bổ sung đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Bên cạnh đó, xét nghiệm Mg còn được chỉ định kết hợp với xét nghiệm canxi và phốt pho để theo dõi việc bổ sung canxi.

Magie được dự trữ trong xương, tế bào và mô. Thông thường, chỉ có khoảng 1% tổng lượng magie trong cơ thể tồn tại trong máu, do đó việc đo lường chính xác tổng lượng magie chỉ từ xét nghiệm máu là rất khó khăn. Tuy nhiên, xét nghiệm magie máu vẫn hữu ích để đánh giá tình trạng magie của bệnh nhân. Nhiều loại thực phẩm có chứa một lượng nhỏ magie, đặc biệt là các loại rau xanh như rau bina, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt. Thực phẩm có chất xơ thường cũng là nguồn cung cấp magie hiệu quả. Cơ thể duy trì nồng độ magie tối ưu bằng cách điều chỉnh lượng hấp thụ, bài tiết hoặc dự trữ trong thận.

Sự thiếu hụt magie có thể xảy ra ở người bị suy dinh dưỡng, mắc các tình trạng gây kém hấp thu và tăng đào thải qua thận. Tăng magie máu có thể gặp khi uống các thuốc kháng acid dạ dày có chứa magie và do suy giảm khả năng bài tiết qua thận. Tuy nhiên hiếm khi xảy ra tình trạng tăng magie máu có ý nghĩa trên lâm sàng do thận có khả năng điều chỉnh tăng bài tiết khi cần thiết.

Người thiếu magie mức độ nhẹ đến trung bình có thể không có hoặc có ít triệu chứng và không đặc hiệu. Sự thiếu hụt dai dẳng hoặc nghiêm trọng có thể gây buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, lú lẫn, chuột rút cơ, co giật, thay đổi nhịp tim và cảm giác tê/ngứa ran. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi và làm trầm trọng thêm tình trạng hạ canxi máu. Các triệu chứng thừa magie có thể tương tự như triệu chứng thiếu hụt, bao gồm buồn nôn, yếu cơ, chán ăn và nhịp tim không đều.

xét nghiệm magie trong máu
Bác sĩ điều trị có thể yêu cầu xét nghiệm magie để kiểm tra tình trạng thiếu hụt 

2. Khi nào cần xét nghiệm magie trong máu?

Xét nghiệm magie máu có thể là một giải pháp để theo dõi khi nồng độ canxi và kali máu thấp mãn tính. Xét nghiệm này cũng có thể được chỉ định ở người có các triệu chứng có thể do thiếu magie, chẳng hạn như yếu cơ, giật cơ, chuột rút, nhầm lẫn, rối loạn nhịp tim và co giật.

Bác sĩ điều trị có thể yêu cầu xét nghiệm magie để kiểm tra tình trạng thiếu hụt như là một phần của quá trình đánh giá tình trạng kém hấp thu, suy dinh dưỡng, tiêu chảy hoặc nghiện rượu. Xét nghiệm này cũng có thể được thực hiện ở bệnh nhân đang dùng thuốc có thể khiến thận tăng bài tiết magie.

Nếu cần bổ sung magie hoặc canxi, bác sĩ có thể xét nghiệm magie định kỳ nhằm theo dõi hiệu quả điều trị. Đối với bệnh nhân rối loạn chức năng thận hoặc đái tháo đường không kiểm soát được, xét nghiệm magie trong máu cũng có thể được chỉ định định kỳ. Các xét nghiệm khác như BUN và creatinin cũng có thể được sử dụng để theo dõi chức năng thận và đảm bảo cơ thể không bài tiết hoặc giữ lại magie quá mức.

Vì magie là một chất điện giải nên xét nghiệm magnesium có thể chỉ định cùng với các xét nghiệm điện giải khác như natri, kali, clorua, bicacbonat, canxi và phốt pho… nhằm đánh giá tổng thể sự cân bằng điện giải trong cơ thể. Nếu nồng độ magie máu thấp thì không có gì khó hiểu khi nồng độ kali cũng thấp, vì hạ magie máu kéo dài sẽ kéo theo hạ kali máu kháng trị. Một vấn đề cần lưu ý là nồng độ magie trong máu sẽ giảm trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ do máu bị pha loãng.

Các chuyên gia cho biết, nồng độ magie máu bình thường không nhất thiết phản ánh tổng lượng dự trữ khoáng chất này trong cơ thể. Cơ thể có cơ chế duy trì nồng độ magie trong máu tương đối ổn định và sẽ giải phóng nó từ xương và các mô để đảm bảo điều này. 

Một số thuốc có thể làm tăng magie máu, bao gồm lithium, aspirin, thuốc tuyến giáp, một số loại kháng sinh, thuốc nhuận tràng và muối magie. Ngược lại, digoxin, cyclosporine, lợi tiểu, insulin, một số kháng sinh, phenytoin, thuốc kháng acid… có thể làm giảm magie máu.

3. Quy trình xét nghiệm magie máu

Đối với xét nghiệm magie máu, mẫu bệnh phẩm phải được lấy tại phòng xét nghiệm, bệnh viện hoặc phòng khám của bác sĩ.

3.1. Lưu ý trước xét nghiệm Mg

Nếu chỉ làm xét nghiệm máu để tìm magie, thông thường bạn sẽ không phải tuân theo bất kỳ yêu cầu chuẩn bị đặc biệt nào. Tuy nhiên, đối với xét nghiệm magie RBC, bác sĩ có thể yêu cầu bạn hạn chế bổ sung vitamin hoặc khoáng chất trong ít nhất 1 tuần trước khi lấy máu.

Tương tự, nếu đang xét nghiệm magie như một phần của xét nghiệm toàn diện, bạn có thể cần phải nhịn ăn trước đó từ 8 đến 12 giờ.

3.2. Lưu ý trong khi xét nghiệm Mg

Khi mẫu bệnh phẩm được lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay, một dây garo thường sẽ được buộc quanh cánh tay để tăng lưu lượng máu và giúp nhân viên y tế tiếp cận tĩnh mạch dễ dàng hơn. Kỹ thuật viên sẽ vệ sinh vùng da gần tĩnh mạch cần lấy máu bằng dung dịch khử trùng, sau đó đâm kim để lấy đủ lượng máu yêu cầu.

Việc lấy máu thường chỉ kéo dài trong vài phút, đôi khi gây cảm giác đau nhẹ nhưng hầu hết mọi người sẽ chỉ cảm thấy hơi nhói khi kim đâm vào.

3.2. Lưu ý sau xét nghiệm Mg

Bạn có thể quay lại các hoạt động bình thường sau khi xét nghiệm hoàn thành. Nếu cảm thấy đau nhẹ hoặc nhận thấy vết bầm tím xung quanh vị trí chọc kim, các bác sĩ cho biết nó sẽ nhanh chóng biến mất.

4. Kết quả xét nghiệm magie trong máu

Trong hầu hết các trường hợp, kết quả xét nghiệm magie máu sẽ có trong vòng vài ngày làm việc.

Nồng độ magie trong máu thấp cho thấy bạn không tiêu thụ hoặc hấp thụ đủ, hoặc có vấn đề gây tăng đào thải magie khỏi cơ thể. Xét nghiệm magie trong máu thấp thường gặp trong những trường hợp sau:

  • Chế độ ăn uống thiếu magie, thường gặp ở người cao tuổi, suy dinh dưỡng hoặc nghiện rượu mãn tính;
  • Rối loạn tiêu hóa, như bệnh Crohn hay dò ruột;
  • Đái tháo đường không kiểm soát;
  • Suy tuyến cận giáp (ví dụ, sau phẫu thuật);
  • Sử dụng lợi tiểu kéo dài;
  • Tiêu chảy kéo dài;
  • Viêm cầu thận mãn tính;
  • Sau phẫu thuật;
  • Bỏng nặng;
  • Tiền sản giật.

Nồng độ magie trong máu cao hiếm khi do thực phẩm mà thường là kết quả của việc bổ sung quá mức hoặc giảm đào thải ra khỏi cơ thể. Xét nghiệm magie máu tăng thường gặp trong những tình huống sau:

  • Bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD);
  • Cường cận giáp;
  • Suy giáp;
  • Chấn thương mô;
  • Mất nước;
  • Nhiễm toan đái tháo đường;
  • Bệnh Addison;
  • Sử dụng thuốc kháng acid hoặc nhuận tràng có chứa magie;
  • Sử dụng aspirin kéo dài.

Nhìn chung, Magie rất quan trọng và cần thiết đối với sức khỏe. Tuy nhiên, bạn sẽ dễ bị thiếu khoáng chất này nếu thực hiện các chế độ ăn kiêng giảm cân. Trong trường hợp này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để xây dựng thực đơn giảm cân phù hợp. Đồng thời có thể cân nhắc sử dụng liệu pháp tiêu hao năng lượng để đạt được hiệu quả nhanh và bền vững hơn. Đây là phương pháp giảm cân đa trị liệu, được thực hiện bằng cách truyền tĩnh mạch các vi hoạt chất có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hóa. Cùng với chế độ ăn uống khoa học và tập luyện hợp lý, liệu pháp tiêu hao năng lượng sẽ giúp bạn đào thải mỡ tới cấp độ tế bào và giảm cân hiệu quả mà không gây mệt mỏi hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888 hoặc đăng ký tư vấn theo mẫu
Bài viết của Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Uyên xem thêm bài viết cùng tác giả
xem thêm
6 cách nhịn ăn gián đoạn tốt nhất có thể tự thực hiện tại nhà

6 cách nhịn ăn gián đoạn tốt nhất có thể tự thực hiện tại nhà

Gợi ý thực đơn giảm cân cho người trung niên

Gợi ý thực đơn giảm cân cho người trung niên

Trong bánh quy bao nhiêu calo và đường?

Trong bánh quy bao nhiêu calo và đường?

Uống dưa hấu có giảm béo không?

Uống dưa hấu có giảm béo không?

Thường xuyên ăn miến có giảm béo không?

Thường xuyên ăn miến có giảm béo không?

71

Bài viết hữu ích?