Zalo

Giá trị của xét nghiệm Anti Tg

Trang chủ | Tin tức | Thông tin Y khoa Theo dõi thông tin từ Dripcare trên google news
Xét nghiệm Anti Tg thường được chỉ định kết hợp với xét nghiệm Tg nhằm mục đích theo dõi và điều trị bệnh ung thư tuyến giáp. Mặc dù xét nghiệm Anti Tg cao không có giá trị chẩn đoán xác định nhưng lại giúp loại trừ các trường hợp có xét nghiệm Tg âm tính giả, đồng thời phát hiện ung thư tái phát và cả tình trạng di căn.

1. Xét nghiệm Anti Tg là gì?

Tg trong Anti Tg là viết tắt của Thyroglobulin, bản chất là protein, được tổng hợp bởi tế bào nang giáp và phóng thích vào máu cùng các hormon giáp. Theo các chuyên gia, Tg được đánh giá là một dấu ấn sinh học trong bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa chưa điều trị, ngoài ra xét nghiệm Tg còn được sử dụng nhằm theo dõi hiệu quả điều trị và nguy cơ tái phát của ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang. Bên cạnh các bệnh ác tính, Tg còn tăng trong một số tình trạng lành tính như bướu giáp đơn thuần, bệnh Basedow, suy giáp bẩm sinh hoặc một số dạng u hạch lành tính… Khi xảy ra hiện tượng tự miễn dịch, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể Anti-Thyroglobulin, gọi tắt là Anti Tg, nhằm mục đích phá hủy Thyroglobulin. Theo các chuyên gia, tự miễn dịch là tình trạng xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể để tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Nguyên lý này giúp giải thích lý do tại sao các bệnh nhân viêm tuyến giáp tự miễn có xét nghiệm Anti Tg cao. Ngoài ra, xét nghiệm Anti Tg cao kết hợp xét nghiệm kháng thể Anti TPO cao hiện diện ở hầu hết bệnh nhân viêm giáp thâm nhiễm lympho bào mạn tính (còn được gọi là bệnh Hashimoto).

Xét nghiệm Anti Tg được thực hiện trên mẫu bệnh phẩm là mẫu máu
Xét nghiệm Anti Tg được thực hiện trên mẫu bệnh phẩm là mẫu máu

2. Chỉ định của xét nghiệm Anti Tg là gì?

Xét nghiệm Anti Tg thường được chỉ định đồng thời với xét nghiệm Thyroglobulin ở những bệnh nhân có những biểu hiện của rối loạn chức năng tuyến giáp, ví dụ như:

  • Mệt mỏi thường xuyên;
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân;
  • Da khô;
  • Táo bón.

Ngoài ra, xét nghiệm Anti Tg còn được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp như:

  • Trước và định kỳ sau phẫu thuật hoặc điều trị bằng phóng xạ I-131 với bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa nhằm mục đích đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện nguy cơ tái phát hay di căn;
  • Bướu giáp phát triển;
  • Kích thước tuyến giáp to;
  • Nghi ngờ có hiện tượng rối loạn tự miễn dịch.

3. Ý nghĩa xét nghiệm Anti Tg

Thyroglobulin (Tg) không được bài tiết vào hệ tuần hoàn trong điều kiện sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, khi nang giáp bị phá hủy do viêm (như viêm tuyến giáp hay suy giáp tự miễn), do xuất huyết (bướu cổ dạng nốt) hay do sự phát triển nhanh chóng của mô giáp bị rối loạn (gặp trong bệnh Graves hoặc u tuyến giáp nguồn gốc tế bào nang) sẽ dẫn đến rò rỉ Tg vào máu. Khi đó cơ thể sẽ hình thành các tự kháng thể đối với Tg (gọi là Anti-Tg). Với cơ chế tương tự, việc tiếp xúc giữa các kháng nguyên tuyến giáp "ẩn" khác với hệ thống miễn dịch đều sẽ dẫn đến hình thành các tự kháng thể, trong đó đặc biệt phải kể đến là Anti-TPO. Theo bác sĩ, ý nghĩa xét nghiệm Anti Tg rất hữu ích trong quá trình theo dõi và chẩn đoán phân biệt bệnh viêm giáp Hashimoto, trong đó bao gồm các trường hợp nghi ngờ viêm giáp tự miễn không rõ nguyên nhân với kết quả Anti-TPO âm tính, hoặc xét nghiệm Anti Tg còn dùng để phân biệt bệnh viêm giáp Hashimoto với bướu hạt độc tuyến giáp hoặc các dạng khác của viêm tuyến giáp. Xét nghiệm Anti Tg cao còn được sử dụng như một dấu ấn sinh học thay thế hữu ích để chẩn đoán ung thư tuyến giáp khi xét nghiệm Tg huyết thanh âm tính hoặc giúp loại trừ tình trạng nhiễu do một số kháng thể kháng Tg khác.

Xét nghiệm Anti Tg rất hữu ích trong quá trình theo dõi và chẩn đoán phân biệt bệnh viêm giáp Hashimoto
Xét nghiệm Anti Tg rất hữu ích trong quá trình theo dõi và chẩn đoán phân biệt bệnh viêm giáp Hashimoto

4. Nguyên lý và cách đọc kết quả xét nghiệm Anti Tg

Xét nghiệm Anti Tg thực hiện theo nguyên lý cạnh tranh, bao gồm các thời kỳ như sau:

  • Thời kỳ ủ đầu tiên: Khoảng 6 µL mẫu thử được ủ với Thyroglobulin đã được đánh dấu bằng Biotin và đảm bảo kháng thể của mẫu đã liên kết với kháng nguyên;
  • Thời kỳ ủ thứ hai: Sau khi thêm kháng thể kháng Tg đánh dấu phức hợp Ruthenium và các vi hạt phủ Streptavidin, phức hợp miễn dịch tạo thành gắn kết chặt hơn thông qua sự tương tác giữa Biotin và Streptavidin.

Cuối cùng, hỗn hợp phản ứng sẽ được chuyển đến buồng đo. Tại đây các vi hạt đối từ được bắt giữ trên bề mặt điện cực còn những thành phần không gắn kết sẽ bị thải ra ngoài buồng đo bởi dung dịch ProCell II M. Bước tiếp theo sẽ cho điện áp vào điện cực để tạo ra sự phát quang hóa học và được đo bằng bộ khuếch đại quang tử. Các kết quả được xác định thông qua một đường chuẩn xét nghiệm trên máy, được tạo ra bởi xét nghiệm 2‑điểm chuẩn và thông tin đường chuẩn chính vượt qua mã vạch quy định trên hộp thuốc thử hoặc mã vạch điện tử. Cách đọc kết quả xét nghiệm Anti Tg:

  • Trị số bình thường: < 115 IU/mL;
  • Xét nghiệm Anti Tg cao gặp trong một số bệnh lý tuyến giáp như viêm tuyến giáp Hashimoto, ung thư giáp hay Basedow;
  • Xét nghiệm Anti Tg giảm trong được dùng để đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi diễn tiến của những bệnh lý nêu trên.

Một số yếu tố có thể gây sai lệch kết quả xét nghiệm Anti Tg. Tuy nhiên, kết quả sẽ không bị ảnh hưởng khi:

  • Huyết thanh vàng với nồng độ Bilirubin < 1129 µmol/L hoặc < 66 mg/dL;
  • Tán huyết với Hemoglobin < 1.05 mmol/L hoặc <1.69 g/dl;
  • Huyết thanh đục với Triglyceride < 2000 mg/dl;
  • Biotin < 60 ng/ml. Trường hợp sử dụng Biotin với liều trên 5mg/ngày cần tiến hành lấy máu xét nghiệm ít nhất sau 8 giờ tính từ lúc sử dụng Biotin lần cuối;
  • RF < 300 IU/mL.

Nồng độ Tg > 2000 ng/mL có thể dẫn gây tăng giả Anti Tg, khi đó kết quả xét nghiệm Anti Tg cao không nên được ghi nhận. Xét nghiệm máu là một phần quan trọng của cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán hoặc theo dõi một tình trạng bệnh lý cụ thể, giúp khách hàng chủ động theo dõi và quản lý sức khỏe, đặc biệt là với các khách hàng có vấn đề về cân nặng/ chuyển hóa. Xét nghiệm Anti Tg được thực hiện trên mẫu máu để chẩn đoán, theo dõi các bệnh lý tuyến giáp. Bạn có thể đến các trung tâm, phòng khám y tế uy tín để thực hiện. Sau khi có kết quả bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra những lời tư vấn phù hợp. giúp nâng cao sức khỏe cho người bệnh.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn tại phòng khám DripCare, Quý khách vui lòng bấm số 094 164 8888
Bài viết của Dược sĩ Đỗ Mai Thảo xem thêm bài viết cùng tác giả
ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
xem thêm
Ý nghĩa chỉ số iod trong xét nghiệm máu

Ý nghĩa chỉ số iod trong xét nghiệm máu

Xét nghiệm TSH là gì và giá trị của nó

Xét nghiệm TSH là gì và giá trị của nó

Xét nghiệm free T4 là gì và ai cần thực hiện ?

Xét nghiệm free T4 là gì và ai cần thực hiện ?

Mục đích của xét nghiệm Anti TPO là gì?

Mục đích của xét nghiệm Anti TPO là gì?

Xét nghiệm TSH có cần nhịn ăn không?

Xét nghiệm TSH có cần nhịn ăn không?

81

Bài viết hữu ích?