Tuyến giáp thuộc tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm ở vị trí trước và dưới của vùng cổ. Tuyến giáp gồm hai thuỳ: thuỳ trái và thuỳ phải, được nối với nhau bằng eo tuyến giáp.
Tuyến giáp có nhiệm vụ chính trong việc hấp thu hợp chất iod từ thực phẩm đưa vào cơ thể thông qua chế độ ăn hàng ngày. Sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành hormon tuyến giáp đi vào trong máu và được vận chuyển tới từng mô cơ quan trong cơ thể. Hoạt động này giúp cho cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, đảm bảo cho não, tim và các cơ quan khác thực hiện chức năng ổn định như điều hoà thân nhiệt, tăng cường hoạt động của não bộ, thúc đẩy quả trình trao đổi các chất trong cơ thể, đảm bảo và duy trì lượng canxi, phospho trong máu ở mức độ ổn định, kích thích sự phát triển của da, tóc, móng cũng như sự phát triển của hệ cơ xương…
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu được sử dụng để xác định mức độ hoạt động của tuyến giáp. Trong hoạt động này thì có 3 chỉ số xét nghiệm tuyến giáp được sử dụng khá phổ biến:
Thông thường khi nghi ngờ bệnh lý tuyến giáp các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm hormone TSH, FT4. Xét nghiệm huyết thanh chức năng tuyến giáp có đặc điểm khá đặc biệt về độ nhạy cũng như độ đặc hiệu trong chẩn đoán rối loạn phổ biến của tuyến giáp ở các cường giáp và suy giáp.
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất hormone quá nhiều gây ra triệu chứng như tăng cảm giác thèm ăn, giảm cân hoặc không chịu được nhiệt độ cao, tim có thể đập nhanh hơn kèm theo trạng thái lo lắng, khó ngủ. Với những bệnh nhân có nghi ngờ cường giáp thì nồng độ FT4 có thể ở mức bình thường hoặc ở mức ranh giới và cần chỉ định thêm xét nghiệm FT3 để đánh giá chức năng tuyến giáp cũng như chẩn đoán cường giáp do hormon T3 gây ra. Còn ngược lại, với tình trạng suy giáp xảy ra khi sản xuất hormone quá ít gây ra triệu chứng như thân nhiệt hạ, giảm hoạt động quá trình trao đổi chất trong cơ thể, cơ thể tăng trưởng chậm, nhịp tim chậm, nhu cầu sinh lý giảm đôi khi gặp tình trạng trầm cảm.
Trong xét nghiệm chức năng tuyến giáp đặc biệt là xét nghiệm huyết thanh TSH sẽ được khuyến cáo thực hiện để sàng lọc cho tất cả nam giới có độ tuổi trên 65 và phụ nữ trên 35 tuổi. Những người có yếu tố nguy cơ bệnh lý tuyến giáp cũng cần được chỉ định xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường xuyên bao gồm: những người trên 70 tuổi, người có tiền sử mắc các bệnh tự miễn, người có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp, người trong gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp, phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ đang nuôi con bú trong khoảng 6 tháng đầu.
Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của mô não và mô sinh trưởng ở bào thai và trẻ sơ sinh. Vì vậy thực hiện xét nghiệm TSH và Ft4 thường được khuyến nghị áp dụng ở phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ sơ sinh để tầm soát bệnh sớm hơn. Tình trạng cường giáp hoặc suy giáp ở những người phụ nữ đang mang thai có thể gây ra nhiều hậu quả cho cả người mẹ và thai. Ở trẻ sơ sinh nếu không phát hiện sớm tình trạng suy giáp và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng khuyết tật ở trẻ cả về thể chất và trí tuệ.
Phạm vi kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp mức bình thường ở mỗi người có thể khác nhau hoặc có thể còn phụ thuộc vào cả phương pháp thực hiện xét nghiệm.
Trị số tham chiếu thường trong khoảng từ 0.27 đến 4.31μUI/mL. Chỉ số TSH càng cao thì càng gợi ý được bằng chứng về khả năng suy giáp. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormon T3, T4 thì lúc này tuyến yên sẽ tiết nhiều TSH nhằm kích thích tuyến giáp sản xuất hormone. Còn trường hợp TSh thấp có thể báo hiệu chứng cường giáp và lúc này tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon T3, T4 đồng thời tuyến yên sẽ sản xuất ít TSH hơn nhờ cơ chế điều hoà ngược.
Nồng độ TSH có thể tăng trong các trường hợp như suy giáp nguồn gốc tại tuyến giáp, cường giáp nguồn gốc tại tuyến yên, kháng thể kháng TSH, sử dụng thuốc gây suy giáp trạng, sản xuất TSH lạc chỗ, viêm tuyến giáp, sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp, suy tuyến thượng thận tiên phát, giảm thân nhiệt,
Ngược lại nồng độ TSH giảm trong các trường hợp: cường giáp nguồn gốc tại tuyến giáp, suy giáp nguồn gốc tại tuyến yên hay dưới đồi, tuyến giáp đa nhân, sử dụng thuốc điều trị tuyến giáp, hội chứng não thực thể…
Trị số tham chiếu của xét nghiệm FT4 trong khoảng từ 0.82 đến 1.85mg/dL. Nồng độ FT4 tăng lên trong các trường hợp như cường chức năng tuyến giáp, bệnh hashimoto ở giai đoạn sớm, sản xuất T4 nhầm chỗ, bướu giáp độc, viêm tuyến giáp. Ngược lại nồng độ FT4 giảm xuống trong trường hợp suy chức năng tuyến giáp, bướu cổ đơn thuần, viêm tuyến giáp hashimoto, nhiễm thiết huyết tố, xơ cứng bì…
Trị số tham chiếu của xét nghiệm FT3 trong khoảng từ 2.1 đến 3.8pg/ml. Nồng độ FT3 tăng trong trường hợp cường giáp, nhiễm độc giáp do T3, ung thư tuyến giáp, viêm tuyến giáp. Ngược lại nồng độ FT3 giảm xuống trong trường hợp suy giáp, sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, bệnh lý mãn tính…
Các kết quả xét nghiệm của cả ba chỉ số xét được xem xét cùng nhau để phân biệt các trường hợp cường giáp và suy giáp, các nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi của nồng độ hormone..
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp được thực hiện bằng việc định lượng hormon tuyến giáp trên huyết thanh. Khi đó nhân viên y tế sẽ sử dụng kim tiêm để lấy mẫu máu trên tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay của người bệnh. Mẫu máu thu nhận được sẽ được lưu giữ trong ống nghiệm và gửi đến phòng thí nghiệm phân tích kết quả.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp không yêu cầu bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi thực hiện lấy máu. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ngừng sử dụng một số loại thức ăn nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác.
2660
Bài viết hữu ích?
Bài viết hữu ích?
2660
Bài viết hữu ích?